Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

ĐĐVU 01 / GIÓ BỐN PHƯƠNG / Văn Uyển

Gió muốn thổi đâu thì thổi. (Gioan 3:8)

* Họ đạo Trung Hòa Dăklăk: 457 Phan Chu Trinh, thành phố Ban Mê Thuột ) 050-3952869. Trích đạo thư:
Dăklăk, ngày 29 tháng 10 năm Tân Mão (24-11-2011)
(…) Họ đạo Trung Hòa Dăklăk, họ đạo Trung Phước An, và cơ sở đạo Trung Điền (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo), cùng một họ đạo thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo tại thị xã Buôn Hồ, đều nằm ở Tây Nguyên xa xôi.
Từ ngày có Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài, họ đạo Trung Hòa đã làm điểm trung chuyển kinh sách cho các cơ sở đạo nói trên. Số đầu sách và số lượng kinh sách đã đến họ đạo Trung Hòa Dăklăk rất nhiều. Nhờ đó, những người con của Thầy Mẹ tại Tây Nguyên xa xôi này có dịp tìm hiểu giáo lý Đại Đạo, hầu trưởng dưỡng đức tin và tinh thần tu học của nhơn sanh nơi đây.
Các họ đạo và cơ sở đạo ở Tây Nguyên nghĩ rằng Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài là một ý tưởng mới mẻ và là hình thức phổ truyền Đạo Thầy to lớn nhất từ trước đến nay.
Đọc “Đôi lời tha thiết” và phương danh của quý Mạnh Thường Quân xa gần công quả, chúng tôi vô cùng cảm động. Lại nghĩ rằng Thầy Mẹ đã sản sinh ra những người con học rộng, hiểu thông giáo lý, cùng những tấm lòng vàng quý hóa của các bậc Mạnh Thường Quân đã chung tâm chung sức làm nên một chương trình phổ tế rộng rãi, hiệu quả vô cùng.
Kính nguyện cầu Thầy Mẹ cùng các Đấng Thiêng Liêng ban hồng ân, hộ trì cho quý đạo huynh, đạo tỷ sức khỏe dồi dào, thân tâm thường lạc, để tiếp tục đóng góp sự hy sinh cả này.
Nay kính thư,
TM. Họ đạo Trung Hòa (Dăklăk),
Trung Phước An, cơ sở đạo Trung Điền,
và họ đạo thuộc Ban Chỉnh Đạo
Đầu Họ Đạo Trung Hòa
Lễ Sanh THÁI MINH THANH
*
* Đạo hữu Phan Ba (thánh thất Trung Nghĩa): đường 30 tháng 4, thành phố Vũng Tàu. Trích thư ngày 02-02-1012:
Xuất bản kinh sách rất cần
Tôi nay góp tiếp một phần quả công
Chung Tay Ấn Tống rất mong
Đạo hữu chung sức khắp trong mọi miền
In thêm kinh sách phổ truyền
Người người học đạo biết nên sửa mình.
*
l BAN ẤN TỐNG chân thành cảm tạ tấm lòng mến mộ việc hoằng pháp Kỳ Ba của hiền huynh Lễ Sanh Thái Minh Thanh và hiền huynh Phan Ba. Chúng ta luôn cầu mong kinh sách ấn tống càng ngày càng được thêm đông đảo bà con quan tâm, trân trọng, chuyển tới đúng người có tâm đạo đang cần tài liệu tham khảo bổ ích cho việc tu học.
* Thánh tịnh GIÁC MINH ĐÀN (Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu): ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Trích đạo thư:
(…) Thánh tịnh chúng tôi ở vùng sâu, vùng xa, dân trí còn thấp, lại thêm kinh tế khó khăn nên đạo trí cũng vì thế mà kém sút về phần giáo pháp Cao Đài.
Từ lâu rồi thánh tịnh chúng tôi ước mong thành lập Thư Viện để giúp tín đồ những lúc nông nhàn đến đọc kinh sách, học hỏi giáo lý.
Nay chúng tôi được chánh quyền cho phép thành lập Thư Viện tại thánh tịnh nhưng lại thiếu kinh phí để mua sách. Khi biết đang có Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, thật là nắng hạn gặp mưa rào! Chúng tôi rất mong Chương Trình Ấn Tống giúp đỡ một số kinh sách trang bị cho Thư Viện của thánh tịnh Giác Minh Đàn.
Lương Nghĩa, ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn.
TM. Ban Cai Quản – Trưởng Ban
Giáo Hữu NGỌC DÔ THANH
*
l BAN ẤN TỐNG rất hoan hỷ khi nhận được thư của Ngọc Giáo Hữu Phan Văn Dô bày tỏ việc đạo ở thánh tịnh Giác Minh Đàn. Chúng tôi cũng rất khâm phục tấm lòng vị nhơn sanh và tầm nhìn của Ban Cai Quản. Nếu cộng đồng Cao Đài càng ngày càng được thêm nhiều chức sắc, chức việc tha thiết quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao công trình học đạo và mức độ hiểu đạo cho địa phương thì còn lo gì hột giống Đại Ân Xá Kỳ Ba không mau chóng nảy nở để phát triển thành đồng lúa phì nhiêu bát ngát nuôi dưỡng tâm linh con cái Thầy Mẹ khắp nơi.
Do đó, không những thường xuyên cung cấp miễn phí kinh sách cho Thư Viện Giác Minh Đàn, chúng tôi còn sẵn sàng kính biếu nhiều kinh sách (thông qua Ban Cai Quản sở tại) để bổn đạo Giác Minh Đàn dễ dàng tham khảo, tìm hiểu giáo lý tại nhà, lần hồi mỗi tín hữu sẽ có được một tủ sách gia đình gồm nhiều kinh sách giá trị.
Trong hoàn cảnh cộng đồng Cao Đài chúng ta còn thiếu quá nhiều giảng đường thuyết minh giáo lý vào hai ngày sóc vọng mỗi tháng (đúng như Tân Luật cũng như Thánh Ngôn Hiệp TuyểnThánh Huấn Hiệp Tuyển quy định), trong thực trạng mà quý anh chị Giáo Sĩ Đại Đạo chưa đủ số lượng để đáp ứng hết nhu cầu khát khao học đạo ở khắp các thánh sở Cao Đài, thì chúng ta nên mượn phương tiện kinh sách để bù đắp vào hai khoản thiếu thốn đó.
Xây dựng thư viện tại họ đạo và trang bị tủ kinh sách gia đình nên là mối quan tâm của người tín hữu chúng ta.
VĂN HÓA ĐỌC ngày nay đang bị văn hóa nghe-nhìn lấn át! Tuy nhiên, muốn thấm thía sâu sắc giáo lý thì cần phải nghiền ngẫm, suy tư với chữ nghĩa được in rõ ràng trên giấy. Do đó, ĐỌC SÁCH luôn luôn rất cần thiết.
Để phát triển văn hóa đọc, Ban Ấn Tống rất chú trọng việc xuất bản kinh sách với câu cú phân minh, chánh tả chính xác, lời lẽ trong sáng, diễn giải dễ hiểu... Như thế, vừa góp phần nâng cao trình độ sử dụng chữ Quốc Ngữ của bổn đạo, vừa tỏ lòng tôn kính Tiếng Việt đang trở thành LINH NGỮ kể từ khi Đức Chí Tôn mở Đạo, lấy Tiếng Việt làm phương tiện chánh thức phổ truyền giáo pháp Kỳ Ba.
TM. Ban Ấn Tống
ĐẠT TỊNH – VÂN QUANG