Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

ĐĐVU 19 / CÒN TRONG HOÀI NIỆM / Ngô Thị Ngọc Anh

Kính dâng hương hồn Mẹ,
người luôn nhắc những kỷ niệm tuổi thơ của con,
để con có những hồi ức viết bài này.
 Tôi theo Đạo khi chưa hiểu biết gì về Đạo. Nghe thật lạ, phải không? Thật ra đó là vì gia đình tôi thuộc đạo dòng: Ông nội tôi, bác và ba tôi và dĩ nhiên đến tôi đều là tín đồ Cao Đài.
Ba tôi là một công nhân nghèo, dệt thuê ở Điện Bàn, Quảng Nam, nghèo đến mức phải bỏ xứ mà đi với mảnh giấy báo gói hai bộ đồ cũ. Tôi vào Sài Gòn khi còn ẵm ngửa trên tay. Tuổi thơ của tôi lớn dần cùng với sự thiếu thốn nhưng đầy ắp tình yêu thương của cha mẹ.
Khi tôi được sáu tuổi, một hôm ba tôi nói:
- Ngày mai gia đình mình đi thánh thất.
- Thánh thất là gì vậy ba?
- Đi đến đó thì con biết thôi.
Đường từ nhà tôi đến thánh thất thật xa.
Khi tôi hỏi chừng nào thì đi tới, ba tôi nói:
- Khi nào con thấy qua cổng xe lửa thì đến.
Đến nơi tôi mới biết đó là thánh thất Từ Vân (bấy giờ chưa quy hiệp Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài). Thánh thất rất đông vui, người nào cũng tay xách nách mang: nào là hoa, nào là trái cây, v.v... Về sau, khi đã trưởng thành, tôi mới biết hôm đó là ngày thành lập họ đạo Nam Phần (tức là họ đạo Trung Minh hiện nay).
Sau khi hướng dẫn tôi làm lễ ở bửu điện, ba mẹ tôi ngồi họp, còn tôi và các em cùng những bạn nhỏ khác xúm xít chơi đùa bên những gốc cây.
Trong vài năm sau đó, gia đình tôi vẫn đi lễ bái tại thánh thất Từ Vân. Cứ mỗi lần đi qua cổng xe lửa là chúng tôi reo lên:
- Sắp tới rồi!
Tôi nhớ mãi, mỗi lần gặp tôi là chú Chín Khôi (anh lớn Huệ Minh) lại bẹo má và trêu:
- Cái gối ôm của chú, tới đây!
Vì thuở bé, tôi tròn như cái gối ôm.
Một hôm, ba tôi nói với mẹ tôi:
- Họ đạo ngày một đông. Thánh thất Từ Vân thì cũng xa và cũng chỉ là nhờ tạm, có lẽ phải cố gắng xây dựng một thánh thất mới.
Những ngày tháng sau đó, ba tôi thường đi liên tục. Khi thì họp bàn với bác Ba Hoanh, chú Chín Khôi, bác Thanh Vân; khi thì tính toán gì đó với bác Sáu Tiến, bác Phạm Lầu, bác Ba Tài, v.v... ; khi thì đi quyên góp tiền bạc nơi này nơi kia.
Một hôm, ba tôi nói:
- Cuối cùng thì cũng xong! Cũng nhờ bác Bằng chí tình giúp đỡ, mình sắp có thánh thất ở gần rồi, con ạ.
Ngôi thánh thất lúc bấy giờ là hai gian nhà lợp tôn, nền xi măng, vách ván, hơi thấp và khá nóng. Khi ba tôi chở tôi đến xem, tôi ngạc nhiên và hỏi:
- Ba ơi, sao thánh thất mình có cái giếng ở trong nhà vậy ba? Chẳng có cây cối gì hết, lại còn nóng nữa, con chẳng thích chút nào.
- Rồi mình sẽ từ từ sửa sang lại mà con.
Buổi họp hôm ấy, các bác và ba tôi mừng lắm. Mong ước bao lâu nay đã thành hiện thực. Phải một thời gian khá dài về sau thánh thất mới được chỉnh trang; ba tôi lại cùng các đạo hữu khác xăn tay vào sửa chữa, trang trí. Khi mọi việc tạm ổn định, tôi được biết thánh thất mang tên Trung Minh.
Tôi vẫn còn nhớ, một hôm ba tôi mang về một cây vải màu xanh da trời và một cuộn ren màu trắng. Cái màu xanh thật dịu dàng và chất liệu vải mới mềm mại làm sao! Ba tôi nói với mẹ tôi:
- Có lẽ phải cắt mỗi đoạn dài 3 mét hoặc 3,5 mét. Để anh đi đo lại cho chính xác.
Rồi ba nói với tôi:
- Con có muốn làm công quả không?
- Con đâu có tiền mà làm công quả!
Lúc bấy giờ tôi đã mười mấy tuổi nhưng vẫn nghĩ đơn giản công quả chỉ là đóng góp tiền bạc.
- Đâu cần phải có tiền, con ạ.
- Vậy con sẽ làm gì đây?
- Mẹ sẽ cắt khúc vải xanh này thành từng đoạn, con nối với nhau để may thành hai tấm màn. Nhớ may bèo nhún phía trên và kết ren, làm cho thiệt đẹp, nghe con!
Thế là suốt buổi chiều và sáng hôm sau, tôi ngồi cặm cụi may, trong lòng cứ thắc mắc: Màn để làm gì?
Khi thánh thất đã sửa chữa xong, ngày đầu tiên đến thánh thất, bước vào làm lễ, tôi rất vui mừng. Bức màn tôi may được giăng trước bửu điện Đức Chí Tôn, bấy giờ chỉ là phần ngăn ra của tầng trệt vì chưa có lầu.
Từ đó, thánh thất Trung Minh là cái nôi trưởng dưỡng đức tin và đời sống tinh thần của tôi. Tôi sinh hoạt trong Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn, bấy giờ huynh trưởng Nguyễn Hồng Văn ([1]) là Phân Đoàn Trưởng. Những buổi học giáo lý do đạo trưởng Huệ Lương,([2]) hoặc bác Thanh Long,([3]) bác Trần Luyện phụ trách đã giúp chúng tôi có những hiểu biết sâu sắc về Đạo, củng cố đức tin trong lòng tôi.
Trong sinh hoạt thanh niên, huynh trưởng Nguyễn Hồng Văn đã giúp tôi học sự hòa ái, khiêm cung, chu đáo của người trưởng dẫn dắt các em đồng sinh, thiếu sinh. Tôi cũng là người nữ duy nhất của Phân Đoàn Sài Gòn được cử về Đà Nẵng dự trại trường Hành Sơn I, một trại trường với bao kỷ niệm sâu sắc đến nỗi dù mấy mươi năm trôi qua tôi vẫn không quên được. Có lẽ tôi là trại sinh nhỏ tuổi nhất và cũng dở nhất của đội nữ duy nhất trong lần cắm trại đó. Nhưng tôi chẳng hề buồn chút nào, vì tôi học được nơi các anh, các chị nhiều kỹ năng hữu ích. Những kỹ năng đó giúp tôi vững vàng hơn sau này, khi trở thành trưởng của vườn Đồng, trưởng của Thanh Đoàn.
Thánh thất tạm ổn, tôi lại thấy ba và các bác tính toán việc gầy dựng nghĩa trang Trung Minh. Ba nói: “Khi sống đã là con chung một nhà, khi quá cố người đạo hữu phải có cùng nơi an nghỉ.”
Năm tôi hai mươi mốt tuổi (1971), đang là sinh viên sinh hoạt trong Sinh Viên Cao Đài Hội Thánh Truyền Giáo, một hôm ba tôi về nhà thông báo:
- Thánh thất sẽ chỉnh trang lại. Lần này làm lớn lắm vì sẽ xây dựng bằng vật liệu nặng, bê tông cốt sắt để xây lầu, mở rộng diện tích khang trang rộng rãi hơn. Cả nhà mình cùng tiết kiệm để có thêm tiền làm công quả cho việc xây dựng.
 Hơn sáu tháng sau, lễ khánh thành cho dịp tái thiết đầu tiên được cử hành. Quỳ trước bửu điện tôn nghiêm, ngước nhìn lên Thiên Nhãn, bức màn màu xanh lại đập vào mắt tôi, lòng tôi dạt dào cảm xúc nhớ lại chặng đường đã qua.
Cuối năm đó, ba tôi lâm bệnh nặng. Tháng 6 năm sau (1972), ba tôi qua đời. Trước khi mất, ba tôi dặn dò:
- Cả đời ba đã chung sức cùng mọi người xây dựng thánh thất Trung Minh; khi chết ba muốn được tiếp quy, nghe kinh Cao Đài. Hãy đưa ba về thánh thất đi con.
Vừa vào đến thánh thất, ba tôi được tiếp quy và rời xa chúng tôi mãi mãi.
Ngày đưa tang, trời âm u, con đường vào nghĩa trang lầy lội do trận mưa chiều hôm trước, xe không vào được, quan tài phải khiêng đi một quãng đường dài. Huyệt mộ được đào hôm trước đã ngập đầy nước. Các trưởng trong Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn đã phải nhảy xuống huyệt tát nước liên tục. Vậy mà khi hạ huyệt, nước lại tràn lên, quan tài chênh vênh như con thuyền, các anh phải đứng trên quan tài mới lấp đất xuống được. Mẹ và tôi khóc như mưa.
Ba tôi mất, gánh nặng gia đình đè nặng vai mẹ tôi. Năm ấy, tôi cũng vừa tốt nghiệp đại học, phải san sẻ gánh nặng với mẹ. Việc tu học sinh hoạt gần như giảm hẳn. Sau tháng 4 năm 1975, cũng như mọi người, gia đình tôi trải qua giai đoạn rất đỗi khó khăn. Những năm sau đó, do hoàn cảnh riêng, liên tục đi dạy xa thành phố, Thứ Bảy, Chủ Nhật đi học cao học, tôi trở thành người tín đồ bình thường, nếu không nói là kém cỏi: Mỗi năm vài lần đến thánh thất dâng lễ, công quả rồi ra về, không tham gia bất kỳ đạo sự nào.
Ngày 14-02 Quý Mùi (Chủ Nhật 16-3-2003), lễ khánh thành thánh thất Trung Minh lần thứ hai sau khi được chỉnh trang, tôi đến dự lễ và đã thực sự ngạc nhiên trước quy mô, vẻ khang trang của ngôi nhà thánh. Công sức của bao con người qua bao thế hệ trong thời gian dài đã đổ vào đây. Tôi quỳ trước bửu điện tôn nghiêm, chí kỉnh chí thành cầu nguyện. Tấm màn xanh ngày xưa đã được thay bằng tấm màn mới màu vàng, lòng tôi thoáng chút ngậm ngùi.
Mùa xuân năm Ất Dậu (2005), từ cành mai vàng tươi, tôi nhận được bốn câu Đức Diêu Trì Kim Mẫu khuyên dạy:
Con hỡi con ơi, lo tu kíp kíp
Con hỡi con, còn kịp quay về
Về nơi bến giác trọn bề
Để xa bến muội sông mê cuộc đời.([4])
Tôi chợt giật mình nghĩ lại: Đã quá cái tuổi “tri Thiên mệnh”,([5]) với đời thì khá trọn nhưng với Đạo lại chưa tròn. Ba tôi đã một đời sống với Đạo, nhưng tôi lại chẳng đóng góp gì nhiều.
Xin cám ơn các huynh trưởng, các bạn cùng tôi sinh hoạt ngày xưa, nay đã là chức sắc, chức việc trong họ đạo, đã tạo thuận duyên cho tôi trở về cùng học, cùng tu, cùng làm việc đạo.
Mùa xuân năm Bính Tuất (2006), món quà đầu năm của tôi là lời Thầy dạy:
Đường về Thiên quốc mau lên
Có Thầy dẫn lối con nên vững lòng
Theo Thầy thì được thong dong
Không nghe thì mãi lòng vòng trầm luân.
Tôi vô cùng xúc động; Ơn Trên như đọc thấu tận đáy lòng của tôi.
Hơn mười năm về tham gia đạo sự trong xã đạo Chợ Lớn, trong Văn Phòng Nữ Phái, tôi luôn nguyện lòng cố gắng hoàn thành thật tốt mọi việc được giao với tinh thần trách nhiệm. Rồi tôi thọ pháp tu Linh Châu, đến Tướng Châu. Với tôi, hai câu kệ “Cao Đài niệm niệm kim quang hiện / Đoạn nghiệp trừ phiền đệ nhất châu” thật sự diệu huyền biết bao nhiêu! Mọi đau khổ, phiền não gần như lùi bước khi tôi cầm chuỗi châu trì niệm hằng ngày.
Năm 2012, mẹ tôi qua đời. Một lần nữa tôi cảm nhận được sự ấm áp chia sẻ của những người bạn đạo. Ngày đưa mẹ đi, mưa tầm tã, đường vào nghĩa trang ngập nước, xe không vào trong được, lại phải gánh vào. Kim tỉnh mới xây xong còn ướt nên khi gặp mưa bị vỡ, nước tràn vào đầy, lại phải nhảy xuống tát nước như lúc chôn ba tôi. Lịch sử lặp lại sau bốn mươi năm, chị em chúng tôi đau thắt từng đoạn ruột. Vất vả gần hai giờ đồng hồ mới hạ huyệt được, thế nhưng đạo huynh Đầu Họ Đạo, các huynh, tỷ, muội trong Ban Kinh Lễ, các đạo hữu trong xã đạo… vẫn kiên nhẫn chờ đợi để hành lễ cho trọn vẹn dù mưa thấm lạnh, áo quần vừa ướt vừa bẩn. Cám ơn lắm những tấm lòng thương yêu mà quý đạo hữu đã dành cho gia đình chúng tôi.
Tôi càng cố gắng thực hiện lời Thầy dạy vào đầu xuân Giáp Ngọ (2014):
Lời Thầy đã dặn đó này con
Con quyết lo sao chánh lý tròn
Tròn mối Đạo nhà còn tận độ
Độ người, mình trước phải lo tròn.
Và tôi cúi đầu cầu nguyện:
Con xin dâng Thầy một lòng tin có Thầy
Con xin dâng Thầy đây tình yêu Thượng Đế
Con xin dâng Thầy trọn đời và mãi mãi
Con xin theo Thầy cứu rỗi cuộc đời con.([6])
NGÔ THỊ NGỌC ANH
Mùa hạ 2016


([1]) Nay là Giáo Sư Thượng Văn Thanh, Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
([2]) Quả vị Quảng Đức Chơn Tiên.
([3]) Quả vị Bảo Pháp Chơn Quân.
([4]) Mấy ngày Tết, các thánh sở Cao Đài thường chưng một chậu mai vàng khá to và treo lẫn vào cành hoa nhánh lá những phong bao đỏ, loại vẫn dùng để lì xì. Trong mỗi bao thay vì tiền lại là mẩu giấy chép một bài thơ tứ tuyệt hoặc bốn câu lục bát trích từ thánh giáo Cao Đài, nội dung khuyến tu, hoặc lời chúc xuân đạo đức. Như vậy, mỗi người từ thánh sở trở về nhà đều có thể mang theo một khổ (vé) thánh thi. Những khổ thánh thi hiền tỷ Ngọc Anh nhắc lại trong hồi ức này chính là những lộc xuân đầu năm “hái” tại thánh thất Trung Minh.
([5]) Luận Ngữ (2-4): ngũ thập nhi tri Thiên mệnh (năm mươi tuổi biết mệnh Trời)
([6]) Cao Hoài Nhân, Xin Dâng Ngài.
([7]) Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Quy Liễu.
([8]) Minh Lý Thánh Hội, 08-5 Quý Sửu (08-6-1973).
([9]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Canh Tuất (13-6-1970).
([10]) Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Kỷ Dậu (15-11-1969).
([11]) Minh Lý Thánh Hội, 08-12 Đinh Mùi (07-01-1968).
([12]) Minh Lý Thánh Hội, 26-02 Ất Mão (07-4-1975).
([13]) Trung Hưng Bửu Tòa, 17-6 Đinh Dậu (14-7-1957).
([14]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-01 Tân Hợi (10-02-1971).

CẢM NGHĨ CỦA VĂN UYỂN
Như từng có nhiều dịp bày tỏ trên Văn Uyển, chúng tôi luôn tha thiết mong ước đón nhận hồi ức của quý tín hữu Cao Đài gần xa, kể lại cơ duyên quý tín hữu trở thành “người con áo trắng” của Thầy Mẹ. Do đó, chúng tôi chân thành cảm tạ ban biên soạn kỷ yếu 60 Năm Trung Minh (1956-2016) và hiền tỷ Ngô Thị Ngọc Anh đã hoan hỷ cho phép in lại hồi ức này nơi đây.
Hiền tỷ Ngọc Anh là ái nữ cố huynh tỷ Ngô Trân và Nguyễn Thị Hồng. Sinh thời thân phụ hiền tỷ là một trong các vị tiền bối dày công góp phần xây dựng họ đạo Nam Phần (nay là họ đạo Trung Minh), và suốt đời tận tụy với Đạo Thầy cho đến khi “Thong dong cõi thọ nương hồn”.([7])
Hiền tỷ Ngọc Anh nghỉ hưu mười một năm nay, sau nhiều niên khóa giảng dạy tại trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TpHCM). Hiện thời hiền tỷ là Phó Trị Sự xã đạo Chợ Lớn, thuộc họ đạo Trung Minh (quận 11, TpHCM)…
Hồi ức đơn sơ mà dạt dào tình cảm của hiền tỷ nhắc chúng ta suy gẫm lại những lời Ơn Trên từng dạy bảo:
- Đức Thiện Hạnh Đồng Tử“Nhờ có tiền duyên chằng chịt liên hệ nên hiện kiếp đã được sinh trưởng trong gia đình cha mẹ hoặc anh chị biết đạo lý tu hành, …” ([8])
- Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt“Người cha đạo đức sẽ gieo lên hạt giống đạo đức. Truyền thống đạo đức là một điều kiện bảo đảm tương lai vững chắc.” ([9])
- Đức Vạn Hạnh Thiền Sư“Mình đã chọn một con đường đạo lý để đặt đời mình vào đấy thì phải nhớ mà đào tạo đến lớp người khác để có người tiếp nối sự nghiệp đạo lý ấy. Vì đạo pháp là trường lưu mà đời người hữu hạn. Nếu muốn có lớp người kế tiếp sự nghiệp đạo lý, không ai dễ đào tạo hơn là con cái trong gia đình là những mầm non, những hột giống tốt đã thọ lãnh những tư tưởng, những phúc huệ của phụ mẫu ngay từ trong bào thai.” ([10])
Hiền tỷ nhờ duyên lành nên được làm con gái một gia đình đạo dòng. Dù cuộc sống đời thường phải chịu nhiều khó khăn vất vả nhưng song thân hiền tỷ đã khéo hướng dẫn con gái sớm làm quen với nếp sinh hoạt nhà đạo từ thuở bé, và chính bản thân hai vị luôn là một tấm gương tu hành gần gũi hàng ngày để con cái noi theo. Quả thật: Cây xanh thì lá cũng xanh; cha mẹ tu hành, con cái cũng tu.
Tuy nhiên, đâu phải con nhà đạo dòng nào cũng sẵn sàng đồng hành chung lối cùng ông bà, cha mẹ. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy về chỗ éo le, ngang trái này như sau:
“Trên đường đời cũng như trong cửa đạo, nhiều trường hợp hay trái ngược nhau. Ông bà cha mẹ tu hành, cháu con lại không gìn giữ gốc thiện. Trái lại còn khảo đảo sự tu hành của cha mẹ là đàng khác.” ([11])
Bởi thế, gia đình cố huynh tỷ Ngô Trân và Nguyễn Thị Hồng quả là một mái ấm hạnh phúc, như lời Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy: “Theo thông thường, gia đình có đạo, con cái được cha mẹ huấn luyện vào hàng đạo đức, đó là một hạnh phúc.” ([12])
Ngoài ra, qua hồi ức của hiền tỷ Ngọc Anh, chúng ta còn thấy có sức hậu thuẫn tích cực và rất ý nghĩa của các bậc hướng đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, với những biện pháp nhằm đoàn ngũ hóa giới trẻ vào những sinh hoạt đạo đức thích hợp (cụ thể là Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn), nhờ thế gia đình tín đồ không phải cô đơn với trọng trách giáo huấn con cái tiếp nối ông bà, cha mẹ bước lên đường đạo.
Được như thế bởi vì Hội Thánh Truyền Giáo đã sớm vâng theo lời dạy của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn:
“Thanh niên là một bộ phận cần được để ý sớm ngày nào lợi ngày ấy, vì đó là tương lai truyền đạo giữ đạo, để bước tới thay thế cho các bậc già yếu và thêm giáo sĩ mở đạo ngoại bang. Nên bây giờ cần ghép thanh thiếu niên vào một tổ chức, hàng ngũ sinh hoạt theo một quy tắc đạo hạnh, để khởi niệm thiện, trưởng tâm thiện, lực hành thiện. Cho những em đó sống liền tư tưởng nhau, vui để học, vui để làm, vui để sửa, vui để tu, vui để còn chân đạo đức. Vì vậy mà phải xây dựng thanh thiếu niên, hướng dẫn theo một đường thiện, nghĩ một lẽ thiện, làm một việc thiện. Được tập sửa người mà có lợi cho xã hội.” ([13])
Tuy nhiên, trong cộng đồng Cao Đài ngày nay hiện có thực trạng là không ít thánh sở đang lâm vào cảnh thưa thớt tín hữu, mà thiểu số có mặt đa phần lại gồm những người cao tuổi. Lớp trẻ hầu như vắng bóng, thế hệ tiếp nối cho các thánh sở ấy trở thành một ẩn số.
Trong những nguyên do gây ra thực trạng rất đáng quan ngại ấy, phải chăng chúng ta có thể nghĩ tới hai mấu chốt:
- Một là vì gia đình tín hữu chưa ý thức dìu dắt con cái bước vào đường đạo.
- Hai là vì các bậc hướng đạo tại thánh sở chưa có những sáng kiến tạo ra những “sân chơi” (hay môi trường) phù hợp tâm sinh lý và độ tuổi con em nhà đạo để các gia đình có thể hân hoan gởi gắm con cái đến.
Tre già phải cần măng mọc để rồi sẽ thế chỗ khi tre tàn. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Lý Thái Bạch dạy:
Để lúc tre kia có rụi già
Măng lên thay thế bụi tre nhà
Vươn cành trổ lá cho tươi tốt
Để giúp tha nhân mới gọi là.([14])
Bởi vậy, đạo Cao Đài không thể thiếu thế hệ tiếp nối. Việc gầy dựng thế hệ tiếp nối không thể đốt giai đoạn mà hòng thành tựu một sớm một chiều; do đó, càng thêm chậm trễ thì càng nhiều thua thiệt.
Hồi ức của hiền tỷ Ngọc Anh không đơn giản chỉ là một hoài niệm, một quay lui nhìn về dĩ vãng. Câu chuyện người thật việc thật này tuy đơn sơ nhưng còn mang ý nghĩa sâu xa là một khơi gợi để những người áo trắng biết nặng lòng về tiền đồ đạo Cao Đài cùng hiệp tâm suy tư, ngõ hầu tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm đối trị thực trạng nhiều năm dài trống vắng thế hệ tiếp nối tại địa phương mình. (ĐĐVU)

Thanh thiếu niên Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài theo học khóa Tâm Hạnh Sống Đạo tại Quảng Ngãi (từ 28-7 đến 01-8-2012). Nhiều năm nay, chương trình này được tổ chức hai năm một lần vào dịp Hè. Đây là một trong các hoạt động thường xuyên của Hội Thánh Truyền Giáo để nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.