l Quý I-2012, Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống tái bản Bồi Dưỡng Đức
Tin (3.000 bản) của cố Ngọc Giáo Hữu Bùi Văn Tâm (1919-2011), theo mỹ ý của
hiền tỷ Hiền Sĩ Lâm Thị Hía và các học trò cũ của thầy Tâm. Nhân dịp này, Văn Uyển hân hạnh gởi đến quý đạo hữu,
đạo tâm một góc nhìn về nhà giáo Bùi Văn Tâm, qua hồi ức sau đây của Lâm hiền
tỷ.
*
Tôi lớn lên ở một vùng quê gọi là Cầu Tràm, thuộc xã Long Trạch, quận Cần
Đước (nay là huyện), tỉnh Long An. Ở đây có một trường công lập sơ cấp chỉ dạy
đến lớp Ba. Vào lớp Nhì (nay là lớp Bốn) tôi phải đến ngã tư Xoài Đôi, cách nhà
bốn cây số, theo học trường Minh Thiện. Đây là một trường tiểu học tư thục do
thầy Bùi Văn Tâm sáng lập từ năm 1947.
Những năm sau chiến tranh 1945, vì kinh tế khó khăn, những người có trình độ văn hóa đều về thành phố Sài Gòn tìm việc
làm.
Dạo đó trẻ em ở thôn quê đa số thất học. Các em phải phụ giúp cha mẹ
trong các việc đồng áng: chăn trâu, chăn vịt, cắt cỏ, nhổ rạ, v.v… Ít gia đình
nào có đủ tiền cho con đi học.
Với lý tưởng giúp các trẻ em ở thôn quê có điều kiện học
chữ, dù tình hình lúc bấy giờ rất khó khăn, thầy tìm cách mở trường cho các em
từ các xóm làng lân cận đến học. Bạn bè tôi từ các ấp, các xã như Long Sơn,
Long Định, Long Khê, Mỹ Lộc, Bạch Kiến, Rạch Đào, Tân Quý, Phước Lý, Cầu Tràm
đều theo học ở đây.
Nhà cách trường năm đến bảy cây số. Hằng ngày, 5 giờ sáng, chúng tôi lội
bộ đến trường. Tối đỏ đèn mới về đến nhà, đi học phải bới cơm theo.
Còn nhớ năm 1957, lớp chúng tôi thi vào các trường công lập Gia Long,
Petrus Ký,[1] Mạc Đĩnh Chi, Cần Giuộc, v.v… 61 đứa
đậu 55 đứa và có 1 đậu thủ khoa. Học trò nữ chúng tôi 20 đứa thi vào Gia Long
đậu 19 đứa. Từ đó tiếng lành đồn xa.
Năm 1959, thầy về mở trường ở Cầu Tràm, tên trường là Minh Tâm. Học trò ở
Sài Gòn về quê theo học thầy càng ngày càng đông.
Năm 1963, thầy lên thành phố Sài Gòn mở trường Cần Tiến,[2] chuyên dạy luyện thi đệ Thất (nay là
lớp Sáu).
Từ năm 1955 đến 1974, có mấy ngàn học trò của thầy thi tuyển, đậu vào lớp
đệ Thất các trường công lập lớn, trong đó có hơn một trăm em là thủ khoa và á
khoa, đậu vào các trường Gia Long, Petrus Ký, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Võ
Trường Toản, v.v…
Năm 1969, học trò thầy thi đậu vào đệ Thất 475 em, trong đó có 6 em thủ
khoa và 5 em á khoa, đậu vào các trường Gia Long, Petrus Ký, Mạc Đĩnh Chi, Chu
Văn An, Trung Thu, Trung Học Quận 6, Quận 7, v.v… Đây thật là một kỳ tích! Thời
đó, thi tuyển vào đệ Thất rất gay go, 20 hoặc 30 em mới có một em đậu vào
trường công lập, còn khó khăn hơn cả thi Tú Tài (không thi tuyển)! Vậy mà tỷ lệ
thi đậu vào đệ Thất của học sinh thầy đào tạo luôn luôn vượt trên 95%
sĩ số đi thi.
Thầy thật là một nhà giáo gương mẫu. Khi tôi còn theo học trường Minh
Thiện, gia đình thầy ở luôn trong trường. Đêm đêm dưới ánh đèn dầu lù mù, thầy
chấm bài, soạn bài đến khuya. Năm giờ sáng thầy đã dậy, vào lớp viết sẵn bài
học lên ba tấm bảng lớn để học trò chép lại, vì thời đó sách vở còn thiếu thốn,
không đủ phân phát cho học trò.
Thầy dạy rất nghiêm. Đứa nào lười học thầy thường cho ăn roi mây. Thầy
giảng dạy rất tận tâm. Lúc nào bài khó quá, thầy giảng đi giảng lại nhiều lần.
Thầy giảng khan cả cổ, khô cả phổi. Học trò nhiều em tối dạ quá, thầy phải nói
đi nói lại, nói đến đỏ mặt tía tai. Mệt quá, thầy phải ngồi xuống ghế để thở, rồi lại giảng tiếp cho tới khi học trò hiểu mới
thôi.
Học trò chúng
tôi đa số thuộc gia đình nghèo khó. Học phí rất thấp, nhiều trò lại được miễn.
Đời sống vật chất của thầy không được sung túc, lại thêm quá lao lực trong việc
giảng dạy, nên thầy mắc bịnh lao phổi, phải điều trị mất mấy năm. Tuy vậy thầy
vẫn tiếp tục chăm lo cho đám học trò thơ dại, hằng năm đạt được nhiều thành quả
to lớn trong các kỳ thi tuyển vào các trường công lập nổi tiếng.
Ngày nay nhớ lại,
cảm thương thầy khôn xiết. Nhà thầy vẫn còn ở sau trường Cần Tiến, nay trường
đã ngưng hoạt động từ lâu. Vẫn búi tóc nhỏ sau đầu, trong bộ bà ba vải trắng ngả
màu, dáng cao lỏng khỏng của thầy vẫn như xưa. Thầy gầy ốm tưởng chừng không đủ
sức chịu đựng qua bao lao lực của nghề giáo và những năm tháng thăng trầm của
cuộc sống. Không ngờ thầy vẫn cùng chiếc xe đạp cũ kỹ thỉnh thoảng tìm thăm học
trò cũ, hỏi tin đứa này đứa nọ. Thầy còn bảo chúng tôi rằng ngày xưa thì trò đến
thăm thầy, ngày nay các trò bận công ăn việc làm, không có thì giờ. Còn thầy
già rồi, rảnh rỗi ghé thăm các trò, nghe nói đứa nào thành đạt được thì thầy mừng.
Tấm lòng của thầy thật bao dung và quảng đại. Chúng tôi cảm thấy mình đối với
thầy thật là thiếu sót.
Năm nay, đến Ngày Nhà Giáo (20-11-1998), giật mình nhớ lại thầy đã tám
mươi mốt tuổi. Chúng tôi mấy đứa đến thăm thầy và làm lễ chúc thọ thầy tại chùa
Tuyền Lâm ở quận 6. Anh huynh trưởng đại diện đám học trò cũ các trường Minh
Thiện, Minh Tâm, Cần Tiến thay mặt chúng tôi tặng quà cho thầy và bày tỏ lòng
biết ơn. Anh cảm xúc vừa nói vừa khóc.
Thầy cũng rơi lệ, bảo: “Trong quãng đời học sinh của các em, có biết bao
thầy cô đã dày công dạy dỗ và truyền đạt kiến thức cho các em chứ không riêng
gì một mình thầy. Thật ra kết quả các em thu lượm được một phần lớn là do các
em chuyên cần học tập. Nếu các em không siêng năng học hỏi thì công lao của
thầy cô cũng vô ích mà thôi. Hôm nay các em làm lễ chúc thọ cho thầy thật là
quá ưu ái đối với thầy. Tình cảm các em đối với thầy thật là quý báu. Đây là
một niềm vui vô tận sẽ giúp cho thầy được sống lâu hơn. Thật ra điều an ủi và
vui sướng của thầy chính là sự thành đạt và những
gì các em đã đóng góp
cho gia đình, cho xã hội, và cho đất nước. Thầy rất hãnh diện vì học trò của
thầy chưa nghe có em nào làm điều gì sái quấy với lương tâm hoặc làm mất thanh
danh của thầy.”
Trong bữa cơm nhà chùa, thầy trò gặp mặt, hàn huyên tâm sự, càng nghĩ tôi
càng thấy ơn thầy quá nặng. Chúng tôi đã qua nhiều lớp, nhiều thầy, chưa có lớp
học nào chúng tôi được tiếp thu và ghi nhớ nhiều cho bằng lớp học cùng thầy khi
xưa. Nhớ đến thầy với bao công lao khó nhọc thầy đã dạy dỗ chúng tôi và các thế
hệ đàn em, nhiều người giờ đã nên danh phận. Những gì thầy đã truyền đạt từ
tuổi thơ, đã giúp chúng tôi vững vàng tiến bước xa hơn trong trường học cũng
như trong trường đời.
Hôm nay (20-11-1998), những dòng này viết về thầy không ước mong gì hơn những trò cũ của thầy – cựu học sinh các trường Minh Thiện, Minh
Tâm, Cần Tiến – đọc được sẽ nhớ đến thầy, dành một ít tình cảm thân thương gởi
về người thầy cũ trong cánh thiệp đầu năm với lời chúc sức khỏe thầy, và để tạo
cho thầy một chút niềm vui, an ủi thầy trong những ngày tuổi già xế bóng.
Một học trò cũ,
LÂM THỊ HÍA
Điện Biên Phủ, quận 3
*
Mười ngày sau Ngày Nhà Giáo 20-11-1998, thầy Bùi Văn Tâm viết bức thư này
gởi chung các học trò cũ:
Tp.HCM, ngày 30 tháng 11 năm 1998
THƠ NGỎ
Cùng các em cựu học sinh thân mến!
Hôm Chủ Nhật, ngày 22-11-1998, tiếp theo ngày lễ Nhà Giáo, các em nhín
nhiều thời giờ quý báu đến họp nhau ở chùa Tuyền Lâm tổ chức lễ cầu thọ cho tôi
quá ư long trọng. Tôi hết sức cảm động, mừng vui không tả và cám ơn các em vô
cùng.
Mừng thấy các em thể hiện tinh thần trọng Đạo mà nhà trường đã truyền dạy
cho các em lúc thiếu thời, cho tôi chứng nghiệm kết quả nhãn
tiền.
Mừng thay cho toàn thể cựu học sinh Minh Thiện, Minh Tâm, Cần Tiến biết
giữ cho nhau danh dự là người có giáo dục đạo đức, không uổng cơm cha, áo mẹ,
công thầy.
Vui lây, tùy hỷ các em làm được một việc mà có ba công đức vô lượng:
1. Vừa gián tiếp khuyên nhau đến chùa nghe kinh lễ Phật, tập thư giãn tâm
mình, xả kỷ vị tha.
2. Vừa siết chặt dây thân ái:
Buộc yêu thương bạn đồng môn,
Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm.[3]
3. Vừa an ủi và khuyến khích tôi luôn làm Đạo để kéo dài tuổi thọ đúng
như lời các em cầu chúc.
Tôi cũng xin nhắc lại sách có câu: “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư.” Mỗi
chúng ta đều có học qua nhiều thầy cô giáo và học kinh nghiệm sống của người
đời, thì làm sao đến thăm hết để tỏ lòng biết ơn?
Muốn tỏ lòng biết ơn lẫn nhau thì chỉ nên ráng ăn ở cho đúng đạo lý,
không làm điều gì điếm nhục gia phong, không phản bạn bội sư, tổn nhân thất
đức. Các em chỉ giữ đúng theo lời nguyện trước khi nhập học là đủ.
Nguyện tam cang gìn tâm trọn đạo,
Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm
khuôn,
Nguyện nên hương hỏa tông đường,
Nguyện thương lê thứ trong trường
công danh.[3]
Các sách giáo khoa nhắc ông Carnot xưa khi đã làm quan mà về thăm thầy cũ
ở bậc tiểu học,[4] không phải để đời sau khen thầy
giỏi, mà để biểu dương tinh thần tôn sư trọng đạo của một người biết ăn được
trái ngon còn nhớ kẻ trồng cây và vun gốc bón phân cho cây con vượt lên mạnh đủ
sức chịu đựng nắng sương bão táp.
Ngày nay tôi rất tiếc không đủ khả năng cũng như không được phép biểu
dương tinh thần tôn sư trọng đạo của các em. Ước sau có nhà báo nào chịu khó
tường thuật lại buổi lễ ở chùa vừa rồi, để khuyến khích thanh thiếu niên học
sinh giữ lễ với thầy cô. Chúng có kính trọng thầy mới chịu vâng lời, chịu khó
học thành danh cho thầy mình được toại nguyện. Giữ kỷ luật học đường, ngừa tệ
nạn xã hội.
Tiện đây tôi xin gởi tặng các em một tấm ảnh chụp chung để kỷ niệm cho
con cháu thấy đó mà noi gương được hưởng đức của cha ông để lại.
Thành thật mến chào các em. Chúc toàn bửu quyến gặp nhiều duyên phước
thành công trong mọi lãnh vực như thiện nguyện.
Thầy BÙI VĂN TÂM
Hai hình ảnh kỷ niệm sau cùng của Ngọc Giáo Hữu
Bùi Văn Tâm với Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kinh Sách Đại Đạo
Tại thánh thất Bàu Sen, trong cuộc
Họp Mặt Ấn Tống lần thứ 16 (sáng thứ Bảy 04-6-2011) đồng thời kỷ niệm ba năm
hoằng pháp (tháng 6-2008 / tháng 6-2011) của môn sanh Cao Đài qua phương tiện
“Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh sách Đại Đạo”, hiền tỷ Hiền Sĩ Lâm Thị Hía
đã cùng một số huynh tỷ nguyên là học trò cũ của thầy giáo Bùi Văn Tâm đã ân
cần rước thầy đến thánh thất dự lễ.
So với lần Giáo Hữu Ngọc Tâm Thanh
dự lễ phát hành quyển Bồi Dưỡng Đức Tin
(2008), kỳ họp này cụ đã yếu hơn rất nhiều.
Ảnh 1:
Sau khi đạo hữu Huệ Khải giới thiệu, hiền tỷ Hiền Sĩ Lâm Thị Hía đứng cạnh bên
thầy giáo cũ, đã thay mặt vị lão sư và nhóm bạn hữu nam nữ đồng môn, hoan hỷ
gởi lời chào trân trọng đến toàn thể đạo tâm quan khách.
Ảnh 2:
Trong buổi cơm chay thân mật theo thông lệ mỗi lần họp mặt ấn tống, hiền huynh
Truyền Trạng Thanh Căn (Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên) nhìn thấy cụ Giáo Hữu
Ngọc Tâm Thanh (Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo) tay yếu, run run... đã mau mắn đỡ lấy
chén, ân cần giúp cụ từng muỗng cơm canh.
Hiền
tỷ Maria Lý Ngọc Anh (Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn, Tổng Giáo Phận TpHCM) kịp
thời bấm máy, lưu giữ lại hai hình ảnh đẹp, thân thương, và gởi tặng Ban Ấn
Tống. Xin chân thành đa tạ hiền tỷ Maria Lý Ngọc Anh.
VĂN UYỂN
[4] Ông Carnot (người Pháp) thành đạt trong đời. Một hôm
về quê, ngang qua trường xưa, ông thấy thầy dạy mình lúc bé đang ngồi trong
lớp, bấy giờ đã bạc đầu. Ông liền vào lớp, chào thầy lễ phép: “Em là Carnot
đây. Thầy còn nhớ em không?” Rồi ông quay lại khuyên học trò: “Trong đời ta,
trước nhất là ơn cha mẹ, kế đến là ơn thầy ta đây. Nhờ ơn thầy dạy bảo ta mới
làm nên sự nghiệp như ngày nay.”