Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

ĐĐVU 01 / ĐỀ THI CHỈ CÓ TÂM VÀ CẢNH / Diệu Nguyên

Đức Bác Nhã Thiền Sư (Nguyễn Minh Thiện)

Thế gian là trường thi tiến hóa
Con người từ thuở mới sinh ra đã được nghe lời ru nỉ non của mẹ hiền:
Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Thật vậy, con người ở thế gian không chỉ đi học và đi thi trong khoảng thời gian mười mấy năm ở trường tiểu học, trung học, đại học và sau đại học mà vẫn còn phải tiếp tục học và thi cho đến khi thân xác này trở về với cát bụi. Nói một cách khác, cả thế gian là một trường học hay trường thi tiến hóa. Đức Hưng Đạo Đại Vương xác nhận điều này như sau:
“Đời là trường thi, là nơi để cho con người học tu, rèn đúc lấy chính mình.” [1]
Học tu hay rèn đúc lấy chính mình là để tiến hóa lên hàng Thần Thánh Tiên Phật. Đây là một điều bắt buộc theo quy luật tiến hóa của trời đất như lời Đức Chí Tôn dạy:
“Nhưng đã đặng làm người phải tấn hóa, mà tấn hóa mãi thì cần phải chịu chuyển kiếp trăm ngàn lần đặng học hỏi mọi lẽ thế gian..” [2]
Vậy thì, mỗi người trong chúng ta đều là một học sinh đi học và cũng là một thí sinh đi thi. Cần lưu ý là các kỳ thi không phải lúc nào cũng có.
Ngày nay, Bộ Giáo Dục tổ chức thi tuyển sinh vào đại học mỗi năm một lần. Nhưng ngày xưa, các sĩ tử phải chờ đợi từ ba đến mười năm mới có một lần triều đình tổ chức thi hương, thi hội, thi đình để tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Người thi đậu ở các kỳ thi này được gọi là ông tú, ông nghè, và cao hơn là thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên.
Đặc biệt, trong thời hạ nguơn mạt kiếp này, Đức Chí Tôn đến thế gian mở Đạo chính là mở một khoa hội cuối cùng hay là một kỳ thi cuối cùng có tính chất quyết định để các nguyên nhân được dịp thoát khỏi cảnh trầm luân nhân quả hay cộng nghiệp chúng sanh hầu được hưởng cảnh đời thượng nguơn thánh đức hay được trở về cùng Đấng Đại Từ Phụ. Thí sinh thi rớt trong kỳ này phải chờ đến bảy trăm ngàn năm (thất ức niên) sau mới có một khoa hội khác.
Đề thi là gì?
Ngài Định Pháp Minh Thiện, một tiền bối của Minh Lý Thánh Hội, sau khi trở về cõi vĩnh hằng và đắc vị Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát đã giáng đàn tâm sự cùng hậu thế như sau:
Vào đời như lạc nơi trần thế
Chốn mê đồ không dễ gì ra
Rào quanh đa võng thiên la
Bát môn yểm trấn, đằng hãm vây.
Trường thi mượn nơi đây chấm điểm
Đúng mức thì được chiếm bảng cao
Đậu xong Thiên quốc mời vào
Rớt cam nô lệ trần lao khổ trầm.
Đề thi chỉ có tâm và cảnh
Thắng chủ rồi vào Thánh lên Tiên
Dể duôi buông thả tâm điền
Cảnh khi mê hoặc mất quyền t do.
Mảng vui thích đời kho vô tận
Ám ảnh và hấp dẫn cuốn lôi
Đắm mê thiên chức quên rồi
Vướng mang trần tục luân hồi xuống lên.
Biết bao người cõi trên xuống thế
Nhiễm mùi trần trí tuệ mờ lu
Chúng sanh trong cõi trần tù
Một khi giác ngộ cổi cù lên mây.
Muôn loài mượn nơi này tu học
Nhờ lò đời luyện lọc ra thi
Vượt trên tất cả những gì
Đi hùng, đi lc, đi bi thoát trần.[3]
Trong đoạn thánh thi trên, Đức Bác Nhã Thiền Sư ví con người sống giữa trần gian như con chim, con thú dính lưới thợ săn vây bủa khắp trên trời, đầy dưới đất (thiên la địa võng). Con người đi trong cõi trần như kẻ lạc vào trận đồ bát quái không tìm được lối thoát ra.
Trận đồ bát quái gồm có tám cửa (bát môn) mà chỉ có một cửa sống. Đó là tám cửa: Hưu (nghỉ ngơi), Sinh (sống), Thương (bị thương), Đỗ (lấp lại), Cảnh (cảnh ngộ), Tử (chết), Kinh (kinh sợ), và Khai (mở ra). Trong lúc con người đang bị giam chặt giữa trận đồ bát quái không lối thoát thì lại còn bị rắn độc biết bay (đằng xà) lao tới tấn công. Rắn độc bò sát dưới đất đã đáng sợ rồi, nay rắn còn biết bay thì mạng người nguy hiểm biết chừng nào!
Chính con người trần gian là kẻ đang đương đầu với hoàn cảnh hiểm nguy đó. Nhưng tại sao lại bảo rằng con người đang bị yểm trấn trong trận đồ bát quái? Trận đồ bát quái chính là ngoại cảnh muôn hình vạn trạng nơi cõi thế gian khiến cho con người đảo điên điên đảo. Đó cũng chính là bài thi tiến hóa của con người. Đề thi này chỉ gồm vỏn vẹn có hai chữ TÂM và CẢNH. Hễ thi rớt thì phải chịu trầm luân khổ ải nơi cõi trần lao; thi đậu thì được mời về Thiên quốc tức là cõi trời. Vậy, thế nào là thi rớt và thế nào là thi đậu? Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy rõ:
Đề thi chỉ có tâm và cảnh
Thắng chủ rồi vào Thánh lên Tiên
Dể duôi buông thả tâm điền
Cảnh khi mê hoặc mất quyền t do.
Con người thi đậu khi biết tự làm chủ bản thân, không để cho ngoại cảnh cuốn lôi vào đường tội lỗi. Còn nếu con người dể duôi buông thả tâm điền, để cho tâm bị cảnh mê hoặc, xúi giục con người gây bao điều oan trái thì xem như con người đã tự mình đánh mất quyền chủ nhân ông tức là mất quyền làm chủ, để cho ngoại cảnh tha hồ dẫn dắt vào lục đạo luân hồi, ấy là thi rớt.
Ở đời, muốn thành công khi làm một việc gì, con người đều cần phải hiểu rõ công việc mình làm, hoặc lúc muốn sử dụng một bộ máy thì cần phải nắm vững nguyên tắc vận hành của máy ấy.
Trong lãnh vực tu hành cũng thế. Con người muốn thi đậu ở cuộc thi Tâm và Cảnh thì cũng cần phải hiểu rõ mối liên hệ giữa Cảnh và Tâm.
Cảnh hay ngoại cảnh bao gồm hoàn cảnh, tình cảnh, quang cảnh, cảnh sắc, người khác, vật khác… nghĩa là cái hữu hình và vô hình, cái cụ thể và cái trừu tượng ở bên ngoài tâm.
Tâm biết những cảnh khác nhau xuyên qua sáu “cửa” là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Sáu cửa đó là lục căn. Chữ Nho gọi là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.
Mỗi cửa (căn) “mở ra” cho ta nhận biết một cảnh ở ngoại giới (ngoại cảnh, cảnh bên ngoài thân ta). Mỗi một cửa (căn) có chức năng riêng để ta nhận biết một cảnh cụ thể. Nói khác đi, cảnh nào thì cửa (căn) đó. Do đó mà có sáu cảnh hay lục trần:
Sắc (hình ảnh cụ thể) đến với tâm qua mắt thấy.
Thinh (âm thanh) đến với tâm qua tai nghe.
Hương (mùi) đến với tâm qua mũi ngửi.
Vị (vị) đến với tâm qua lưỡi nếm.
Xúc (cảm giác) đến với tâm qua thân (da thịt tiếp xúc).
Pháp (những tư tưởng, tình cảm) đến với tâm qua ý (nghĩ suy, xét đoán).
Mỗi một cảnh (trần) đi vào một cửa (căn) thì liền có cái biết của tâm.
Có sáu cảnh (lục trần) qua sáu cửa (lục căn) thì có sáu cái nhận biết khác nhau của tâm. Đó là lục thức. Thức là nhận biết. Chữ Nho gọi sáu cái biết đó căn cứ theo tên của sáu cửa: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
Từ sự nhận biết này, tâm con người mới phát sinh ra lục dục tức là sáu ham muốn của con người khi có sự giao tiếp giữa lục căn và lục trần. Tình trạng này cũng được gọi là đối cảnh sinh tình. Đây chính là nguyên nhân gần nhứt khiến con người xa lần bổn nguyên chơn tánh và đi vào lục đạo luân hồi khi lục dục thúc đẩy con người làm những điều trái với đạo lý, lương tâm.
Đức Chí Tôn dạy về những tác hại của lục dục như sau:
Thất tình, lục dục là mối loạn hằng ngày ở trong tâm trí, không phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí đánh phá ruồng trong núi cao non thẳm còn dễ trừ dẹp đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là ma lục dục (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) nó phá hại hằng ngày.
NHÃN thì ưa màu sắc tốt đẹp.
NHĨ thì thích nghe những giọng nói tao nhã, thanh bai.
TỶ thì ưa mùi thơm, hơi ngọt.
THIỆT thích nếm vật lạ món ngon.
THÂN thì mến vợ đẹp hầu xinh, cả dục tình, còn dâm niệm.
Ý lại tư tưởng việc vất vơ, quấy quá, mà nhứt là ý là mối hại cho con người.” [4]
Vậy, muốn ngăn ngừa sự tác hại của lục dục mà cũng chính là nguyên nhân khiến con người thi rớt phải sa vào khổ hải trầm luân, con người cần phải làm gì?
Theo Kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả đều chỉ do tâm tạo ra” (Nhất thiết duy tâm tạo). Mà tâm tạo ra cái gì đều vì bị cảnh tác động tới tâm. Cái này có thì cái kia mới có, cái này diệt thì cái kia cũng bị diệt. Cho nên, để giải quyết vấn đề tương tác tương sinh giữa tâm và cảnh thì phải biết ngăn chặn (diệt) từ đầu mối.
Do đó, Đức Hà Tiên Cô dạy người tu phải bế lục căn:
Đóng sáu cửa cho bền cho chặt,
Thì thất tình lục tặc khó xâm.[5]
Theo Kinh Thánh Tân Ước, Chúa Giêsu dạy rằng phải ngăn chặn thủ phạm phát sinh tội lỗi từ gốc. Lời Chúa răn dạy rất quyết liệt như sau:
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.” (Mátthêu 5: 29)
Tuy nhiên, trong Cao Đài, Ơn Trên “thông cảm” con người khó lòng làm theo Tân Ước cho nên Đức Quan Âm Bồ Tát chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng rằng:
Mắt phải ngó phải xem đúng lễ
Mắt tránh nhìn ô uế phàm thân
Dục tâm ắt phải loạn thần
Xúi người lỡ bước sa chân lạc lầm.
Tai chớ lóng thì thầm to nhỏ
Lời đắng cay xiên xỏ người hiền
Dục lòng tội trạng lụy liên
Còn chi phẩm hạnh người hiền thế gian.[6]
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy rằng cần phải rèn luyện sáu căn thành những cường binh hùng tướng chắn giữ sáu cửa không cho ma lục dục, quỷ thất tình xâm chiếm nội tâm. Mỗi khi vọng niệm vừa mống khởi phải lập tức diệt trừ ngay:
Chính mình luyện cường binh chiến thắng
Chính mình làm cho đặng chủ nhân
Trong tay nắm vững thời thần
Sáu căn chớ để sáu trần nhiễm ô.
Sáu căn ấy ra vô đúng tiết
Là tướng hùng oanh liệt sáu phương
Dưới trên ngăn lũ ma vương
Đông tây nam bắc biên cương giữ gìn.
Không dấy đng vì tình vì cảnh
Không đảo điên bổn tánh chơn tâm
Vng duyên vừa muốn khởi mầm
Cường binh quét sch khỏi lâm nghiệp trần.[7]
Tâm và cảnh tương tác tương sinh
Sử sách chép rằng ngày nào Đức Khổng Tử đi viếng đám tang về thì ngày đó Ngài không vui, ăn không ngon. Đó là cảnh sinh tâm.
Sử sách còn chép rằng một ngày nọ Đức Khổng Tử đang đánh đàn thì có cao đồ tinh ý nhận ra sự khác biệt, bèn hỏi sao hôm nay tiếng đàn của Thầy nghe không thanh thoát như mọi hôm. Đức Khổng Tử thú nhận trong lòng đang rối. Vậy là tâm sinh cảnh.
Thi hào Nguyễn Du viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Đó cũng là tâm sinh cảnh.
Thời gian một ngày ở đâu và lúc nào cũng chỉ có hai mươi bốn giờ. Đó là thời gian khách quan. Nhưng khi lòng vui, người ta tiếc thấy thời gian qua mau. Khi não nề, người ta ngán ngẩm thấy chờ hoài mà không hết ngày, đêm trằn trọc thấy dài lê thê chẳng chịu sáng. Đó là thời gian chủ quan hay thời gian tâm lý.
Diễn tả thời gian tâm lý (tức là tâm sinh cảnh) có người viết:
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Ngày sầu dài tưởng đến hàng mấy thu.
Hai người thương yêu nhau mà xa nhau và khổ đau thì Phật gọi là “ái biệt ly khổ”, ấy là cảnh sinh tâm. Đối với họ một ngày dài bằng ba năm, ấy là tâm sinh cảnh. Thế nên người Trung Hoa có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu sầu. (Một ngày không thấy mặt nhau dài như ba mùa thu sầu.)
Cảnh và tâm, tâm và cảnh nếu cứ mãi tương tác tương sinh thì con người cứ mãi lẩn quẩn trong vòng khổ đau phiền não.
Vậy, muốn chấm dứt khổ đau, đoạn trừ phiền não, con người cần phải chặt đứt mối dây liên hệ giữa tâm và cảnh, tức là đạt đến chỗ đối cảnh mà không sinh tình hay “tâm là tâm mà cảnh là cảnh” như lời của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
Tâm là tâm, cảnh là cảnh mới thiệt là thiên địa chi tâm. Nếu tâm bị cảnh chi phối như dòng thác lũ cuốn lôi bao nhiêu cặn bã cuộc đời trôi theo cuồn cuộn, thì dầu tuổi đạo là bao, tuổi đời là mấy chăng nữa, có chi gọi là chơn thường chi tánh của người hành giả đang tìm đường để tự giải thoát và giải thoát cho cuộc đời.” [8]
Như thế, trình độ tu luyện của con người không thể được xét theo tuổi đời hay tính theo số năm nhập môn cầu đạo mà phải xét trên sự làm chủ được cái tâm hay không.
Bốn chữ chơn thường chi tánh có nghĩa là tánh hằng thường, không biến dịch, không điên đảo. Khi tâm là tâm và cảnh là cảnh thì hành giả giữ được tánh chơn thường để tự cứu và cứu đời.
Nói thì dễ, nhưng hạ thủ công phu để đạt tới trình độ cao siêu “cảnh là cảnh và tâm là tâm” là cả một hành trình gian nan tu tập. Đạo học dạy người tu tuy không thể chối bỏ nhận thức về cảnh trần, nhưng phải biết rèn luyện để buông xả cho cảnh không sinh ra tâm, và tâm không quến theo cảnh. Đó cũng chính là lời dạy của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn về sự giải thoát:
“Khi đã quyết tâm giải thoát, dầu ở trong hoàn cảnh nào, ở thời kỳ nào, cũng có thể giải thoát được. Quyết tâm giải thoát là không để ngoại cảnh chi phối được tâm, không để tâm bị ràng buộc vào tứ tướng,[9] lục trần. Bởi tứ tướng còn thì còn nhân ngã, chúng sanh, thọ giả; lục trần là bụi cát bám lấy lục căn dấy động không giờ tịnh khiết. (…)
Giải thoát mà Lão muốn nói nơi đây là giải thoát mọi ràng buộc, phá hết mọi sự chấp ngã, chấp nhơn, chấp đạo, chấp pháp. Tất cả đều không mới là giải thoát.
Đứng trước một xã hội tao loạn, người giải thoát phải tự giải thoát cái tao loạn ở tâm mình để biến hoàn cảnh hiện tại tao loạn trở thành an nhiên. Đó là giải thoát.
Đứng trước vật chất vinh hoa phú quý, danh lợi dẫy đầy sáng chói, người tu học thiên đạo đại thừa phải nhắm vào sự sáng chói của tâm, sự tịch tĩnh của tâm, như núi Thái Sơn sừng sững trước gió loạn sấm chớp vẫn không lay chuyển. Đó là giải thoát.
Ở vào cảnh vinh sang phú túc, nệm ấm chăn êm mà tâm vẫn an nhiên thanh tịnh như ngồi trên nệm cỏ bồ, như uống nước suối trong veo, như ăn những quả đào ngon ngọt, không thấy tâm động vì có đó mà phải tha thiết, vì mất đó mà phải rối loạn. Đó là một giải thoát nữa.
Đứng trước nghịch cảnh trái ngang, nhưng tâm vẫn thấy như ngồi trên bàn thạch, hoặc ở chỗ thanh thoát bao la để biến hoàn cảnh ấy như gió thoảng, như mây bay tụ tan không ngừng nghỉ. Đó cũng là một phương giải thoát.
Ở vào hoàn cảnh bị động vì các lý do sống còn nhưng tâm vẫn an nhiên thanh tịnh để sáng suốt giải quyết mọi vấn đề như cá trong nước, như rồng trong mây, có thể hòa hợp tâm linh trong vũ trụ, cho tâm khỏi dao động mới hòa mình với nếp sống hiện tại, từ việc to tát đến việc nhỏ nhen vẫn là một con số không trong cái có. Đó cũng là phương giải thoát.” [10]
Tâm và cảnh là một bài thi quá khó
Lời dạy của Đức Bác Nhã Thiền Sư nghe có vẻ thật đơn giản: Đề thi chỉ có tâm và cảnh. Nhưng để thoát ra khỏi sự buộc ràng tâm và cảnh lại khó như Tề Thiên nằm dưới núi Ngũ Hành Sơn. Vì thế mà có rất nhiều người dự thi nhưng cũng có quá nhiều người thi rớt, phải chịu luân hồi.
Ngay từ buổi đầu khai Đạo, Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ đã cảnh giác các con cái của Ngài như sau:
“Thầy nói cho các con hiểu trước rằng cả môn đệ Thầy đã lựa chọn, lọc lừa còn lối nửa phần vì Thầy cho yêu quái lấy danh Thầy mà cám dỗ. Cười… Bị [cám dỗ] bao nhiêu đều mất bấy nhiêu. Các con chớ buồn vì Thiên cơ phải vậy. Thi nhiều đu ít là lẽ hằng.” [11]
Tuy nhiên, người thi rớt đừng quá bi quan rồi buông trôi. Phải chấp nhận thi lại. Đức Bác Nhã an ủi, hễ cố gắng thì con người cổi lốt cù [12] mà bay vút lên trời cao:
Chúng sanh trong cõi trần tù
Một khi giác ngộ cổi cù lên mây.
Tóm lại, người tu nên luôn nhớ rằng lúc nào mình cũng đang dự thi 24/24 giờ, để thực hành câu sách Trung Dung: “Đạo bất khả tu du ly dã”, có nghĩa là không được xa rời Đạo dù chỉ trong khoảnh khắc. Thông thường, mình thi rớt rồi mới tỉnh ngộ là vừa được chấm thi, chứ đang lúc Ơn Trên chấm thi thì mình không dè!
Vì đề thi chỉ có tâm và cảnh mà cảnh thì muôn hình vạn trạng nên không ai có bài thi giống ai. Mỗi người có một bài thi riêng. Kẻ tham danh có bài thi khác người tham tiền. Kẻ rụt rè có bài thi khác người hiếu thắng. Thậm chí người nhiệt thành với Đạo cũng được nhận bài thi riêng để xét xem cái lửa nhiệt thành đó là lửa rơm hay lửa thật, và lòng nhiệt thành đó là vô ngã thuần chơn hay chỉ do bản ngã dục vọng.
Nếu quả như thế, thì lấy đâu là “bài bản” để người tu luyện thi?
Cái bài bản luyện thi cho đề thi tâm và cảnh phải chăng nằm trong bốn chữ “khắc kỷ tu công” của Đức Đông Phương Lão Tổ:
“Đạo là tự do tự tại. Muốn được tự do tự tại, người Thiên ân sứ mạng phải biết hoàn thiện, tự giác ngộ trước mọi hoàn cảnh biến thiên của thế sự, của nhân tâm. Khắc kỷ tu công để răn dè những ngõ rẽ bên đường Đại Đạo khi vọng niệm còn sanh...” [13]
Nếu người tu vận dụng bốn chữ vàng “khắc kỷ tu công” mà còn yếu kém công lực trước ma cảnh trần gian, thì Đức Bác Nhã Thiền Sư ban thêm cho sáu chữ nữa là “Đại hùng, đại lực, đại bi”. Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy:
Vượt trên tất cả những gì
Đại hùng, đại lực, đại bi thoát trần.
Đi hùng, đi lc là sức mạnh tối đa của bản thân để vượt qua muôn vàn cám dỗ, chế ngự tất cả sa ngã yếu lòng.
Còn đi bi là trước hết hãy biết kinh sợ bao kiếp luân hồi của mình mà hết sức thương xót lấy chính bản thân mình để ráng tự thắng nội tâm và ngoại cảnh ngõ hầu có thể làm bài thi tâm và cảnh cho trót lọt. Đức Mẹ khuyên con cái:
“Thương thân con ráng lo tu.”
Tám phương cách để tâm được an định
Chúng ta có thể tóm tắt các phương cách mà Ơn Trên đã dạy cho người môn đệ Cao Đài trong thời Tam Kỳ Phổ Độ để tâm không bị điên đảo trước ngoại cảnh cuốn lôi:
1. Bế lục căn và diệt trừ vọng duyên ngay từ lúc khởi mầm.
Như đã trình bày ở trên.
2. Chuyển lục dục thành lục thông, thất tình thành thất bửu.
Các bậc Thánh Nhân cũng có thất tình lục dục như những con người bình thường, tuy nhiên những ham muốn và tình cảm của các Ngài đều được đặt để trong khuôn khổ đạo đức và hướng về đại chúng. Do đó, lục dục và thất tình của các Ngài không gây ra khổ đau và phiền não. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Thánh xưa cũng vẫn có thất tình lục dục như người thời nay, nhưng Thánh xưa biết sử dụng, điều khiển những thất tình lục dục ấy đúng chỗ đúng lúc và hợp hoàn cảnh. Thánh xưa vui với cái vui nội tâm thích hợp đạo lý, giận với cái giận của bực siêu nhân, thương với lòng thương của hàng thánh thiện, sợ với cái sợ của bậc trí tri, yêu với tình yêu của Đấng Tạo Hóa, ghét với cái ghét của bực hiền nhân, muốn với lòng ham muốn của người đạo đức. Như thế mới gọi là mừng vui giận ghét yêu sợ muốn của bực siêu nhân.
Mừng là tự thấy mình có ý nghĩ, lời nói và hành động có tác dụng vào sự tế nhân lợi vật.
Vui là vui vì đã làm được những việc giúp đời.
Giận là giận khi thấy lòng chưa được thanh tịnh hoặc ý nghĩ lời nói việc làm không thuận Thiên hòa nhân, tự khắc kỷ để tự hậu không còn tái diễn.
Ghét là ghét những điều trái đạo lý luân thường, nhân nghĩa mà không hề nghĩ đến, nhìn đến, nói đến và làm đến.
Sợ là sợ những hành động trái với đạo đức, trái với lòng Trời, chớ không phải sợ dư luận khen chê, tán tụng.
Có điều khiển, làm chủ, hướng dẫn được thất tình thì chúng nó sẽ ngoan ngoãn tuân theo rồi lần hồi trở thành thói quen.
Biết tận dụng điều khiển thất tình, chúng sẽ trở nên thất bửu là bảy món báu vô giá để làm tả phù hữu bật, tiền xung hậu kích trước mọi cảnh ngộ đảo điên, và chúng sẽ giúp trở lại chủ nhơn ông được trọn vẹn trên đường thánh thiện.
Còn qua lãnh vực lục dục, lục căn cũng thế. Hãy điều khiển sai khiến chúng phải tuân theo, làm theo chủ nhơn ông. Cũng thời chúng nó, nếu chủ nhơn ông biết tận dụng, chúng sẽ trở nên hàng trung thần thân tín. Nếu ngược trở lại, không biết tận dụng điều khiển chúng thì chúng sẽ trở nên đám nghịch thần, phá hoại ngăn cản mọi bước tiến trên đường thánh thiện.
Lục dục, lục căn biết luyện thì chúng sẽ trở nên lục thông, đưa chủ nhơn ông đến hàng Tiên Phật. Ngược lại, chúng sẽ làm lục tặc rồi dẫn dắt kéo trì chủ nhơn ông trở xuống lục đạo luân hồi hoặc sa tăng, ngạ quỷ.” [14]
3. Làm ngơ trước ngoại cảnh.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn khuyên người tu hãy tập làm ngơ trước ngoại cảnh để gìn giữ một tâm không.
Hãy học hãy tu rồi sẽ hiểu
Bao nhiêu ngoại cảnh cứ làm ngơ
Ngơ tai ngơ mắt lại ngơ lòng
Tất cả đem về một tánh không
Có đó thì làm, làm chẳng có
Ba ngàn thế giới mới tinh thông.[15]
Tất nhiên, chúng ta hiểu rằng không phải Ngài bảo chúng ta làm ngơ trước bao cảnh khổ của chúng sinh mà chính là làm ngơ trước những ngoại cảnh quyến rũ con người vào đường ác nghiệp. Thậm chí, trước cảnh khổ của chúng sinh, người tu động lòng trắc ẩn để ra tay cứu độ nhưng với lòng vô tư, vô danh, vô cầu.
4. Cẩn tâm hay thận độc.
Người tu chẳng khác nào một khách bộ hành đang bước trên một chiếc cầu làm bằng thanh ván mỏng hay một chiếc cầu tre lắt lẻo không tay vịn, chỉ cần một khoảnh khắc sơ sẩy là té ngã. Do đó, Đức Đông Phương Chưởng Quản khuyên hành giả phải cẩn tâm hay thận độc (lúc ở một mình cũng phải thận trọng không phạm lỗi); như thế vừa giữ được danh thơm ở đời vừa cận kề ngôi Tiên vị Phật:
Các Giáo Tổ chỉ tâm làm gốc
Minh tu tồn thận độc làm nền
Ở trần đã vẹn tuổi tên
Thánh Hiền Tiên Phật kề bên khó gì.[16]
“Nếu muốn các pháp được sáng chói, trước hết phải cẩn tâm. Tâm không thì pháp sanh, tâm động thì pháp điên đảo. Chỉ bao nhiêu đó là bí quyết của người tu luyện để lên các bậc đạo quả.” [17]
5. Trau dồi đạo hạnh, tác phong.
Người xưa nói: “Đức trọng quỷ thần khâm.” Do đó, người tu càng cố gắng trau dồi đạo đức, càng dễ dàng chiến thắng được mọi sự khảo thí từ nội tâm đến ngoại cảnh. Càng lên một lớp cao, bài thi càng khó. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Chư hiền đệ muội phải trau dồi đạo hạnh, tác phong. Cứ lên một lớp là phải chịu một sự thử thách gay go. Bần Đạo nói thế để chư hiền đệ muội nên ý thức trước khi bước trên con đường Thiên đạo đại thừa.” [18]
6. Cần phải làm thêm công quả bố thí.
Làm công quả bố thí để giải bớt nghiệp thân vì nghiệp thân cũng là nguyên nhân sinh ra những chướng ngại cả về nội tâm lẫn ngoại cảnh làm cản trở bước đường tu học của hành giả. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Chư đạo hữu thử kiểm điểm lại một điều rất nhỏ này sẽ thấy có trong lòng mỗi người: Hằng ngày, sắp tới giờ lễ bái hoặc tham thiền, trong lúc đó những gì sẽ xảy đến cho mình? Bên trong nội tâm, cơ thể có khi nghe uể oải, nhức đầu nóng lạnh, có lúc bụng đói, có lúc lười biếng vô cùng. Còn ngoại cảnh thì thường gặp khách đến, vì nể tình phải nán lại ít khắc, hết tiếp người này đến người khác, rồi giờ lễ bái tham thiền trôi qua không đúng giờ giấc. Đó là chưa nói đến người thân xảy ra bạo bịnh phải chạy thuốc kiếm thầy, v.v…
Chư đạo hữu thấy chưa? Từ nội tâm cho đến ngoại cảnh diễn biến luôn luôn, làm ngăn trở đường tu không ít. Người càng gặp nhiều sự xảy đến là người còn quá nặng nghiệp chướng tiền khiên, phải ráng lo. Ngoài sự tu kỷ, phải làm thêm sự bố thí là tài thí, pháp thí, vô úy thí, tùy theo hoàn cảnh sở hữu sở năng, sở đoản sở trường của mỗi người.”.[19]
7. Công phu tu luyện.
Có thể nói công phu là phương pháp tối ưu giúp hành giả an định nội tâm trước ngoại cảnh biến thiên lôi cuốn. Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
“Muôn vàn sự quyến rũ thử thách đe dọa đang vây quanh chư đệ. Công phu là phép báu để chư đệ gìn giữ thân tâm khỏi lạc lầm sa đọa.” [20]
Đức Mẹ cũng dạy:
Công phu ấy thượng thừa tâm pháp
Trị bịnh đời đa tạp biến sanh
Tâm con dõng mãnh chí thành
Đào sâu gốc rễ, ngọn ngành còn đâu.
Tình thức đoạn, não sầu cũng đoạn
Vọng trần không, bịnh hoạn cũng không
Quy về một chủ nhơn ông
Thanh nhàn, thanh tịnh, ngoài trong vẹn toàn.[21]
8. Phải luôn cầu nguyện.
Luôn cầu nguyện để nhận được sự tiếp sức của Thiêng Liêng ngõ hầu có đủ đại hùng, đại lực, đại bi mà vượt qua mọi sự khảo thí của nội tâm và ngoại cảnh trong kỳ thi cuối cùng này.
Sau cùng, người hành giả còn phải công phu tu luyện đến mức thượng thừa, tức là đạt đến chỗ tâm cảnh dung thông vô ngại, tâm chẳng những không bị ngoại cảnh lay chuyển, trói buộc mà trái lại tâm còn có khả năng chuyển hóa ngoại cảnh từ loạn thành trị. Đó cũng chính là bức tranh cuối cùng (Thõng Tay Vào Chợ) trong bộ tranh Chăn Trâu của thiền môn vậy.
DIỆU NGUYÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
Thõng Tay Vào Chợ (tranh Chăn Trâu số 10)



[1] Bác Nhã Tịnh Đường, 14-12 Tân Hợi (29-01-1972).
[2] Đại Thừa Chơn Giáo. Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 157. (Quyển 36 trong Chương Trình Ấn Tống.)
[3] Minh Lý Thánh Hội, 07-12 Nhâm Tý (10-01-1973).
[4] Đại Thừa Chơn Giáo. Bản in 2011, tr. 183.
[5] Bài khẩu khuyết dự bị sơ thiền.
[6] Hườn Cung Đàn, 29-5 rạng 01-6 Ất Tỵ (27-6-1965).
[7] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-3 Mậu Ngọ.
[8] Vĩnh Nguyên Tự, 15-3 Bính Thìn.
([9]) Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy phải trừ tứ tướng là ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, và thọ giả tướng.
[10] Vĩnh Nguyên Tự, 10-6 Bính Thìn.
[11] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, đàn 29-6 Bính Dần.
[12] : Rồng nằm dưới đất. Theo dân gian, mỗi khi cù cựa mình thì gây ra động đất.
[13] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 01-01 Quý Hợi.
[14] Minh Lý Thánh Hội, 08-9 Kỷ Dậu (18-10-1969).
[15] Vĩnh Nguyên Tự, 11-6 Bính Thìn.
[16] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Canh Thân.
[17] Thiên Lý Đàn, 20-10 Kỷ Dậu (29-11-1969).
[18] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-6 Canh Thân.
[19] Minh Lý Thánh Hội, 08-9 Kỷ Dậu (18-10-1969).
[20] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 13-02 Giáp Tý.
[21] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-8 Nhâm Tuất.