Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

ĐĐVU 01 / TỪ NGUYÊN ĐỊA DANH KIM BIÊN / An Chi



* Người đạo Cao Đài phần đông đều biết đến sự kiện tiền bối Phạm Hộ Pháp (1890-1959) truyền đạo và hành đạo tại Nam Vang (Phnom Penh). Tại thủ đô ấy đã sớm hình thành thánh thất Kim Biên. Nhưng vì sao lại gọi Phnom Penh hay Nam Vang là Kim Biên? Chúng tôi có lần đã nêu vấn đề này để thỉnh ý học giả AN CHI. Đầu Xuân Nhâm Thìn (tháng 02-2012), chúng tôi rất hoan hỷ và cảm kích khi được học giả cho phép in lại bài nghiên cứu rất hay sau đây. [Văn Uyển]
*
Nam Vang là cách gọi dân dã mà người Miền Nam phiên âm từ tên thủ đô Phnom Penh của Campuchia để gọi thành phố này. Trong Đại Nam quấc âm tự vị, Huỳnh-Tịnh Paulus Của giảng Nam Vang là “tên chỗ vua Cao-mên ở bây giờ” (quyển từ điển này ra đời, tome I năm 1895, tome II năm 1896). Việt-Nam tự-điển của Khai-Trí Tiến-Đức (Hà Nội, 1931) ghi nhận: “Nam-vang. Do chữ Phnom-Penh dịch âm ra. Tên kinh-đô nước Cao-mên.” Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức giảng là “kinh-đô vương-quốc Cam-bốt (Cao-mên)”.
Cho đến nửa đầu của thế kỷ XX thì địa danh này vẫn được dùng rộng rãi và thống nhất trong cả nước ta. Có lẽ là từ 1954 trở đi, ta mới dần dần đổi Nam Vang thành Phnom Penh. Nhưng Nam Vang đã “chết tên” trong một danh ngữ chỉ món ăn: hủ tiếu Nam Vang. Trước đây, địa danh này còn dùng theo hoán dụ để chỉ cả đất nước Campuchia nữa, như Nguyễn Hữu Hiệp đã viết:
“Do ‘đất liền đất, núi liền núi, sông liền sông’, nhất là nhờ có hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của dòng Cửu Long sông sâu nước chảy, nên giao thông đường thủy từ lục tỉnh đến xứ Chùa Tháp rất thuận lợi. Để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hóa các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Dân gian gọi là ‘tàu Nam Vang’. Người từ Châu Đốc, An Giang có dịp cần mua sắm, đi Nam Vang bằng loại tàu này nhanh và tiện hơn đi Sài Gòn. Đi Nam Vang tức đi đến thủ đô nước Cao Miên (nay gọi Campuchia). Đúng nhất là vậy, nhưng thuở trước đồng bào miền Nam hiểu Nam Vang với nghĩa mở rộng cả nước ấy, hoặc chí ít cũng toàn vùng bao gồm các tỉnh quanh khu vực Nam Vang.” [1]
Và địa danh Nam Vang cũng còn sống trong ca dao:
1. Chiếc tàu Nam Vang chạy ngang Cồn Cát,
Xuồng câu tôm đậu sát cành đa,
Thấy em có chút mẹ già,
Muốn vô nuôi dưỡng biết là đặng không.
2. Dựng buồm chạy thẳng Nam Vang,
Làm thơ nhắn lại, em khoan lấy chồng.
3. Nước ròng chảy thấy Nam Vang,
Mù u chín rụng bóng chàng biệt tăm.
4. Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước,
Ngó về Sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không! [2]
Có một truyền thuyết liên quan đến cái tên gốc Phnom Penh. Tên này xuất phát từ cụm từ Wat Phnom Daun Penh, nghĩa là “Chùa (trên) Núi bà Penh”, cũng nói tắt thành Wat Phnom, nghĩa là “Chùa (trên) Núi”.
Theo lịch sử ghi chép thì năm 1372, Campuchia bị một trân lụt lớn chưa từng thấy. Trên một ngọn đồi bên con sông chảy qua kinh đô, có một góa phụ giàu có tên Penh đã cất nhà ở. Một hôm đẹp trời, bà Penh ra sông lấy nước thì thấy giữa dòng nước chảy cuồn cuộn nổi lên một một cái cây to, từ trong bộng cây phát ra ánh sáng lấp lánh của một bức tượng Phật. Bà bèn gọi thêm mấy người phụ nữ nữa đến rồi họ cùng chung sức lôi cái cây lên bờ thì thấy bên trong có bốn bức tượng Phật bằng đồng và một bằng đá. Vốn là một Phật tử sùng đạo, bà Penh cho rằng đây là món quà Trời ban; bà cùng mấy người phụ nữ kia lau rửa các tượng Phật thật sạch sẽ rồi bà kính cẩn đem về nhà mà thành kính thờ phụng. Sau đó, bà cùng với những láng giềng ra sức đắp một ngọn đồi nhỏ trước nhà và cất một ngôi chùa trên đó rồi đưa năm bức tượng vào.
Để ghi nhớ công lao của bà, người đời sau mới gọi ngọn đồi này là Phnom Penh (Núi [bà] Penh), mà người Hoa phiên âm thành Bách Nang Bôn 百囊奔, âm Bắc Kinh là Băi Náng Bèn, âm Quảng Đông là Pạc Noòng Pắn (ghi cho trong Nam: Pánh). Dần dần, người Hoa vừa tôn xưng vừa tỉnh lược mà gọi là Kim Bôn 金奔, âm Quảng Đông là Cắm Pắn (Pánh). Ở đây, kim (= vàng) hiển nhiên là một từ có tác dụng “làm đẹp” còn Pắn (Pánh), tên bà Penh vẫn được giữ lại. Nhưng với thời gian thì dân Quảng Đông ở Phnom Penh đã biến Pắn (Pánh) thành Pín , khiến cho Cắm Pắn (Pánh) 金奔 thành Cắm Pín 金邊 – phiên âm theo Hán Việt là Kim Biên – rồi cứ như thế mà gọi cho đến ngày nay. Từ nguyên dân gian là nguyên nhân của sự thay đổi này.
Chỉ trừ những ai thích tìm hoặc thông hiểu chuyện xưa tích cũ, chứ các chú chệch, thím xẩm bình thường thì chẳng ai biết Pắn (Pánh) (tên bà Penh) là cái thứ gì. Họ chỉ thấy Phnom Penh ở nơi giao nhau giữa bốn con sông (Thượng Mekong, Tonlé Sap, Hạ Mekong và Bassac) nên mới ngầm hiểu rằng đây là thành phố bên bờ sông mà thay Pắn (Pánh) bằng Pín (trong tiếng Quảng Đông thì coóng pín 江邊 [giang biên] là bờ sông) mà cho ra đời cái tên Cắm Pín 金邊 [Kim Biên] dùng cho đến bây giờ.
AN CHI



[1] “Người Châu Đốc – An Giang làm ăn ở Nam Vang xưa và nay”, Thư viện 4phuong.net.
[2] Những câu này cũng chép theo bài trên của Nguyễn Hữu Hiệp.