Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

ĐĐVU 19 / KHI ĐẾN HOÀNG HÔN / Lê Trí Tổng


Hiền huynh Lê Trí Tổng (1951-2016) - chức việc thánh thất Trung Đồng (Đà Nẵng), thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài - trong gần hai năm trị bệnh ở Huế đã hoàn tất tự truyện Mảnh Thân Giữa Cõi Vô Thường vào tháng 12-2015. Văn Uyển tập Hanh Bính Thân (số 18) đã trích đăng phần đầu tự truyện; nay chúng tôi trân trọng đăng tiếp một số trang trong phần cuối, như nén tâm hương để chúng ta cùng tưởng nhớ hiền huynh. (Nhan đề bài viết do Văn Uyển thêm vào.)
Sau khi cưới vợ cho đứa con út xong, tôi tập trường trai, dành nhiều thời gian về thánh thất, tham gia ban trị sự để cùng huynh đệ đi hộ trì kinh lễ. Tôi theo học Hạnh Đường Hưng Đức khóa II (2008-2012).
Năm 2013, tôi được nhơn sanh tín nhiệm cử vào ban cai quản họ đạo Trung Đồng. Tôi nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Phước Thiện, kiêm nhiệm quản lý nghĩa trang Đại La. Từ năm 2008 tôi thọ pháp luyện châu (tu thiền). Bước đầu là Linh Châu, hai năm sau lên Tướng Châu, rồi ba năm sau, Ơn Thầy cho tôi thọ pháp Tâm Châu. Tôi nguyện trao gửi mảnh thân dưới quyền năng Thượng Đế, mong được làm được nhiều hơn trong tu kỷ độ tha.
Mùa tịnh tu ba mươi sáu ngày năm Giáp Ngọ (2014) kết thúc. Đạo trưởng Phối Sư (Tịnh Chủ Trung Tông Thánh Tịnh) và các Giáo Sư trong ban hộ tịnh thương quý tôi nhiều, vì năm này tôi kết tập được các bài giảng của các vị để hoàn thành kỷ yếu, tiện cho tịnh viên ôn tập. Các huynh tỷ trong họ đạo Trung Đồng cũng hài lòng về sự tinh tấn của tôi trong tu học, tín nhiệm nên công cử tôi vào phẩm Lễ Sanh. Tiếc thay, vì bệnh tình dai dẳng nên tôi không theo học được khóa đào tạo Lễ Sanh.
Tôi đang chuẩn bị cho hội nghị tổng kết ngành Phước Thiện năm 2014 thì trên mặt tôi bỗng xuất hiện những đốm mụn nước. Chúng nổi lên từng chùm hai bên má. Tôi đi khám tại một bác sĩ chuyên khoa da liễu và được cấp thuốc uống, thuốc bôi. Một tuần lễ sau, các mụn nước dập ra, ngứa rát vô cùng. Hết một toa thuốc mà các vết thương chưa khỏi. Qua sự giới thiệu của người cháu cùng trong Ban Cai Quản, tôi đến khám tại bệnh viện Da Liễu. Nơi đây làm xét nghiệm, thử máu, không tìm ra bất cứ vi trùng, vi khuẩn nào. Tôi dùng thuốc uống, thuốc rửa, thuốc bôi đến ba tuần sau, bệnh vẫn không thuyên giảm.
Lúc này ông sui ngoài Ba Đồn (Quảng Bình) cưới vợ cho đứa con trai. Dù đang bệnh nhưng không thể từ khước, vợ chồng tôi ra dự đám cưới. Đám cưới xong, con trai tôi đưa tôi về Huế, đến khám tại phòng khám chuyên khoa của bác sĩ Lê Quang Thạch, Lê Quang Huy Phương. Ngay sau khi xem bệnh xong, bác Ngọc Lan (vợ bác sĩ Thạch) dùng Cetaphil bôi lên mặt tôi, nhồi cho mềm ra rồi vuốt xuống. Các vết lở loét đóng vảy trên mặt trôi theo, hai bên má tôi lòi cả da non, bỏng rát thấu tim. Bác Ngọc Lan xức thuốc cho tôi, cấp cho tôi hai mươi ngày thuốc và tôi ra về.
Hai mươi ngày sau, hai bên má tôi đóng một lớp dày hình thành từ các lớp da chết. Các vết mụn nước lan dần xuống cổ, ngực rồi lưng. Lên thăm tôi tại nhà, ai ai cũng xót xa, ái ngại, Đứa em đời thân thương là Phát liền đánh xe đưa tôi trở ra Huế.
Bác sĩ đã tìm ra bệnh của tôi là viêm da bọng nước (pemphigus). Một bệnh có dạng tự miễn, không tìm ra vi khuẩn, không có nguyên nhân. Bệnh pemphigus là một loại bệnh da có bọng nước, do cơ thể tự sinh kháng thể kháng gian bào làm đứt các cầu nối của tế bào da tạo thành các bọng nước, phỏng nước ở trên da và niêm mạc giống như bỏng nước sôi rất đau rát. Bệnh diễn biến mạn tính, nếu không điều trị đúng có thể dẫn tới tử vong.
Pemphigus da mỡ hay pemphigus ban đỏ lâm sàng là những ban đỏ bong vảy dày bóng mỡ. Ở hai má, mũi, tai, đầu, ngực là những vị trí có nhiều tuyến bã nên gọi là pemphigus da mỡ. Bệnh giống như lupus đỏ, chàm da mỡ.
Bác Ngọc Lan chăm sóc tôi bằng đôi tay điêu luyện. Bằng trái tim yêu nghề, yêu thương bệnh nhân như người thân yêu của gia đình. Bác dành cho tôi một căn phòng rộng, có máy điều hòa không khí, bồn tắm nước nóng, tivi, tủ lạnh để tôi đủ tiện nghi và yên tâm điều trị. Bác yêu cầu điều dưỡng thay drap, vỏ gối, tấm đắp cho tôi hàng ngày. Lúc đầu, tôi ngại quá. Chỗ ở của tôi sang trọng như phòng ngủ khách sạn năm sao, có internet wifi, làm sao tôi chịu nổi tiền lưu trú. Nhưng bác bảo tôi yên tâm ở đây điều trị, sẽ không tính tiền lưu trú.
Sau gần hai tháng điều trị bằng phương pháp làm sạch các vết thương, uống thuốc và chiếu tia hồng ngoại diệt khuẩn, tái tạo da, làm sáng da, đến tết âm lịch các vết thương trên mặt, trên ngực, cổ, lưng tôi khỏi hẳn, chỉ còn lại một ít trên đầu.
Tôi về nhà nghỉ tết bốn ngày, từ ba mươi đến hết mồng ba. Sáng mồng bốn tết tôi trở ra Huế. Bệnh cứ bớt chỗ này lại bung ra chỗ khác. Cảm giác thường xuyên là ngứa ngáy và rát buốt. Tôi không thể diễn tả nỗi đau đớn trên thịt da mình. Tôi không thể đoán biết cho đến bao giờ thì vết thương trên thịt da tôi lành hẳn.
Đến tháng thứ bảy ở Huế, một buổi trưa, chính xác là ngày 05-8-2015 tôi bỗng mệt lả. Tôi bước từng bước lên cầu thang mà chân lê không muốn nổi. Nằm vật xuống giường, tôi gọi điện thoại cho cháu Trang, điều dưỡng. Tôi ọc ra nửa thau máu bầm đen, tôi đi ngoài cũng toàn phân lỏng màu đen như thế. Hai cô làm tạp vụ rối rít pha nước chanh cho tôi uống.
Cháu Trang gọi bác Ngọc Lan lên. Biết rằng tôi xuất huyết dạ dày nên bác cấp tốc gọi xe đưa tôi qua bệnh viện trung ương Huế. Tôi được dìu từ tầng năm xuống đất bằng thang máy. Ra đến taxi, cháu Trang và chú Thành quản lý kè tôi lên xe, thì tôi không còn biết gì nữa.
Khi tỉnh dậy tôi biết đã được đưa xuống phòng điều trị nội tiêu hóa. Hai tay tôi được cố định để chuyền máu và đạm. Vợ tôi, con gái và hai đứa con trai đã có mặt tự bao giờ.
Điều trị đến ngày thứ mười ba, vào khoảng 18 giờ, tôi bảo vợ tôi xuống căng-tin ăn uống. Mấy phút sau, tôi nghe mệt lả trong người, vội cầm điện thoại gọi vợ tôi và chỉ kịp nói: “Em ơi, anh mệt quá!” Tuyết Mai vừa xuống tới nhà ăn chưa kịp gọi món gì thì phải vội chạy lên. Tuyết Mai ơi ới kêu bác sĩ, điều dưỡng. Mắt tôi đã lạc thần, thân thể tôi lạnh toát từ chân tới ngực. Phòng cấp cứu nội 4 tiêu hóa nhốn nháo. Các bác sĩ kích tim, cho thở ô-xy và tiếp tục chuyền máu. Tôi nghe nhộn nhạo trong ruột gan và ói ra nửa thau máu tươi có những tảng đỏ au. Tôi được xuống nội soi. Một màn đen phủ kín dạ dày, không nhìn thấy gì trên màn ảnh. Phải đưa vòi xịt rửa dạ dày, mới thấy các vết loét sâu đến 1cm ở tiền môn vị, hang vị và tâm vị. Tôi hôn mê sâu.
Giữa khuya một ngày sau, tỉnh dậy tại phòng hồi sức cấp cứu, tôi thấy mình trần truồng, hai tay và hai chân bị cột vào thành giường, bốn đường dây chuyền máu, đạm và thuốc chuyền thẳng vào tĩnh mạch. Hai ống nhựa được đun vào mũi để hút dịch trong dạ dày, hai đường thở ô-xy được trợ lực bằng máy thở cũng đun vào mũi tôi. Chung quanh vắng lặng, chỉ nghe tiếng kêu đều đều vang vang của máy trợ tim, máy thở. Chung quanh tôi, các bệnh nhân khác cũng nặng như tôi.
Phòng hồi sức cấp cứu chỉ cho người nhà vào thăm, chăm sóc mỗi ngày bốn lượt vào lúc 5 giờ sáng, 11 giờ trưa, 17 giờ chiều và 23 giờ đêm. Vợ và các con tôi phờ phạc vào với tôi đúng các giờ cho phép để làm vệ sinh, thay drap cho tôi. Anh chị Minh Tuyết, chị Đông tôi, chị Yến vợ anh Dư cùng hai cháu từ Sài Gòn ra, vợ chồng anh sui từ Quảng Bình, Đà Nẵng, các cháu, các bạn, những người nơi tôi làm việc từ mấy năm trước cũng đến thăm. Tôi như từ một cõi khác trở về trong lo lắng của những người thân. Tôi có biết đâu, khi đưa từ phòng cấp cứu nội 4 đến phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện trung ương Huế, bác sĩ đã gọi vợ và con trai tôi đề nghị chuẩn bị tinh thần lo hậu sự.
Ở phòng hồi sức cấp cứu, mỗi ngày chung quanh tôi đều có một hai người phải đưa về để được trút hơi thở cuối cùng ở nhà. Còn tôi, có một lần tôi lạnh run bần bật, tôi gọi bác sĩ trực và ngay lập tức, bốn góc giường có bốn cây đèn pha chiếu sưởi cho tôi. Sau mười ngày điều trị tích cực, tôi được cứu sống và trở lại phòng cấp cứu khoa. Sự trở về của tôi làm các bệnh nhân cùng phòng ngạc nhiên, kể cả các cô điều dưỡng, bởi đã lên tầng sáu thì thường chỉ có con đường đi về thế giới bên kia.
Sau khi tôi trải qua cơn thập tử nhất sinh, dường như những người thân yêu nhất của tôi càng thương yêu tôi hơn. Vợ tôi không rời tôi nửa bước, chăm sóc tôi từ miếng ăn, giấc ngủ. Các con trai, gái, dâu, rể của tôi cũng tranh thủ lúc rảnh rỗi là đến với tôi. Tôi cảm nhận được tình yêu thương đằm thắm, thiêng liêng của tình máu mủ và động lực phải sống của tôi được thôi thúc hơn; tôi tuân thủ bất cứ chỉ định nào của y, bác sĩ.
Sau bốn mươi ngày điều trị, kết quả nội soi cho thấy các vết loét sâu 5mm đã lành, vết loét sâu 1cm chỉ còn 5mm. Bệnh viện cho tôi xuất viện, hẹn ba mươi ngày sau tái khám. Tôi trở lại dưỡng đường, mọi người đều mừng rỡ đón tôi như đón một người thân.
Suốt thời gian điều trị ở bệnh viện, nhờ mỗi ngày vợ tôi đều làm vệ sinh, thay drap và quần áo, các vết thương ngoài da của tôi không phát ra. Đến khi trở về nhà gần một tháng, tôi thấy hơi đau ở dạ dày và nhập viện tại Đà Nẵng. Lúc này trên mặt tôi lại xuất hiện các bọng nước thành chùm ở hai bên mũi, mắt. Người ta cho tôi tắm thuốc tím pha loãng và bôi thuốc đỏ lên các vết thương. Đến ngày thứ năm thì cả khuôn mặt tôi sưng tấy lên. Trong miệng, ở hai lỗ mũi, các bọng nước bắt đầu xuất hiện. Sống mũi, hai bên khóe mắt đau rát. Bác Ngọc Lan từ Huế điện vào hỏi thăm, bảo chụp hình vết thương gửi ra và bảo tôi trở ra gấp.
Lần này, nếu tôi ra Huế trễ khoảng một tuần lễ, bác sẽ bó tay không chữa được. Bác đã tìm và mua được các loại thuốc đặc trị mới từ Pháp gởi về. Không thể sử dụng thuốc tây vì ảnh hưởng tới dạ dày, bác sĩ Phương, con trai bác Ngọc Lan tìm cho tôi các loại thảo dược bổ dưỡng cho da.
Tôi không thể nào nói hết sự quan tâm đặc biệt của gia đình này dành cho tôi. Ngoài những tiện nghi vật chất của căn phòng được quét dọn sạch sẽ tinh tươm hàng ngày, mỗi tối bác Ngọc Lan dành cho tôi nhiều tiếng đồng hồ để chăm sóc vết thương cho tôi. Bác luôn động viên rằng bệnh của tôi chỉ có thể tử vong khi không giữ vệ sinh tốt nên bị nhiễm trùng mà chết, hoặc không chăm sóc tốt sẽ lây lan khắp cơ thể, lan vào miệng, mũi, không ăn, không ngủ được nên sẽ suy kiệt mà chết.
Tôi không biết đến bao giờ căn bệnh lạ lùng thôi hành hạ tôi. Tôi đang sống những ngày tháng đớn đau tột cùng khi cả ngày và đêm, cái rát buốt khốn khổ từng phút, từng giờ đang vò xé thân thể tôi. Tôi phải sống chung với căn bệnh quái ác này như một án chung thân, án không có ngày mãn hạn.
Chỉ có phép lành của Thượng Đế ban cho. Cũng như khi niệm hồng danh Thầy, khi niệm Kinh Cứu Khổ, khi cầu xin Quan Thế Âm Bồ Tát nhiệm mầu tôi mới thiếp đi vào giấc ngủ yên lành.
Nguyện phó thác thân này dưới quyền năng tuyệt đối của Đức Chí Tôn, tôi chịu nhận trả những nghiệp căn mà đời trước, kiếp trước đã vay. Với niềm tin mãnh liệt vào ơn cứu rỗi của Thầy và các Đấng thiêng liêng, tôi hy vọng sẽ có một ngày tôi khỏi bệnh, bước tiếp con đường tu thân học đạo để báo đền ơn Tam Bảo và cùng các môn sinh của Thầy đi trọn con đường chúng tôi đã chọn.*
LÊ TRÍ TỔNG

* Lê hiền huynh đã về cõi vĩnh hằng lúc 15 giờ kém 5 phút ngày 12-3 Bính Thân (Thứ Hai 18-4-2016), tại nhà riêng ở Đà Nẵng.