Chức sắc là hàng giáo phẩm trong tôn giáo. Tôn giáo là một tổ
chức thực hiện công cuộc giáo hóa. Cao Đài Giáo là một tôn giáo chú trọng về
giáo hóa.
Đấng giáo chủ vô hình Thượng Đế mở Đạo xưng là Thầy. Hàng chức sắc của nền Đạo thể hiện
sứ mệnh giáo hóa ngay trong cách gọi tên giáo phẩm.
Trên hết là Giáo Tông,
người cầm quyền dạy đạo lớn nhất, tổng quát nhất. Kế đến là Đầu Sư, Phối Sư, Giáo Sư. Chữ Sư trong các giáo phẩm nầy thể hiện rõ
vai trò tùy theo mức độ quyền pháp để dạy dỗ. Tiếp theo là Giáo Hữu cũng là người hướng dẫn tín đồ, phổ thông chơn đạo. Còn Lễ Sanh là người thực hành nghi lễ,
người chịu học hỏi, chịu thực hành để bắt đầu bước vào hàng giáo phẩm.
Vậy chức sắc là người đem đạo đức dạy cho nhân sinh, cảm hóa
nhân sinh trên đường thăng tiến cả hai mặt nhập thế và xuất thế.
Đức Chí Tôn đến thế gian lập Đạo cũng cần có chư Phật Tiên
Thánh Thần tùy nghi trong diệu dụng vô hình, phóng điển quang dạy Đạo. Về phần
Giáo Hội hữu hình, phải nhờ vào hàng chức sắc làm tay chân gieo rải giáo pháp,
giáo lý, giáo nghĩa để giác ngộ chúng sanh.
Hội Thánh Truyền Giáo sau khi thành lập, hàng ngũ chức sắc
đầu tiên được tuyển phong vào giai đoạn khai cơ giáo pháp. Hội Thánh tổ chức lễ
Hồng Thệ rất trang trọng tại Trung Hưng Bửu Tòa để gây tinh thần quyết tâm vì
sứ mệnh xây dựng Giáo Hội giáo hóa nhân sinh.
II. Sứ mạng giáo hóa
Sứ mạng là cái trách vụ nhận lãnh từ một mạng lịnh và phải
gánh vác chăm lo. Người chức sắc nhận lãnh mạng lịnh của Thiêng Liêng để giáo
hóa nhân sinh, thường gọi là “Thế Thiên
hành hóa”, tức thay Thầy, thay Hội Thánh độ dẫn tín chúng, làm cho tín
chúng biết Đạo, học Đạo, hiểu Đạo để đạt Đạo. Tức là giác ngộ được tình thương
sự sống và lẽ thuần chơn để mỗi con người trở nên xứng đáng là con cái của
Thầy, xứng đáng là động cơ chuyển xoay của Đại Đạo... Để tròn sứ mạng, người
chức sắc phải xây dựng cho được tâm giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế
tình, sự câu nhử của vật chất, sự cám dỗ của sắc, tài, tửu, khí, danh lợi, bứt
ra khỏi xiềng xích tham ái dục lạc, vẹt màn vô minh nhìn vào khung trời chân
thiện mỹ.
Nói chung là như trên. Còn riêng
về sứ mạng giáo hóa của người chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo thì phải sao? Hội
Thánh Truyền Giáo có một sứ mạng đặc biệt, một lộ trình tu chứng rất thích
nghi, do vậy người chức sắc giáo hóa phải chú trọng việc gây tạo niềm tin vững
chắc vào sứ mạng và lộ trình tu chứng, vào pháp môn hành trì đặc biệt đó để dắt
dẫn tín đồ theo đúng lộ trình thành tựu cứu cánh.
a. Điều kiện giáo hóa
Điều kiện là những cái cần có để làm được một việc gì. Những
nhu cầu để từ đó có thể thực hiện được công tích gì. Như vậy, những điều kiện
cho công việc giáo hóa là gì?
- Con người: Không
thể nào tự nhiên mà có được người chức sắc giáo hóa. Người chức sắc phải được tuyển
chọn theo luật pháp nhà đạo và phải được đào tạo. Họ phải là người đúng quyền
hành pháp luật, vượt lên trên thế sự, không la đà lẩn thẩn với danh lợi thị
phi, phải tu lấy thân tâm, phải đoạn nghiệt trừ phiền, dứt nợ oan gia trái chủ.
Như thế mới hầu việc được cho Thầy, mới giáo hóa được chúng sanh.
- Năng lực: Khả
năng nhận hiểu, hành trì và chứng đắc, tức là lấy thành quả của chính mình để
giáo hóa người.
Kết hợp con người và năng lực để đem Đạo vào đời, đưa dắt
nhân sinh vào đường hướng tu học hầu mong thăng tiến trên đường tâm linh làm
cho Hội Thánh thể hiện được quyền năng cứu rỗi của Thiêng Liêng. Người chức sắc
giáo hóa phải sống liền với Thánh lịnh mới có Thánh linh để cảm hóa được nhân
sinh. Lại cũng phải biết ứng dụng khoa học, văn hóa tâm linh, điều nhiếp các
phương môn trong Thánh truyền mở ra con đường vào chánh pháp Trung Hưng một
cách rạch ròi kiên định. Nghiên cứu, đối chiếu các giáo thuyết khác làm phong
phú đường lối thực hiện cứu độ theo mục đích Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát.
Người chức sắc Thiên ân hướng đạo luôn được Thầy Mẹ và các
Đấng Thiêng Liêng xem trọng, luôn được sự nhắc nhở dạy khuyên bằng thánh ngôn, thánh
giáo.
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
“Lão lấy làm mừng. Chư Thiên ân đã
vững vàng bước trên một cấp đạo để xứng vai hướng lộ dìu dắt nhơn sanh, mà Hội
Thánh cũng được quyền pháp mimh định, trên dưới rõ ràng, cơ cứu chuộc mỗi ngày
mới thấy hiển hiện.
Chư hướng đạo cố gắng lấy lòng mình
mà đương vi sứ mạng trong công cuộc trung hưng [1] chánh pháp, xây dựng nền móng Thánh truyền hầu nâng bước nhơn sanh chóng
đến cảnh thanh bình, dựng nên thế đạo, nhờ công phu công quả ấy, được nâng cao
địa vị mình xứng hàng Thiên ân quyền pháp…
Đừng lòng tư dục bất hòa
Thấy người phải nghĩ đến ta sau nầy.
Đừng phải để cho Thầy quở trách
Đừng để mình phải tách rời ngoài
Đường đường đáng mặt tài trai
b. Phương tiện giáo hóa
Người làm thợ phải có dụng cụ, người làm ruộng phải có nông cụ…
Người chức sắc hướng đạo phải có phương tiện để giáo hóa. Phương tiện đó là
giáo lý, kinh điển, pháp môn.
Từ bước đầu lập Hội Thánh, Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng
đã hoạch định rõ ràng về sứ mệnh truyền giáo cũng như sứ mệnh trung hưng chánh
pháp. Tất cả nội dung sứ mạng ấy đã nằm trong Thánh truyền, cho nên
phương tiện giáo hóa chính là khai triển phổ hóa cho mọi tín đồ học hỏi hành
trì theo chánh pháp trung hưng của Thầy và giáo pháp Đại Đạo.
Muốn sử dụng được phương tiện
Thánh truyền và giáo pháp Đại Đạo tất nhiên phải cần mẫn chăm chỉ học hỏi. Phải
un đúc cho mình một đạo lực khả dĩ cảm hóa được người, chuyển xoay được vận
hội. Ở đâu có chúng sinh thì ở đó phải có sự giáo hóa. Chỗ nào u tối thì ánh
sáng Đạo mầu phải được thắp sáng, chỗ nào khổ đau thì sự cứu vớt phải được chan
rải. Nhưng muốn chuyển đến, muốn thắp sáng, muốn chan rải còn cần phải có
phương tiện vật chất. Thông thường trong nhà Đạo, khi ai phát đại nguyện lo cho
chúng sinh thì được chúng sinh cúng dường lại. Người hướng đạo chỉ có một niệm
là thuận tùng để lo cho chúng sinh mà không vọng cầu, không mong ước, từ cái ăn
cái uống cũng như mọi phương tiện khác. Thế rồi tùy hoàn cảnh mọi thứ sẽ có, sẽ
được đáp ứng. Kinh nghiệm của các nhà truyền giáo từ ngàn xưa cho đến hiện tại,
họ chỉ biết tùy duyên, nhậm vận mà đạt thành mọi ý nguyện.[4]
Một điều cần lưu ý là thiếu
phương tiện không chuyển đạo được mà quá đầy đủ có thể cũng không chuyển đạo
được… Không thiếu gì những người vì chùa lớn, vì thánh thất tiện nghi đã biến
thành nơi thụ hưởng, không chấp nhận sự điều dụng đi nơi khác cho dù là thăng
tiến cao hơn…
Luôn luôn nên nhớ rằng nhờ phương
tiện để đạt cứu cánh, nhưng phương tiện không phải là cứu cánh. Đức Trang Tử
dạy rằng: Nhờ nơm được cá nhưng khi được cá hãy quên nơm. Nhờ dò đặng thỏ nhưng
khi đặng thỏ hãy quên dò. Cũng như nhà Phật dạy rằng qua sông nhờ thuyền nhưng lên
bờ rồi không phải tiếp tục vác thuyền mà đi.
c. Đối
tượng giáo hóa
Đối tượng giáo hóa là tất cả mọi
con người thế gian. Cao Đài Giáo là tôn giáo tận độ mọi người, không phân biệt
giống dòng, màu da, sắc tóc, hiền ngu, sang hèn... Tất cả đều là đối tượng giáo
hóa.
Theo nhà Phật, khi lấy chúng sanh
làm đối tượng giáo hóa tức là tu theo Bồ Tát hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Bồ Tát có
đại nguyện đi vào chúng sanh, vào địa phủ để hóa độ. Tân pháp tận độ của Cao
Đài gặp Phật Giáo ở Bồ Tát thừa nầy. Sự hóa độ phải đến với người xấu, người hư
hèn, người sai ngoa tà vạy. Nơi nào còn trầm luân, nơi đó cần cứu vớt. Nơi nào
nhiều tệ nạn, nơi đó cần giải trừ. Ai bị mê lầm, cần được thức tỉnh. Tất cả sinh chúng nhân gian phải nghe được, thấy được, biết
được ơn gọi Kỳ Ba. Tất cả họ là đối tượng giáo hóa của người Thiên ân sứ mạng.
Người chức sắc phải lập hạnh Bồ Tát,
phát tâm bồ đề từ trạng thái chơn tâm chơn tánh. Do chỗ lập tâm đó người chức
sắc dù sống chung lộn với đối tượng tội lỗi, đi vào môi trường nhiễm ô cũng vẫn
thanh tịnh và như vậy mới giáo hóa được đối tượng. Đó là tính cách “Hòa quang đồng trần”.
Trong bộ tranh chăn trâu của Nhật
Bản, tranh thứ 10 diễn tả cái thanh tịnh của người “hòa quang đồng trần” nầy với
hình ảnh “thõng tay vào chợ”. Vào
giữa chợ đời cùng với cát vẩn bụi lầm, thế mà vẫn nở nụ cười thanh tịnh, nụ
cười vô ngại không bị triền phược nhiễm ô.
Lưng trần chân
đất chợ người
Cát lầm bụi vẩn
ta cười say sưa
Thần Tiên bí
quyết cũng thừa
Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng.
Đức Phật
Thích Ca là bậc Đạo Sư về sự giáo hóa. Ngài nhìn thế nhân, phân loại thành bốn
đối tượng:
- Một là, đối tượng ngoài chín trong sống: Đây là những kẻ
bề ngoài có vẻ mẫu mực nghiêm trang từ cái đi đứng, nói năng tỏ ra thanh tịnh
đáng nể, nhưng thực chất bên trong thì tà vạy buông lung, tâm tánh nhiễu
nhương, khó lường.
- Hai là, đối tượng ngoài sống trong chín: Đây là hạng đối
tượng tuy bên ngoài có vẻ thô tháo nhếch nhác mà trong lòng lại thanh tịnh kỷ
cương.
- Ba là, đối tượng ngoài sống trong sống: Loại nầy thì cả
trong ngoài đều hỏng. Ăn nói sống sượng khoác lác, hành vi kệch cỡm, tâm địa
bất định bất an.
- Bốn là đối tượng ngoài chín trong chín: Là những người đã
trui luyện cả thân tâm đều được thanh tịnh. Được vào hạng nầy là những thành
quả của giáo hóa viên mãn.
d. Thực hành giáo hóa
Đi vào công việc giáo hóa người chức sắc phải luôn luôn “ngôn hành hợp nhất”. Lời nói ra phải hợp chánh đạo, chánh
lý, ám hợp thiên địa. Một lời nói phải nghìn dặm cũng nghe theo. Lời đã nói ra,
lời ấy phải tận thiện: “Ngôn thiện tắc
hữu tín.” Gây được tín tâm cho người thì thực hành theo lời giáo huấn tất
hẳn hoi.
Lời nói mà được chính là do tâm.
Người có tâm bất chính thì lời sẽ không lành, sẽ gây nên họa ương, không cảm
hóa được ai. Muốn có tâm minh chánh, lời nói minh chánh thì người chức sắc luôn
để tâm nghiên cứu, học hiểu giáo lý, gắn liền với ơn điển Thiêng Liêng, đặt
mình trong quyền pháp. Mọi hành vi cử chỉ phải luôn đặt trong khuôn phép, tu
hành không nhếch nhác bừa bãi. Những người dung mạo không đoan chính, ăn nói
không nghiêm trang sẽ khó giáo hóa được người.
Thực hành giáo hóa cần có tâm
quảng đại bao dung, bác ái công bình, và bền chí.
Thực hành giáo hóa cũng đòi hỏi
nhiều nghệ thuật và am tường khoa tâm lý. Thầy và các Đấng Thiêng Liêng đã áp
dụng nghệ thuật và tâm lý trong thánh ngôn thánh giáo rất tuyệt vời khiến dễ
cảm thụ lòng người cải hóa nhân sinh.
e. Thành
tựu của giáo hóa
Thành tựu là cái kết quả thu đạt được. Kết quả nầy có ở cả
hai: chức sắc giáo hóa và đối tượng giáo hóa.
Người chức sắc giáo hóa phải đạt được mức độ chín cả mọi mặt. Quả có chín
mới thu hái, cơm có chín mới dọn bữa. Phải chín chắn từ ngôn hành đến phong
cách, nếp sống… mới tạo được hiệu quả giáo hóa. Người chức sắc vốn được tuyển
chọn bình bầu (công cử, suy cử) chứ không thể tự mình tranh thủ mà được, và từ
đó người chức sắc phải chịu đào tạo mài giũa, chịu giáo hóa. Có chịu giáo hóa,
chịu đào tạo thì mới có thể giáo hóa người. Người giáo hóa được người phải thực
sự tạo được tâm phục khẩu phục mới có được vị trí thiện cảm trong lòng mọi
người. Ai không có cái chơn tâm, chơn trí, chỉ dùng thủ thuật hào nhoáng bề
ngoài thì nhất định không chinh phục được người mà chỉ là trò hoạt kê cho người
giễu cợt mà thôi.
Đối tượng giáo hóa có những thành tựu cả về tướng pháp lẫn
tâm pháp.
Về tướng pháp, mọi
tín hữu giữ được quy giới tinh nghiêm, noi theo được đúng đường lối, tuân thủ
mọi chủ trương, khai thông được mọi bế tắc, cởi mở được mọi rối rắm, an bài
được mọi trật tự, điều chỉnh được mọi lệch lạc, nắm vững được cơ động tịnh để
tiến hóa tồn vong. Phải biết thuận ứng hòa vui trên bước đường thăng tiến. Gặp
chướng ngại không lùi chân, gặp gian nguy không thối bước. Khi vui không hỷ hạ,
lúc buồn chẳng âu sầu, luôn giữ được tâm bình trong mọi hoàn cảnh để làm sáng
danh Đạo, danh Thầy và cơ đồ Hội Thánh. Được như vậy thì có thể vững vàng thâm
nhập vào Đạo của trời đất, thâm nhập vào quy luật của thiên nhiên, đặt chơn trí
vào sự thấu hiểu giáo lý Đại Đạo, đặt chơn tâm vào cơ bí nhiệm của pháp môn,
đặt tinh thần vào trong điển lực Thiêng Liêng, kết tụ cho mỗi người
được pháp vị, đạo vị làm rực rỡ cái linh quang nội tại, làm cho con người
thưởng thức được vẻ đẹp tinh thần thanh cao thánh thiện. Lấy sự thương yêu, lẽ
công bằng mà tạo dựng hạnh phúc để khai thế tạo thế, để không còn mạnh hiếp
yếu, giàu khinh nghèo. Ai ai cũng chung nhau trong đạo nghĩa, trong đạo lý.
Về tâm pháp: Nói giáo hóa là hướng dẫn dạy dỗ để cải hóa con người,
thực sự là giúp con người trở về với chơn tánh, chơn trí của họ.
Chơn tánh là cái tánh thật, cái
tánh y nhiên như mặt gương trong, dù phản chiếu muôn ảnh ngàn hình, dù hiện rõ
muôn màu ngàn sắc mà mặt gương vẫn không thay đổi. Như cánh nhạn lưng trời
không lưu lại dấu vết trên nền trời. Như trăng lồng đáy nước mà nước chẳng giữ
được trăng, trăng không dính nước, nước chẳng dính trăng.
Chơn trí là cái trí bao trùm
không phân biệt so sánh. Cái trí thường hằng mà Đạo Học gọi là ông chủ (chủ
nhơn ông) tức là cái chơn tâm.
Kinh Kim Cang dạy: “Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai không
thể được.” [5] Kinh dạy
phá ba cái tâm ấy vì chúng là tâm vọng, không thật. Còn chơn tâm, chơn trí hay
ông chủ thì hằng hữu, phi thời gian.
PHẠM VĂN LIÊM
Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài
[1] Trung
hưng 中興: Hồi
phục lại sau thời kỳ suy yếu (restoration
after a temporary decline). [Ban Ấn Tống chú]
[2] Trung
Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. [Ban Ấn Tống chú]
[3] Đàn
ngày 09-01 Kỷ Hợi (16-02-1959).
[4] Vấn đề
bảo trợ cuộc sống áo cơm của người hướng đạo thật ra không đơn giản. Xem thêm
bài Ăn Cơm Có Canh, Tu Hành Có Bạn, in
trong Lòng Con Tin Đấng Cao Đài (tr.
12-16), của Huệ Khải. (Nxb Tôn Giáo, 2010, quyển 4, trong Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.) [Văn Uyển chú]