Đạo An 道安 (312-385)
Đạo An 道安 (312-385)
là học giả Phật Giáo kiệt xuất đời Đông Tấn (317-420). Ông sinh tại huyện Phù
Liễu thuộc Thường Sơn (nay là huyện Ký, tỉnh Hà Bắc). Bấy giờ chiến tranh loạn
lạc, ông còn bé đã sớm mất cha mẹ, nên được một người anh họ nuôi dưỡng. Lên 7
tuổi, ông bắt đầu đọc sách; 15 tuổi thông ngũ kinh và chuyển sang học Phật; 18
tuổi (hay 20 tuổi?) xuất gia. Năm 335, ông theo học cao tăng Phật Đồ Trừng 佛圖澄 (232-348)
ở Nghiệp Đô (nay là huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam ).
Sau khi Phật Đồ Trừng mất, ông thay
thầy giảng Phật pháp. Để lánh nạn lửa binh, ông bỏ Hà Nam đến Hộ Trạch
(nay là huyện Lâm Phần) ở Sơn Tây. Năm 355, ông cùng sư Pháp Thải 法汰 lập chùa trên ngọn Hằng Sơn
trong rặng Thái Hàng. Huệ Viễn 慧遠 (334-416) bấy giờ
21 tuổi, đến đây xuất gia. Do chiến loạn, Đạo An đưa Huệ Viễn cùng với khoảng
400 đệ tử đi Tương Dương (bấy giờ còn thuộc Đông Tấn, tương đối yên bình), lập
chùa và trú tại đó 15 năm. Thời gian này ông giảng pháp, dịch kinh rất nhiều.
Trong thời gian tại Tương Dương
(365-379), Đạo An chủ trương thống nhất đổi họ của sa môn là Thích 釋 (Śākya).
Cao Tăng Truyện (quyển 5) chép: “Đầu
đời Ngụy và đời Tấn các sa môn lấy họ theo thầy,[1]
nên các họ khác nhau. Đạo An cho rằng các đại sư ai mà chẳng tôn kính Thích Ca,
bèn đặt họ Thích [cho sa môn].” [2]
Đối với người Trung Quốc, việc đổi
họ (cả đời lẫn đạo) không phải là vấn đề tầm thường, nhưng Đạo An đã làm được,
chứng tỏ ảnh hưởng của ông rất lớn.
Năm 379, Phù Kiên sai Phù Phi đánh
Tương Dương, và rước Đạo An (67 tuổi) về Trường An. Tại đó, trong khoảng bảy
tám năm, ngoài việc giảng kinh, ông chủ yếu tổ chức ban phiên dịch kinh Phật rất
quy mô. Đạo An là một trong những nhà Phật học áp dụng phương pháp cách
nghĩa 格義, tức là
dùng Lão-Trang và Kinh Dịch để phụ giảng Phật học. Về sau ông bỏ phương pháp
này. Trứ tác của Đạo An hiện nay không còn nhiều. Ông là một trong những người
sớm nhất lập mục lục các kinh Phật bằng Hán ngữ, gọi là Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục 綜理眾經目錄, thường gọi tắt là An
Lục 安錄 (mục lục của Đạo An).
LÊ
ANH MINH
[1] Như họ An 安 của sư gốc An Tức 安息 (Parthia), họ Chi 支
của sư gốc Nguyệt Chi 月支 (Indoscyth),
họ Trúc 竺 của sư gốc Ấn Độ (Thiên Trúc 天竺), họ Vu 于 của sư gốc
Vu Điền 于闐 (Khotan
hay Kustana), họ Khang 康 của sư gốc Khang Cư 康居 (Soghdiana), họ Bạch
帛
của sư gốc Quy Tư 龜滋 (Kucha),
v.v...
[2] Sơ Ngụy Tấn sa môn
y sư vi tính cố tính các bất đồng. An dĩ vi đại sư chi bản mạc tôn Thích Ca,
nãi dĩ Thích mệnh thị. 初魏晉 沙門依師為姓故姓不同.安以為大師之本莫尊釋迦.以 釋命氏.