I. THỜI
KỲ PHÔI THAI (1927-1929)
Trong những năm đầu mở đạo Cao Đài, tại Bến
Cát thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, có ông bà Huỳnh Văn Phát kinh doanh lúa gạo,
lập nhà máy xay xát. Hai vị rất mộ đạo, thường đến dự đàn cơ tại các đàn ở Cầu
Kho (Sài Gòn, của tiền bối Đoàn Văn Bản) và Xóm Gà (Gia Định, tức Huỳnh Long Phủ
của tiền bối Lê Kim Tỵ).
Tuân theo thánh lịnh, tiền bối Huỳnh Văn
Phát (1864-1946) muốn tìm một địa điểm thích hợp để lập nhà đàn.
Biết được thành ý của Huỳnh tiền bối, ông
Lê Văn Bằng ở xã Hạnh Thông Tây tự nguyện cho mượn ngôi nhà ngói ba căn hai
chái để làm ngôi thờ tạm. Mỗi kỳ sóc vọng thu hút khá đông người đến lễ bái, nhập
môn, và hầu đàn cơ.
Trong ba năm, bổn đạo nhập môn càng đông mà
ngôi nhà thì nhỏ, nên ông Bằng bàn với tiền bối Huỳnh Văn Phát và một số đạo hữu,
đề nghị sang nhượng lại ngôi nhà ba gian hai chái liền cùng lô đất 48m x 38m với
giá năm trăm đồng (500đ).
II.THỜI
KỲ KHAI PHÁT (1929-1945)
Năm 1929, ngôi nhà và lô đất được sang tên
cho tiền bối Huỳnh Văn Phát đứng tên xin xây cất. Tạm thời ngôi nhà được cơi nới
rộng thêm bằng cột cây, mái lá để bổn đạo dễ dàng lễ bái. Vài năm sau, với sự
trợ giúp của hai tiền bối Lê Kim Tỵ, Huệ Lương Trần Văn Quế, nhiều đạo hữu cùng
đóng góp kẻ công người của lo xây cất thánh tịnh bằng vật liệu kiên cố. Lúc này
danh xưng thánh tịnh là Minh Kiến Đàn.
Các vị khởi công xây cất chánh điện dài
24m, rộng 10m. Lại chia ra ba gian để phân thành tam ban: chánh ban 4m, tả ban
3m, hữu ban 3m. Cột đúc bê tông cốt sắt. Có một tầng lầu để thờ Thầy, đầy đủ
Tam Đài. Tầng dưới làm Thiên Phong Đường và nơi thờ các vị tiền vãng. Phía sau
làm trù phòng…
Mặc dù rất bận rộn với việc tạo tác ngôi
thánh tịnh Minh Kiến Đàn, tiền bối Huỳnh Văn Phát vẫn nhiệt tâm tuân hành thánh
lịnh lên đường ra Trung hành đạo. Tiền bối đến Đà Nẵng nhằm khích lệ, cổ vũ
tinh thần bổn đạo Trung Kỳ đang xây dựng thánh thất Trung Thành để chuẩn bị mở
Đại Hội Long Vân Đệ Bát theo lịnh dạy của Ơn Trên tại Liên Hòa Tổng Hội.
Trong chuyến đi Trung, tiền bối mang theo một
đồng tử 14 tuổi, một số kinh sách Cao Đài. Hai người con của tiền bối là Huỳnh Văn
Hải và Huỳnh Văn Hay đã hộ trợ tích cực cuộc hành trình ấy.
Từ miền Trung trở về, Huỳnh tiền bối tiếp tục
dồn hết tâm sức vào việc xây dựng ngôi thánh tịnh, cho kịp ngày lễ lạc thành và
Đại Hội Minh Cảnh Huỳnh Khai theo lịnh dạy.
Thơ mời dự lễ đăng trên tập san Đại Đạo Qui Nguyên Lược Luận (số 12 năm 1938)
như sau:
CAO ĐÀI
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Đệ
thập tam niên
MINH
KIẾN ĐÀN
Kính thỉnh
. . .
Chúng
tôi là Ban Hành Sự, vâng lịnh ĐỨC CHÍ TÔN dạy đến ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3,
tháng Bảy trước, năm Mậu Dần (nhằm ngày 27-28-29 Juillet 1938) lập tam nhựt Đại
Hội gọi là Minh Cảnh Huỳnh Khai và lễ lạc thành.
Vậy
chúng tôi kính thỉnh quý ông, quý bà Thiên phong chức sắc, quý chị đạo đức,
cùng quý em thanh xuân trong ba ngày ấy dời gót đến Minh Kiến Đàn ở tại Hạnh
Thông Tây (Gò Vấp) đặng hiệp cùng chúng tôi trước đảnh lễ Đức Chí Tôn cùng chư
Phật, Thánh, Tiên sau cầu an cho bá tánh. Chúng tôi rất hân hạnh (Đức Khương
Thái Công có dạy chúng tôi không nên thâu tài vật).
Nay
kính thỉnh
Ban
Hành Sự Minh Kiến Đàn
Đường
đi: Tại gare xe lửa Hạnh Thông Tây theo đường hông chợ đi vô 1 cây số, còn đi
xe ngựa thì 5 xu.
*
Sau đó, Đại
Đạo Qui Nguyên Lược Luận (số 12 bis) đăng tin dưới đây:
ĐẠI HỘI
MINH CẢNH HUỲNH KHAI
Đại Hội
Minh Cảnh Huỳnh Khai vừa rồi ở Minh Kiến Đàn dưới quyền sắp đặt của ông bà Huỳnh
Văn Phát và Ban Hành Sự ở đấy, được kết quả hết sức mỹ mãn. Trong mấy ngày ấy
có gần đủ mặt đại biểu các chi phái, chủ thánh thất, thánh tịnh các nơi tề tựu
lại để bàn bạc về cơ quy nguyên.
Nơi đó
Ơn Trên lại có cho ra một quyển kinh, hiệu là THÁNH ĐỨC CHƠN TRUYỀN, được các nhà hảo tâm ấn tống 2.000 cuốn, phân nửa
phát ra trong ba ngày lễ, phân nửa có lịnh dạy sẽ gởi ra thánh thất Trung Thành
ngoài Tourane [Đà Nẵng] cho quý đồng đạo ngoài đấy.
Thiệt
là:
THƯỢNG
hành hạ hiệu đô công quả
ĐẾ đạo
hoằng khai chiếm thượng phong.
*
Đến ngày 6-7-8 tháng 10 Đinh Sửu (8-9-10
tháng 11 năm 1937), đại diện Minh Kiến Đàn là tiền bối Huỳnh Văn Hải đi dự Huyền
Linh Hội tại thánh tịnh Trần Đoàn (Sóc Trăng) theo lịnh Ơn Trên. Đại Đạo Qui Nguyên Lược Luận (số 10, năm
1938, tr. 32) đưa tin:
Mấy vị
đại biểu Liên Hòa Tổng Hội là ông huyện Nguyễn Văn Đước, ông ký Phan Trường Mạnh
và ông Hải là chủ tịnh Minh Kiến, đến tại Trần Đoàn.
Liên
Hòa phái [1] đại biểu dự hội nầy là bởi có được huyền
linh lịnh Ơn Trên do Minh Kiến Đàn truyền đến. Dạy rằng đại biểu đến đó thì có
mặt mười chủ tịnh Hậu Giang hiệp nơi ấy mà tiếp rước. Thật quả vậy, là khi đại
biểu Liên Hòa đến nơi thì có anh em của thập tịnh Hậu Giang đem ghe đón rước và
nói:
“Có lịnh
dạy anh em chúng tôi lập hội, mà không cho mời ai hết, để tự nhiên Ơn Trên dùng
huyền linh chuyển có người đến dự hội. Nay thật quả có vậy. Chúng tôi lấy làm hết
sức mừng!”
Bắt đầu từ sau Đại Hội, cơ đạo tại Minh Kiến
Đàn phát triển. Mỗi kỳ sóc vọng bổn đạo về lễ bái rất đông, công cuộc phổ độ
dìu dẫn nhơn sanh tu hành diễn tiến trong an bình và thuận lợi. Có lẽ danh xưng
Minh Kiến Đàn được đổi thành Minh Kiến
Đài trong khoảng thời gian nầy.
III.THỜI
KỲ THỬ THÁCH (1945-1954)
Tháng 9 năm 1945, quân Pháp được sự hậu thuẫn
của liên quân Ấn Độ, Anh và Nhựt, đã trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Các yếu
điểm quanh quận Gò Vấp như Cầu Bến Phân, Ga Xóm Thơm, Ngã Ba Chú Ía, Cầu Hang
Dưới, Vũng Bèo… do các lực lượng dân quân kháng chiến gìn giữ. Nhưng với thế mạnh
lấn át, quân Pháp đã làm chủ tình hình, sau đó ra sức khủng bố những người
kháng chiến. Tiền bối Tư Oanh là thủ tự ở thánh tịnh Minh Kiến Đài cũng bị giặc
bắt đi mất tích.
Các thánh thất, chùa chiền có gắn chữ Vạn 卐 trên nóc đều bị giặc phá sập. Về
phần thánh tịnh Minh Kiến Đài, lính Pháp đem bốn xe GMC đến, cột dây cáp kéo giật
mà không sập. Rốt cuộc, giặc dùng búa đập phá tan hoang, chỉ còn trơ lại sườn cốt
thép.
Chiến tranh còn tiếp diễn nên bổn đạo ly
tán. Ngôi thánh tịnh đành để hoang phế, cỏ mọc um tùm, dây leo chằng chịt.
IV.THỜI
KỲ TÁI TẠO (1955-1956)
Sau Hiệp Định Genève (1954), đất nước tạm
chia đôi. Dân chúng lần lượt trở về, cố tìm cách ổn định cuộc sống.
Bấy giờ, ông Cả Dưỡng tức tiền bối Liêm
Trinh Tinh (Trần Văn Dưỡng, 1907-1980), tiền bối Nữ Đầu Sư Thanh Thủy Tiên cùng
với các tiền bối Huỳnh Đức (Phan Khắc Sửu, 1905-1970), Huỳnh Văn Hải, Thanh
Sơn, Bạch Lan Tiên (Tô Thị Nuôi), Ngọc Phối Sư Bửu Minh Tinh (Nguyễn Văn Bi,
sinh năm 1924) họp bổn đạo lại bàn bạc việc tái thiết thánh tịnh. Tiền bối Huỳnh
Đức đại diện bổn đạo đứng tên làm đơn xin phép chánh quyền trùng tu thánh tịnh.
Lần nầy xây dựng chánh điện (Tam Đài) trước
Thiên Phong Đường. Sau đó lần lượt xây thêm hai bên Đông Lang, Tây Lang. Phía
sau có nhà ngang như hình chữ U bao bọc ba phía chánh điện.
Ngày 13-8-1956, tổ chức lễ lạc thành thánh
tịnh Minh Kiến Đài trong ba ngày. Bổn đạo Tam Giang [2] về dự
đông đủ. Trong dịp nầy hài cốt của tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang
cũng được di táng ở phía sau thánh tịnh.[3]
Sau cuộc lễ, đến Đông Chí Ơn Trên dạy mở
khóa tịnh 100 ngày. Rồi cứ như thế, mỗi năm hai lượt Đông Chí và Hạ Chí đều mở
khóa tu tịnh (thiền) quy tụ được nhiều người học tu chơn đạo.
Đàn cơ giờ Dần, ngày 19-12 Bính Thân (19-01-1957),
Đức Chí Tôn giáng cơ ban ơn cho tịnh viên như sau (trích):
Nầy hỡi
trẻ Tiền Giang Minh Kiến
Mừng mỗi
con u hiển phân minh
Từ nầy
hòa hiệp trọn xinh
Tiền, Trung,
Hậu lý dĩ kinh dĩ quyền.
Nêu hai
chữ Cao Đài liên hiệp
Hòa nơi
tâm gặp dịp khoa kỳ
Con ôi,
đạo đức duy trì
Lý chơn
khải ngộ Tam Kỳ trọn nên.
Thầy mừng
thấy xây nền thống nhứt
Là mỗi con tri thức nguồn chơn
Vui sanh Đạo cả cao sơn
Độ dân chúng thuận thời xuôi vận
Độ đời thanh gầy dựng một tòa
Cùng
nhau chung hiệp đạo nhà
Gầy nên
cương kỷ trọn hòa phát sinh.
Cũng trong năm 1956, Hội Thánh Liên Chi Tiền
Giang được thành lập, trụ sở đặt tại thánh tịnh Minh Kiến Đài với thành phần
lãnh đạo tinh thần nòng cốt như các vị Bạch Lan Tiên (Tô Thị Nuôi), Thiên Vọng
Tinh (Võ Văn Truyện), Tĩnh Tâm (Phạm Thành Mai), Thiên Kỉnh Tinh (Lê Văn Cang)...
Nội quy Hội Thánh căn cứ theo Tân Luật và Pháp
Chánh Truyền. Đến năm 1974, văn phòng Hội Thánh Tiền Giang dời về thánh thất Nam
Thành (Nguyễn Cư Trinh, quận 1).
Thánh tịnh Minh Kiến Đài lúc bấy giờ còn lại
một số vị lo củng cố lại cơ cấu hành chánh. Các vị Thanh Thủy Tiên (Phạm Thị Đời),
Bạch Lan Tiên, Mười Thơm, Mười Quí, Bảy Cường đứng ra thành lập Ban Cai Quản
lâm thời. Tuy không đủ thành phần nhân sự theo quy định, nhưng cũng có thể điều
hành việc đạo địa phương được trôi chảy. Ban Cai Quản lâm thời gồm có: Trần Ngọc
Điền (Hội Trưởng); Huỳnh Văn Huyện (Phó Hội Trưởng); Địa Tráng Tinh tức Lê Ngọc
Rảnh; Ngọc Giáo Sư Đào Công Lộc (Từ Hàn, sinh năm 1953)…
Nhận thấy cần phát huy cơ đạo tại Minh Kiến
Đài, nên Ban Cai Quản cùng bổn đạo xin gia nhập về Hội Thánh Tiên Thiên, và được
Hội Thánh chấp nhận.
Mọi công việc hành chánh trong ngoài của thánh
tịnh đều do hai vị Địa Tráng Tinh (Lê Ngọc Rảnh) và Đào Công Lộc giúp sức. Về
phái nữ có các hiền tỷ Phạm Thị Tải (tự Huệ, Trưởng Giáo Nhi), Đào Thị Sen (Trưởng
Phòng Trù)…
Năm 1975, hiền huynh Địa Tráng
Tinh (Lê Ngọc Rảnh) hiệp cùng Ngọc Phối Sư Nguyễn Văn Cường (1923-2005) mở phòng
thuốc nam phước thiện giúp bệnh nhân nghèo quanh vùng thánh tịnh.
Lúc này chánh điện xuống cấp,
Đông và Tây Lang bị sập. Chị lớn Thanh Thủy Tiên và bổn đạo cùng lo việc tu bổ,
xin phép chính quyền địa phương cho bổn đạo được cúng sóc vọng hằng tháng và tổ
chức bầu Ban Cai Quản...
V.THỜI
KỲ HOÀN NGUYÊN
Thánh tịnh Minh Kiến Đài hoàn nguyên về Hội
Thánh Cao Đài Tiên Thiên ngày 15-12 Mậu Dần (13-01-1998). Về hành chánh, lập lại
Bộ Đạo, Bộ Chức Sắc, bầu cử Ban Cai Quản, Ban Trị Sự và Bốn Phòng…
Công trình xây dựng trước đây đã xuống cấp
trầm trọng: Chánh điện bị thấm nước hư dột; cột kèo Thiên Phong Đường, trù
phòng hư mục; mái tôle bị tốc khi có gió giông. Nhờ nhiệt tâm công quả của Ban
Cai Quản và bổn đạo cùng lo tu sửa, bồi bổ nên ngôi thánh tịnh lần hồi được
khang trang, đầy đủ tiện nghi. Thánh tịnh được chọn làm nơi đặt Văn Phòng Ban Đại
Diện Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên.
Sau khi tiền bối Địa Tráng Tinh (Lê Ngọc Rảnh)
quy thiên ngày 23-7 Kỷ Mão (02-9-1999), Ban Cai Quản đầu tiên được suy cử gồm
các vị: Ngọc Phối Sư Nguyễn Văn Cường (Đầu Họ Đạo); Nữ Đầu Sư Thanh Thủy Tiên (Phạm
Thị Đời, 1910-2000) làm cố vấn; Huỳnh Văn Lực (Hội Trưởng); Thanh Nhã (Quách Thị
Viện) làm Phó Hội Trưởng.
Ngọc Phối Sư Nguyễn Văn Cường (Đầu Họ Đạo) mở
phòng thuốc nam từ thiện, bệnh nhân càng ngày đông vì được điều trị hiệu quả. Về
khai minh giáo lý, có Thượng Phối Sư Bửu Lãng (sinh năm 1920) thường xuyên mở đạo
tràng cho chức sắc, chức việc và bổn đạo học giáo lý.
Tiếp theo nhiệm kỳ II (2000-2005) và nhiệm kỳ
III (2005-2010), hiện nay Ban Cai Quản và Ban Trị Sự nhiệm kỳ IV (2010-2015) gồm
các vị như sau:
Chánh Hội Trưởng: Ngọc Giáo Hữu Trần Văn Đức
Anh (sinh năm 1953).
Năm vị Phó Hội Trưởng: Giáo Hữu Thanh Nhã (Quách
Thị Viện, sinh năm 1930); Thái Lễ Sanh Lê Hồng Quang (sinh năm 1942); Lễ Sanh Lê
Ngọc Ánh (sinh năm 1938); Lễ Sanh Lê Thị Ngọc Nữ (sinh năm 1951); Lễ Sanh Ngô Thị
Thu Loan (kiêm Từ Hàn, sinh năm 1957).
Chánh Trị Sự: Lễ Sanh Đào Văn Thịnh (sinh
năm 1957).
Thông Sự: Lễ Sanh Thanh Châu Huỳnh Văn
Nghĩa (sinh năm 1946).
Truyền
Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài
Tiên Thiên