Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

ĐĐVU 01 / Ý NGHĨA CHỮ TÂM / Bạch Liên Hoa



Tâm có nghĩa là trái tim, cơ quan giữ chức năng đặc biệt là đẩy máu tuần hoàn trong cơ thể. Cái tâm này cụ thể, có hình dáng, màu sắc, trọng lượng, có thể chụp ảnh, vẽ hình, v.v…
Nhưng tâm còn có nghĩa trừu tượng, nó là tinh thần. Cái tâm này không có hình dáng hay màu sắc, không thể dùng con mắt phàm của chúng ta để nhìn thấy, không thể dùng tai để nghe được, không thể rờ mó bằng tay hay chụp ảnh, vẽ hình, v.v…
Trong triết học phương Đông, tâm là ý thức chủ quan của con người. Chẳng hạn, Phật Giáo cho tâm là chủ của mọi hoạt động tinh thần của con người, bao hàm cả ý (năng lực suy nghĩ) và thức (năng lực phân biện). Tâm tạo ra tất cả, nên Phật Giáo có câu: “Ba ngàn thế giới do tâm tạo.
Sách Đại Học của đạo Nho có câu: “Dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm.” Nghĩa là: Muốn sửa chữa thân mình (không còn các hành vi bất chánh, gian tà), thì trước hết phải làm cho tâm mình được ngay thẳng, đúng đắn.
Trong ngôn ngữ đời thường, tâm thường được hiểu là tấm lòng, là ý thức đạo đức. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du (1765-1820) viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Tâm chia làm hai phần: chân tâm và vọng tâm. Vọng tâm sanh phiền não. Đứng đầu của phiền não là tham, sân, si – gọi chung là tam độc (ba món độc hại).
Tham. Lòng tham muốn chưa thỏa mãn thì tâm buồn khổ tức là sanh phiền não.
Cái tham của người đời từ mới lọt lòng mẹ cho đến ngày bỏ xác, ít ai được thỏa mãn cho đầy đủ. Đứa trẻ ham muốn đồ chơi, quần áo đẹp, kẹo bánh… mà không có được thì tâm trẻ con đã biết khổ. Đến tuổi lứa đôi mà cha mẹ không chấp thuận người bạn trai hay gái do mình lựa chọn thì cũng là cái khổ. Ra đời tham công danh, quyền tước, tài lộc mà không được toại nguyện như ý thì lòng ắt đầy đau khổ. Đó là vài thí dụ về cái tham sanh phiền não của thế gian.
Khi đã vào một tôn giáo, tu học và hành đạo lại có lắm vị cũng lầm phải cái tham mà đau khổ. Ấy là tham danh đạo, muốn có nhiều người tán tụng mình là người thông minh, giỏi đạo lý. Người tu mà ham muốn chức phẩm, áo mão, thích được chỉ huy đồng đạo, muốn lèo lái cơ đạo theo ý riêng thì đó cũng là cái tham.
Tham tư lợi vật chất thế gian hoặc tham hư danh nơi cửa đạo tựu trung cũng ở trong vòng lẩn quẩn của chữ tham. Nếu đã là tham tức là còn trong vòng phiền não.
Lòng tham dục bao nhiêu cho đủ
Để thất tình làm chủ lấy tâm
Khiến gây tội ác lỗi lầm
Người chưng mắc phải vướng nhằm khổ nguy.[1]
Tham đứng đầu rồi sanh ra sân.
Sân. Vì chạm tự ái mà thành sân. Sân đưa con người đến biết bao nhiêu điều tội lỗi. Sân hận thường đi đôi với nhau. Sân hận là thù oán. Oán thù nhau kéo dài mãi bởi vì quyền lợi hoặc danh dự bị đụng chạm.
Sân là sự nóng nảy. Người có tánh nóng, nếu gặp những việc trái ý thì nổi nóng lên. Trong tâm bực tức không an thì mặt mày nhăn nhó trông rất xấu, hoặc mặt có màu đỏ hay xanh. Miệng thốt ra nhiều lời lẽ kém đẹp, thiếu nhã nhặn, có thể thô bạo đến mức hành hung nhau để rồi gây tội lỗi nặng, có thể đi đến trước tòa án xét xử.
Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Nghĩa là một niệm sân nổi lên thì trăm vạn nghiệp chướng đều mở cửa cho mình lọt vào.
Người xưa cũng khuyên: “Một đốm lửa sân có thể đốt cháy hết muôn mẫu rừng công đức.”
Có lắm vị đạo tâm đã thực hiện nhiều công quả tu hành rất tốt, rủi gặp một nghịch cảnh nào đó mà nổi sân lên, rồi bỏ đạo. Chẳng những họ không tu hành nữa, mà còn tìm cách phá hoại nền đạo để thỏa mãn lòng sân. Thật đáng tiếc thay! Công đốn củi ba năm chỉ đốt rụi trong một giờ, rất uổng cho công trình tu học bao nhiêu năm của vị đạo tâm ấy.
Thế nên người tu cần nhớ lời răn của hiền nhân đời trước:
Sân si nghiệp chướng không chừa
Bo bo mà giữ tương dưa ích gì!
Vì sân rất có hại như trên, chúng ta tu học và hành đạo phải cố gắng giữ tâm nhẫn nhịn để lần lần dẹp bớt lòng sân và phải quyết chí trừ hẳn lòng sân thì mới có thể gọi là tu tâm được.
Tham sanh ra sân, sân lại sanh ra si.
Si. Si là mê. Mê tài vật bất chánh thì trở thành người tội lỗi. Vì mê mà không phân biệt được việc làm của mình đúng hay sai. Vì mê nên tạo thành tội lỗi từ hành động hoặc trong tư tưởng.
Nếu không mê thì tâm mới sáng suốt để biết phân biện điều hay lẽ phải. Như thế, chúng sanh đâu có phạm các tội lỗi. Người đạo không mê thì ai ai cũng chung lo hành đạo, giúp đạo một cách vô tư lợi. Được vậy thì nền đạo sẽ phát triển to tát lắm thay.
Tham, sân, si là vọng tâm. Chúng phá hoại chân tâm rất đáng sợ nên kinh sách gọi chúng là tam độc. Người tu rất cần trừ khử tam độc để dứt hết vọng tâm thì chân tâm mới có thể hiển lộ được. Vì thế thánh giáo thường khuyên ta ráng trừ bỏ tam độc.
Tu thân tự giác trừ tam độc
Chánh niệm độ tha khởi vạn duyên.[2]
Ráng tu sớm khử trừ tam độc
Nhẹ gánh phi thăng đến Phổ Đà.[3]
Trừ tam độc tham sân si muội
Để nhẹ mình giong ruổi đường tu.[4]
BẠCH LIÊN HOA
Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi



[1] Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 102.
[2] Đức Di Lạc Thiên Tôn, Trúc Lâm Thiền Điện, 21-5-1967.
[3] Đức Quan Âm Bồ Tát, Minh Lý Thánh Hội, 11-10-1969.
[4] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 06-11-1971.