Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

ĐĐVU 01 / THÁNH TỊNH ĐẠI THANH / Thanh Căn

Thánh tịnh Đại Thanh ngày nay (Ảnh: Đạt Linh, Đạt Truyền)

Đại Thanh cảnh cổ kim roi dấu
Thầy tạo khai khó lậu máy Trời
Vạn Tiên hạ thế năm nơi
Chờ cơn hữu sự độ đời ách tai.
Minh Giáo Thánh Truyền
(Cao Thượng Bửu Tòa, 1936)
I. GIAI ĐOẠN SƠ KHAI
Thánh tịnh Đại Thanh hình thành từ những lời dạy của Thiêng Liêng trong đàn cơ tại Huỳnh Long Phủ (tư gia của tiền bối Lê Kim Tỵ), ở Xóm Gà, Gò Vấp, Gia Định.
Đêm 01-10 Quý Dậu (18-11-1933), đàn cơ tại Huỳnh Long Phủ, Đức Lý Giáo Tông giáng dạy: “Lê Kim Tỵ truyền cho Lương Tam Sách, Lê Văn Phụng, Lê Văn Qui và Trần Công Sĩ đến hầu lịnh.”
Tuân theo thánh lịnh, bốn vị được gọi lần lượt tề tựu đông đủ tại Huỳnh Long Phủ. Vào giờ Tuất đêm 24-10 Quý Dậu (11-12-1933) Đức Lý Giáo Tông lâm đàn truyền dạy lập hai cặp phò loan:
“Bần Đạo cho vời Sách, Phụng, Qui, Sĩ bốn thanh đồng đến truyền thánh ý lập hai cặp phò loan chấp cơ: Sách dương, Phụng âm một cặp; Qui dương, Sĩ âm một cặp. Bộ phận phò loan nầy có sứ mạng phổ thông chơn đạo sau nầy.
Tỵ! Hiền đệ có trọng trách trong sứ mạng ấy. Hiền đệ phải chu toàn bảo trợ, dìu dắt.
Ban, Liêm luyện tập và hướng dẫn.
Pháp hiệu và việc khác Bần Đạo sẽ dạy sau.”
Sau khi nhận trách nhiệm, với sự góp công của ông Lê Văn Liêm và ông Lê Văn Bặc, tiền bối Lê Kim Tỵ dùng trại cưa của mình trên phần đất thuê của một Pháp kiều, dỡ ra cất lại thành căn nhà ba gian, mái và vách đều bằng lá dừa. Bên ngoài là khu vườn rộng rãi tại ga Xóm Thơm, Gò Vấp. Nhờ vậy, bộ phận thông công có nơi cư trú và thờ cúng, ổn định việc luyện tập, yên tâm hành đạo cho đến ngày có thánh lịnh mới.
Đêm 30 rạng 01-12 Quý Dậu (15-01-1934), tiền bối Lê Kim Tỵ đưa bộ phận thông công đến ngôi nhà mới cất để lập đàn. Đức Lý Giáo Tông giáng cơ ban cho hai cặp phò loan pháp hiệu Tứ Linh đồng tử để chuẩn bị công cuộc truyền đạo ra miền Trung. Đức Giáo Tông đặt danh hiệu ngôi thờ mới là ĐẠI THANH THÁNH TỊNH.
Thời gian nầy, nhờ có đàn cơ thường xuyên nên người nhập môn càng ngày càng đông. Bổn đạo phần nhiều là dân xứ Quảng (Trung Kỳ). Ông Kiều Văn Thê và bà Nguyễn Thị Đỏ được cử làm chủ tịnh.
Khoảng giữa năm 1934, do sự bàn bạc thống nhất của những vị sáng lập và bổn đạo, thánh tịnh được tái thiết: xây tường, lợp ngói, chỉnh trang Đông lang, Tây lang và Thiên Phong Đường để phù hợp với tình hình cơ Đạo đang phát triển và để có chỗ đón tiếp bổn đạo miền Trung và Tam Giang.[1]
Công cuộc truyền Đạo ra Trung Kỳ qua Tứ Linh đồng tử theo thánh ý được bắt đầu vào cuối mùa Thu năm 1934, với vai trò quan trọng của Anh Lớn Lê Kim Tỵ.
Sau khi bổn đạo thánh tịnh Đại Thanh tiễn Tứ Linh đồng tử lên đường hóa đạo miền Trung, sinh hoạt tín ngưỡng tiếp tục diễn ra bình thường và có chiều hướng phát triển hơn.
Sau khi nhân dân Gò Vấp nổi dậy hưởng ứng cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày 23-11-1940, thực dân Pháp ra lịnh đóng cửa thánh tịnh Đại Thanh, phá hủy nơi thờ cúng, bắt bớ tra khảo những vị tâm đạo. Ông chủ tịnh Kiều Văn Thê bị mất tích trong pháp nạn nầy, cơ đạo nơi đây bị đình trệ một thời gian.
Đau lòng trước cảnh trạng ngôi thờ bị đổ nát, vợ chồng ông bà Nguyễn Khoa và Phan Thị Xuyến cùng với một số bổn đạo nhặt nhạnh lại những linh vị, vật dụng thờ tự nào còn nguyên vẹn mang về nhà ông bà Khoa làm chỗ thờ phượng tạm thời để bổn đạo có nơi lễ bái. Ngôi nhà nầy nằm dọc đường rầy xe lửa (nay thuộc phường 1, quận Gò Vấp).
Qua năm 1944, để có nơi thờ cúng, bổn đạo góp tiền thuê ba căn phố ở ngã ba Cầu Cống (nay là hẻm 30 đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận).
Năm 1954, thánh tịnh Đại Thanh dời về ngã ba chùa Quản Túc, cạnh Đông Thành Tự, Cây Quéo, Gò Vấp (nay là đường Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh).
II. GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP
Năm 1957, bổn đạo hợp nhau bàn bạc, quyết định hùn tiền mua đất cất lại thánh tịnh để không còn cảnh nay ở chỗ nầy mai dời nơi khác nữa.
Theo sự đề cử của ông Hai Chất, tập thể nhất trí ủy quyền cho ông Đặng Văn Hường thay mặt bổn đạo đứng tên mua của ông Nguyễn Văn Pháo lô đất số 320, bằng khoán số 887, diện tích 2 sào 20 m2, địa bộ xã Hạnh Thông.
Sau đó, thánh tịnh được dựng lên nhờ sự đóng góp của bổn đạo sở tại và những nhà hảo tâm, với vật liệu thô sơ, cột cây, mái tôle, vách ván. Trông như một ngôi nhà bình thường, không có Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài.
Thánh tịnh mang số nhà 117/862A do bà Nguyễn Thị Đỏ và Triệu Thị Bút đứng tên hộ khẩu (hai bà nay đã quy liễu).
Phía ngoài còn có ngôi thờ phụ, số nhà 117/862, thuộc tổ dân phố 37, phường 3, quận Gò Vấp. Hộ khẩu do ông Đặng Văn Hường và bà Nguyễn Thị Bài đứng tên. Ông Hường mất năm 1985, bà Bài mất năm 1986. Ngôi thờ phụ nầy do Kiến Trúc Sư Võ Văn Tần thiết kế, xây tường, làm gác đúc.
Tuy thánh tịnh cất bằng vật liệu thô sơ, nhưng bổn đạo mừng vô hạn vì ổn định được nơi thờ Đức Chí Tôn và các Đấng, không phải rày đây mai đó nữa. Được cử nhiệm vụ cai quản, trông coi việc trong ngoài của thánh tịnh và hướng dẫn bổn đạo tu hành là: Thái Phối Sư Phạm Văn Vân, thánh danh Thiên An (1907-1976); Lễ Sanh Bùi Thị San, thánh danh Huỳnh Hoa Lập, người Quảng Nam, cùng gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp và nhập môn Cao Đài năm 1934.
Theo Minh Giáo Thánh Truyền (thánh tịnh Hắc Long Môn, Cà Mau, 1936), Đại Thanh là thánh tịnh thứ mười trong số 72 tịnh trường của Tiên Thiên.
Từ khi nhóm Tứ Linh đồng tử về Trung truyền đạo, thánh tịnh Đại Thanh không còn lập đàn cơ thông công với Ơn Trên. Năm 1957, tại thánh tịnh Thiên Thai (Cai Lậy), Ơn Trên dạy Tiếp Đạo Thiên Ánh (Trần Văn Tôn), tiền bối Huệ Tâm, Huệ Mỹ (đồng tử, gốc miền Trung) thâu nhận Phạm Khanh Hòa bấy giờ mới 11 tuổi (sinh năm 1946) vào bộ phận thông công và tập luyện đồng tử. Đồng tử Hòa được ban thánh danh Quang Ánh. Từ đó, thánh tịnh Đại Thanh lại có bộ phận thông công, bổn đạo thêm đông…
Ngày 16-6 Canh Tý (1960), thánh lịnh dạy mở Đại Hội Thiên Khai Huỳnh Đạo và lễ thượng phướn Huỳnh của Tiên Thiên Đại Đạo có đề tám chữ Nho: Thiên Khai Huỳnh Đạo Cao Đài Cứu Thế 天開黃道高臺 救世 tại thánh tịnh Đại Thanh. Giai đoạn nầy thánh ý muốn toàn đạo Tiền Giang (miền Đông) đồng tâm hiệp lực nêu cao khẩu hiệu “Thiên khai Huỳnh Đạo” tức Trời mở Đạo Vàng trong Tam Kỳ Phổ Độ. Đạo Vàng các Đấng thường nhắc trong thánh ngôn, thánh giáo chính là Đạo Cao Đài.
Để Đạo Vàng tiếp cận với nhơn sanh trong thời buổi cang thường điên đảo, phong hóa suy vi, Ơn Trên dạy dùng tinh túy đạo Nho để thay đổi cuộc đời trở nên thuần lương thánh đức, tức là Nho Tông chuyển thế.
Những năm kế tiếp, tuy chưa nối hệ thống hành chánh đạo với Hội Thánh Tiên Thiên nhưng thánh tịnh Đại Thanh vẫn tiến thủ trên đường tu thân, phổ độ, liên giao hành đạo với Hội Thánh Tiền Giang (Minh Kiến Đài, Gò Vấp), Hội Thánh Lâm Huyền Châu, Cao Thượng Bửu Tòa ở Hậu Giang và các thánh thất, thánh tịnh trong phạm vi Sài Gòn, Gia Định, cũng như các tỉnh lân cận.
Trước đây, một số vị có công với thánh tịnh Đại Thanh được phong phẩm chức sắc do đàn cơ từ thánh tịnh Minh Kiến Đài, nơi Hội Thánh Tiền Giang đặt trụ sở. Khi thánh tịnh Đại Thanh hoàn nguyên, các phẩm trật ấy vẫn được Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên công nhận.
III. GIAI ĐOẠN BIẾN CHUYỂN
Sau tháng 4-1975, một số đông bổn đạo hồi hương nên sinh hoạt tín ngưỡng của thánh tịnh Đại Thanh bị thu hẹp lại. Những kỳ cúng đàn sóc vọng chỉ được khoảng mười người đạo hữu.
Năm 1979: Sau khi Phối Sư Thiên An (Phạm Văn Vân) liễu đạo, thánh tịnh Đại Thanh thành lập Ban Hành Sự để tiếp tục việc hành đạo. Thành phần Ban Hành Sự gồm có: ông Nguyễn Hữu Ba (?-1979); bà Huỳnh Thị Cúc; bà Nguyễn Thị Sửu; ông Nguyễn Minh Hóa; ông Nguyễn Văn Tân (1935-1998).
IV. GIAI ĐOẠN HOÀN NGUYÊN
Năm 1995: Hưởng ứng lời kêu gọi hoàn nguyên của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, thánh tịnh Đại Thanh thành lập phái đoàn về Tòa Thánh Châu Minh (xã Tiên Thủy, Bến Tre) tham dự Đại Hội Vạn Linh lần II ngày 09-01 Ất Hợi (1995). Từ đấy, thánh tịnh Đại Thanh thật sự có giáo quyền trung ương, hành đạo theo khuôn khổ Hiến Chương của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên và Pháp Chánh Truyền, Tân Luật Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Thành phần Ban Cai Quản, Ban Trị Sự qua ba nhiệm kỳ được công cử như sau:
NHIỆM KỲ I (1995-2000)
Hội Trưởng: Ngọc Giáo Hữu Nguyễn Hữu Ba; Phó Hội Trưởng: Thượng Lễ Sanh Nguyễn Văn Tân; Lễ Sanh Hương Thiềm (Nguyễn Thị Ngọc Thiềm); Chánh Trị Sự: Lương Văn Hoàng; Phó Trị Sự: Nguyễn Thị Hường; Thông Sự: Nguyễn Kim Bảng; Thư Ký:Nguyễn Thị Tuyết Nhung.
Cuối nhiệm kỳ I, ông Nguyễn Hữu Ba và ông Nguyễn Văn Tân lần lượt liễu đạo.
NHIỆM KỲ II (2000-2005)
Cố Vấn: Phối Sư Hương Nuôi (Võ Thị Nuôi), Truyền Trạng Ngọc Kim Linh (Phạm Thị Nga); Hội Trưởng: Thượng Lễ Sanh Võ Văn Tính; Phó Hội Trưởng: Nguyễn Thanh Bình, Trần Thị Hạnh; Từ Hàn: Lương Văn Hoàng; Thủ Bổn: Lê Thị Xuân; Chánh Trị Sự: Phan Phi Hùng; Phó Trị Sự: Trương Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Sáu; Thông Sự: Nguyễn Kim Bảng; Trưởng Phòng Trù: Nguyễn Thị Phối; Phó Phòng Trù: Ngô Thị Kim Sa; Trưởng Phòng Công: Nguyễn Minh Đức.
Đầu nhiệm kỳ II (năm 2000), ông Võ Văn Tính và chị ruột là Phối Sư Hương Nuôi cùng với gia đình, con cháu đóng góp và kêu gọi bổn đạo Đại Thanh cùng Mạnh Thường Quân gần xa ủng hộ, chung tay xây dựng ngôi Tam Đài mới phía trước chánh điện cũ. Chánh điện cũ (không đủ Tam Đài) được dùng làm Thiên Phong Đường như hiện nay.
Ngày lạc thành ngôi Tam Đài được chọn làm ngày lễ kỷ niệm hằng năm: Mùng 2 tháng 12 âm lịch.
NHIỆM KỲ III (2005-2010)
Cố Vấn: Truyền Trạng Ngọc Kim Linh (Phạm Thị Nga); Hội Trưởng: Thượng Gíáo Hữu Đặng Quốc Bảo; Phó Hội Trưởng: Lễ Sanh Hương Hạnh (Trần Thị Hạnh), và Lễ Sanh Hương Xuân (Lê Thị Xuân); Trưởng Phòng Trù: Nguyễn Thị Phối; Phó Phòng Trù: Lễ Sanh Hương Sa (Ngô Thị Kim Sa); Trưởng Phòng Công: Nguyễn Minh Đức; Chánh Trị Sự: Phan Phi Hùng; Phó Trị Sự: Lễ Sanh Hương Sáu (Nguyễn Thị Sáu), Trương Thị Ngọc Hoa, và Võ Văn Lễ; Thông Sự: Nguyễn Kim Bảng.
Trong nhiệm kỳ nầy, Giáo Hữu Thượng Bảo Thanh kêu gọi đồng đạo gần xa cùng gia đình bổn đạo Đại Thanh, các vị Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí chỉnh trang, tu bổ lại Thiên Phong Đường, vì đây nguyên là chánh điện cũ với khung sườn gỗ, đã hơn năm mươi tuổi, nên đang xuống cấp trầm trọng; đồng thời, thuê thợ chạm đắp rồng các hàng cột, ô giữa tiền diện Hiệp Thiên Đài, trang trí các bàn thờ trong chánh điện.
Phối Sư Hương Nuôi quy liễu (2009), toàn bộ số tiền phúng điếu được gia đình hiến cúng thánh tịnh. Hiếu tử của Phối Sư Hương Nuôi là Lê Ngọc Hào còn đóng góp thêm để hồi hướng chơn linh mẹ. Số tiền nầy dùng vào việc lót gạch toàn bộ sân Đại Đồng đến tận phòng trù, tân trang thiết bị âm thanh, gắn trần nhà cách nhiệt nơi chánh điện, chỉnh trang Siêu Sanh Đường, trồng thêm cây cảnh, lắp đèn tại sân Đại Đồng.
Về công tác từ thiện, họ đạo Đại Thanh thực hiện được những chuyến giúp đỡ đồng bào nghèo các nơi như:
Năm 2006-2007:
- Hai chuyến về thánh tịnh Cửu Khúc Tòa (Tam Bình, Vĩnh Long). Mỗi lần tặng các em học sinh nghèo 100 phần quà, tổng trị giá 7 triệu đồng. Mỗi phần gồm có tập vở, quần áo.
- Một chuyến về Cà Mau tặng đồng bào nghèo 100 phần quà, tổng trị giá 5 triệu đồng. Mỗi phần gồm có gạo, mì gói, nước tương, muối.
- Một chuyến về thánh tịnh Thiên Thai (Cai Lậy, Tiền Giang) tặng bổn đạo nghèo 50 bộ áo dài mới.
Tại họ đạo Đại Thanh, mỗi năm đến mùa Vu Lan đều tổ chức tặng đồng bào nghèo chung quanh thánh tịnh 50 phần quà gồm gạo, mì gói, nước tương, chao. Riêng mùa Vu Lan 2009, tặng 100 phần quà.
Ngoài ra, những năm bị bão lụt, bổn đạo Đại Thanh đều hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt Trận Tổ Quốc quận Gò Vấp, đóng góp tiền bạc và hiện vật để cứu trợ đồng bào nơi vùng bị thiên tai.
NHIỆM KỲ IV (2010-2015)
Cố Vấn: Giám Đạo Ngọc Kim Linh; Hội Trưởng: Lễ Sanh Hương Hạnh (Trần Thị Hạnh); Phó Hội Trưởng: Võ Văn Lễ; Trưởng Phòng Lễ: Phan Phi Hùng; Phó Phòng Lễ: Lễ Sanh Hương Hường (Nguyễn Thị Hường); Trưởng Phòng Thơ: Nguyễn Thị Tuyết Nhung; Trưởng Phòng Lương: Lê Thị Ngọc Thảo; Trưởng Phòng Trù: Lễ Sanh Hương Xuân (Lê Thị Xuân); Phó Phòng Trù: Lễ Sanh Hương Sa (Ngô Thị Kim Sa); Trưởng Phòng Công: Nguyễn Minh Đức; Trưởng Ban Liên Giao: Nguyễn Thị Tuyết Sương.
*
Lược sử thánh tịnh Đại Thanh chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Rất mong được sự góp ý của những bậc lão thành và quý vị có được tài liệu về thánh tịnh nầy.
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên

[1] Tam Giang: Tiền Giang, Hậu Giang, Trung Giang (vùng nằm giữa hai sông Tiền, sông Hậu).