Tu hành có lập nguyện thì tu mới mau tiến. Có câu “Vô
nguyện bất thành Phật dữ Tiên”, nghĩa là người không lập nguyện thì chẳng
thành Phật Tiên.
Vậy, chúng ta hãy thử tìm hiểu lý do vì sao người tu cần
phải lập nguyện. Có thể nêu lên hai lý do: một lý do mang tính khách quan, và
một lý do mang tính chủ quan.
1. LÝ DO KHÁCH QUAN
Thực sự, câu này có hai vế:
(1) “Vô nguyện bất thành Phật dữ Tiên”;
Không biết hai câu này được ghi trong quyển kinh nào, chỉ
biết trong quyển Tứ Đại Điều Quy Giảng Nghĩa, phần giảng nghĩa điều
quy thứ nhất, tiền bối Nguyễn Minh Thiện (1897-1972) ghi như
sau:
“Thử xem các vị Phật Tiên thuở trước có ai không nhờ thệ
nguyện mà đặng thành chăng? Cho nên người tu trước phải thệ nguyện làm tin, rồi
sau mới vững lòng mà hành Đạo.
Trong kinh có câu: Vô
nguyện bất thành Phật dữ Tiên, Phật Tiên vô nguyện bất điều hiền, nghĩa là người không
lập nguyện chẳng thành Phật Tiên, còn Phật Tiên cũng chẳng độ người không lập
nguyện. Lời này đủ chứng tỏ sự thệ nguyện là quý trọng dường nào.”
Vậy, nếu tu mà không lập nguyện thì sẽ không nhận được sự
hộ trì của các Đấng Thiêng Liêng. Đây là lý do thứ nhất, lý do khách quan, từ
bên ngoài, từ tha lực ảnh hưởng đến kết quả tu hành của chúng ta.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I, ghi lời Đức Chí Tôn dạy
các vị Tiền Khai trước khi Khai Đạo như sau:
“Quỷ vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành
xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác, chúng nó hiệp tam thập
lục động toan hại các con. Nhưng phần đông chưa lập minh thệ, nên chư Thần
Thánh, Tiên Phật không muốn nhìn nhận.” (29-6
Bính Dần, 07-8-1926).
Năm 1934, Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn lập Nữ Chung
Hòa Phái, Đức Mẹ cũng buộc các vị nào ghi tên vào bảng Nữ Chung Hòa Phái đều
phải lập minh thệ. Đức Lê Sơn Thánh Mẫu giải thích ý nghĩa
việc lập minh thệ như sau:
“Luôn đây, Mẹ giải nghĩa việc minh thệ cho các
con rõ. Nữ Chung Hòa Phái tuy là Tây Cung Kim Mẫu ban luật lệ, nhưng có công
đồng cả Phật Tiên, Thánh Thần. Vậy, mỗi con có tên vào bảng thì phải có lập
minh thệ mới đúng với luật Đạo. Còn các con có tên vào bảng mà không có lời minh
thệ, tức nhiên Phật Tiên, Thánh Thần không chứng chiếu cho vào bảng. Vậy các
con phải tuân theo, chớ cho rằng minh thệ là bó buộc. Mẹ phân cho các con rõ:
Bó buộc như thế cũng nên tuân theo, vì bó buộc cho xa điều dữ, xa điều tục thế,
xa cõi khổ não này. Bó buộc như thế có đúng chơn lý chăng?”
Pháp Sư Trần Huyền Trang (khoảng 602-664) vào đời nhà Đường
(Trung Quốc) khi phát nguyện sang Thiên Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật, cũng lập
nguyện rằng nếu không sang tới nơi, không lấy được chân kinh thì sẽ không trở
về và mãi mãi chịu đắm chìm nơi địa ngục.
Nhờ có lòng quyết tâm và lời đại nguyện như vậy nên trên
đường đi thỉnh kinh mặc dù phải trải qua vô vàn khổ nạn, Ngài luôn luôn nhận
được sự hộ trì và cứu giúp của chư Phật Tiên, Thánh Thần.
Trong nạn thứ nhất, khi bị sa xuống hầm hố của bọn hổ gấu
thành tinh, Ngài sắp bị ăn thịt thì được Đức Thái Bạch Kim Tinh giáng trần giải
cứu. Truyện Tây Du Ký kể rằng sau khi giải cứu cho Ngài Đường
Tam Tạng, Đức Thái Bạch Kim Tinh đã hóa thành làn gió mát, cỡi một con hạc trắng
mào đỏ, bay lên không trung, rồi thấy một tờ thiếp phấp phới bay xuống, trên
viết bốn câu thơ:
Ta, sao Thái Bạch Tây Phương
Cứu người nên phải tìm đường xuống đây
Đường đi Thần giúp đêm ngày
Chớ vì sóng cả rời tay buông chèo.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy rằng các Đấng Thần Thánh, Tiên
Phật mặc dù đã đắc quả vị nhưng vẫn tiếp tục lập đại nguyện cứu khổ cứu nạnchúng
sanh.
Đức Phật A Di Đà có bốn mươi tám lời đại nguyện mà quan
trọng nhất là đại nguyện thứ nhất và thứ nhì.
Đại nguyện thứ nhất: Lúc tôi thành Phật, nếu trong
cõi nước tôi có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi không ở ngôi chánh giác.
Đại nguyện thứ hai: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng
nhơn thiên trong cõi nước tôi, sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba đường
ác đạo thì tôi không ở ngôi chánh giác.
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có mười hai lời đại nguyện. Có thể
kể ra một số lời đại nguyện của Ngài như sau:
- Nguyện rằng chúng sanh ở cõi ta bà hay cõi u minh mà có
lời cầu nguyện Ngài thì Ngài sẽ đến nơi để tận độ.
- Nguyện ngày đêm tuần du khắp chốn, đến cả cõi địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh để độ rỗi chúng sanh khỏi vòng tổn hại.
- Nguyện tự tay cầm tràng phan và bảo cái để tiếp dẫn hồn
kẻ lìa trần đến cõi Tây Phương cực lạc.
Sang Tam Kỳ Phổ Độ, khi Đức Chí Tôn rời Bạch Ngọc Kinh
xuống trần lập đạo Cao Đài, Thầy cũng lập đại nguyện. Đại nguyện của
Thầy như sau:
“Sao mà đời không chịu gia tâm suy nghĩ, để đặng tầm Thiên
cơ cầu diệu lý mà luyện kỷ, hầu quày trở lại chỗ nguyên thỉ cựu ngôi.
Để làm chi cứ mang lấy nạn khổ mãi luân hồi, THẦY dòm thấy
luống chua xót đứng ngồi không yên dạ.
Nên hội Tam Giáo công đồng, THẦY lập tờ đoan thệ, đem Đạo
mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh.
Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo
khôngthành THẦY nguyện không trở về ngôi
vị cũ” [2]
Sau đó, Thầy dạy tiếp:
Muôn kiếp các con chịu lạc đường
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương
Nên đoan thệ với hàng Tiên
Phật
Như vậy, chúng ta thấy rằng ngay cả các Đấng Phật Tiên và
thậm chí Đức Chí Tôn là Đấng chúa tể càn khôn vũ trụ mà còn lập đại nguyện thì
lẽ nào người tu chúng ta muốn hoàn thành sứ mạng, đắc thành đạo quả lại không
lập nguyện.
2. LÝ DO THỨ HAI
Việc cần thiết phải lập nguyện mang tính chủ quan, xuất
phát từ ý thức tự nguyện của hành giả. Chúng ta thử khảo sát một số lời nguyện
sau đây:
- Lời minh thệ nhập môn:
“Con tên là: . . . Tuổi: . . . từ nay biết một Đức Cao Đài
Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp cùng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài, như
sau có lòng hai thì thiên tru địa lục.”
- Lời thề của môn sinh đạo Minh Sư:
(Nếu như có hai lòng, hai mắt rớt xuống đất, thân xác hóa
ra máu mủ, Trời cho sét đánh chết.)
- Lời thề của đệ tử phái Chiếu Minh:
Nếu con không giữ lời nguyền
Ngàn năm trâu ngựa để đời làm gương.
Qua khảo sát một số các lời nguyện trên đây, chúng ta thấy
lời nguyện nào cũng có phần ràng buộc rất nghiêm trọng. Do đó, người tu một khi
đã lập nguyện rồi thì cũng chẳng khác nào người tử tù trong chuyện sau đây:
Một tử tù được nhà vua ân xá kèm theo điều kiện: Nếu bưng
một chén rượu rót đầy tới miệng và đi đủ ba vòng giữa các mỹ nữ đang múa hát
trong tiếng nhạc bổng trầm réo rắt mà không làm sớt một giọt nào ra ngoài thì
ông ta sẽ được tha tội chết. Để được thoát chết, người tử tù chỉ còn một cách
duy nhất, là tập trung hết tinh thần vào việc giữ cho chén rượu không bị sớt ra
ngoài một giọt nào.
Người tu hành một khi đã lập nguyện thì chẳng khác người tử
tù trong chuyện trên. Giữa muôn ngàn cạm bẫy cám dỗ ở cõi thế gian, người tu
muốn giữ tròn lời thệ nguyện phải tập trung hết tinh thần vào việc tu công
luyện kỷ, không được giây phút nào xao lãng.
Do đó lời nguyện có tác dụng thúc đẩy hành giả phải chuyên
tâm trì chí trên con đường Đại Đạo, chỉ có tiến chứ không thể bước lui; bởi vì
với lời thệ nguyện, thối lui đồng nghĩa với chết, không phải chỉ chết thân xác
một kiếp này mà còn chết về phần tâm linh, chịu ngàn năm muôn kiếp đọa đày bất
năng thoát tục.
Điều này khiến chúng ta nhớ tới hình ảnh con ngựa kéo xe bị
che cả hai bên mắt nên không thể nhìn qua nhìn lại cảnh vật hai bên đường mà
chỉ còn biết nhìn thẳng một đường tiến lên phía trước.
Ngược lại, nếu không lập nguyện thì hành giả dễ mắc phải chứng
bệnh giải đãi, biếng lười nên tu hành bê trễ, không tinh tấn siêng năng.
Ngày nay, trong đạo Cao Đài, khi cầu xin học lên bậc sơ
thiền tiến đạo nội công hấp khí, các tịnh viên cũng phải lập thệ: Nguyện giữ
trường trai tuyệt dục, nếu phạm thệ sẽ bị đọa tam đồ bất năng thoát tục. Đức
Bát Nương giảng giải về hình phạt đọa tam đồ bất năng thoát tục như sau:
“Thảng như bị đọa tam đồ bất năng thoát tục thì chơn linh
bị ngăn cản không được hiệp với chơn thần, làm cho đệ nhị xác thân (chơn thần)
phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim thạch cho đến làm người,[5] và phải chuyển
kiếp trở lại bực kim thạch đủ ba vòng mới được khởi lập công lại.
[Một vị hầu đàn bạch:]
- Có phải ba vòng đều trở lại từ bực kim thạch không?
- Phải vậy.
- Một vòng cũng đủ giác ngộ rồi cần gì ba vòng?
Cũng do lời nguyện hệ trọng như thế nên Ơn Trên thường từ
bi lưu ý chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi lập nguyện, nhất là khi hành
giả muốn bước vào con đường đại thừa thiên đạo.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Ngày xưa, nếu một ai muốn tìm đạo trường sanh siêu
thoát phải dày công nhọc sức để kiếm tìm minh sư, và phải minh thệ một cách
thiết thực, gọi là đại hồng thệ mới được khẩu khẩu tương truyền. Ấy thế mà vẫn
có người phạm hồng thệ để bị đọa tam đồ bất năng thoát tục.
Ngày nay, thời kỳ đại ân xá, chư đệ muội được bước vào cửa
pháp môn, không có một điều kiện ràng buộc khó khăn như khi xưa. Nhưng Bần Đạo
khuyên chư hiền đệ, hiền muội đừng xem đó là tầm thường mà dể lờn. Không phải
có đại hồng thệ mới có sự trừng phạt của Thiên luật, còn không đại hồng thệ lại
được tự do. Càng không bắt buộc lại càng có nhiều hình phạt cận kề đúng theo
luật Thiên điều trong đại ân xá này đó, chư hiền đệ.
Vậy nơi đây, chư hiền đệ nào muốn phát tâm vào trường chơn
đạo hãy tự vấn lấy lòng mình cho kỹ lưỡng rồi sẽ bước đến. Đức từ bi tận độ
luôn luôn phổ cập chúng sanh, chỉ ngại chúng sanh khinh thường mà đắc tội vậy.”
Tóm lại, khi lập nguyện người tu sẽ nhận được sự trợ lực từ
hai phía:
- Từ tha lực, chính là sự hộ trì của các Đấng
Thiêng liêng.
- Từ nội lực, tức là sự nỗ lực của bản thân
hành giả để giữ trọn lời nguyện ước với Ơn Trên. Có như thế thì việc tu hành
mới ngày càng tinh tấn thêm hơn.
Thiển nghĩ, mỗi hành giả trên bước đường tu học và hành đạo
cần nên ghi nhớ lời Đức Hà Tiên Cô khuyên dạy:
Tẩy tâm thanh tịnh trọn lòng
Chí thành lập nguyện, ân hồng bố ban.
DIỆU NGUYÊN
[1] 無愿不成佛與仙 / 佛仙無愿不調賢. (Văn Uyển chú)
[2] Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb
Tôn Giáo, 2011, tr. 32.
[3] Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb
Tôn Giáo, 2011, tr. 34. (Quyển 36 trong Chương Trình CTÂTKS Đại Đạo.)
[4] 若有二心, 雙眼落地, 身化膿血, 天遣雷誅. (Văn Uyển chú)
[5] Vòng tiến hóa: kim thạch, thảo mộc, động
vật (con người)...
[6] http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/t/t1-342.htm