Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cha tôi thoát khỏi sự quản thúc của Pháp. Ông
tham gia Mặt Trận Việt Minh, đi Sài Gòn, Cần Thơ… hoạt động.
Bầu cử Quốc Hội xong (06-01-1946), cha tôi chuẩn bị đi. Tôi không biết
cha đi đâu, nhưng trước khi đi ông gọi hai chị em tôi lại xoa đầu dặn dò: “Lần
này cha đi lâu, các con ngoan ngoãn cha rất vui.”
Nhằm lúc giặc giã, loạn lạc, cha đi biền biệt, chẳng có tin tức về, không
biết cha sống chết ra sao. Mấy mẹ con nhờ các bác giúp đỡ chạy giặc, rồi về Bạc
Liêu cũng chẳng biết tin cha. Khi cả nhà đoàn tụ ở Đồng Tháp Mười cũng chẳng
nghe cha kể lại những năm đó ra sao.
Sau này nhờ những tài liệu tìm được và những người sống ở giai đoạn đó có
biết sự việc kể lại, tôi mới được biết cha đi Giồng Bốm gấp rút xây dựng căn cứ
chống Pháp. Nơi đó có Tòa Thánh Ngọc Minh của Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo.
Tuy vũ khí thô sơ, cha đã cùng hàng ngàn đạo hữu chiến đấu đến giờ phút cuối
cùng. Khi giặc tràn vào, cha bị thương, một chiến sĩ cõng cha chạy ra lung lá
có chiếc xuồng đậu sẵn, đưa cha thoát khỏi trận địa.
Gặp lại cha
Sáng sớm, ba mẹ con ra bến xe Bạc Liêu đón xe tài nhứt chạy tuyến Bạc
Liêu - Sài Gòn. Vú tôi [1] dặn có ai hỏi đi đâu, thì nói đi thăm
cậu Hai. Chị Năm Nguyệt cũng đi xe đó nhưng ngồi chỗ khác, coi như không đi
chung nhau để tránh sự theo dõi của mật thám.
Tới Sài Gòn, chị Năm cùng ba mẹ con tôi đi xe ngựa về nhà chị ở đường Pierre
Pasquier (nay là đường Ngô Gia Tự). Xế chiều, chị dắt tôi đi chợ Sài Gòn, đi Charner
(nay là đại lộ Nguyễn Huệ). Là một đứa bé nhà quê chưa từng đi đâu, lần đầu lên
Sài Gòn, cảnh người đông đúc thật là náo nhiệt. Hàng hóa, đèn điện làm tôi lóa
mắt. Chị Năm dặn phải bám vào áo chị, đừng lơi lỏng kẻo bị lạc thì nguy lắm.
Tối đó, một bà già người nhỏ thó nhưng tinh nhanh đến gặp chúng tôi. Chị Năm
giới thiệu là bà Sáu Sảnh, là người liên lạc sẽ đưa chúng tôi ra chiến khu.
Bốn giờ sáng, bà Sáu và ba mẹ con tôi cùng ra bến xe đi Tân An. Tới Thủ Thừa
chúng tôi xuống xe, đi ngoằn ngoèo qua hết mấy phố. Đến khi chắc chắn không có
mật thám theo dõi mới bước vô một tiệm tạp hóa, nhà quen của bà Sáu, làm bộ mua
ít đồ dùng, rồi lẻn ra cửa sau.
Sau nhà có con rạch nhỏ chạy qua. Một chiếc xuồng có người chèo chờ sẵn. Bà
Sáu đưa chúng tôi xuống xuồng. Người thanh niên chèo xuồng đi mấy cây số thì ra
tới sông lớn. Đến trưa thì tới một con kinh xáng thẳng tắp. Sau này mới biết đó
là kinh Dương Văn Dương. Đi tới xế chiều thì xuồng cập bến.
Bà Sáu lên bờ trước báo tin. Một ông già người hơi ốm mặc bộ đồ đen từ
trên nhà đi xuống. Có phải cha tôi không? Giống cha mà sao đen thui vậy! Tôi
kêu:
- Cha ơi! Phải cha của con không?
Rồi tôi òa khóc. Vú tôi chào cha mà tiếng chào tắt nghẹn nơi cổ, còn em Khiết
thì ngơ ngác nhìn cha vì lúc cha đi em chưa đầy một tuổi. Vú tôi biểu:
- Con chào cha đi. Cha của con đó.
Cha ôm chúng tôi vào lòng, hôn vào đầu chúng tôi. Cha hỏi:
- Gặp cha thì mừng chớ sao các con khóc?
Tôi nhanh nhẩu:
- Dạ, gặp cha con khóc vì mừng quá, vì cha không có tin tức gì về nhà. Con
cứ tưởng cha chết rồi!
- Làm sao cha chết được! Con không thấy cha vẫn mạnh đây sao?
Đợi cho tình cảm phút giây hội ngộ lắng xuống, một chị mặc bộ đen bước tới.
Cha nói:
- Đây là Cao Ngọc Kim, dưỡng nữ của tôi, chị của các con.
Rồi cha giới thiệu chúng tôi với chị Kim:
- Còn đây là dì Sáu của con và các em con.
Chị Kim chào:
- Dạ con chào dì Sáu. Chị chào các em.
Cha tôi nói:
- Thôi ta lên nhà nghỉ chút rồi ăn cơm. Mời chị Sáu cùng ăn luôn. Đi từ
sáng tới giờ chắc đói bụng rồi.
Cơm đã dọn sẵn nhưng bà Sáu cáo từ để về nhà cho sớm.
Cha ngồi ở đầu bàn ăn chay với tương, chao, rau luộc. Còn cả nhà chúng
tôi được ăn mắm kho với rau ghém. Thức ăn lạ miệng, lại đói bụng nên bữa cơm
thật ngon lành. Tôi thấy cơm ngon hơn cơm ở Bạc Liêu nhiều lắm.
Tuy mải ăn nhưng thỉnh thoảng tôi lén liếc nhìn cha. Cha biết nhưng chỉ
cười. Ăn cơm xong, cha kêu hai chị em tôi lại hỏi:
- Sao hai con nhìn cha hoài vậy?
Tôi nói:
- Tụi con xa cha lâu ngày bây giờ gặp cha, con nhìn cho đỡ nhớ.
Tối đó cả nhà quây quần trò chuyện quanh ngọn đèn dầu. Cha hỏi:
- Ba năm nay mấy mẹ con sinh sống ra sao?
Vú tôi kể qua loa về gia đình, không có nguồn sinh sống, chỉ còn sót lại
ba đồng bạc cổ, đem cầm để sống tiện tặn qua ngày.
Cha quay ra nói với tôi:
- Ở chiến khu chịu gian khổ đã đành, còn đòi hỏi sự bình tĩnh và dũng cảm
khi có giặc càn, máy bay bắn phá. Hôm nay còn yên, chưa biết ngày mai ra sao. Vậy
con của cha liệu có chịu đựng được không?
- Dạ, con sẽ cố gắng. Ở đây có ba thương con, có chị Ba chơi với con, con
sẽ ráng chịu cực khổ.
- Chị Ba con còn phải làm việc. Ai ở đây cũng làm việc tùy theo sức của
mình. Vậy con cũng tìm việc mà làm theo hướng dẫn của chị Ba con.
- Dạ, con sẽ làm việc. Ở Bạc Liêu con biết cõng em Khiết đi chơi, và tẩm
quất cho má lớn. Con biết quét nhà, lau nhà và làm nhiều việc nữa. Chỉ đi học
là con không được đi vì không ai cho con đi hết.
- Bây giờ con lớn rồi. Với lại ở ngoài này người ta ít ai kêu người sanh ra
mình bằng vú, mà kêu bằng mẹ hay má. Kêu bằng vú nghe không quen. Vậy từ nay
thay vì kêu vú thì các con kêu mẹ nghe không!
- Dạ, con nghe. Từ nay con kêu vú là mẹ.
Cha biểu chị Ba Kim chỉ vẽ cho tôi những việc cần biết ở chiến khu và
kiểm tra xem tôi học hành ra sao để dành thì giờ dạy tôi học hành. Cha bận nhiều
việc nên không trực tiếp dạy tôi được.
Tối đó tôi ngủ chung mùng với chị Ba Kim. Tuy mới gặp nhưng thái độ ân
cần chăm sóc của chị làm tôi thấy thân thiện với chị ngay.
Đồng Tháp Mười
Ngôi nhà cơ quan Cao Đài Cứu Quốc ba gian, cột kèo bằng cây tràm, lợp
mái, dừng vách bằng đưng [2] là hai loại cây rất sẵn của Tháp
Mười. Tuy làm bằng vật liệu thô sơ nhưng nhà thoáng mát và sáng sủa. Bàn ghế
làm việc cũng đơn sơ và gọn gàng. Nhà cất trên đất của chú Ba Biện, thuộc xã Hậu
Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Tân An. Có bốn năm người làm việc thường trực ở cơ quan.
Mấy đứa trẻ chúng tôi (con em của nhân viên) thường đến phụ giúp việc vặt trong
văn phòng.
Ngôi nhà của cha cách cơ quan độ một trăm thước. Ngôi nhà thật xinh xắn,
cũng làm bằng tràm và đưng là hai thứ vật liệu đặc trưng của Tháp Mười. Nhà nằm
bên bờ kinh Dương Văn Dương, nhưng quay mặt ra một con mương rộng hai mét, ranh
giới bên này là xã Hậu Thạnh, bên kia là xã Nhơn Hòa Lập. Nền nhà đắp rất cao,
chung quanh trồng chuối hột, chuối xiêm rậm rạp. Bên trong, giữa nhà là bàn làm
việc của cha.
Hàng ngày cha tôi sang cơ quan Cao Đài Cứu Quốc làm việc hoặc đi hội họp
bên Mặt Trận, hoặc bên Ủy Ban, cũng có khi đi công tác vài ngày mới về.
Mấy ngày đầu, tôi tự do như con chim vừa sổ lồng, sãi cánh tung tăng bay
nhảy, thở hít không khí trong lành của Đồng Tháp Mười lộng gió. Được mấy hôm
chị Ba nói:
- Từ ngày mai em hãy học những cái cần thiết khi chấp nhận sống ở chiến
khu. Phải tập lội sông, học chèo xuồng. Đó là cái tối cần thiết. Còn các việc
khác như học chữ, tập phụ giúp văn thư bên cơ quan Cao Đài lần lần em sẽ học
làm thôi.
Một ngày sinh hoạt ở Tháp Mười: Buổi sáng, cả nhà dậy sớm xuống kinh
Dương Văn Dương bơi lội. Cha, mẹ, chị Ba bơi qua sông rồi bơi về vài lần, cũng
như tập thể dục.
Tôi ôm cây chuối tập bơi, nhưng sợ phải uống nước nên tập hoài mà không
bơi được.
Cả mấy chú bên cơ quan Cao Đài cũng xuống bơi. Người biết tập cho người
chưa biết. Không khí thiệt vui vẻ.
Buổi chiều chị Ba tập cho tôi chèo xuồng. Tôi tập khá nhanh, chỉ cần vài
ba buổi là chèo tạm được.
Buổi sáng mỗi người ăn bát cơm nóng, rồi mỗi người mỗi việc. Chị Ba sang
làm việc bên cơ quan hoặc đi hội họp bên Hội Phụ Nữ. Có hôm tôi sang theo chị
phụ đóng dấu công văn, dán bao thơ để gửi công văn. Hôm ít việc, tôi với chị
Bạch Tuyết và cậu Phích đi hái rau đồng nội như rau muống, rau đắng, rau dền,
bông súng… hoặc móc ngó sen, bắt cá về cải thiện bữa ăn. Có lúc gặp đám nghể tốt,
hái về ngâm lấy mủ, cho chút đường vào thành một thứ nước uống đồng quê thật mát
và hấp dẫn.[3]
Một hôm tôi và chị Bạch Tuyết thấy một đám nghể xanh mướt. Hai
chị em ham quá, nhào ngay vào hái. Bỗng tôi nghe “khè khè” trong đám nghể cách
chúng tôi mấy thước. Tôi nói:
- Chị Tuyết ơi! Con vịt xiêm ở đâu mà
kêu khè.
Chị hô “Chạy!” rồi nắm tay tôi chạy mệt muốn đứt hơi. Được một khoảng xa,
dừng lại thở, chị mới nói:
- Rắn hổ đó, không phải vịt xiêm đâu. Nó mà đuổi theo cắn thì chết, khỏi
về luôn.
Hai chị em về tới nhà mà chưa hết sợ. Kỷ niệm của một thời thơ ấu khó
quên.
Ngày mưa gió, không đi hái rau thì chặt chuối con và nhổ kiệu nhà trồng,
trộn ghém chuối ăn với mắm kho. Má tôi và chị Ba hay làm tương chao dự trữ, làm
sữa đậu nành, làm tàu hủ để cha dùng. Hôm nào hết mắm thì ăn tương chao nhà làm
đã có sẵn.
Tôi tới Đồng Tháp Mười vào mùa khô. Tôi được hưởng trọn vẹn cái không khí
mát mẻ thuần khiết của cánh đồng bao la trải nắng vàng rực rỡ. Con kinh Dương
Văn Dương hiền hòa nước trong xanh lững lờ. Nhìn xuống nước thấy cá rô biển, cá
sặc bơi lội hàng đàn, thậm chí cá lóc bông lớn bằng bắp chân cũng bơi tự nhiên,
khoe thân hình mập ú. Em Khiết thấy cá ham quá, mới bốn tuổi chẳng biết bơi, cứ
nhảy đại xuống sông bắt cá. Cũng may có người nhìn thấy kịp, nhảy xuống vớt lên.
Cái thú của tôi là buổi trưa, lúc mọi người nghỉ ngơi, không gian tĩnh mịch,
tôi lén đi câu cá. Không gì thích cho bằng khi ngồi ngắm đàn cá bơi qua có một
con trong đàn dừng lại ngửi ngửi cục mồi bên trong có cái lưỡi câu. Rồi nó ngậm
cục mồi. Bấy giờ khéo léo để yên cho nó nuốt cục mồi mà không bỏ chạy. Lúc giật
cần câu lên có con cá lên theo thì vui sướng vô cùng.
Khoảng tháng chín, bắt đầu mùa nước nổi. Lúc này dưới kinh nước đổ phèn. Các
loại cá xót mắt nổi đầy sông, mặc sức bơi xuồng đi vớt cá. Nước dưới kinh Dương
Văn Dương chảy mạnh dần từ phía Gãy Cờ Đen xuôi về phía hạ lưu, rồi nó chảy
cuồn cuộn. Nếu yếu sức khó lòng chèo xuồng ngược dòng nước.
Nước lên rất nhanh. Nước tràn bờ kinh. Nước ngập đường đi. Nước bò lối mấp
mé nền nhà, dù nền nhà được đắp cao. Ngồi trong nhà thả câu cũng có đủ cá ăn.
Lúc này muốn đi đâu xa phải đi bằng xuồng. Khi nước tràn đồng rồi thì chống
xuồng đi trên đồng không cần đi trên sông. Mọi việc đi lại nếu không có chiếc
xuồng thì chỉ ngồi ở nhà mà thôi.
Nước lên đến đỉnh lũ thì bắt đầu dừng lại. Đỉnh lũ cao hay thấp tùy thuộc
nước trên nguồn đổ về. Nước đứng một thời gian và bắt đầu rút dần dần. Khi mặt
đất được phơi khô ráo, mọi người vui mừng cào vun phù sa thành luống và cấy
ngay những luống kiệu, hành, đậu xanh, khoai lang và các loại rau. Được thiên
nhiên ban tặng nguồn phù sa quý giá, nên cây gì cấy xuống cũng mau lớn, nhất là
cây kiệu nở bụi rất mau.
Ở đây mùa khô ăn rau cạn mọc trên đồng, còn mùa nước thì ăn rau mọc dưới
nước. Bông súng, rau dừa, rau muống ngồi trên xuồng hái được. Còn hẹ nước, mã
đề nước, cải nước... là loại rau mọc và sống hoàn toàn dưới đáy nước, không cần
nhô lên mặt nước, thì phải thò tay sâu dưới nước túm lấy nó nhổ lên. Không biết
nó ở đâu ra mà khi nước lên nó mọc khá nhanh. Các loại rau này ăn mềm và ngon
đậm đà.
Mùa nước nổi ở Tháp Mười trước đây đến hẹn lại lên. Người dân ở đây quen
dùng nước sông, nước kinh cho mọi sinh hoạt hàng ngày. Vì đất rộng người thưa
nên nước ít bị ô nhiễm. Mùa nước nổi, không biết phèn ở đâu đổ xuống, nước sông
trong xanh và chua loét. Người dân ở đây lâu đời thường làm giếng, đắp đất trên
miệng giếng cao, không cho nước phèn, nước dơ tràn vào được, để dùng vào mùa
nước nổi mà thôi.
Mái nhà đưng xinh xắn của cha tôi nằm trên bờ kinh Dương Văn Dương, luôn
có khách lui tới: khách đạo, khách đời, bạn bè cha tôi. Những người đồng đạo
đến bàn bạc công việc đạo như chú Bảy Nguyễn Văn Khảm, anh Huệ Chương, chú Tư Trần
Minh Nhựt, ông Phối Sư Tâm, chú Tư Thắng... và nhiều người nữa mà tôi không nhớ
hết.
Cuộc sống ở chiến khu gian khổ, hiểm nguy nhưng không ai hé một lời kêu
ca than vãn. Sinh hoạt tự cấp tự túc mà thấy vui. Cha tôi luôn suy tư lo lắng
công việc kháng chiến. Mẹ tôi lo việc nhà, cơm nước và chăm nom em Khiết. Chị Ba
Kim đi làm việc bên cơ quan Cao Đài, lúc rỗi việc về tiếp mẹ công việc nhà.
Buổi tối là thời gian của chúng tôi. Đầu tiên chị Ba kiểm tra trình độ đọc
và viết của tôi. Tôi đọc thì tạm được, còn viết thì ôi thôi! Con cua nó bò còn
trật tự hơn! Vì tôi có được học hành, tập viết cho tử tế bao giờ đâu.
Chị Ba bắt đầu dạy tôi và Phích chương trình lớp Một của Sở Giáo Dục Nam
Bộ. Kiến thức thì tiếp thu không khó lắm, nhưng chữ viết thì 13 tuổi mới cầm bút
tập viết, chữ của tôi rất xấu.
Học chương trình bổ túc lướt khá nhanh. Mới mấy tháng đã xong chương
trình lớp Một và lớp Hai, chuẩn bị vào lớp Ba. Có lúc học xong, ba chị em còn
học hát các bài ca kháng chiến. Trong ngôi nhà đưng ở Đồng Tháp Mười vui tươi
và ấm áp vô cùng.
Sống yên vui ở chiến khu Tháp Mười được ít ngày, tôi được nếm mùi chiến
tranh. Buổi sáng yên tĩnh bị máy bay tới bắn phá. Nghe tiếng ì ầm của máy bay
từ xa, mọi người hét lên:
- Máy bay tới! Gọi cha vô hầm mau!
Cả nhà nhảy xuống hầm. Ai chạy không kịp thì nhảy xuống mương trước nhà
ẩn núp. Máy bay quần đảo một vòng, bắt đầu xả súng bắn xối xả xuống cơ quan Cao
Đài, xuống mái nhà đưng của cha. Đạn bay rào rào, đất văng tung tóe.
Chúng bắn chán rồi bay đi. Cả nhà lên bờ gọi nhau í ới, xem có ai bị
thương không. Cũng may bên cơ quan và bên này không ai bị sao hết.
Những đợt bắn phá ngày càng thường xuyên hơn. Một hôm có tin báo khẩn
cấp: Sáng mai Tây nhảy dù. Nội đêm đó các cơ quan thu xếp chôn giấu tài liệu,
và phân tán ra từng nhóm nhỏ chạy nhiều hướng khác nhau, phòng khi chúng bắt được
nhóm này còn nhóm khác, cơ quan sẽ bị tổn thất ít hơn.
Chúng tôi ngay tối đó ba lô trên vai, xuống hai tam bản. Tôi và cha ngồi
một chiếc. Chị Ba, má tôi, em Khiết ngồi một chiếc, có người liên lạc chèo về
Cái Mác.
Cha tôi chọn Cái Mác vì ông nhận định nó ở gần thị trấn Cao Lãnh, gần đồn
bót, gần vùng kiểm soát của địch. Hơn nữa, ở đó cánh đồng trũng nước sâu, địch
không dại gì nhảy dù vào chỗ nước ngập.
Cha tôi bảo liên lạc phải chèo qua khỏi chợ Cái Bèo trước 4 giờ sáng để
đến Cái Mác trước khi mặt trời mọc.
Nơi đến là nhà bà Sáu Sảnh, chính là người liên lạc mấy tháng trước đã đưa
mẹ con tôi vào chiến khu. Bà Sáu vui mừng chào đón gia đình tôi, nhưng có hơi
ngạc nhiên vì tới chơi mà sao đến sớm vậy, lại đi hết cả nhà.
Cha tôi mở lời xin cho gia đình tá lúc mấy bữa. Bà Sáu đồng ý và còn vui
là đằng khác, vì bà ở đây với vài đứa cháu. Nhà sàn của bà xinh xắn tiện nghi, nhưng
tách biệt, xa nhà dân nên cũng buồn. Bà có nhà ngoài Cao Lãnh, vườn tược xum
xuê, do người em trai trông nom. Chẳng hiểu sao bà lại cất nhà ở đây ẩn dật. Đó
là bí mật của bà.
Bảy giờ sáng có tiếng máy bay ầm ì. Từng tốp máy bay quần đảo miệt Cái
Bèo, Gãy Cờ Đen, và kinh Dương Văn Dương. Mấy phút sau trên bầu trời xuất hiện
những chiếc dù ngày càng nhiều. Vì đồng trống mênh mông nên thấy rất rõ tuy
cũng xa.
Ở nhà bà Sáu mấy ngày, tuy cuộc càn quét đang xảy ra rất gần chúng tôi,
nhưng hàng ngày tôi và chị Ba vẫn chống xuồng đi hái rau muống. Rau muống ở cánh
đồng này trắng và dòn, ăn rất ngon.
Cánh đồng sen ở đây thật tuyệt vời, rộng bao la, trải ngút tận chân trời
một màu trắng thuần khiết trên nền lá xanh non. Chúng tôi chống xuồng vào giữa
đồng. Mùi hương làm chúng tôi ngây ngất. Hoa sen trắng còn búp mà lớn hơn cái chén
ăn cơm, lúc nở ra một màu trắng sữa tỏa ngát hương thơm. Nhưng con sâu trong
hoa sen (gọi là nái sen) rất độc. Nếu
da thịt chạm vào nó, đau đớn khôn xiết, chỉ có cách lấy mủ (nhựa) sen chà vào
chỗ đau mới trị dứt được.
Lần đầu tiên tôi được thấy một cánh đồng đầy sen trắng đẹp như vậy. Sau
này, nhiều lần trở lại Đồng Tháp Mười, nhưng không bao giờ tôi còn nhìn thấy
những đóa hoa đẹp rực rỡ, thuần khiết như sen trắng ở Cái Mác nữa.
CAO BẠCH LIÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo
Lý Đại Đạo
l Tìm hiểu địa danh kinh Dương Văn Dương
Dương Văn Dương (1900-1946) sinh ở Bến Tre nhưng lên Sài Gòn từ nhỏ, rồi chăn
vịt chạy đồng ở Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công. Ông học võ với nhiều thầy,
về sau cũng dạy võ gần cầu Rạch Đỉa, làng Tân Qui (Nhà Bè), kiêm nghề bảo tiêu cho
các chủ ghe thương hồ trên kinh Cây Khô, ngay cửa ngõ Sài Gòn. Ông nghiêm nghị,
ít nói, nhưng hòa nhã, thân thiện, lạc quan, kiên trì, tài đức và nổi tiếng là
tay giang hồ hảo hớn đầy uy tín, làm thủ lãnh giới anh chị Nam Kỳ bấy giờ.
Năm 1940 ông cùng người em là Năm Hà làm công nhân cho hãng đóng tàu
Nichinan (Nhật Nam Thị 日南市) của Nhật. Quân Nhật đầu hàng Đồng Minh,
ông bỏ hãng đóng tàu Nichinan, lui về Tân Qui sau khi cướp được một số súng của
quân đội Nhật để võ trang cho lực lượng của ông, tên gọi là bộ đội Ba Dương.
Trong Cách Mạng Tháng Tám, ông tham gia cướp chính quyền. Sau khi quân
Anh-Pháp gây hấn, ông hợp nhất bộ đội Ba Dương và một số lực lượng quân sự tự
phát thành bộ đội Bình Xuyên. Tháng 11-1945, ông làm chỉ huy trưởng các lực
lượng quân sự ở Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông. Tháng 12-1945, ông làm khu bộ phó
khu 7 (phụ trách Đông Nam Bộ). Đầu năm 1946, ông chỉ huy một bộ phận quân Bình
Xuyên từ Rừng Sác vượt sông Soài Rạp về Bến Tre giải cứu mặt trận An Hóa - Giao
Hòa. Tháng 2-1946 ông tử trận, được Chính Phủ VNDCCH truy phong liệt sĩ, thiếu
tướng. Sau đó, lực lượng Bình Xuyên được tổ chức chính quy, mang tên trung đoàn
Dương Văn Dương.
Tên ông còn đặt cho một con kinh ở Mộc Hóa (Tân An), thay cho tên cũ do
thực dân Pháp đặt là Lagrange. Ngày nay địa danh kinh Dương Văn Dương vẫn còn.
VĂN
UYỂN
chú thích
[1] Thân mẫu hiền tỷ Cao Bạch Liên. [Văn Uyển chú]
[2] Là loại cây hoang dã rất thích nghi đất
nhiễm phèn nặng như Đồng Tháp Mười, đưng hao hao giống như lác, nhưng lá to và
cao hơn, bẹ ốp lại thành thân và mọc thẳng đứng. Cũng như cọng bàng, cây tranh,
đưng dùng để lợp nhà. Mùa khô đưng già đi, bẹ có màu đỏ thẫm, là lúc có thể cắt
mang về dùng. Cắt đưng phải dùng liềm thật bén, xả cho nó nằm xuống đất, sau đó
nắm ngọn giũ, lựa những cọng cao nhất bó lại. Cọng đưng trải ra sân phơi vài
nắng cho khô, rồi chẻ hom tre bện đưng thành tấm, dài khoảng một mét hai đến
một mét rưỡi để lợp nhà. Từ lúc cắt đưng ở rừng, chọn tre già chẻ hom, khâu bện
(gọi là đánh đưng) tốn nhiều công và thời gian. Vì thế muốn lợp nhà cần chuẩn
bị trước vài ba tháng. Nhà lợp bằng đưng ở mát, nhưng dễ bén lửa. (http://www.tanphuoc.vn)
[3] Rau
nghể cũng gọi thủy liễu, tên khoa học là Herba
Polygoni hydropipeis. Nghể mọc hoang, dùng làm thuốc nam để cầm máu, trị
giun sán, chữa rắn cắn. [Văn Uyển chú]