Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / TIỀN BỐI THANH LONG MỘT TÂM HỒN THƠ / Phạm Văn Liêm

Image result for "Lương vĩnh thuật"

Ta có gì mà thương mà tiếc
Ta có gì mà thiết mà tha
Tấm thân không cửa không nhà
Con là non nước, vợ là cỏ cây
Thân sá gì rày đây mai đó
Chí những mong nước nọ non nầy
Phương trời chim mặc sức bay
Nước khơi cá lội thú thay ngũ hồ.
Đó là lời tự cảm của tiền bối Thanh Long (1918-1982) trong chuỗi ngày gian nan đường sứ mệnh. Tiên sinh không phải là nhà thơ mà là nhà tôn giáo. Nhưng tôn giáo đến với tiên sinh ở tuổi 15, còn thơ lại đến với tiên sinh ở tuổi 13.
Vần thơ được viết đầu tiên là năm tiên sinh vào Bến Tre trông coi tiệm thuốc bắc kiêm phòng mạch của thân phụ tại Cái Nứa. Một hôm con gái ông Cả Định đến cân thuốc, nhìn dáng vui vẻ hồn nhiên, khi cân thuốc xong tiên sinh lật phía sau toa thuốc viết hai câu:
Cảnh xuân vừa mở miệng cười
Đón xuân nhưng biết ai người trông hoa?
Cô bé mang toa thuốc về cho ông Cả xem. Ông Cả mách lại thân phụ tiên sinh và khen tuy mới tuổi 13 mà lời thơ khá cứng, lại sớm biết… trêu. Tất nhiên tiên sinh bị rầy một trận nên thân.
Ở Bến Tre có chị Lê Thị Nhựt vừa là thân chủ vừa học trò chữ Hán với thân phụ tiên sinh. Những ngày ở xứ dừa tiên sinh tập cho chị viết chữ Hán và nhắc chị học những chữ khó, vì vậy chị em rất thân thiết.
Rồi tiệm thuốc bắc đóng cửa, tiên sinh theo thân phụ trở về quê. Năm ấy chị Nhựt viết thư ra Quảng nhờ thân phụ tiên sinh chế thuốc hà thủ ô để chữa tóc bạc. Tiên sinh làm thơ trêu chị:
Người đời đến thế là xong
Da nhăn tóc bạc đã trông về già
Lưu Thần [1] dù có hái hoa
Cũng không lạc bước đến nhà làm chi.
Một lần ở ga tàu lửa, chứng kiến cảnh chia ly đưa tiễn bùi ngùi, nhất là các cô gái mau nước mắt, tiên sinh cảm hứng:
Họ giã từ nhau khóc rộn ràng
Riêng mình nước mắt vẫn khô rang
Ví như khóc để đời vơi khổ
Mình cũng gào lên giúp các nàng.
Tuy tuổi nhỏ nhưng là con nhà Nho học nên tiên sinh rất thích chữ nghĩa, thỉnh thoảng có dịch đôi câu chữ Hán.
Trong Minh Tâm Bảo Giám (thiên 11: Tỉnh Tâm) có câu:
“Thủy để ngư, thiên biên nhạn. Cao khả xạ hề đê khả điếu. Duy hữu nhân tâm chỉ xích gian, chỉ xích nhân tâm bất khả liệu.” [2]
Tiên sinh dịch:
Cá đáy nước, nhạn ven trời
Dễ câu, dễ bắn, lòng người khó đo.
Lại một câu mang tính ưu thời:
Tương thức mãn thiên hạ
Tri tâm hữu kỷ nhân? [3]
Tiên sinh dịch:
Quen nhau, quen khắp cả trời
Biết nhau gẫm có mấy người biết nhau?
Tiên sinh có tâm hồn thơ chứ không là nhà thơ. Tuổi nhỏ tiên sinh đã biết gieo vần cấu tứ, tuy không nhiều nhưng đủ thể loại, nhất là lục bát, song thất lục bát. Đó chỉ là sự bộc lộ tâm sự, ý chí hay quan niệm sống mà thôi. Vì tiên sinh không thích mơ mộng mà chú trọng thực tế. Vào cuộc trần gian phải có cái gì thực tế, không thể cứ mộng gió mơ trăng được. Và cái thực tế đã có cho tiên sinh chính là nghề thầy thuốc.
Sau này, khi gặp đạo Cao Đài, tâm hồn thơ của tiên sinh là lợi khí để biểu đạt thâm thúy về một tư tưởng, một cảm nhận, một khung cảnh... nhờ cách làm đẹp ngôn từ, trau chuốt ý tứ, thu xếp bối cảnh. Nhiều lúc chính tâm hồn thơ dắt dẫn tiên sinh đến những cõi bờ của cái đẹp hiện thực và từ đó phát sinh cái đẹp thánh hóa. Chính tâm hồn thơ ấy đã tạo cho người khác nhìn tiên sinh như một cảm xúc thơ, gây nên lòng kính mộ cả từ cử chỉ, lời nói, đến việc làm.
Mùa xuân năm ấy, có lệnh Thiêng Liêng lập đàn phong Thánh tại Ngũ Hành Sơn. Với chất thơ tiềm tàng trong tâm hồn, tiên sinh bày tỏ:
“Đến nơi bỏ xe lại chân núi có người trông nom, đoàn sứ giả đăng sơn. Đường lên toàn bậc cấp. Càng lên cao càng thấy sảng khoái. Những tảng đá cao vút hoặc dựng bên đường có những dòng chữ, những lời thơ của du khách khắc chạm hoặc viết bằng sơn. Bất thần nhìn lên một tảng đá cao có bốn chữ Cao Đài cứu thế chạm sâu vào đá, sơn trắng. Cả đoàn người vui cười dắt nhau lên đỉnh đến chùa Tam Thai nghỉ chân rồi đi xem một số cảnh trí, nhất là lên Vọng Giang Đài (đài ngắm sông) nhìn xuống chân núi đồi cát trắng với rừng cây dương liễu mênh mông bao quanh ba mặt đến sông Cẩm Lệ, sông Hà Thân nước trong xanh, ngày đêm chảy về biển cả. Trông về phía tây nam, đồng bằng Quảng Nam ruộng vườn đồng áng đương mùa xuân, hoa màu cây cỏ khoe tươi, đường sá sông ngòi quanh co, uốn lượn. Xa xa có núi chùa Bà Nà, núi Hòn Kẽm Đá Dừng, tựa lưng vào dãy Trường Sơn sừng sững giữa miền Trung nước Việt. Quay trông về phía bắc có đèo Hải Vân chắn ngang, từ dãy Trường Sơn ra bể.
Quang cảnh về chiều, lúc vừng thái dương sắp khuất núi, bóng hoàng hôn sắp buông màn, từ Vọng Giang Đài trông ra toàn diện tỉnh Quảng Nam có núi cao, có sông sâu, có đèo, có suối, có đồng ruộng xanh, có bãi cát trắng, có bể rộng mênh mông. Thật là một bức tranh tuyệt xảo, muôn sắc muôn màu. Nhất là gần về đêm, tiếng khua động mọi người ngơi nghỉ, đàn chim chóc ríu rít gọi nhau về tổ ấm, những làn sóng ồ ạt từ bể khơi đập vào chân núi vang xa tiếng gào thét như cổ vũ, như hô hào hợp tấu thành khúc nhạc thiên huân. Càng hào hùng, càng du dương trầm bổng, kích thích tinh thần du khách không làm sao ngăn được niềm hứng khởi dâng lên tràn ngập tâm hồn.
Lòng tôi bỗng bàng hoàng nhớ đến bài thơ tứ tuyệt của Trần Nhân Tông vịnh cảnh trời chiều ở quê phủ Thiên Trường, nơi chôn nhau cắt rún của mình, nhan đề là Thiên Trường Vãn Vọng. Bài thơ của một nhà vua và cũng là một chiến sĩ, một đạo sĩ, và một thi sĩ mà các nhà nghiên cứu cho là tuyệt tác.
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.[4]
Tạm dịch:
Thôn dã chiều về nhạt khói sương
Nửa còn nửa khuất bóng tà dương
Mục đồng nhịp sáo trâu về trại
Cò trắng đàn đàn xuống ruộng nương.
Tuyệt diệu ở chỗ một bài thơ cũng là một bức họa, tả cảnh vũ trụ huyền ảo, mộng mà thực, sắc mà không, tâm trạng của một thiền sư Việt Nam.” [5]
Suốt từ khi say sưa với sứ mạng tôn giáo, tiên sinh thỉnh thoảng dùng thơ như là phương tiện văn hóa để chuyển tải nhu cầu tôn giáo theo cách văn dĩ tải Đạo chứ không cấu tứ trau vần theo kiểu “nòi tình” để thỏa mãn cái cảm hứng của người thi sĩ. Có lẽ tiên sinh cùng có ý thức như một số người đã từng sống trong thơ và sống với Đạo. Sống trong thơ sẽ dễ dẫn vào nẻo mê, còn sống với Đạo là bước vào đường Ngộ. Thơ thì mê sẽ đưa ta phiêu du mộng tưởng xa khơi, còn Đạo thì Ngộ sẽ hướng ta quay lại bến bờ của bản giác linh căn.
Có nhiều người tâm hồn khô khan như vỏ bắp cũng ráng mày mò trong “đèn lụn dầu hao” để “chế tác” cho được thơ vì muốn được gọi là nhà thơ. Ngược lại có người tâm hồn đầy ắp những tình những cảnh, nhuần nhị những tứ, những vần mà luôn trốn khỏi những cảm hứng nhiễu nhương, đặt tâm hạnh thuần nhiên vào chỗ chơn thường. Hoặc giả khi dụng thơ là mượn phương tiện diễn đạt giáo nghĩa, biểu cảm đạo tình hầu giác đời, tỉnh thế, hay soi sáng tâm linh.
PHẠM VĂN LIÊM
   Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài



[1] Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán (Trung Quốc) đi chơi ngày mùng 5 tháng 5 (tiết Đoan Ngọ) tình cờ lạc vào cõi thiên thai, sống vui với các vị tiên một thời gian. [Văn Uyển chú]
[2] 水 底 魚, 天 邊 雁. 高 可 射 兮 低 可 釣. 惟 有 人 心 咫 尺 間, 咫 尺 人 心 不 可 料. Nghĩa là: Cá đáy nước, chim ven trời. Chim bay cao có thể bắn được, cá lặn sâu có thể câu được. Chỉ riêng lòng người tuy cách nhau một thước mà không thể nào lường được. [Văn Uyển chú]
[3] 相識滿天下, 知心有幾人.
[4] 
/
/ . [Văn Uyển chú]
[5] Trích Hồi Ký Thanh Long.