Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / LẠY MẸ ĐẠI TỪ ĐẠI BI / Huệ Khải


Trong nhiều cộng đồng Cao Đài xưa nay, lúc cúng tứ thời, tiếp theo bài “Đại La Thiên Đế…”, tín đồ vẫn quen tụng thêm bài “Lạy Mẹ đại từ đại bi…”
Bài kinh này rất truyền cảm, thế nên số đông tín đồ thích tụng, như một cách tỏ bày tấm lòng con cái thương kính, nhớ tưởng Đức Mẹ (Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn).
Có điều, phần lớn tín đồ hầu như không biết xuất xứ bài kinh này, lại thêm lưu truyền đã lâu nên có đôi chữ người đạo thường đọc sai, so với bản kinh gốc.
Năm 1932, thánh thất Định Tường (Hội Thánh Minh Chơn Lý) xuất bản Kinh Nhựt Thời. Đây là bản in lần thứ nhì (10.000 quyển), mỗi quyển có 36 trang, thực hiện tại nhà in Xưa Nay của ông Nguyễn Háo Vĩnh, số 60-64 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), Sài Gòn. Trên bìa 1 ghi giá tiền mỗi quyển là 0,10$. Ba chữ Hán trên bìa 1 in sai thứ tự, lẽ ra phải là 日時經. Ngoài ra còn có nhiều lỗi chánh tả.
Theo trang 19, bài kinh do Đức Thể Liên Tiên Nữ giáng cơ tại Cao Thiên Đàn (thánh thất Kiên Giang) ngày 01-7 Canh Ngọ (Chúa Nhật, 24-8-1930). Đàn này do Đức Quan Vân Trường (Tam Trấn Oai Nghiêm) vâng lịnh Đức Chí Tôn chứng đàn.
Theo Kinh Nhựt Thời (tr. 20), bài kinh có nhan đề KINH KÍNH LẠY ĐỨC DIÊU TRÌ. Chúng tôi đã sửa hết các lỗi chánh tả khi dẫn lại bài kinh sau đây:
KINH KÍNH LẠY ĐỨC DIÊU TRÌ
Lạy Mẹ đại từ đại bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần
Cho người đem  khỏi mê tân
Đặng cho con dại nguơn thần mở mang
Con đà ƒ sái bước lạc đàng
Muôn ngàn tội lỗi chứa chan dẫy đầy
Mẹ thương xin Mẹ làm khuây
Tha cho con dại thơ ngây lỗi lầm
Từ đây con nguyện chí tâm
Cải tà quy chánh lo chăm theo Thầy
Gió trong vén ngút rẽ mây
Lạy xin Đức Mẹ đoái bầy con thơ
Đừng cho xiêu lạc vất vơ
Xin cho biết bến biết bờ sanh sanh
Lòng con rót cn chữ thành
Lạy nhờ Đức Mẹ xin nhìn chăm nom
Cho người hôm sớm thăm lom
Cho người dạy dỗ mai hôm kịp thì
Lạy Mẹ đại từ đại bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần.
Chú thích:
 Bản 1932 in là đam. Đam tức là đem.
Mê tân 迷津: Bến mê, cõi trần.
ƒ Con đà: Con đã.
Người đạo thường đọc sai, viết sai là xanh xanh. Có người thấy hai chữ xanh xanh khó hiểu, mơ hồ, tự ý sửa lại là: “Xin cho biết bến biết bờ siêu sanh”!
Hai chữ sanh sanh tức là sinh sinh. Nhưng không đọc sinh sinh mà đọc sanh sanh để hiệp vận với câu kinh kế tiếp: Lòng con rót cạn chữ thành.
Có câu: Sinh sinh chi vị Dịch 生生之謂易. Nghĩa là âm và dương tác động qua lại, sinh sinh hóa hóa không ngừng, gọi là Dịch. Suy ra, biết bến biết bờ sanh sanh tức là biết bến biết bờ của Đạo. Đạo là nguồn sinh hóa ra vạn vật vạn loại.
Rót cạn: Trút cạn, dốc hết.
*
Đức Thể Liên Tiên Nữ là quả vị của tiền bối Võ Thị Chỉnh.

Tiền bối sinh năm Nhâm Thìn (1892) tại làng An Hòa, (nay là xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới), tỉnh Long Xuyên. Vì nghèo, cha mẹ tiền bối dọn về Rạch Giá sinh sống. Tại Rạch Giá, tiền bối kết hôn với ông Nguyễn Hữu Niệm (1890-1933). Hai ông bà sinh được sáu người con (Nguyễn Thị Cụm, Nguyễn Hữu Kiển, Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Trọng, và Nguyễn Thị Liên Hoa).
Tiền bối Võ Thị Chỉnh nhập môn tại thánh thất Kiên Giang (Rạch Giá) ngày 04-6-1928, sau đó thọ phong phẩm Lễ Sanh.
Tiền bối Võ Thị Chỉnh quy thiên ngày 13-2 Canh Ngọ (thứ Tư 12-3-1930).[1] Ngay sau đó tiền bối được Đức Chí Tôn ban quả vị là Nữ Phước Thần Thể Liên Tiên Nữ.
Bài kinh Kính Lạy Đức Diêu Trì được ban cho tại Cao Thiên Đàn. Đàn này lập từ năm 1929 tại thánh thất Kiên Giang (Rạch Giá). Pháp Sư là Thái Giáo Sư Phan Văn Nhơn (1895-1959), làm thông phán Sở Công Chánh Rạch Giá. Đồng Tử là hai con trai của tiền bối Võ Thị Chỉnh: Nguyễn Hữu Kiển (sinh năm 1915, đạo danh Tường Khánh), và Nguyễn Hữu Thận (sanh năm 1917, đạo danh Chơn Tâm).
Trong Kinh Nhựt Thời có nhiều bài kinh (thơ lục bát), do Đức Thể Liên Tiên Nữ ban cho để xưng tụng các Đấng thiêng liêng (Đức Chí Tôn, Tam Giáo Tổ Sư, Tam Trấn Oai Nghiêm, Gia Tô Giáo Chủ…).
Chẳng hạn, theo Kinh Nhựt Thời (tr. 27), vào ngày 24-02 Tân Mùi (thứ Bảy, 11-4-1931), Đức Thể Liên Tiên Nữ ban cho bài kinh như sau:
KÍNH LẠY ĐỨC GIA TÔ GIÁO CHỦ
Lạy cầu con một Chúa Cha
Gia Tô cứu thế xót xa tôi cùng
Cũng vì nơi tội tổ tông
Ngôi Hai phải dụng máu hồng rửa tan
Chúng tôi ngoại giáo khổn nàn
Lòng theo ma quỷ tin càn tưởng vơ
Xa xuôi khác cõi cách bờ
Đông Dương một cõi Thiên thơ chưa tường
Cúi xin chỉ mối đem đường
Nước Cha chầu chực xót thương trao lời
Chúa Cha chính ngự ngôi Trời
Chúa Con ngai hữu đời đời hiển vang [2]
Bởi nơi Người thác [3] rõ ràng
Mà nên sống lại được ban ơn lành
Chúng tôi muôn tội đã đành
Vì chưng [4] tối mắt chưa nhìn biết Cha
Cả kêu một tiếng lạy Cha
Chúng con biết tội xin tha con mà
Lạy cầu con một Chúa Cha
Gia Tô cứu thế xót xa tôi cùng.
Những bài kinh do Đức Thể Liên Tiên Nữ ban cho đều kết thúc bằng cách nhắc lại hai câu lục bát mở đầu.
HUỆ KHẢI



[1] Phần tiểu sử và chân dung tiền bối Võ Thị Chỉnh, tham khảo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Lịch Sử Đạo Cao Đài, quyển II. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 615-616.
[2] Hiển vang: Hiển vinh.
[3] Thác: Chết.
[4] Vì chưng: Bởi vì.