“Các con có muốn chỉ giữ bực
tầm thường là hiền nhân một kiếp nầy, để kiếp lai sanh hưởng muôn điều vinh hoa
phú quý? Thảng qua, thì có con thích làm như vậy, nhưng biết kiếp lai sanh còn
nhớ căn cội của mình mà tiếp tục sự nghiệp đạo đức ấy chăng?
“Vậy thì đừng mong vọng điều đó, mà chỉ tận dụng mọi khả
năng, mọi hoàn cảnh, dốc thực hành cho kỳ được một kiếp nầy mà thôi.” [1]
2. Đối với những người đặt nặng
việc tu giải thoát mà xem nhẹ sứ mạng phổ độ, hoằng pháp thì Đức Giáo Tông Vô Vi
Đại Đạo dạy như sau:
“Nhưng không phải Thiêng Liêng chỉ khuyên chư
hiền tu để thành Phật, Tiên, Thánh, rồi quên trách vụ của mình đang mang mễnh.
Tu luyện để có bửu bối giúp cho trí tuệ minh mẫn, tâm thần sáng suốt để giải
quyết mọi vấn đề, hành đạo cho đúng Thiên lý. Tu luyện để diện mạo được từ ái
khôi ngô, tướng đi đứng nằm ngồi thể hiện ra người có hạnh, trang nghiêm, từ
ái, khiêm tốn, để gây thiện cảm, lòng tin với mọi người, mà đó cũng là sức hút
của nam châm do các điều kiện ấy tạo nên.
“Xuyên
qua cái lý đó, chư hiền đệ muội thấy rằng các Đấng không chỉ khuyên tu để thành
Phật, Thánh, Tiên, mà phải tạo điều kiện để trợ duyên cho công cuộc thế Thiên
hành đạo, phổ truyền giáo lý cứu độ nhơn sanh.” [2]
Anh chị em chức sắc, chức việc, tín hữu chúng ta
hãy nghiền ngẫm hai thánh giáo trên đây của Đức Mẹ và của Đức Giáo Tông, rồi xét
nét lại đường lối tu học, hành đạo của mình bấy lâu nay, xem có phù hợp với
thánh ý chăng.
3. Đức Vô Cực Từ Tôn dạy:
“Các con ôi! Các con đã
lập thệ, đã hy sinh và đã có nhiều công quả trên đường xây dựng Đạo, cứu độ sanh
linh. Nhưng những hành động cùng công quả đó chỉ mới tiến được đến mức tầm
thường. Nếu các con là một chúng sanh tầm thường, thì những công quả đó có
thể tạm cho là được đó. Nhưng các con là đoàn tiên phong, đàn anh chị, lại lãnh
vai trò thế Thiên hành hóa, trong lúc mà nhơn sanh còn tội lỗi, còn đau khổ,
còn đói rách, còn dốt nát, thì phận sự các con chưa cho phép các con an phận
thủ thường.” [3]
4. Người Thiên ân sứ mạng, bậc
thế Thiên hành hóa hôm nay phải biết
noi gương người xưa, không xem việc nhà trọng hơn việc đạo. Đó cũng là lời Ni Sư
Diệu Lộc nhắc nhở trong một đàn cơ: “Người xưa vì sứ mạng chẳng dám tạm ghé nhà trong lúc thi hành mạng
lịnh…” [4]
Sử sách còn chép rằng vào thời thượng cổ bên
Trung Quốc, vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn. Vua Thuấn sai ông Vũ làm thủy
lợi (trị thủy). Trong mười ba năm thi hành nhiệm vụ, ông Vũ có ba lần đi công
tác ngang qua nhà mà không hề tạt vào để thăm hỏi gia đình.
Theo lời nhắc nhở của Ni Sư Diệu Lộc, chúng ta
thử hình dung và cảm thấy thương kính biết bao tấm gương của ông Vũ thời xưa,
vì chưa làm xong sứ mạng, chẳng dám để việc riêng làm chậm trễ việc công, việc
chung của thiên hạ.
Lại
thử hình dung, chúng ta sẽ vui biết bao, nếu các bậc Thiên ân chức sắc hướng
đạo ngày nay cũng “chẳng dám tạm ghé nhà
trong lúc thi hành mạng lịnh”. Sẽ chẳng có ai – nhứt là những người có chức
vụ biết xem chức vụ là trách vụ – bỏ bê việc đạo vì những lý do hết sức nhỏ
nhặt, không đáng phải xem trọng hơn việc đạo.
*
Động viên lòng chí thành và tinh thần hy sinh mà
đơn thuần viện lý do trách nhiệm thì có thể tạo cảm giác khô khan như bị bắt
buộc, nên Ơn Trên luôn khơi gợi tình cảm thương Đạo để các con cái của Thầy
Mẹ vì thương Đạo mà không nỡ để cơ Đạo trễ tràng, vì thương Đạo mà siêng năng
nhiều hơn, dốc đầu tư tất cả tâm trí, sức lực và thời gian cho việc Đạo.
Đức Giáo Tông Đại Đạo
Thái Bạch Kim Tinh có lần khuyên chúng ta nên biết khai thác ý nghĩa sâu xa ẩn
tàng trong câu nói của hiền thánh ngày xưa: “Quân
tử ưu đạo bất ưu nhàn.” [5]
Câu này nghĩa là người quân tử lo lắng, chăm làm
việc đạo chứ không lo hưởng nhàn.
Nếu có huynh tỷ, đệ muội nào nghĩ rằng bản thân
không dám tự nhận mình là người quân tử thì cũng nên nhớ tới lời Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh từng dạy: “Còn hàng hướng đạo thế Thiên hành hóa phải
hơn người quân tử nữa kìa.” [6]
Vậy, hằng ngày chúng ta làm toán cộng toán trừ, để
xem ngoài những giờ công phu, ăn uống, nghỉ ngơi cần thiết, ta dùng thời gian
còn lại làm việc gì? Nghiên cứu giáo lý? học đạo? đọc thánh giáo? thuyết đạo? ưu
tư góp phần thực thi kế hoạch hành đạo của Hội Thánh, thánh sở mình?
Những ai tính sổ mà thấy mình còn dư nhiều thời
gian nhàn rỗi quá thì hãy mau đọc to lên lời dạy “Quân tử ưu đạo bất ưu nhàn”
của Đức Giáo Tông để tự nhắc mình điều chỉnh lại thời gian biểu.
Những ai thấy đạo sự đa đoan, làm hoài chẳng
hết, lắm lúc cảm thấy mệt mỏi, cũng hãy đọc to lên lời Đức Giáo Tông nhắc nhở “Quân tử ưu đạo bất ưu nhàn”, rồi tưởng tới niềm vui của Đức Giáo Tông
và các Đấng mà quên hết mọi nỗi nhọc nhằn.
Chẳng còn bao lâu nữa Đạo Thầy chẵn một trăm tuổi.
Đến ngày ấy cơ Đạo có rực rỡ ít hay nhiều, chắc chắn cũng tùy thuộc vào hàng
ngũ Thiên ân chức sắc hướng đạo biết ưu
Đạo nhiều hay ít.
ĐƠN TÂM
Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
[1] Thiên
Lý Đàn, 10-4 Ất Tỵ (01-05-1965).
[2] Thiên
Lý Đàn, 06-3 Canh Tuất (11-4-1970).
[3] Chơn
Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 04-7 Ất Tỵ (31-7-1965).
[4] Chơn
Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 01-10 Ất Tỵ (24-10-1965).
[5] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-01 Canh
Tuất (20-02-1970).
[6] Thiên Lý Đàn, 23-3 Đinh Mùi
(02-5-1967).