Lữ Động Tân là một
trong tám vị tiên (Bát Tiên), theo thứ tự như sau:
1. Chung Ly Quyền. Ngài họ Chung Ly, tên Quyền, cũng
gọi là Hán Chung Ly vì sống vào đời Hán; tự là Tịch Đạo; hiệu là Vương Dương Tử
và Vân Phòng Tiên Sinh.
2. Trương Quả Lão.
3. Lữ Động Tân. Người Việt thường gọi sai là Lữ Đồng Tân. Theo đạo Lão, động không phải chỉ là hang động thông
thường trong núi. Nơi tiên ở gọi là động
phủ. Nhiều cuộc lễ quan trọng của đạo Lão xưa kia đã được tổ chức trong hang
động. Động hiểu là cõi tiên; Tân là khách (bộ phận tiếp khách gọi là
lễ tân, tiếp tân). Vậy, Lữ Động Tân
nghĩa là người khách họ Lữ ở động, ám chỉ người cõi tiên.
4. Tào Quốc Cữu. Ngài họ
Tào, tên Cảnh Hưu. Ngài là em trai của
Tào Hậu, mà Tào Hậu là vợ vua Tống Nhân Tông, tức là mẹ vua Tống Anh Tông. Xét
về vai vế, ngài là em vợ Tống Nhân Tông và là cậu của Tống Anh Tông. Theo người
Hoa, anh hay em của mẹ và anh hay em của vợ đều gọi là cữu, cũng như người miền Nam gọi là cậu. Bởi vì ngài thuộc hoàng tộc nên được gọi là Quốc Cữu, ghép với
họ gọi là Tào Quốc Cữu. Người Việt thường gọi sai là Tào Quốc Cựu.
5. Lý Thiết Quải, cũng gọi là Thiết Quải Lý.
Ngài họ Lý, tên Huyền, thường chống gậy sắt. Thiết Quải nghĩa là cây gậy sắt,
nhưng người Việt thường gọi sai là Lý Thiết Quài.
6. Hàn Tương Tử, tự là Thanh Phu.
7. Lam Thái Hòa, người Việt thường gọi sai là
Lam Thể Hòa.
8. Hà Tiên Cô.
Trong số Bát
Tiên, vị thứ ba là Đức Lữ Động Tân, thường gọi là Lữ Tổ.
Thế kỷ trước, ở
Sài Gòn có nhà xuất bản danh tiếng Tín Đức Thư Xã chuyên in truyện Tàu, trong
đó có tiểu thuyết Đông Du Bát Tiên,
do Tô Chẩn dịch (1950), kể lại tiểu sử Đức Lữ Tổ và bảy vị trong nhóm với nhiều
hư cấu ly kỳ.
Theo sách vở
truyền lại, Đức Lữ Tổ họ Lữ; tên Nham. Có
sách bảo tên là Thiệu Tiên. Ngài có rất
nhiều hiệu như: Thuần Dương Tổ Sư, Thuần Dương Tử, Hồi Đạo Nhân, Hồi Đạo Sĩ,
Phù Hựu Đế Quân…
Ngài sinh đời Đường,
nhưng có sách bảo là năm 646, hoặc 755… Nơi sinh là huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung (sau này là Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây).
Có sách bảo quê ở Đông Bình hoặc Bồ Bản, thuộc Kinh Xuyên. Các sách chép chẳng
giống nhau về tên cha mẹ ngài, về việc ngài độc thân hay có vợ, đã thi đậu làm
quan hay thi rớt nhiều phen.
Ngài
là học trò Đức Chung Ly Quyền (thường gọi là Chung Tổ). Hai thầy trò cùng đứng trong
hàng Bát Tiên, và kinh sách đạo Lão thường nhắc chung cả hai vị, gọi là Chung Lữ
Nhị Tổ.
Đọc Thất Chân Nhân Quả, chúng ta biết thêm
hai vị Tổ Sư này đã truyền đạo cho Vương Trùng Dương rồi sau đó Vương Tổ truyền
đạo cho bảy học trò (sáu nam, một nữ) ở tỉnh Sơn Đông, thế là hình thành nhóm
Toàn Chân Thất Tử và phái Toàn Chân ra đời, rất thịnh ở Trung Quốc.
HUYỀN
THOẠI VỀ LỮ ĐỘNG TÂN
1. Giấc mộng kê vàng
Tiểu thuyết Đông Du Bát Tiên kể tỉ mỉ rằng năm sáu mươi bốn tuổi ngài Lữ gặp Đức
Chung Tổ ở Trường An. Trong lúc Tổ nấu nồi kê vàng, ngài Lữ nằm ngủ trên gối
phép của Tổ, mơ thấy mình thi đậu, làm quan tới chức thừa tướng, cưới vợ, có
con cháu, rồi phạm lỗi nên bị triều đình trị tội, bắt lưu đày, gia sản bị tịch
biên...
Ngài Lữ giật
mình tỉnh dậy thấy nồi kê nấu vẫn chưa chín. Ngẫm lại, thấy rằng bao nhiêu vinh
hoa phú quý, thăng trầm kiếp người, tất cả chỉ thoảng qua như một giấc mộng,
còn ngắn ngủi hơn cả thời gian nấu chín một nồi kê, ngài Lữ giác ngộ lẽ vô thường,
chán chường tuồng ảo hóa, liền xin theo Đức Chung Tổ học đạo Tiên.
Do tích này, để
ám chỉ chuyện công danh phú quý thế gian chỉ là hư ảo, phù du, trong văn học có
thành ngữ giấc mộng hoàng lương, giấc mộng
kê vàng (hoàng lương mộng).
2. Đức Chung Tổ thử thách ngài Lữ
Thuở mới đi tu, ngài Lữ được thầy là Chung Tổ bày ra đủ cách
thử thách. Truyện Đông Du Bát Tiên chép
rõ mười cảnh ảo do Đức Chung Tổ hóa ra để làm đề thi luyện kỷ
thử thách học trò. Lược kể tám đề thi trong số đó như sau:
- Ngài Lữ thấy toàn gia quyến
bị bệnh dịch chết hết mà không hề oán trời trách đất.
- Bị người mua gian bán lận
mà không buồn giận.
- Cho tiền kẻ xin ăn, bị họ
chê ít và mắng nhiếc mà vẫn tươi cười.
- Gặp gái trẻ đẹp lả lơi, rù
quến mà không động lòng dâm.
- Bị trộm ăn cắp hết của; rồi
cuốc đất gặp vàng ròng mà thản nhiên không thèm nhặt.
- Mua đồ đồng, người bán đưa
lộn vàng thật, liền đem trả lại.
- Bị nạn lụt lớn mà không
kinh hãi.
- Không chịu học phép chỉ đá
hóa vàng, vì biết sau này vàng ấy sẽ trở lại thành đá, làm tổn hại người xài
vàng giả.
Những thử thách kể trên, đặc
biệt là thử thách đầu tiên (thấy toàn gia quyến bị bệnh dịch chết hết mà không
hề oán trời trách đất) khiến chúng ta nhớ Cựu
Ước chép chuyện ông Gióp ở đất Út là người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa
và lánh xa điều ác. Xatan nói với Ðức Chúa:
“Ngài cứ thử giơ tay đánh
vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!’ (Gióp 1:11)
Được Thiên Chúa cho phép, Xatan bèn ra tay thử thách ông
Gióp. Trong một ngày, ông liên tiếp nghe bốn tin dữ:
- Dân Sơva cướp hết bò và lừa, người làm của ông bị giết.
- Chiên và dê cùng một số người làm bị chết cháy.
- Người Canđê cướp lạc đà, giết người làm của ông.
- Con trai và con gái ông đang ăn tiệc thì nhà sập đè họ
chết.
Trước bốn việc dữ xảy đến dồn dập,
ông Gióp vẫn không một lời trách móc, không hề phạm lỗi với Thiên Chúa.
3. Vẽ
hạc trả nợ
Tiểu thuyết Đông Du Bát Tiên kể rằng Đức Lữ Tổ đến
thành Nhạc Dương uống rượu ở quán Tân Thị nửa năm, không hề bị chủ quán đòi tiền.
Để trả nợ, Tổ hóa phép vẽ hình chim hạc trên vách, dặn chủ quán khi có khách tới
nhậu thì vỗ tay, hạc sẽ bay ra múa, hết khách thì hạc lại nhập vào tranh trên
vách. Vài năm sau, Tổ quay trở lại, chủ quán đã quá giàu. Tổ lấy sáo thổi, hạc nhảy
ra chở Tổ bay đi mất.
Giai thoại hạc
múa ấy có lẽ trùng lắp với một truyền thuyết khác về ông tiên Phí Văn Vi. Vị
này thường cỡi hạc đến chơi trên một cái lầu ở phía tây huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ
Bắc. Lầu ấy vì thế được gọi tên là lầu Hoàng Hạc.
Đời Đường, nhà
thơ Lý Bạch đến đấy chơi, thấy phong cảnh xinh đẹp, muốn làm một bài thơ, nhưng
lại thôi, chỉ lưu hai câu ngắn:
Nhãn
tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi
Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Trước
mắt có cảnh đẹp mà không tả được,
Trên
đầu đã có Thôi Hiệu đề thơ rồi.)
Là hai nhà
thơ đồng đại, Lý Bạch (701-762) và Thôi Hiệu (704-756) cùng vang danh từ đời Đường.
Trong hai câu thơ trên, Lý Bạch ám chỉ bài Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, sau này được Tản Đà
(1888-1939) dịch ra lục bát rất tài với bốn câu đầu như sau:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn
bay...
4. Thần tích
Đức Lữ Tổ hành
tung ẩn hiện, biến hóa khôn lường, tuy đắc đạo rồi vẫn nguyện thăng giáng nơi
cõi trần ô trược để tìm cơ duyên độ dẫn người có thiện căn bước vào đường tu tiên
giải thoát. Trải qua Đường, Tống, Nguyên các đời, Đức Lữ Tổ hiển hiện nhiều
linh dị, dân chúng sùng bái, lập miếu thờ, lưu truyền nhiều kỳ tích huyền bí. Đời
Thanh quy định nghi thức hành lễ tôn kính Ngài theo đấng Đế Quân.
Uy linh của Đức
Lữ Tổ còn ảnh hưởng sang Việt Nam .
Giữa lòng Hà Nội, xưa là kinh thành Thăng Long, trên hồ Hoàn Kiếm (hay hồ Gươm)
là đền Ngọc Sơn danh tiếng. Lúc đầu đền này thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, sang thế
kỷ 19 thì thờ thêm Đức Văn Xương Đế Quân, rồi sau lại thờ thêm Đức Phù Hựu Đế Quân
(Lữ Tổ).
Ngoài ra, vì xuất
thân là nho sĩ, Đức Lữ Tổ còn được người Trung Quốc tôn làm thánh tổ của nghề
làm mực. Có sách bảo ngài là tổ của giới nho sĩ, mặc dù nhiều truyền thuyết
chép rằng lúc chưa tu, ngài thi đâu rớt đó!
Dân gian Trung
Quốc thường minh họa Đức Lữ Tổ cầm phất trần hay phất chủ. Đây là một bảo bối của đạo Tiên, thế nên phất
trần cùng với kinh Xuân Thu của Nho Giáo, bình bát (patra) của Phật Giáo được
đạo Cao Đài gộp lại làm biểu tượng chung cho Tam Giáo.
Hoặc vẽ ngài đeo
kiếm sau lưng như kiếm khách. Truyền thuyết cho rằng Đức Lữ Tổ rất giỏi kiếm
pháp, ngài luôn mang gươm đi trừ yêu diệt quái.
5. Tôn hiệu
Tôn hiệu Phù Hựu Đế Quân của Đức Lữ Tổ có lẽ xuất
phát từ tôn hiệu Thuần Dương Diễn Hóa Cảnh
Hóa Phù Hựu Đế Quân mà vua Nguyên Vũ Tông đã hiến Tổ vào năm Chí Đại thứ ba
(1310).
Hai đời vua trước
cũng hiến ngài hai tôn hiệu khác:
- Diệu Thông Chân Nhân: do vua Tống Huy Tông
hiến vào năm 1119, có sách bảo là năm
1115.
- Thuần Dương Diễn Chính Cảnh Hóa Chân Quân:
do vua Nguyên Thế Tổ hiến vào năm 1269.
Ngoài ra, theo một
bản kinh Cảm Ứng dùng trong đạo Cao Đài (phái thiền Chiếu Minh), thì Đức Lữ Tổ
còn có tôn hiệu là Ngọc Hư Sư Tướng, Kim Khuyết
Tuyển Tiên, Phù Hựu Đế Quân, Diệu Đạo Thiên Tôn.
Trong bản kinh Lữ Tổ Bửu Cáo của đạo Lão Trung Quốc, lại
thấy ghi tôn hiệu ngài là Ngọc Thanh Nội Tướng,
Kim Khuyết Tuyển Tiên. Tôn hiệu này cho thấy ngài có vai trò và tầm quan trọng
rất lớn:
(1) Ngọc Hư Sư Tướng: ngài là tướng súy của
cung Ngọc Hư (nơi Trời ngự).
(2) Ngọc Thanh Nội Tướng: ngài là tướng súy
của cung Ngọc Thanh. (Đạo Lão có Tam Thanh gồm: Ngọc Thanh là nơi ngự của
Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh là nơi ngự của Linh Bảo Thiên Tôn, Thái
Thanh là nơi ngự của Đạo Đức Thiên Tôn tức Lão Tử.)
(3) Kim Khuyết Tuyển Tiên: ngài là giám khảo
xét tuyển những bậc chơn tu xứng đáng để sau đó họ được Đức Thượng Đế sắc phong
vào phẩm Tiên nơi Huỳnh Kim Khuyết (cung Trời).
(4) Phù Hựu Đế Quân: ngài là bậc Đế Quân linh hiển, dân chúng rất tin cậy ở sự che chở,
bảo hộ của ngài (Phù: được tín nhiệm;
Hựu: bảo hộ, phù hộ).
(5) Diệu Đạo Thiên Tôn: ngài là đấng được cõi trời tôn kính là bậc đạo pháp huyền diệu.
6. Tác phẩm
Nhiều bậc hành
giả tu đơn, chuyên về tâm pháp (thiền) thường không muốn lập ngôn (viết sách).
Trái lại, Đức Lữ Tổ dù coi trọng tu thiền, ngài vẫn tích cực nhập thế phổ độ và
hăng say trứ tác để giáo hóa. Điều đó giải thích vì sao xưa nay ngài đã là một
tên tuổi lừng lẫy của đạo Lão Trung Quốc.
Tác phẩm của Đức
Lữ Tổ để lại cho đời khá nhiều, được chép trong Đạo Tạng Tập Yếu, một số có thể do đời sau ngụy tạo, một số do cơ
bút Đạo giáo dân gian. Lược kể một số tác phẩm chính như sau: (1) Bách Vấn Thiên; (2) Bí Truyền Chính Dương Chân Nhân Linh Bảo Tất Pháp; (3) Chỉ Huyền Thiên; (4) Cửu Chân Ngọc Thư; (5) Linh Bảo Thiên; (6) Phá Mê Chính Đạo Ca; (7) Thập
Giới Công Quá Cách; (8) Truyền Đạo
Thượng Thiên; Trung Thiên; Hạ Thiên; (9) Trửu Hậu Tam Thành Thiên, v.v…
CẨU
GIẢO LỮ ĐỘNG TÂN
Qua phần trình
bày khái lược về nhân vật Lữ Động Tân như trên, chúng ta thấy ngài là một Đại
Tiên danh tiếng, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đạo Lão Trung Quốc. Một Đại
Tiên đứng vào hàng Tổ Sư như Đức Lữ Tổ mà bị… chó cắn (cẩu giảo)! Thế là sao?
Thật ra, không
có một điển tích hay giai thoại nào nói về việc này. Nhưng trong ngôn ngữ Trung
Quốc từ xưa đã có câu nói cửa miệng “Cẩu
giảo Lữ Động Tân” rồi, và được áp dụng cho nhiều tình huống mà những người
tốt, tài đức bị thế gian rẻ rúng, ngược đãi, ám hại...
Chẳng hạn, chúng
ta biết bình sinh Đức Khổng Tử luôn bị vua chúa bạc đãi, không tin dùng chính
trị vương đạo của ngài. Có lúc ngài và nhóm môn đệ còn bị kẻ dữ vây khổn ở nước
Trần, nước Thái, phải chịu nhịn đói luôn sáu bảy ngày... Chúng ta cũng biết
trong Sử Ký của Tư Mã Thiên (145-86
trước Công Nguyên), ở chương Khổng Tử Thế Gia có chép lời người nước
Trịnh bảo rằng Đức Khổng trông giống như “con
chó nhà có tang / tang gia chi khuyển”. Khi nghe kể lại những chuyện không
vui như thế, nếu thông cảm và thương Đức Khổng Tử, người Trung Quốc có thể
than: “Ôi! Cẩu giảo Lữ Động Tân!”
Đức Khổng Tử
không phải là trường hợp duy nhất bị người đời bạc đãi trên đường truyền đạo của
ngài. Chúng ta biết chuyện Đức Phật trong lúc đang hoằng pháp từng bị kẻ xấu
cho voi dữ tấn công, lén lăn đá từ trên núi xuống, bị bỏ thuốc độc trong cơm để
mưu sát, bị đàn bà độn bụng giả làm kẻ mang bầu rồi đi thẳng vào chỗ Phật đang giảng
đạo mà lu loa vu khống!
Đức Giêsu thì
sao? Chúa bị quân dữ đánh đòn, bị đội vòng gai, bị khạc nhổ, bị đánh vào đầu, bị
giễu cợt, bị đem đóng đinh trên thập giá giữa hai tên cướp… (Matthêu 27:26, 29,
30, 38).
Ngày xưa (thời
Nhị Kỳ Phổ Độ), Đức Khổng, Đức Phật, Đức Chúa nào có “tội tình” gì! Các Đấng chỉ
đem hết tình thương và trí tuệ siêu việt ra giáo hóa, cứu độ chúng sinh mà
thôi. Thế nhưng các Đấng đều bị bách hại (persecuted), không có ngoại lệ. Các Đấng
đều ở vào nghịch cảnh “chó cắn Lữ Động Tân”.
Ngày nay, trong
Tam Kỳ Phổ Độ vẫn không khác. Mùa xuân năm Tân Sửu, mùng 2 Tết
(16-02-1961), trước nỗi niềm tâm sự “Lữ Động Tân bị chó cắn” của một số bậc
hướng đạo chân tu trong đạo Cao Đài, Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn giáng
cơ tại Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự,
quận 3, Sài Gòn) để an ủi và ban lời dạy như sau:
“Giờ
phút này, Mẹ chan rưới phước lành cho mỗi trẻ được mát mẻ tâm linh, minh quang
trên đường sứ mạng. Mẹ mong mỗi con sẽ tận hưởng được những phút vui tươi trong
cửa Đại Đạo. Sự vui tươi của các con hẳn là về tinh thần,
chớ xác thịt các con phải chịu nhiều đau thương, tiếng nặng lời cao.
“Các
con không nên nản dạ khi con gặp điều gì chẳng đẹp lòng
con. Con nhớ chăng gương Thánh Nhơn thuở trước? Đương buổi truyền giáo phải
chịu biết bao tủi nhục, chúng sanh nào tôn sùng! Nhưng đã vạn đại [muôn đời] mà
phương danh [danh thơm] vẫn không phai mờ với sứ mạng của các con.
“Hiện
tình cũng thế ấy. Giờ phút này con không được thế gian tôn trọng, nhưng hậu đại
[đời sau] sẽ ngưỡng thờ.”
Trở lại với ý
nghĩa thành ngữ “Chó cắn Lữ Động Tân / Cẩu
giảo Lữ Động Tân” của người Hoa, ngày nay chúng ta thấy trên một số
websites nhằm giới thiệu văn hóa Trung Quốc với phương Tây, thành ngữ này được
nhắc tới khá nhiều,[1]
họ diễn dịch thành ngữ này như sau: Cẩu
giảo Lữ Động Tân, bất thức hảo nhân tâm.[2]
Họ dịch sang tiếng
Anh là: A dog biting Lu Dongbin / not
being able to recognize a kind-hearted man. The goodness of a person is of no consequence to the ungrateful.
(Chó cắn Lữ Động
Tân / không thể nhận biết được một người tâm lành hạnh tốt. Đức thiện hảo của một
người thì chẳng là cái gì quan trọng đối với phường bạc bẽo vong ân.)
*
Tóm lại, dường
như đã thành “nghiệp chướng” chung cho những ai muốn đem tâm huyết ra tận tụy phụng
sự thế gian; họ luôn luôn phải sẵn sàng cắn răng nhẫn nại để đón nhận những “phần
thưởng” đắng cay, chua chát, đớn đau… mà người thế gian sẽ “hào phóng” ban tặng.
Xưa đã thế, nay
vẫn như thế: Lữ Động Tân luôn luôn bị thế gian xua chó ra cắn!
Chó cắn Lữ Động Tân là một nghịch lý
thế gian. Chấp nhận nghịch lý ấy để sống phụng sự đời phải là những người biết
noi theo gương bác ái vị tha của Đức Giêsu khi cầu nguyện xá tội cho kẻ dữ: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết
việc họ làm.” (Luca 23:34)
Rất ngạc nhiên thay, có một thanh
niên mười chín tuổi là Kent M. Keith lại sớm lãnh hội được triết lý sống với
những nghịch lý thế gian! Bấy giờ (năm 1968) đang làm sinh viên năm thứ hai tại
Harvard College ,[3] Keith viết “Những Điều Răn Nghịch Lý” (The Paradoxical Commandments). Kinh Thánh Cựu Ước có Mười Điều
Răn, Keith cũng đưa ra “mười điều răn”, trong đó có bốn điều 2, 4, 9, 10 nên
xem là cách ứng xử đúng mỗi khi lâm vào cảnh “chó cắn Lữ Động Tân”. Bốn điều ấy như sau:
(2) Nếu bạn làm điều tốt, thiên hạ sẽ buộc tội bạn có động cơ thầm kín. Dẫu
thế, cứ làm điều tốt.
(4) Việc lành bạn làm hôm nay sẽ bị quên lãng ngày mai. Dẫu thế, cứ làm
lành.
(9) Bá tánh thật sự cần được giúp đỡ nhưng nếu bạn trợ giúp, có thể họ công
kích bạn. Dẫu thế, cứ giúp người khác.
(10) Hãy trao cho đời những gì tốt đẹp nhất bạn có và bạn sẽ nhận lấy sự bội
bạc. Dẫu thế, cứ trao cho đời những gì tốt đẹp nhất bạn có.[4]
04-01-2012
HUỆ KHẢI
[3] Harvard College thành lập năm 1636, nằm trong khuôn viên Viện Đại Học
Harvard.
[4] Nguyên văn: (2) If you do good, people will accuse you of
selfish ulterior motives. Do good anyway. (4) The good you do today will be forgotten tomorrow. Do good anyway. (9) People really need help but may attack you
if you do help them. Help people anyway. (10) Give the world the best you have and you'll get kicked in the teeth.
Give the world the best you have anyway.