Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / HƯỚNG VỀ MỘT TRĂM NĂM ĐẠO CAO ĐÀI / Thanh Căn


Hai ngày 17-18 tháng 3 Nhâm Thìn (07 và 08-4-2012), tại Tòa Thánh Trung Ương Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan (thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã diễn ra Hội Nghị Giao Lưu các Hội Thánh (HT) và Tổ Chức Cao Đài lần V.[1] Tham dự Hội Nghị có HT Bạch Y, HT Ban Chỉnh Đạo, HT Cao Thượng Bửu Tòa, HT Cầu Kho Tam Quan, HT Chiếu Minh Long Châu, HT Chơn Lý, HT Minh Chơn Đạo, HT Tiên Thiên, HT Truyền Giáo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, đại diện HT Cao Đài Tây Ninh tại tỉnh Bình Định, Giáo Hội Cao Đài VN, Minh Lý Đạo, Pháp Môn Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, thánh tịnh Tân Minh Quang, Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, thánh thất (TT) Bàu Sen, TT Nam Thành, TT Thủ Đô Hà Nội, Vĩnh Nguyên Tự. Về phía chính quyền có đại biểu Ban Tôn Giáo Chính Phủ, đại biểu Ban Tôn Giáo tỉnh Bình Định và UBMTTQVN các cấp. Số đại biểu chính thức và đạo hữu đến dự khoảng trên năm trăm vị.
Ngày 17-3 Nhâm Thìn, 13 giờ 30, Hội Nghị trù bị tiếp nhận ý kiến các đại biểu đóng góp bổ sung, tu chỉnh từ ngữ, ý tứ cho Bản Ghi Nhớ và Quy Chế tổ chức giao lưu, được 100% đại biểu giơ tay đồng thuận.
Hội Thánh chủ nhà Cầu Kho Tam Quan rất ân cần, chu đáo trong các mặt tiếp tân, khoản đãi, nghi lễ và trật tự. Hội Nghị thể hiện được lòng nhiệt thành vì sự hòa hiệp các phái đạo Cao Đài trước yêu cầu cấp bách của thời hội nhập, tôn giáo thế giới đang đẩy mạnh đường hướng liên tôn.
Đạo Cao Đài cần xây dựng được khối liên giao thật sự đủ mạnh để có tiếng nói chung trước quốc tế khi đến thời điểm kỷ niệm một trăm năm đạo Cao Đài. Với những tín hiệu lạc quan về tiền đồ Đại Đạo qua Hội Nghị Giao Lưu lần V, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ.
1. Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà
Nguyên nhân phân hóa của nền Đạo từ buổi đầu khai sinh gợi cho lớp hướng đạo đàn anh và hàng kế thừa một tâm trạng cảm thông và ưu tư sâu sắc.
Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.[2]
Bài thánh thi trên được các đại biểu nhắc lại ba lần trong Hội Nghị, thể hiện ở mức cao tinh thần hòa hiệp giữa các Hội Thánh và các tổ chức Cao Đài. Qua tôn chỉ và mục đích, Pháp Chánh Truyền và Tân Luật Đại Đạo, quý Anh Lớn lãnh đạo các Hội Thánh tìm cách gặp nhau ở điểm chung, bằng cách công nhận và tôn trọng những nét riêng của nhau (kể cả thánh ngôn, thánh giáo của nhau). Đã đến lúc mọi người thống nhứt với tư duy: Mỗi chi phái không phải là “bàng môn tả đạo” (!) mà chính là cành lá, nhánh nhóc trổ ra từ cội cây Đại Đạo.
Các tôn giáo từ cổ chí kim đều có nhiều tông phái, khác nhau về tiểu tiết nhưng đại thể vẫn giống nhau. Đạo Cao Đài không ngoài thông lệ đó. Các chi phái là thực thể không thể phủ nhận. Người có sứ mạng hoằng khai Đại Đạo ở hiện tại và tương lai cần ý thức và khôn khéo liên kết những thực thể ấy lại thành một thực thể đạo cứu thế Kỳ Ba.
Trải qua nhiều nỗi thăng trầm của thế sự, xưa kia các bậc đàn anh hướng đạo trong các chi phái đã không ngừng vận động thống nhứt tinh thần Đại Đạo với những nỗ lực rất nên tán thán như: Liên Hòa Tổng Hội (1936-1938); Cao Đài Qui Nhứt (1951) là tiền thân Cao Đài Thống Nhứt; tổ chức Liên Giao I (1945) tại Tòa Thánh Ngọc Sắc (HT Minh Chơn Đạo); Liên Giao II (1972) tại TT Tây Thành (CầnThơ)... Năm 1972, Hội Thánh Tây Ninh cử Anh Lớn Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa (1899-1987) làm đại diện mời lãnh đạo các chi phái họp tại Tòa Thánh Tây Ninh để bàn về sự quy hiệp và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam đã tham dự với chức năng làm “một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhứt giáo lý”.[3]
Thấm nhuần thánh huấn Thầy dạy về Thương Yêu và nặng lòng hoài bão sớm thống nhứt nền Đạo, các vị Thiên ân chức sắc hướng đạo và toàn thể đại biểu tại Hội Nghị lần V đều nhất trí thông qua Bản Ghi Nhớ và Quy Chế tổ chức giao lưu, với điểm nhấn mạnh cho toàn đạo là các thành viên trong tổ chức giao lưu không chỉ giới hạn ở hoạt động liên giao, từ thiện, soạn thảo tài liệu đào tạo chung… mà còn phải luôn ghi nhớ bằng chơn tâm rằng:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Ðạo tức một Cha
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa.[4]
Dùng chơn tâm để ghi nhớ sẽ thể hiện được lòng khiêm tốn, cảm thông, bao dung, quảng đại, tương trợ nhau trong tình thân anh em Đại Đạo một nhà, chung một Cha Trời. Em không chê anh vụng về để rồi phó mặc. Anh không trách lẫy em giỏi giắn để rồi lạnh nhạt. Tại Hội Nghị trù bị, Anh Lớn Phối Sư Thượng Hậu Thanh (HT Truyền Giáo) phát biểu cũng nhằm vào ý nghĩa nầy: “Muốn có một Giáo Hội Cao Đài Duy Nhứt, chúng ta phải làm hết mình trong việc giao lưu. Chúng ta không nên chấp hình thức văn từ, chữ nghĩa quá. Điều quan trọng là thường xuyên qua lại với nhau trong tình giao lưu thân thiết để dễ dàng hiểu biết nhau hơn, thông cảm nhau hơn mới là đáng quý. Cái tiểu dị bỏ qua, sẽ làm nên được cái đại đồng.”
2. Định hướng phát triển nền Đạo
Trong diễn văn khai mạc Hội Nghị, Giáo Sư Thượng Soi Thanh (Tổng Thư Ký Hội Đồng Chưởng Quản HT Cầu Kho Tam Quan) nói: “Đặc biệt, thế kỷ 21 là thế kỷ trí tuệ và hội nhập mà con người là động lực chủ yếu quyết định mọi xu thế phát triển, hình thành nền văn minh năng lực sáng tạo, nên người lãnh đạo tôn giáo về mặt tuệ thức phát triển tinh thần đạo đức lại càng thuần chơn tinh túy hơn, để điều nhiếp các phương môn, mở ra những trình tự tu tiến mà khai sáng lối đi và những yếu lý tinh hoa cho cơ đạo hiện hành”.
Nói về xu thế phát triển trong thế giới hội nhập, nếu mở ra lối đi hướng về chân lý sẽ nhận ra tính nhất thể, tình yêu thương từ Đấng Cha Lành; nếu quay lưng lại mặt trời sẽ chỉ thấy trước mắt mình cái bóng mịt mờ, vô minh của con người bảo thủ.
Cơ Đạo từ chỗ một gốc phân ra vô vàn khác biệt và từ muôn ngàn khác biệt trở về một gốc đều có sự tham dự của con người. Không có con người thì quy luật ấy không thành toàn. Thế nên định hướng cho sự phát triển nền Đạo đều phải do những trang hướng đạo quyết định sao cho vạn linh hiệp với Chí Linh là ứng hợp Đạo Trời.
Các vấn đề như sự tu dưỡng của chức sắc, thương yêu đoàn kết, đào tạo kế thừa, liên giao hành đạo… được đề ra trong định hướng của Hội Nghị, hay trong tham luận của Chị Lớn Phối Sư Hương Phương (đại diện HT Minh Chơn Đạo) thật ra không mới. Tuy nhiên, từ lâu phần đông người đạo chúng ta quay lưng, thờ ơ với chúng. Giờ đây, tiếng chuông tỉnh giác lại vang lên từ tâm nguyện của nhơn sanh, của khối Giao Lưu Đại Đạo, thì chúng trở thành mới!
Bài tham luận của đại diện HT Minh Chơn Đạo nhan đề Tổ Chức Giao Lưu & Định Hướng Phát Triển, và tham luận của Giáo sĩ Huệ Ý đại diện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý nhan đề đề Giáo Dục Đào Tạo Cho Tín Đồ Cao Đài, đều nêu ra những điều kiện, phương thức cụ thể, và ấn định mốc thời gian hoàn thành các hoạt động theo chương trình, đề án của tổ chức Giao Lưu bao gồm các tiểu ban như Ban Thư Ký, Ban Soạn Thảo Hạnh Đường, Ban Biên Tập tạp chí Cao Đài.
Riêng về vấn đề đào tạo mà đại diện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đặt ra rất chính quy, như việc lập chương trình giáo dục tổng quát tại mỗi thánh thất, thánh tịnh dành cho bổn đạo lớn tuổi và thanh thiếu niên, nhi đồng; xây dựng Học Viện Cao Đài, Tu Xá dành cho tu sĩ hiến thân sẽ là chức sắc khoa mục tương lai với kỳ hạn bốn năm (2013-2016). Rất mong sao đề nghị nầy sẽ trở thành đề án của tổ chức Giao Lưu và trở thành hiện thực trước khi đạo Cao Đài tròn một trăm năm.
*
Hai ngày Hội Nghị Giao Lưu lần V diễn ra trong bầu khí tưng bừng mà nghiêm túc; có phản biện và tiếp thu; vừa ưu tư vừa háo hức qua ý kiến của Anh Lớn Chánh Phối Sư Ngọc Nho Thanh (HT Ban Chỉnh Đạo) và Anh Lớn Chánh Phối Sư Thượng Bảy Thanh (HT Tiên Thiên) về mong muốn xây dựng khối giao lưu vững mạnh.
Theo Anh Lớn Hiến Đạo Huệ Năng (HT Cầu Kho Tam Quan), muốn cho khối giao lưu được vững mạnh thì mọi thành viên nên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi nhau bằng tấm lòng để tránh bất đồng vì chưa hiểu nhau; không nên câu nệ vào danh xưng Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vì hai danh xưng nầy cũng đồng một nghĩa mà thôi.
Các tổ chức vận động thống nhứt Cao Đài của tiền nhân trong quá khứ đã chịu tác động của hoàn cảnh lịch sử, xã hội và tâm lý con người bấy giờ đang chịu khổ nạn chiến tranh triền miên dai dẳng. Thế nên trải qua bao lần vận động rầm rộ nhưng kết quả vẫn rất hạn chế và chóng chìm vào quên lãng.
Hiện nay, kế thừa hoài bão của tiền nhân, tổ chức Giao Lưu có được nhiều yếu tố thuận lợi như đất nước thanh bình, nhơn sanh phát triển đạo tâm, mọi người đều có tầm nhìn thoáng hơn trong một thế giới rộng mở với môi trường năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà. Hơn nữa, các tôn giáo trên thế giới cũng đã và đang xúc tiến các hoạt động liên tôn để xây dựng mối quan hệ thân hữu giữa các tôn giáo và cùng nhau chia sẻ mối quan tâm chung trước các vấn nạn thời đại mà trong đó một phần do sự kỳ thị tôn giáo gây ra.
Theo báo cáo của Ban Thư Ký của tổ chức Giao Lưu Cao Đài, qua bốn năm tích lũy kinh nghiệm tư duy và hoạt động, tuy chưa hoàn bị về nhân sự nhưng đã làm nổi bật quyết tâm:
 Đối với bản thân: Chú trọng tu dưỡng Tâm, Hạnh, Đức,Tài.
 Đối với đồng đạo: Luôn tôn trọng lịch sử từng chi phái. Không khơi gợi điểm yếu của các bậc tiền bối trong chi phái bạn để khỏi chia rẽ nhau. Công nhận thánh giáo, kinh sách của các Hội Thánh trong khuôn khổ giáo lý Cao Đài và chơn lý Đại Đạo. Tôn trọng các tập quán và nghi thức đặc thù của từng Hội Thánh đồng thời tăng cường nỗ lực hiểu biết, thông cảm, hợp tác với nhau qua các đạo sự.
ƒ Đối với tôn giáo bạn: Tăng cường liên giao nhân các dịp lễ hội, trao đổi văn hóa đạo đức và hợp tác làm từ thiện.
 Đối với đất nước: Trung thành với Tổ Quốc. Sống và tu hành theo pháp luật Nhà Nước. Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Quyết tâm đó là con đường đầy thử thách để đi đến ngày kỷ niệm một trăm năm khai đạo Cao Đài; là khối nguyên liệu tinh thần xây dựng một Hội Thánh Cao Đài Duy Nhứt, ngõ hầu góp tiếng nói chung của Cao Đài vào cộng đồng tôn giáo hoàn cầu trong sứ mạng hoằng khai Đại Đạo, tận độ kỳ Ba.
Hoàn thành quyết tâm đó chính là lễ phẩm quý báu nhất xứng đáng hiến dâng Thầy Mẹ.
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên

[1] Hội Nghị Giao Lưu lần I tổ chức tại HT Minh Chơn Đạo (2008); lần II, HT Ban Chỉnh Đạo (2009); lần III, HT Tiên Thiên (2010); lần IV, HT Bạch Y (2011).
[2] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, 1964, tr. 7.
[3] Thánh giáo Đức Chí Tôn tại Cơ Quan PTGL, ngày 01-01 Ất Tỵ (15-02-1965).
[4] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, 1964, tr. 8.