Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / TỦ KINH SÁCH GIA ĐÌNH / Huyền Chơn


Nhân đọc mục Gió Bốn Phương trong ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN tập Nguyên (quý 1-2012, tr. 170), có đoạn làm tôi lưu ý và suy nghĩ:
“… Do đó, không những thường xuyên cung cấp miễn phí kinh sách cho Thư Viện Giác Minh Đàn, chúng tôi còn sẵn sàng kính biếu nhiều kinh sách (thông qua Ban Cai Quản sở tại) để bổn đạo Giác Minh Đàn dễ dàng tham khảo, tìm hiểu giáo lý tại nhà, lần hồi mỗi tín hữu sẽ có đưc mt tủ sách gia đình gồm nhiều kinh sách giá trị.”
Câu mà tôi lưu ý là “mỗi tín hữu sẽ có được một tủ sách gia đình gồm nhiều kinh sách giá trị”, và điều mà tôi suy nghĩ là làm thế nào nêu cao ý thức xây dựng tủ kinh sách trong từng nhà bổn đạo. Xuất phát từ hai vấn đề trên, tôi xin nêu lên mấy điểm liên quan sau đây:
1. Nguồn kinh sách
Từ lúc nhập môn đến giờ, ai cũng có vài quyển kinh sách Cao Đài trong nhà, và trong khoảng bốn năm nay, với sự ra đời của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, bổn đạo chúng ta đã lần lượt đón nhận được hơn 50 đầu sách bao gồm những nội dung về: sử Đạo; chú giải kinh văn nhựt tụng; giáo lý tổng hợp từ Tam Giáo, Ngũ Chi; đối thoại, giao lưu tôn giáo bạn (qua Nhịp Cầu Tương TriĐại Đạo Văn Uyển…). Đây là khối tài sản tinh thần giúp ta mở mang kiến thức về đạo đức và cũng là tài sản vô hình mà mỗi người tín hữu chúng ta phải chắt chiu, dành dụm trên đường dài tu học và hành đạo để làm giàu thêm công hạnh; đủ khả năng giành lấy phẩm vị thiêng liêng, đạt được mục tiêu Nhơn Đạo đại đồng, Thiên Đạo giải thoát.
2. Gầy dựng tủ kinh sách gia đình
Một số gia đình đạo hữu chúng ta đã có sẵn một số kinh sách, nhưng phần đông thường thiếu điều kiện sắm được tủ sách hoặc kệ sách để sắp xếp, lưu giữ những quyển kinh sách theo thứ tự ngăn nắp.
Về điểm nầy, thiết nghĩ các Ban Trị Sự, Ban Cai Quản của mỗi thánh thất, thánh tịnh nên phát động một phong trào tạm gọi là gầy dựng tủ kinh sách gia đình. Nếu gia đình nào nghèo quá, không sắm được tủ kệ đựng kinh sách thì Ban Trị Sự sở tại sẽ có phương cách chung tay giúp đỡ tài chánh để lần lần hầu như gia đình bổn đạo nào trong họ đạo của mình cũng đều có tủ kệ kinh sách, phân loại theo từng đầu sách mà sắp xếp theo từng ngăn. Thí dụ:
- Ngăn đựng sách về sử Đạo;
- Ngăn đựng về kinh luật, thánh ngôn;
- Ngăn đựng sách về giáo lý tổng quát;
- Ngăn đựng sách pháp luật;
- Ngăn đựng sách về văn học;
- Ngăn đựng sách về nữ công gia chánh, v.v…
Nhờ vậy, mỗi khi ta muốn đọc quyển kinh hay sách nào thì tìm thấy quyển đó dễ dàng, khỏi mất thời gian lục tìm.
Tủ kinh sách gia đình có thể xem là một phần trang hoàng giá trị cho nội thất, làm cho gia đình được tôn thêm vinh dự là có đời sống văn hóa, tâm linh phong phú.
Hơn nữa, một khi đã có tủ kinh sách gia đình, chúng ta không còn sợ mắc vào cái lỗi thiếu tôn trọng kinh sách, vì trước nay ta quen đặt để kinh sách lung tung bừa bãi; người ngoài nhìn vào không khỏi nghĩ rằng ta chẳng tôn trọng, chẳng quan tâm đến tài sản tinh thần của mình.
Có tôn trọng kinh sách ta mới chứng minh được lòng tôn trọng giấy có chữ như lời Đức Văn Tuyên Khổng Thánh dạy:
Chín mươi lăm kiếp xuống trần hoàn
Khắp nước hoàn cầu được mở mang
Văn tự, ngôn từ phân định rõ
Hoàn toàn sứ mạng của Trời ban.
(…) Vậy câu kinh “Cửu thập ngũ hồi, tự lôi trữ bính” là của ai?
Chư môn đệ biết lẽ huyền vi ấy? Chính Thánh Sư lãnh sứ mạng khai hóa văn tự trên khắp các nước trên quả địa cầu nầy.
Chẳng những Hán tự chư môn đệ mới kính trọng mà thôi, chứ những chữ nào trên mặt địa cầu nầy cũng là do Thánh Sư hóa kiếp để chỉ giáo mở mang dân trí. Bởi thế, người biết tu hành cần phải trọng giấy chữ, bất cứ là chữ nước nào, không nên làm những điều ô uế trên giấy chữ mà phạm tội, đến những kiếp sau khó mà thông minh trí huệ được.” [1]
3. Lợi ích của tủ kinh sách gia đình
Xây dựng tủ sách gia đình ví như xây dựng ngôi nhà cho những vị thầy ở, những vị thầy đó là thánh ngôn, thánh giáo, Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, thánh kinh hiền truyện... Lúc ta quên điều gì về đạo lý, vị thầy trong ngôi nhà ấy sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ lại; lúc ta thối chí ngã lòng, vị thầy ấy sẽ an ủi, động viên chúng ta vững lòng tinh tiến.
Hiện chúng ta đang sống giữa thời đại công nghiệp hóa, con người bị ràng buộc bởi tốc độ thời gian nên cái gì cũng muốn nhanh để theo kịp vòng quay của công việc, đến nỗi nhiều người than không có thì giờ đọc sách, hoặc ngán đọc sách vì quen nghe băng đĩa và xem phim ảnh. Tuy nhiên, dù bận thế nào chăng nữa chúng ta vẫn nên dành mỗi ngày từ một, hai giờ đồng hồ đọc kinh sách, bồi dưỡng kiến thức giáo lý để hoàn thiện nhân cách làm người, làm đệ tử Cao Đài, để không bị vướng vào lối tu mù mịt, không có quan điểm rõ ràng về việc tu thế nào cho đúng, để không bị lung lạc, bị lôi cuốn bởi những “đạo lạ” đang thường xuyên gõ cửa quyến rũ, mê hoặc chúng ta.
Mặt khác, trân trọng tủ kinh sách gia đình, thường xuyên đọc thánh kinh hiền truyện cũng là nêu gương để con cháu noi theo mà giữ gìn nếp văn hóa đọc, vừa bổ ích cho cá nhân và có ích cho xã hội.[2]
Vậy, còn chần chờ gì nữa? Chúng ta hãy bắt tay xây dựng Tủ Kinh Sách Gia Đình và lập lại thói quen bảo tồn văn hóa đọc trong từng họ đạo Cao Đài.
HUYỀN CHƠN
Tòa Thánh Châu Minh



[1] Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển 1. Nxb Tôn Giáo, 2007, tr. 133.
[2] Tại Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn), ngày 15-11 Ất Tỵ (07-12-1965), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy môn sanh Cao Đài mỗi ngày phải chừa một giờ để đc thánh kinh hiền truyện.