Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / THẦN NỮ NGUYỄN THỊ NGẠI / Sống Đạo



Tiền bối Nguyễn Thị Ngại sinh năm 1906 tại xã An Khê (nay là phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Song thân là ông Nguyễn Hữu Thêm và bà Huỳnh Thị Mùi.
Năm 12 tuổi (1918) tiền bối bệnh nặng. Khi lành bệnh thì câm nhưng thân thể phương phi, sắc mặt tươi trẻ hồng hào.
Ông Bác Di, người Đại Lộc, là lái buôn tơ tằm, thường xuống nhà cha mẹ tiền bối mua tơ. Cầm hai bàn tay của tiền bối, thấy mềm mại dịu dàng, vẻ mặt quý phái, ông bảo: “Nếu cô này nói được, mai sau có chồng sanh con rất thông minh.”
Đến ngày giỗ thân phụ, đêm 19 rạng 20-02 Bính Tý (1936), tiền bối nằm mộng thấy cha về nhà cùng với một phụ nữ rất thùy mị. Bà ấy đến chỗ tiền bối nằm, viết trên miệng hai chữ gì không rõ. Tiền bối liền thức dậy gọi to: “Cha ơi! Cha ơi! Cha ơi!”
Mẹ tiền bối cùng mấy chị em nghe thấy, chạy vào hỏi. Nghe tiền bối kể lại, cả nhà vui mừng khôn xiết, tin rằng có Thần Tiên đến khai khẩu.
Tiền bối đã từ khước lời cầu hôn của ông Khóa Thông (làm thầy giáo), nhất quyết xin mẹ đi tu.
Sau khi nhập môn tại thánh thất Trung Thành năm Đinh Sửu (l937), tiền bối xin mẹ cho xuất gia, vào ở hẳn trong thánh thất để chuyên tâm tu học. Tại thánh thất, tiền bối có phận sự quản lý lương thực, trù phòng (nấu ăn), tiếp tế, đi chợ, và tiếp đãi đạo hữu xa gần về Trung Thành.
Vào những ngày lễ lớn (như Đại Hội Vạn Linh) quy tụ hàng ngàn người, hay khi Cơ Quan Truyền Giáo [1] thành lập Cửu Viện, chức sắc và chức việc các nơi về làm công quả xây dựng cơ sở rất đông. Riêng Học Viện có khoảng hai, ba trăm học viên về học văn hóa và giáo lý. Tất cả mọi việc đãi đằng đều được tiền bối vui vẻ chu toàn.
Năm 1942, thực dân Pháp đóng cửa thánh thất Trung Thành, khủng bố và cầm tù các chức sắc. Tiền bối và bà Cử vẫn bám thánh thất, hằng ngày tu học cầu nguyện, không hề nao núng.
Ngày 27-11-1946, quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng. Tất cả đạo hữu đều tản cư lên Sở Nông của Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài Trung Việt ở Tý Sé (huyện Quế Sơn). Riêng tiền bối Nguyễn Thị Ngại nhất quyết trụ lại để gìn giữ thánh thất. Thế rồi giữa một cuộc giao tranh khốc liệt, tiền bối đã bỏ mình khi thánh thất Trung Thành trúng đạn pháo sụp đổ tan nát!
Ngày 26-4-1964 (15-3 Giáp Thìn), Ơn Trên cho tiền bối về cơ với quả vị là Thần Nữ, thọ lệnh Diêu Trì Cung âm phò mặc trợ cho phái nữ thánh thất Trung Thành trên đường tu học. Đức Thần Nữ dạy:
THI
Lòng thành THỊ hiện ở hôm nay
Hơn thiệt NGẠI chi chẳng bảo bày
Muốn được THẦN hồn cho thanh khiết
Đường tu NỮ sĩ phải mê say.
Mê say mùi đạo mới về Thầy
Thế sự nhơn tình phải lãng khuây
Cuộc thế mấy ai muôn tuổi sống
Mà lo danh lợi suốt đêm ngày.
Nữ Thần chào chư hiền huynh Thiên ân phận sự và chư hiền tỷ, hiền muội nội đàn.
Hôm nay Nữ Thần may mắn được lịnh Ơn Trên ghé về đây để tỏ tấm lòng thương nhớ nhau, một cơ hội rất hiếm có. Hồi tưởng lại thời gian qua, nghĩa là khi tôi còn chung sống với chị em, xét ra về phần tu học tôi còn kém hơn chị em nhiều.
Rất tiếc và cũng rất rủi ro cho tôi là khi đó nền chánh pháp tâm truyền vô vi trung đạo chưa được thị hiện, dù có muốn cũng không làm sao có được.
Thầy Mẹ chỉ tương công chiết tội,[2] thấy ở tôi có lòng trung trinh, có một đức tin mạnh mẽ, một công quả ít nhiều, nên cho vào hàng Thần Nữ, nhưng vẫn còn ở trong vòng sanh tử, làm sao hân hạnh được như chị em chúng ta ngày hôm nay.
Bởi sự chí thành của tôi và lòng từ bi của Thầy Mẹ cho về cơ để lập công và cũng nương theo luồng điển chung của chư huynh tỷ để dồi luyện chơn thần.
Này quý chị em ôi! Đời là giấc mộng, có chi đâu! Thân con người sanh ra dù giàu hay nghèo, sang hay hèn có mấy ai mà thoát ra ngoài vòng tứ khổ.[3] Nếu biết tu hành sống trong nền đạo đức thì mới thấy bao nhiêu công việc ở đời là giả tạm phù vân.[4]
Những người chưa giác ngộ, họ cho đó là thiệt. Suốt đời họ đem cả tài năng, trí lực mà phụng sự cho cái giả. Đến khi ma tử thần dẫn dắt thì mới ô hô cuộc thế dã tràng. Dù chồng đẹp con yêu, nhà cao cửa rộng, vàng bạc đầy kho cũng không sao đem theo một mảy được. Đã thế, vì gây ra tội lỗi ác nghiệp mà linh hồn phải bị quả báo luân hồi, làm ma làm quỷ, làm súc vật đời đời, khó có ngày trở lại làm người như chị em chúng ta hôm nay.
Tôi được lịnh Ơn Trên chia cắt cho một phận sự để lập công là gần gũi hiền tỷ, hiền muội để đem những lời chỉ huấn của Ơn Trên mà trao truyền lại. Tôi đến với chị em không ngoài tấm lòng thương yêu nhắc nhở. Bao nhiêu lời đã tỏ bày mong quý chị em ghi nhớ. Tôi đã được phép chung góp với chị em về công việc xây dựng tình thân hữu và nền sơ bộ [5] đại đồng.
BÀI
Nền sơ bộ đại đồng xúc tiến
Hỡi chị em cùng nguyện thi hành
Cùng nhau chung sống đường lành
Xây mình dựng bạn cho thành mau lên.
Đại đồng xã xây nền dựng móng
Chị em mình chóng chóng chung lo
Dù cho phải lúc gay go
Bước lên, một dạ lần mò bước đi.
Chớ ngại ngùng gian nguy khó nhọc
Ấy chẳng qua bài học luyện mài
Khuyên cùng tất cả ai ai
Hư nên nhắc nhở, quấy sai bảo bày.
Khuyên đừng có ỷ hay chê dở
Phải cùng nhau nâng đỡ dắt dìu
Cho nhau với những tình yêu
Dầu chi chi cũng nâng niu đỡ đần.
Mỗi người đều bản thân xây dựng
Lo làm sao hiếu thuận cho tròn
Gia đình trọn nghĩa dâu con
Hữu bằng, lân ấp,[6] nước non đượm tình.
Sao cho được đẹp xinh cây Đạo
Sao xứng người thọ giáo Kỳ Ba
Đã đồng một Đạo một Cha
Chị em ta phải ruột rà với nhau.
Trong một Đạo nghèo giàu chia sớt
Một cọng rau trái ớt cũng chia
Nhắc nhau dậy sớm thức khuya
Trên đường tu học chớ lìa chớ lơi.
Bớt lần lần thói đời hư tệ
Đường về Trời chớ trễ tràng nghe
Có công có quả đừng khoe
Dại khôn ta cũng chở che bảo bày.


Chớ đừng có khi say khi tỉnh
Hễ tu hành phải tịnh phải an
Chớ cho danh lợi buộc ràng
Thị phi xáo lộn tâm can đảo huyền.[7]
Chị em đã gặp duyên gặp phước
Thì phải lo đón rước vào mình
Người nào lơ đễnh coi khinh
Thời cơ đi mất đời mình tiêu vong.
Kẻ gánh việc phải xong phận sự
Phải hết lòng chăn giữ đàn chiên
Hễ làm nắm lấy pháp quyền
Không tròn trách nhiệm tiền khiên tội tình.
Không chỉ những thân mình chịu khổ
Mà cửu huyền thất tổ chịu lây
Lỗi lầm khuyên chớ chuốc gây
Chuốc gây tội lỗi, Mẹ Thầy khó thương.
Chị em đã sẵn đường cứu độ
Mỗi người đều có chỗ cậy nương
Đường này thẳng đến Tây phương
Từ nay ta bạn níu nương thẳng về.
Tôi muốn mãi được gần gũi chị em, nhưng đã đến giờ Đức Quan Âm Bồ Tát nhập cơ. Vậy chị em hãy thành tâm thủ lễ để đón rước. Tôi xin phép xuất cơ.
Theo SỐNG ĐẠO (HT Truyền Giáo)

SUY GẪM LỜI THẦN NỮ DẠY
Kết thúc bài thơ, Đức Thần Nữ khuyên chức sắc, chức việc ghi nhớ mình là người chăn giữ đàn chiên, có quyền pháp đối với tín đồ. Nếu đã nhận lãnh phận sự trong Đạo mà không làm tròn trách nhiệm thì chẳng những bản thân chức việc, chức sắc mà cả cửu huyền thất tổ của người ấy cũng phải liên đới trách nhiệm, chung chịu tội tình:
Kẻ gánh việc phải xong phận sự
Phải hết lòng chăn giữ đàn chiên
Hễ làm nắm lấy pháp quyền
Không tròn trách nhiệm tiền khiên tội tình.
Không chỉ những thân mình chu khổ
cửu huyền thất tổ chu lây
Lỗi lầm khuyên chớ chuốc gây
Chuốc gây tội lỗi, Mẹ Thầy khó thương.
Việc liên đới chịu trách nhiệm giữa chức sắc, chức việc và cửu huyền thất tổ của các vị chăn chiên ấy như thánh huấn của Đức Thần Nữ cảnh giới là lẽ dễ hiểu. Ai tu tốt, hành đạo siêng năng, đúng đắn thì cửu huyền thất tổ được hưởng nhờ công đức sẻ chia. Ngược lại, tu không xong và hành đạo bê trễ, sai lệch thì cửu huyền thất tổ ắt phải chịu lây quả xấu. Đó là lẽ công bằng theo Thiên luật.
Bởi vậy, Đức Nhứt Trấn Oai Nghiêm Trường Canh Thái Bạch từ bi nhắc nhở người tu:
“… sự hành đạo của chư hiền nam nữ ảnh hưởng đến cửu huyền thất tổ.” [8]
Nói cách khác, đừng nghĩ sai rằng bản thân mình tu hành không xong thì chỉ riêng cá nhân mình lãnh hậu quả. Thật ra, mình tu không xong thì còn tác hại dây chuyền đến nhiều người khác, trong đó có cửu huyền thất tổ của mình nữa! Đức Minh Đức Đạo Nhơn dạy:
“Đừng ai tưởng rằng mình hành đạo là để tu thân mà thôi, nếu tu đưc thì tốt riêng cho mình, không tu được thì cũng chẳng làm hi chi ai. Nếu tưởng vậy là sai lầm.” [9]
Khi làm chức việc, chức sắc, hiến thân vào Hội Thánh, Giáo Hội để tu, thì ta đang mắc nợ tập thể tín đồ đã góp công quả nuôi dưỡng cho ta ổn định cuộc sống để yên tâm tu học và hành đạo.
Nợ bá tánh quá lớn! Nếu tu không xong, không trọn vẹn bổn phận và trách nhiệm một chức việc, chức sắc thì theo luật Tạo Hóa công bằng, đương nhiên ta sẽ phải trả nợ lại cho bá tánh, cả vốn lẫn lãi. Con đường đọa lạc luân trầm ắt hẳn khó tránh khỏi! Thầy Mẹ dầu từ bi cũng khó cứu ta được, như Thần Nữ cảnh báo: Chuốc gây tội lỗi, Mẹ Thầy khó thương.
Lúc còn tại thế, Đức Phật Thích Ca dạy các môn đồ khi ôm bình bát xin cơm hàng ngày hãy nhớ rằng một hột cơm bá tánh cúng dường để nuôi mình tu còn lớn nặng hơn núi Tu Di. Tâm niệm như thế để biết sợ mắc nợ mà ráng lo tu.
Văn Uyển trân trọng kính mời Quý đạo hữu, đạo tâm tìm đọc Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ của Huệ Khải, ấn tống trong quý 2-2012,[10] để củng cố chánh tín về hai chữ tu hành theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.



[1] Sau này là Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
[2] Tương công chiết tội 將功折罪: Lấy công bù tội.
[3] Tứ khổ 四苦: Sinh, lão, bệnh, tử 生老病死.
[4] Phù vân 浮雲: Mây nổi trên bầu trời rồi sẽ tan đi, ám chỉ những thứ không bền vững.
[5] Sơ bộ 初步: Bước đầu.
[6] Hữu bằng 友朋: Bạn bè. Lân ấp 鄰邑: Địa phương láng giềng.
[7] Đảo huyền 倒懸:  Treo ngược (một hình phạt các linh hồn nơi địa ngục). Hoàn cảnh xáo trộn, đảo điên, đau khổ.
[8] Minh Đức Đàn, 06-8-1965 (10 rạng 11-7 Ất Tỵ).
[9] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 24-3-1972 (10-02 Nhâm Tý).
[10] Quyển 52 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.