Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

ĐĐVU 19 / CHUNG QUANH NGÔI “CHÙA CÔNG” HÀ TRUNG Ở THUẬN HÓA

Nguyễn Anh Huy
Bác sĩ Y khoa, hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam.
Viết về hệ thống chùa ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn cho biết: “Trấn Thuận Hóa có chùa công Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ, đều là đại danh lam, chùa nào cũng đặt tăng lục...” ([1])
Điều này cho thấy chùa Hà Trung là chùa do triều đình quản lý và cử tăng đến trú trì, tạo ảnh hưởng vùng về mặt chính trị và tôn giáo. Chính vì chùa có vai trò như thế, nên tôi đã tìm hiểu và đã tìm đến chùa, nhưng “nhìn xem phong cảnh, nay đà khác xưa”...
I. MÔ TẢ CỦA NGƯỜI XƯA
Ngoại trừ ghi chép trên của Lê Quý Đôn, ta còn được biết:
- Năm 1695, Thích Đại Sán trên đường từ Thuận Hóa vào Hội An, cũng từng viếng chùa và kể lại: “Gần đứng bóng, đến chùa Hà Trung. Man mác xa trông, đây là một vùng eo của biển cả, ba đào chẳng gợn, phẳng lặng như tờ, một vũng cạn bùn lầy, cỏ rêu san sát, nơi ẩn núp của tôm tép cá cua. Thẳng bờ có đóng cừ, mọc đầy những cây dương nước; một gian chòi cỏ, nơi nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài. Chùa cất trên một đám đất bằng, nước bao quanh ba mặt; ngoài cửa chừng trăm bước là nơi bùn lầy; đắp đất làm đê, thẳng đê trồng dương liễu; gió hiu hiu thổi, lau lách phất phơ, cá lội cua bò, ốc hàu lểnh nghểnh; người đi đường quanh co đùa giỡn, ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao! Chợt thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! Các chùa nước Đại Việt, chùa nào cũng trồng đầy những thứ tạp mộc, cau dừa xoài mít... Còn cây tùng chỉ thấy đây là một. Xuyên bóng tùng đi vào, chùa không có vòng tường ngoài. Một ao vuông trước điện, nước ao lên xuống ăn rập với nước ròng ngoài sông, vì gần biển đất thấp, lẽ cố nhiên như vậy. Trong ao, cá gáy đỏ vô số, mấy người tùy tòng bẻ bánh tai voi quăng xuống, từng bầy nhảy lên đớp; lội qua lội lại, tự nhiên chẳng sợ người. Luống rau giàn bầu, bồn hoa bụi cúc, rải rác ở các nơi đất trồng dưới gốc tùng. Sau điện có những cây tùng lớn mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ, thực là những thiên niên cổ thụ; trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn thành từng nắm tròn... Cơm chay xong, trở ra thuyền, kéo neo đi nữa. Đoái nhìn chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng. Nước mây man mác, trập trùng bóng dương, phưởng phất chốn Bồng Lai Lang Uyển. Nhơn có ba bài thơ vịnh chùa Hà Trung:
Bài thứ nhất
Che khuất ngàn dương nẻo cửa không
Chuông vàng buông tiếng gió bên sông
Giậu tre lối cỏ xông hơi biếc
Gành đá lầu mây ngã bóng hồng
Cá đỏ chờ mồi lên mặt nước
Chim xanh huýt gió xuống giàn bông
Miếu đền vua chúa nơi u tịch
Muôn thuở linh quang chiếu biển đông.” ([2])
- Và khi Thích Đại Sán vào Hội An thì Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã tiễn đưa bằng thuyền đến cửa Tư Hiền rồi sau đó Vương ghé Hà Trung: “... Ngày 18, Vương đi thuyền ra cửa biển trước... Các quan văn võ đều theo hầu Vương giá, đón chực đường trước để tiễn đưa. Cửa biển là cửa ngõ của Vương đô, Thuận Hóa, để đi thông qua các phủ khác. Vì đất nước Đại Việt chỉ là một dãy núi dọc theo mé biển, các đô ấp đều tựa núi day mặt ra biển, núi cao sông hiểm, cây rừng rậm rạp... Các phủ không có đường lối thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào; muốn đi từ phủ này qua phủ khác tất do đường biển, thuyền đi biển khó đi gần bờ vì sóng lớn... Từ Thuận Hóa vào Hội An đường bộ tất do Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân)... Núi cao nắng gắt, trèo qua rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn... Chiều đến cửa biển, dừng thuyền. Vương đã khiến người làm cơm chờ sẵn. Còn cách chỗ Vương tạm trú chừng một dặm... Vương cất một thủy các ở giữa dòng... Sáng mai, Vương cùng các quan lui về dạo chơi Hà Trung...” ([3])
(Hình 1)
Nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn sưu tập được một tô sứ đặc chế (Hình 1) có ghi bài thơ của Thiên Túng Đạo Nhân, tức Minh Vương:
河中烟雨
海氣山風颯颯驚
漸看烟湿散天清
漁燈幾点知江岸
旅客洛宵听雨声
禅誦不聞幽磬韻
鄉思难尺故人情
越南亦有瀟湘景
欲倩丹青寫未成
道人書
Hà Trung Yên Vũ
Hải khí sơn phong táp táp kinh
Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh
Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn
Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh
Thiền tụng bất văn u khánh vận
Hương tư nan xích cổ nhân tình
Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh
Dục thiến đan thanh tả vị thành.
Đạo Nhân thư
Và tác giả sưu tập dịch thơ như sau:
Mù Tỏa Hà Trung
Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh
Mù tỏa dần tan mây trắng xanh
Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm
Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh
Phật kinh không vẳng dư âm khánh
Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình
Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh
Muốn vẽ mà sao vẽ chẳng thành.
Đạo Nhân viết ([4])
Trong bài thơ có câu “Thiền tụng bất văn u khánh vận”, tức Minh Vương đã nghe tiếng tụng kinh, và như vậy, chùa chiền cũng không xa nơi ngài dừng chân...
- Năm 1729, “Đại Việt Quốc Vương Sắc Tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư Tháp Ký Minh.” 大越國王敕賜河 中寺煥碧禪師塔記銘. Đây là bài ngự chế của Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ,([5]) viết về cuộc đời và công đức của thiền sư Hoán Bích (tức cũng là sư Nguyên Thiều), trú trì chùa Hà Trung, để khắc vào bia tháp,([6]) nay ở đường Võ Văn Kiệt, phường Thủy Xuân, thành phố Huế; bia này hiện vẫn còn nhưng bắt đầu bị mòn mờ nên thời Tự Đức đã được sao lại dựng ở sân chùa Quốc Ân.
II. THỰC TẾ CÒN LẠI
Về khu vực đầm Hà Trung, nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang đã có bài khảo cứu vai trò “địa-chính trị, địa-văn hóa” ([7]). Tuy nhiên sau khi đọc xong toàn bài viết, ngoài việc công bố hai văn bản quý báu thời chúa Nguyễn để được biết thủy binh ở khu vực đầm phá và cửa Tư Hiền đều do làng Hà Trung quản lý, độc giả rất tiếc chưa thấy tác giả nêu các chứng lý để cho thấy các yếu tố ảnh hưởng của làng Hà Trung đối với sự hình thành và phát triển Đàng Trong như thế nào! Riêng về chùa Hà Trung, tác giả đã dùng danh xưng “Sắc Tứ Hà Trung Tự” 敕賜河中寺cho rằng Văn bia tháp Tổ Sư Nguyên Thiều do Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú tự tay biên soạn có tiêu đề Sắc Tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư Tháp Ký Minh’ là sự chứng minh rõ ràng nhất cho việc ngôi chùa Hà Trung từng được ban ‘Sắc tứ’ ít nhất vào thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (ở ngôi 1691-1725) và Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (ở ngôi 1725-1738).” ([8])
Xem lại tất cả các tài liệu có liên quan như Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Liệt Truyện, Phủ Biên Tạp Lục, Hải Ngoại Kỷ Sự, và cả trong nội dung văn bia tháp thiền sư Hoán Bích như đã dẫn từ trên... không thấy tài liệu nào nói Minh Vương hoặc Ninh Vương sắc tứ chùa Hà Trung để có một danh xưng gồm năm chữ 敕賜河中寺 (Sắc Tứ Hà Trung Tự), mà danh xưng được ghi chép trên các tài liệu cho thấy chỉ có ba chữ 河中寺 (Hà Trung Tự) mà thôi. Nếu dựa vào câu trên bia tháp là 大越國王敕賜河中寺煥 碧禪師塔記銘 (Đại Việt Quốc Vương Sắc Tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư Tháp Ký Minh), mà cho rằng chùa Hà Trung được “sắc tứ” thì nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang đã vô ý hiểu nhầm cấu trúc ngữ pháp chữ Hán! Đối tượng được “sắc tứ” trong câu này chính là “ký minh” chứ không phải là “Hà Trung Tự”, do vậy câu này phải hiểu là “Bài ký minh được Đại Việt quốc vương ban tặng cho tháp thiền sư Hoán Bích ở chùa Hà Trung” mới đúng. Điều này đã được Ninh Vương ghi rõ trong bài minh: “Đệ tử trong sơn môn quỳ thỉnh cầu ta ban ký và minh. Ta bèn ban…” ([9])
Như vậy, tuy chùa Hà Trung là “chùa công”, được Minh Vương ngự du thăm viếng, nhưng không hề có sắc tứ; cũng như chùa Thiên Mụ tuy là “ngự kiến” (do vua xây dựng), nhưng cũng không hề có “sắc tứ” để có danh xưng “Sắc Tứ Thiên Mụ Tự”.
Với nội dung sử liệu ít ỏi như trên, mà dựng lại sự hưng phế của chùa, thật rất khó, nên tôi cũng đã đến chùa, hiện nay mang tên là Phổ Thành Tự 普成寺, ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, mới xây lại năm 1995. Dấu xưa tích cũ chỉ còn:
1. Phổ Thành Tự chung 普成寺鐘
Chuông (Hình 2) có niên đại là Cảnh Hưng năm thứ hai mươi ba (1762), minh văn trên thân chuông do thấy được đúc ở Kinh Bắc và cúng cho chùa Phổ Thành.
(Hình 2)
Như vậy, có thể chuông vì một biến cố lịch sử nào đó làm vật đổi sao dời, lưu lạc đến đây tương tự “Bình Trung Quán khánh” ([10]) ở chùa Bình Trung (Quảng Trị) nay lại nằm tại chùa Thiên Mụ.
Hoặc cũng có thể đây là chiến lợi phẩm sau khi vua Gia Long bình định miền Bắc và đem về Huế rồi phân bố cho các chùa tương tự như cái chuông ở “Chùa Thiền Lâm: ... Bên tả chùa có một cái chuông đồng lớn... có khắc chữ: đúc năm Vĩnh Thạnh mười hai (1716)... Đầu niên hiệu Gia Long dẹp xong Bắc Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa.” ([11])
Cũng có nhà nghiên cứu đưa ra nhiều ví dụ để cho rằng “Phổ Thành Tự” là một tên riêng của chùa, chứ không phải như thói quen dân gian lấy tên địa phương để đặt tên chùa; tuy nhiên, trong các ghi chép về chùa Hà Trung đã dẫn, ta không hề thấy có tên nào khác ngoài tên là “Hà Trung Tự”.
Ngày nay khi trùng tu, người ta không hiểu rõ lịch sử vấn đề, đã lấy tên trên cái chuông để viết tên chùa từ “Hà Trung Tự” thành “Phổ Thành Tự” là sai. Do vậy chuông này ít có giá trị sử liệu đối với chùa Hà Trung.
2. Tượng Phật Quan Âm
Tượng bằng đá sa thạch (Hình 3) to bằng người thật đã có từ xưa, không rõ niên đại, nên ít có thông tin để bình xét. Theo một ước đoán không có căn cứ rõ ràng thì tượng Phật này có khoảng “trois ou quatre cents ans” ([12]) [ba hoặc bốn trăm năm] trước, tức người ta muốn diễn đạt rằng tượng này do sư Nguyên Thiều đem từ Trung Quốc khi sang Việt Nam, rồi mang đến chùa Hà Trung lúc làm trú trì.
(Hình 3)
Bình luận về sự có mặt bức tượng ở chùa này, có nhà nghiên cứu cho rằng sư Nguyên Thiều không thể tự mua cho chùa Hà Trung bức tượng này, vì sư phụng mệnh Chúa sang Quảng Đông mời danh tăng và thỉnh pháp khí, pháp tượng, nếu ngài đã thỉnh được pho tượng này về đến Hà Trung lại để đó, không đưa lên trình Chúa ở Phú Xuân, có thể bị khép tội “biển thủ”. Cách suy diễn này quá thiển cận, bởi chùa Hà Trung là “chùa công”, do triều đình chu cấp, thì tượng này cũng có thể do chúa Nguyễn cho đặt ở đây. Và chúa Nguyễn muốn chăm lo tinh thần của con dân, chùa này là “nơi nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài” về mặt tâm linh thì đặt tượng Phật Bà lại càng phù hợp, bởi tâm nguyện của Phật Bà là luôn lắng nghe tiếng kêu cứu của trần gian, cho nên Ngài mới có tên là “Quan Thế Âm”.
Như vậy, nếu quả thật tượng này có niên đại như thế, thì với chiều cao toàn tượng khoảng 2,4m, cho thấy kiến trúc của chùa rất cao và lớn...
3. Quan Công Từ 關公祠
Trước mặt chùa hiện nay là đền Quan Công (Hình 4), cũng đã bị đổ nát nhưng vẫn còn biển tên là Quan Công Từ 關公祠 (Hình 5), và tượng Thánh bằng bạch ngọc từ xưa nhưng cho đến nay vẫn còn (Hình 6).
(Hình 4)

(Hình 5)

(hình 6)
Ngoài ra, không còn dấu tích gì về ngôi chùa cũ. Điều này cho thấy ngôi chùa công của Chúa đã bị san bằng trước khi Quốc Sử Quán triều Nguyễn đi nghiên cứu địa chí để ghi chép vào năm 1865. Cho nên Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chỉ ghi đơn giản: “Chùa Hà Trung: ở xã Hà Trung, huyện Phú Lộc. Đời vua Hiển Tông bản triều (1691-1724), khiến tăng nhân Hoán Bích trụ trì ở đây.” ([13])
Ngược dòng lịch sử, ta biết khi quân Tây Sơn chiếm Thuận Hóa năm 1786, họ đã tàn phá hệ thống chùa chiền. Các chùa ở chung quanh khu vực đầm Hà Trung như chùa Thánh Duyên, chùa Trấn Hải, chùa Hà Trung, cũng không tránh khỏi. Do vậy, năm 1836, vua Minh Mạng có ngự du đến chùa Thánh Duyên, và năm 1837 thì viết bia ngự chế cho biết: “Thời xưa, núi này có rất nhiều chùa miếu, tất cả đều do Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế xây dựng, nhưng sau, qua trận giặc Tây Sơn chùa chiền bị tàn phá hủy hoại hầu như hết sạch…” ([14])
Về chùa Trấn Hải, tức là chùa Vinh Hòa, được Thích Đại Sán mô tả như sau: “Qua ngày sau, võng giá chực sẵn, bắt đầu lên đường bộ. Cai bá dẫn một tiểu đội làm hướng đạo. Bóng mai mờ tỏ, đi lên một gò cao. Đi được một đỗi, sương mù buổi sáng chưa tan, người đứng cách nhau chừng vài thước, chỉ nghe ồn ào tiếng nói... Đến chân núi, phu lính nghỉ xả hơi để trèo đèo. Theo đường quanh co đi lên... Bộc phu lau mồ hôi thở hào hễn. Trong rừng cây đã nghe tiếng chuông trống rất gần, nhưng đi quanh mất hàng giờ mới đến. Chùa Vinh Hòa cất trên chóp núi, tuy không mấy tráng lệ nhưng cũng kiên cố chỉnh tề... ([15])
Về chùa Thánh Duyên: “Nhâm Thân, năm thứ nhất (1692)... Sửa chùa núi Mỹ Am (tức núi Thúy Vân ngày nay)”,([16]) “vua Hiển Tôn Hoàng Đế bản triều (1691-1724) muốn vị dân cầu phước, bèn làm Phạm vũ trên núi sơn thiếp huy hoàng, từ sau khi biến loạn, chùa bị bỏ hư; năm Minh Mạng thứ sáu (1825), Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế ngự đến cửa biển Tư Hiền, qua phường Đông Am, lên núi Mỹ Am, thấy có miếu xưa hoang lương... nhân dấu cũ dựng làm nhà chùa để lưu danh thắng... Bản triều Thái Tôn Hoàng Đế năm Đinh Vị (1667) giá hạnh đến cửa Tư Dung... thấy Quy sơn (sau đổi làm núi Linh Thái)... lấy chỗ ấy làm chùa Phật, gọi chùa Vinh Hòa; từ khi binh hỏa, chùa tháp đều phế hoại, di chỉ vẫn còn. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vua ngự giá đến bèn khiến quan ty hiệp với chùa Thúy Vân xây làm lại cho hoàn toàn thiện quả.” ([17])
Khu vực này có ba chùa, nhưng vua Minh Mạng chỉ trùng tu hai chùa không phải “chùa công” là Thánh Duyên và Vinh Hòa, còn chùa Hà Trung là “chùa công” vì sao lại không trùng tu?
Phần nào lý do đã được giải thích: Hai chùa Thánh Duyên và Vinh Hòa vì nằm trên núi, tuy bị Tây Sơn phá, nhưng sự phá bỏ cũng khó khăn vì phải “nghỉ xả hơi để trèo đèo... theo đường quanh co đi lên... Bộc phu lau mồ hôi thở hào hễn. Trong rừng cây đã nghe tiếng chuông trống rất gần, nhưng đi quanh mất hàng giờ mới đến”, nhờ vậy mà “di chỉ vẫn còn”, nên vua Minh Mạng “nhân dấu cũ dựng làm nhà chùa để lưu danh thắng”, sự phục hưng lại dễ dàng hơn. Còn chùa Hà Trung là “chùa công” của triều đình chúa Nguyễn “đặt tăng lục”, lại “cất trên một đám đất bằng”, nên dễ bị Tây Sơn san bằng hoàn toàn, và do đó lại sẽ rất khó trùng tu.
Trở lại vấn đề về quy mô, kiến trúc ngôi chùa cổ Hà Trung, hiện nay chỉ còn dấu tích là đền Quan Công, và ta phải bắt đầu từ ngôi đền này...
Về việc thờ Quan Công trong các chùa Việt Nam, bắt đầu xuất phát từ người Minh (Trung Quốc), và được người Việt chấp nhận thờ trong chùa, vì theo truyền thuyết trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, ngài đã quy y thiền sư Phổ Tĩnh, ngộ lý “Sắc sắc không không” khi đầu rời khỏi cổ. Tuy nhiên phần lớn ngài được thờ chỉ với một án thờ trong chùa Phật. Đối với người Trung Quốc thì hình tượng của ngài lớn hơn, nên thường được lập đền riêng gọi là “Quan Công Từ”, mà người Việt gọi là “Chùa Ông” ([18])
Cho nên, chùa Hà Trung thờ Phật, nhưng do sư trú trì, thiền sư Nguyên Thiều, là người chính tông từ Trung Quốc qua Việt Nam, nên trong khuôn viên chùa lại có thêm “Quan Công Từ” là điều dễ hiểu. Thế nhưng, người Trung Quốc không những chỉ thờ Quan Công, mà ở vùng biển còn hay thờ thêm Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị hay che chở cho dân đi biển thoát hiểm phong ba bão tố.
Cho nên, do chùa Hà Trung là “chùa công” của chúa Nguyễn xây dựng, đã có đền Quan Công, có lẽ cấu trúc thờ Phật và Thánh cũng giống “chùa công” Thiên Mụ thời chúa Nguyễn là: chùa thờ Phật ở giữa, bên trái có “Quan Công Từ” và bên phải có “Thiên Phi Từ”.([19])
Và như vậy, quy mô kiến trúc cũng như mặt bằng của chùa rất lớn, một “đại danh lam”, chính là một trung tâm tôn giáo vùng đầm Hà Trung - biển Tư Hiền, tuy Thích Đại Sán đứng trên thuyền ngoài biển mà vẫn thấy: “chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng:
… Miếu đền vua chúa nơi u tịch
Muôn thuở linh quang chiếu biển đông.”
III. LÀ NƠI QUAN YẾU
Tuy chùa Hà Trung ở làng Hà Trung hẻo lánh xa xôi, nhưng chung quanh đó cũng có nhiều danh lam nổi tiếng được vua chúa lui tới ngự du như chùa Thánh Duyên, chùa Trấn Hải (tức chùa Vinh Hòa), và nhiều núi nổi tiếng như núi Linh Thái, nhất là núi Hải Vân, còn muốn ra biển thì có cửa biển Tư Hiền cũng nổi tiếng:
Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi.
Hang Dơi, tức “Bức Cốc”, ở bờ biển phía bắc chân núi Hải Vân; hoặc Người đời xưa có câu ca thuộc cửa biển Tư Hiền: 海兒有神浪浪屢覆人舟. Hải nhi hữu thần lãng, lãng lũ phúc nhân chu. (Vũng biển có sóng thần, sóng năng úp ghe thuyền) ([20]); còn Thích Đại Sán từng thực tế ở đây cũng cho biết “thuyền đi biển khó đi gần bờ vì sóng lớn”.
Người xưa, khi dựng nghiệp đế vương, chọn nơi đóng đô… thường tận dụng các yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa; và ta hãy xem:
1. Quý ở đức
Xem Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An viết năm 1555 thì lúc đó chưa có tên làng Hà Trung; theo nhiều nghiên cứu làng xã, cư dân ở làng Hà Trung phần lớn lập nghiệp từ thế kỷ XVI, và là những người ở miền Bắc theo phò Thái Tổ Nguyễn Hoàng từ năm 1558, sau lập nghiệp sinh sống ở đây. Một tờ “Thị” năm Vĩnh Thịnh cửu niên (1713) và tờ “Thân” năm Cảnh Hưng thứ hai mươi sáu (1765) mới được nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang công bố ([21]) đã chứng minh điều đó.
Tờ “Thân” là đơn trình của dân làng Hà Trung trong đó có nói tổ tiên họ từng phò tá Nguyễn Thái Tổ, chúng ta không bàn.
Nhưng tờ “Thị” có đóng ấn “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”, “Tổng Trấn Tướng Quân chi ấn”, và hoa áp chữ ký của “Thái Phó Tộ Quốc Công”, tức Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, nội dung lại vô cùng quan trọng: Cho biết cư dân làng Hà Trung có công phò giá, được ân cấp ngụ lộc trong toàn khu vực đầm phá; phía đông đến cửa Tư Dung, phía nam đến Cầu Hai... Điều này cho thấy các chúa Nguyễn không quên công lao người dân đã giúp đỡ tổ tiên mình.
Và qua đó đã phần nào giải thích vì sao trong ba ngôi chùa, hai ngôi chùa kia nằm trên núi như danh lam thắng cảnh nhưng không được xếp vào “chùa công”, trong khi ngôi chùa Hà Trung chỉ nằm ở đầm lầy lại được xếp vào “chùa công”.
Làng Hà Trung là nơi tập trung dân chúng từng theo phò chúa Nguyễn, lại là nơi quản lý cả mặt nước đầm Hà Trung từ đầm Cầu Hai cho đến cửa Tư Hiền, cho nên nơi đây cũng như trung tâm quản lý hành chánh khu vực. Các chúa Nguyễn muốn “dựng chùa lập am, thỉnh tăng cúng Phật, rộng thi phương tiện, với mưu cầu: Thiên hạ chốn kinh kỳ hưng thịnh, người người tự buông tất cả để nương vào niệm lực, ngõ hầu sinh thuận tử yên, tiến dần về cảnh giới Hóa thành”,([22]) xây chùa làm “nơi nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài” về mặt tâm linh, thì chùa ấy phải “cất trên một đám đất bằng, nước bao quanh ba mặt” mới có thể gần dân và phục vụ dân ở vùng đầm phá này được. Chứ nếu lấy chùa trên núi làm chùa công, mà để đến chùa phải “nghỉ xả hơi để trèo đèo... đi quanh mất hàng giờ mới đến”, rồi phải “lau mồ hôi thở hào hễn”, e không phải là “nơi nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài”.
Chính sự gần gũi, thu phục nhân tâm trong thời kỳ lập quốc của chúa Nguyễn vừa kể trên... cho nên sau này dù chúa Nguyễn mất nước, nhưng lòng người vẫn Hoài Nam Khúc ([23]) ... và con dân của chúa Nguyễn vẫn ngày đêm mong mỏi:
Lạy trời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra…
Lịch sử đã chứng minh, thuyền của Nguyễn Vương Phúc Ánh dong buồm từ Gia Định thẳng ra Thuận Hóa thì cũng chỉ vào cửa Tư Hiền, là nơi đã từng chịu ân đức của Chúa từ trước chờ sẵn mà thôi.
Nhờ yếu tố “nhân hòa” đó mà Nguyễn Vương Phúc Ánh có nội lực giành được chiến thắng... Cho nên: “Năm Gia Long thứ hai (1803)... vua bảo các thị thần rằng: Núi này phía đông có biển lớn, phía tây có vũng Hà Trung cũng là một chỗ có hình thắng. Tây Sơn đắp lũy ở đây muốn cứ hiểm để tự thủ, nhưng chưa bao lâu bị quân ta đánh cho thất bại; vậy mới biết quý ở đức chứ không quý ở chỗ hiểm yếu vậy.” ([24])
2. Trên núi dưới biển
Không những tạo yếu tố nhân hòa để giữ đất, từ thời Nguyễn Hoàng đã phát hiện yếu tố địa lợi của vùng đất mà “dặn bảo rằng: ... Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta.” ([25])
Chính thế, nên ta thấy địa cuộc xung quanh chùa Hà Trung và đầm Hà Trung, đường thủy thì có các sông, đầm phá đổ ra cửa biển Tư Hiền, đường bộ thì có núi Hải Vân án ngự như một như một nơi xung yếu:
- “Hải Vân quan ở huyện Tư Vang, trên lên tận trời xanh, dưới xuống tận biển cả, là đất cổ họng của Thuận Quảng, có đồn canh và tuần ty, trên từ Yêu Duyên, dưới đến Ô Rỗ, đều khám xét cả.” ([26])
- “Thành trấn Phú Xuân ở Thuận Hóa, thu nước bốn đầm lớn mà nắm bốn cửa biển: đằng trước thì phá Hà Trung chảy ra cửa Tư Dung... Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thủy ôm đằng trước: một là nguồn hữu trạch... hai là sông nhỏ An Nông, ba là nguồn Hưng Bình chảy vào đầm Hà Trung, bốn là nguồn Phúc Âu chảy qua Cao Đôi mà vào phá Hà Trung...” ([27])
- “Cửa tấn Tư Hiền: Ở đông bắc huyện Phú lộc... Xưa có đặt thủ sở, có binh túc trực tuần phòng ngoài biển, phía tây cửa biển có hành cung Thúy Vân Sơn... Bản triều năm Giáp Ngọ (1774) vận nước gặp bước gian nan... vua Duệ Tôn bản triều do cảng ấy đi vào nam... năm Tân Dậu (1801) đại binh khắc phục Thần Kinh cũng theo cửa nầy đi vào... Xét lại bài thơ vua Lê Hồng Đức đi nam tuần có chua rằng: các cửa biển duy có cửa nầy (Tư Hiền) trên núi dưới biển hình thế hùng vĩ, ba đào hiểm trở, các vị đến vương lịch đại như Lý Thái Tôn, Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Duệ Tôn đi đánh Chiêm Thành đều có trú tất ở đây. Đầu niên hiệu Hồng Đức vua Lê Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành ngang qua cửa biển Tư Dung, bùi ngùi than rằng: ‘Núi sông nầy khí thế hùng dũng lắm thay! Đời sau chắc có kẻ anh hùng chiếm cứ chỗ này.’...” ([28])
- “Núi Linh Thái: Ở phía đông núi Thúy Vân... trên đỉnh núi có chùa Trấn Hải... Lúc đầu bản triều trung hưng, năm Tân Dậu (1801), đại binh ra đến cửa biển Tư Hiền, phò mã Tây Sơn là Nguyễn Văn Trị chiếm cứ núi này để chống quân ta, Lê Văn Duyệt ban đêm đốc quân sĩ đội ghe thuyền vượt qua bờ biển vào vũng Hà Trung đánh phá bắt được...”( [29])
- “Ất Dậu, năm Minh Mệnh thứ sáu (1825), mùa xuân, tháng 3... Vua... đến cửa biển Tư Dung... bảo thị thần rằng: Chỗ này là nơi quan yếu của kinh thành, xưa đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế ta bắt đầu khai thác miền Nam, do cảng này mà vào; đến khi giặc Tây Sơn làm loạn, cũng do cảng này mà vào; đến Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế chạy vào Nam cũng do cảng này mà ra; khi đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta thu phục kinh thành, lại do cảng này mà vào, cảng này thực có quan hệ đến sự thịnh suy của vận nước...” ([30])
Với những yếu tố địa lợi như vậy, việc xây dựng “chùa công” Hà Trung và “đặt tăng lục”, chính là tạo nơi đây một trung tâm tôn giáo thứ hai ở vùng biên - biển, chỉ đứng sau trung tâm tôn giáo thứ nhất là “Linh Thứu cao phong”([31]) Thiên Mụ tự! Nhưng cũng chính vì có vai trò quan trọng như vậy mà chùa Hà Trung mới bị Tây Sơn san bằng.
3. Có lẽ là ý Trời
Sau khi nhất thống từ Gia Định đến Thăng Long, các vua Nguyễn bắt đầu trùng tu chùa chiền bị tàn phá thời Tây Sơn, nhưng tiền của triều đình sau cuộc nội chiến không có nhiều, phải quyên góp từ dân: xem Đại Nam Nhất Thống Chí, ta thấy Thừa Thiên Cao hoàng hậu đi quyên tiền trùng tu chùa Thiền Lâm, Thuận Thiên Cao hoàng hậu đi quyên tiền trùng tu chùa Khánh Vân, chùa Quang Bảo, chùa Bảo Sơn, Hiếu Khương hoàng hậu đi quyên tiền trùng tu chùa Báo Quốc... Như vậy các chùa đã bị san bằng thành bình địa như chùa Hà Trung, phải chờ không biết lúc nào mới đến lượt trùng tu!
Đến thời Thiệu Trị, vị vua này lại ngự kiến một “Diệu Đế quốc tự” ngay trên mảnh đất sinh ra mình, và dời đền Quan Công từ chùa Thiên Mụ về cạnh Quốc tự Diệu Đế để tạo ra một trung tâm tôn giáo mới của triều Nguyễn ở phía đông Kinh thành Huế, thì việc trùng tu một Hà Trung tự ở nơi hẻo lánh xa xôi không còn vai trò gì quan trọng, mãi mãi bị chìm vào quên lãng, và không còn cơ hội được triều đình quan tâm!
Và sự chờ đợi đến lượt trùng tu này phải kéo dài gần hai trăm năm sau, cho đến năm 1995, mới có sự quyên góp của dân để xây dựng lại một ngôi chùa làng nhỏ bé!
Xét về mối quan hệ biện chứng sử học thì sau khi Việt Nam thống nhất năm 1802, chiến tranh không còn, nên cửa Tư Hiền đã hoàn tất vai trò lịch sử, không còn là một cửa biển chiến lược cần thiết, mang tính an ninh quốc phòng thời chiến tranh ([32]) như thời chúa Nguyễn trở về trước nữa, qua “điềm trời” báo: “Đầu niên hiệu Gia Long (cửa biển) lần lần cạn hẹp... rồi lấp cạn... Nay vô cố mà cửa ấy khô cạn, có lẽ là ý Trời mặc hộ cho bản triều, muốn củng cố cơ nghiệp muôn đời , mà không muốn để người ngoài dòm ngó vào, nên mới khiến cho cạn hẹp như thế”,([33]) thì kéo theo hệ quả tất nhiên là chùa Hà Trung cũng tự kết thúc vai trò lịch sử vốn có, để rồi chuyển sang một trạng thái khác, một giai đoạn khác, một vai trò khác, đó là một “Phổ Thành Tự” khác hẳn. Âu cũng là cái duyên nhiệm mầu của Tạo Hóa.
IV. VỀ VỊ TĂNG TRÚ TRÌ
Như đã thấy, chùa Hà Trung có quy mô rất lớn, nên có nhà nghiên cứu dựa vào lời ghi chép của Thích Đại Sán năm 1695 về cảnh quan chùa Hà Trung chung quanh có “một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm...” để cho rằng chùa Hà Trung đã có trước đó mấy trăm năm. Cách giải thích này không phù hợp, vì tùng vẫn có thể mọc tự nhiên bằng sự phân tán hạt chứ không nhất thiết phải do bàn tay con người trồng mới có.
Liên quan đến sư trú trì chùa này, ta được biết: “Gần đây, có thiền sư Hoán Bích ... từ Trung Hoa đến ... về núi Phú Xuân ở Thuận Hóa, trùng tu chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng. Đến thời Đức Thánh Khảo ta trong triều trước, Sư vâng mệnh trở về Quảng Đông thỉnh hòa thượng Trường Thọ Thạch Lão cùng tượng Phật, pháp khí về. Chuyến đi xuôi thuận, lập nhiều công tích. Từ đó vâng chỉ trú trì chùa Hà Trung, hồi quang tự chiếu, phân ngọn chia ngành, đàm lẽ huyền vi, chép hết những điều đã nghe trước đây, bỏ giả theo thật nhằm mở lối hậu học cho những vị thụ đại giới cũng như đồ chúng.” ([34])
Bình luận về việc sư Hoán Bích (Nguyên Thiều) “lập nhiều công tích”, nhưng được bổ nhiệm từ chùa Quốc Ân về trú trì chùa Hà Trung ở vùng đầm lầy, nhà Huế học Cadière băn khoăn: “mais cette nomination a plustôt l’air d’une disgrâce”,([35]) cho rằng phải chăng đó là một sự thất sủng, bị giáng chức?
Sự thắc mắc của Cadière là đúng, nhưng ông chưa nắm kỹ vấn đề, bởi ông “quên mất rằng, khi L. Cadière đưa ra nhận định trên, ông đang đứng ở đô thị Huế đầu thế kỷ XX để nhìn về Hà Trung, chứ không phải là Hà Trung của cuối thế kỷ XVII...” ([36]) và vì chưa biết rằng chùa Quốc Ân không phải là “chùa công”, còn chùa Hà Trung là “chùa công”, như vậy việc bổ nhiệm ấy chính là một ân sủng của chúa Nguyễn chứ không phải là bị thất sủng. Cho nên, trên bia tháp Nguyên Thiều mới ghi là “Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư” chứ không phải là “Quốc Ân Tự Hoán Bích Thiền Sư”.
Một điểm nữa là, trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, mục “Truyện các cao tăng” chỉ có tám vị, thì Thích Đại Sán, người thầy thọ giới của chúa Nguyễn Phúc Chu, đã được đứng thứ hai trong danh sách, nhưng bất ngờ là tên “Tạ Nguyên Thiều” thì lại ở hàng đầu.([37])
Cho nên, một vấn đề cần suy xét thêm, đó là Minh Vương có ngự chế năm bài thơ ([38]) để viết lên các đồ sứ ngự dụng hằng ngày của mình, thì trong đó có một bài thơ viết về địa danh Hà Trung như đã dẫn, cho thấy vùng đất này rất có ý nghĩa trong lòng Vương, và ta hãy xét lại: Khi tiễn Thích Đại Sán vào Hội An, Vương và các quan trên sông Hương đã tiễn đến cửa Thuận An rồi, sau đó theo lối phá Tam Giang đến đầm Hà Trung ngang qua chùa Hà Trung, Thích Đại Sán vào chùa, nhưng còn Vương vì tế nhị, nên không vào chùa Hà Trung mà tiễn ra đến cửa biển Tư Hiền, rồi Vương lại trở “lui về dạo chơi Hà Trung...”, sau đó mới quay ngược ra cửa Tư Hiền để chính thức tiễn Thích Đại Sán, phải chăng mục đích chính của chuyến ngự du này không phải là tiễn đưa Thích Đại Sán mà là đến thăm sư Nguyên Thiều đang trú trì ở đây?
V. THAY LỜI KẾT LUẬN
Những trình bày trên, cho thấy chùa Hà Trung có một vai trò quản lý tôn giáo vùng rất quan trọng, còn sư Nguyên Thiều Lúc lâm bệnh, họp các sư lại, dặn bí ngữ, cầm bút làm bài kệ... Viết xong ngồi ngay thẳng mà tịch, thọ tám mươi mốt tuổi... Hiển Tông Hoàng Đế cho tên thụy là Hạnh Đoan Thiền Sư, nhân làm bi ký và bài minh...” ([39])
1. Tuy nhiên sự ghi chép này có chỗ nhầm lẫn: Việc ban “cho tên thụy là Hạnh Đoan Thiền Sư, nhân làm bi ký và bài minh...” là của chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ chứ không phải là của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu; do vậy, khi tái bản bộ Đại Nam Liệt Truyện, kính mong các dịch giả chú thích thêm về sự nhầm lẫn này.
2. Về chùa Hà Trung, như đã nói, nay bị mang một tên không đúng là “Phổ Thành Tự”, xét về khía cạnh bảo tồn di tích lịch sử, chúng tôi kính đề nghị Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế xem xét và đổi tên chùa về như cũ cho đúng gốc.
Thư Hương Các, tết Đoan Ngọ, 2016
NGUYỄN ANH HUY




([1]) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội 1977, tr. 113.
([2]) Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự. Huế: Viện Đại Học Huế, Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam 1963, tr. 133.
([3]) Thích Đại Sán, Sách đã dẫn, tóm tắt các trang 131-138.
([4]) Trần Đình Sơn, “Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu”, Văn Hóa Phật Giáo, số 52, ngày 01-3-2008.
([5]) Thay vì Nguyễn Phúc Thụ, có sách chép là Nguyễn Phúc Chú. [Văn Uyển]
([6]) Nội dung bài minh, xem: Thích Quang Định (dịch), “Đại Việt Quốc Vương Sắc Tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền Sư Tháp Ký Minh”, Liễu Quán, số 8, tháng 5-2016.
([7]) Võ Vinh Quang, “Làng Hà Trung Và Cổ Tự Hà Trung Qua Góc Nhìn Địa-Chính Trị, Địa-Văn Hóa”, Liễu Quán, số 8, tháng 5-2016, tr. 88-95.
([8]) Võ Vinh Quang, Bài đã dẫn, tr. 95, chú thích số 14.
([9]) Thích Quang Định, Bài đã dẫn.
([10]) Xem: Nguyễn Anh Huy, “Về Hai Cái Khánh Cổ Ở Huế”, Huế Xưa Và Nay, số 124, tháng 7 và 8-2014.
([11]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Đại Nam Nhất Thống Chí. Sài Gòn: Nha Văn Hóa, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1961, Thừa Thiên Phủ, tr. 88.
([12]) Nguyễn Đình Hòe, “La Statue Bouddhique de Hà Trung”, B.A.V.H., No 4, 1914, pp. 351-352. Niên đại “ba hoặc bốn trăm năm” này là so với lúc tác giả nghiên cứu năm 1914.
([13]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Thừa Thiên Phủ, tr. 90.
([14]) Nguyễn Phổ (dịch), “Bia Ngự Chế Của Vua Minh Mạng Tại Chùa Thánh Duyên”, Liễu Quán, số 3, tháng 8-2014, tr. 22-27.
([15]) Thích Đại Sán, Sách đã dẫn, tr. 135.
([16]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học dịch), Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nxb Giáo Dục 2004, tr. 106.
([17]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Kinh Sư, tr. 90-91.
([18]) Xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Về Địa Danh Chùa Ông Ở Huế”, Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi (số 11). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 109-121.
([19]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Kinh Sư, tr. 45.
([20]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Thừa Thiên Phủ, tr. 66.
([21]) Xem: Võ Vinh Quang. Bài đã dẫn.
([22]) Lời mong mỏi của các chúa Nguyễn được Ninh Vương viết ra trong bài ký minh, xem: Thích Quang Định, Bài đã dẫn.
([23]) Nghĩa là khúc ca tưởng nhớ phương Nam, do Thái Dương cư sĩ Hoàng Quang (?-?), người Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) làm cuối thế kỷ XVIII, gồm 680 câu thơ Nôm. Nội dung ca tụng công ơn các chúa Nguyễn mở nước..., rồi sau đó kể cảnh nước mất nhà tan thời chúa Nguyễn bị Trịnh-Tây Sơn đánh chiếm... nhưng lòng người vẫn hướng về Nam, tức nơi Nguyễn Vương Phúc Ánh đang trung hưng ở Gia Định... Thái Trưởng Công Chúa Ngọc Huyên, con chúa Nguyễn Phúc Khoát, chép được bài thơ này, sai người trèo đèo lội suối đưa vào Nam. Nguyễn Vương Phúc Ánh đọc bài thơ, biết lòng người Phú Xuân còn nhớ thánh đức của tổ tiên mình, nên tìm mọi cách trở lại Phú Xuân, và cuối cùng ông đã thành công... rồi thống nhất luôn từ Gia Định đến Thăng Long, lập nên nước Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay...
([24]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Thừa Thiên Phủ, tr. 52.
([25]) Đại Nam Thực Lục, Sách đã dẫn, tập 1, tr. 37.
([26]) Lê Quý Đôn, Sách đã dẫn, tr. 98.
([27]) Lê Quý Đôn, Sách đã dẫn, tr. 113.
([28]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Thừa Thiên Phủ, tr. 99-101.
([29]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Thừa Thiên Phủ, tr. 52-53.
([30]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 2, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 409.
([31]) “Linh Thứu cao phong” là bức ngự đề của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa Thiên Mụ với ý nghĩa đây là thánh địa Phật Giáo ở Đàng Trong, hiện nay bức này vẫn còn, xem thêm: Nguyễn Anh Huy, “Theo dấu các chúa Nguyễn qua Những Bức Ngự Đề”, Liễu Quán, số 2, tháng 5-2014.
([32]) Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, trong bài “Chùa Quốc Ân - Một Bảo Tàng Văn Hóa Của Phật Giáo”, Liễu Quán, số 8, tháng 5-2016, tr. 64, lại cho rằng cửa biển Tư Hiền là: “… yết hầu của đất Thuận Hóa - Phú Xuân trong việc giao thương buôn bán, ngoại giao… Hầu hết các loại tàu thuyền giao thương với triều đình chúa Nguyễn đều vào cửa Tư Dung… nên đây là yếu địa về ngoại giao, buôn bán…”. Đối với giới sử học xưa nay, chỉ biết thời chúa Nguyễn, thương cảng quan trọng nhất ở Thuận Hóa là cảng Thanh Hà (nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà) và để đến cảng Thanh Hà thì thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản... có thể vào bằng cửa Thuận An, chứ nếu vào bằng cửa Tư Hiền thì lại lòng vòng xa xôi; do vậy, giải thích của Phạm Đức Thành Dũng rất mới lạ, nhưng không thấy tác giả dẫn dựa vào tài liệu nào.
([33]) Đại Nam Nhất Thống Chí, Sách đã dẫn, Thừa Thiên Phủ, tr. 100.
([34]) Lời của Ninh Vương viết ra trong bài ký minh, xem: Thích Quang Định, Bài đã dẫn.
([35]) L. Cadière, “La Pagode Quoc An: Le Fondateur”, B.A.V.H., No 2, 1914, p. 156.
([36]) Thích Hải Ấn, “Tờ Trình Gửi Phủ Chúa Xin Miễn Thuế Tam Bảo Tự Diền Của Tổ Nguyên Thiều Và Tổ Giác Phong Năm Chính Hòa Thứ Mười Lăm: Một Văn Bản Quý Hiện Còn Dược Bảo Lưu Tại Huế”, Liễu Quán, số 8, tháng 5-2016, tr. 43.
([37]) Đại Nam Liệt Truyện sắp xếp vị thứ nhân vật lịch sử không phải là theo thời gian xuất hiện nhân vật mà theo công đức, công lao của họ, ví dụ Đào Duy Từ (1572-1634) lại đứng trước Bùi Tá Hán (1496-1568)...
([38]) Năm bài thơ đó là: Ải Lĩnh Xuân Vân, Tam Thai Thính Triều, Thiên Mụ Hiểu Chung, Thuận Hóa Vãn Thị, Hà Trung Yên Vũ.
([39]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học dịch), Đại Nam Liệt Truyện. Huế: Nxb Thuận Hóa 2005, tập 1, tr. 225.
Văn Uyển chân thành cảm tạ bác sĩ, nhà sưu tập tiền cổ Nguyễn Anh Huy từ cố đô Huế đã gởi đăng bài này. Văn Uyển ước mong đạo hữu Cao Đài sẽ còn nhiều dịp được hiểu biết thêm danh lam thắng cảnh đất thần kinh qua các bài khảo cứu công phu của bác sĩ Nguyễn.