Cách cửa số 12 Tòa Thánh Tây Ninh khoảng 70 mét là thánh thất Thái Bình
Thánh Địa, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.
Thánh thất lấy tên Thái Bình theo tên quận Thái Bình. Quận này hình thành
do quyết định của Toàn Quyền ngày 05-6-1871 về việc lập tỉnh Tây Ninh. Năm
1890, tỉnh Tây Ninh có 3 thị trấn và 2 quận: quận Trảng Bàng có 3 tổng, 16 xã; quận
Thái Bình có 7 tổng, 34 xã. Tòa Thánh Tây Ninh đặt tại làng Long Thành, tổng
Hàm Ninh, quận Thái Bình. Năm 1942, quận Thái Bình đổi tên thành quận Châu
Thành Tây Ninh. Năm 1963, tỉnh Tây Ninh chia làm 4 quận trong đó có quận Phú
Khương gồm 8 tổng, 45 xã. Thánh thất thuộc xã Long Thành, tổng Hàm Ninh, quận
Phú Khương. Sau năm 1975, quận Phú Khương đổi tên thành huyện Hòa Thành.
Hiện nay thánh thất Thái Bình Thánh Địa thuộc thị xã Tây Ninh, địa chỉ: 59/4
Cách Mạng Tháng 8, ấp Ninh Phước, xã Ninh Thạnh.
Thái Bình Thánh Địa là thánh thất duy nhứt nằm cạnh Tòa Thánh Tây Ninh, hình
thành từ khi xây dựng Tòa Thánh năm 1927 với tên gọi Nhà Nhóm, nằm cạnh nhà làm
việc của tiền bối Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung (hiện nay là Phủ Thờ Đức Quyền Giáo
Tông Thượng Trung Nhựt). Đây nguyên là nơi làm việc, nghỉ ngơi của hai tiền bối
Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, Chưởng Pháp Lê Bá Trang trong thời kỳ khai phá rừng lấy
đất xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh, và của tiền bối Quyền Thượng Đầu Sư Nguyễn
Ngọc Tương trong thời gian hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh từ 09-5-1931 đến
ngày đầu tháng 3-1934.
Thánh thất Thái Bình Thánh Địa từng là nơi lưu giữ bảy cái ngai ở Tòa
Thánh Tây Ninh trong giai đoạn quân Pháp chiếm Tòa Thánh từ ngày 07-8 Tân Tỵ (27-9-1941).
Khi được tin quân Pháp sắp vào chiếm Tòa Thánh, Ngọc Giáo Sư Võ Văn Thiều
(Đầu Họ Đạo thánh thất Thái Bình Thánh Địa, Đầu Tỉnh Đạo tỉnh Tây Ninh của Hội
Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo) chủ động đem xe bò đến chở bảy cái ngai về lưu giữ
tại thánh thất Thái Bình Thánh Địa.
Đầu năm 1947, theo lịnh tiền bối Phạm Hộ Pháp, ông Chánh Trị Sự Nguyễn
Văn Biện đến thánh thất Thái Bình Thánh Địa xin nhận lại bảy cái ngai đưa về
Tòa Thánh.[1]
Đạo lịnh số 23/ĐLTT/HTH ngày 07-9
Nhâm Tý (02-10-1972) của Giáo Hội Bến Tre đã “hợp thức hóa thánh thất Thái Bình Thánh Địa thuộc pháp nhân Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ Giáo Hội Bến Tre, do nghị định 378/BNV//KS/14 ngày 28-5-1970 do
Bộ Nội Vụ cấp, thánh thất Thái Bình Thánh Địa được giữ nguyên trạng nằm trên
phần đất do cố Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương và cố Nữ Đầu sư Lâm Hương Thanh
thay mặt toàn đạo thời khai đạo đứng bộ.[2] Họ đạo Thái Bình Thánh Địa
phải tu hành thuần túy đạo đức theo tôn chỉ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và đường lối
hành đạo thuần túy của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, do Giáo Hội Bến Tre bảo
thủ chân truyền. Nghiêm cấm mọi sinh hoạt có tính cách
chánh trị.”
Theo lý lịch thánh thất lập ngày 01-7 Canh Thìn (31-7-2000) của Thượng
Giáo Hữu Đoàn Văn Trương (Đầu Họ Đạo), thánh thất Thái Bình Thánh Địa được xây
dựng trên diện tích đất ban đầu do hai tiền bối Nguyễn Ngọc Tương và Lâm Hương
Thanh đứng bộ. Người sáng lập thánh thất là Ngọc Đầu Sư Lê Văn Lịch. Tiền bối
Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt đứng tên xin phép xây dựng Thiên Phong Đường.
Thánh thất Thái Bình Thánh Địa cũ.
Ảnh: Đạt Linh, Đạt Truyền.
Thánh thất Thái Bình Thánh Địa mới.
Ảnh: Đạt Truyền (tháng 4-2012)
Thánh thất còn lưu giữ một bộ bàn tròn, một bộ bàn ghế chữ nhựt và một tủ kiếng hai cánh của tiền bối Ngọc Chánh Phối Sư Lê Bá Trang và hình thờ bà Lê Bá Trang.
Từ ngày thành lập đến năm 2007, thánh thất Thái
Bình Thánh Địa lần lượt do 13 vị Đầu Họ Đạo thay nhau cai quản:
1. Giáo Hữu Ngọc Danh Thanh (1934-1936)
2. Giáo Hữu Thượng Diên Thanh (1936-1938)
3. Lễ Sanh Thượng Bính Thanh (1938-1943)
4. Ngọc Giáo Sư Võ Văn Thiều (1943-1944)
5. Giáo Hữu Thái Cứ Thanh (1944-1946)
6. Ngọc Giáo Hữu Võ Văn Lê (1946-1949)
7. Ngọc Giáo Hữu Lê Văn Tỏ (1949-1954)
8. Thái Giáo Hữu Nguyễn Văn Bí (1954-1964)
9. Thượng Giáo Hữu Nguyễn Văn Huyền (1964-1965)
10. Thượng Giáo Hữu Lê Văn Năm (1965-1966)
11. Thái Lễ Sanh Nguyễn Hữu Tài (1966-1983)
12. Thượng Giáo Hữu Phan Ngọc Đầy (1983-1999)
13. Thượng Giáo Hữu Đoàn Văn Trương (1999-2007)
(Chưa có thông tin về các năm 2007-2011.)
Đương nhiệm gồm có:
Đầu Họ Đạo Thượng Trương Thanh; Phó Đầu Họ Đạo Thượng Lễ Sanh Nguyễn Văn
Đức; Giúp Đầu Họ Đạo Lê Văn Trắng; Chánh Hội Trưởng Nguyễn Văn Tình; Chánh Trị Sự nam Võ Văn Vàng; Chánh Trị Sự nữ Nguyễn Thị Hà. Tổng số có
6 chức sắc (1 giáo hữu, 5 lễ sanh), 9 chức việc, 116 tín đồ (45 nam và 71 nữ).
Thánh thất Thái Bình Thánh Địa đã qua hai lần sửa chữa (1948 và 1964). Năm
2010, thánh thất được xây dựng lại. Lễ trí thạch tổ chức vào ngày 06-3 Canh Dần
(19-4-2010). Lễ an vị tổ chức vào hai ngày 12 và 13-3 Nhâm Thìn (02 và 03-4-2012).
ĐẠT TRUYỀN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
[1] Theo lời kể vào tháng 4-2001 của hai
vị: Ngọc Lễ Sanh Lê
Thành Chuốt (sinh năm 1919), Đầu Họ Đạo thánh thất Phước Trạch (nay là thánh
thất Hiệp Thành, ấp Cây Da, xã Hiệp Thành, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), ngụ
tại tổ 3, ấp Bàu Vừng, xã Hiệp Thành, huyện Gò Dầu. Ngọc
Lễ Sanh Trang Văn Nhàn, Phó Đầu Tỉnh Đạo Tây Ninh của Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo,
ngụ tại ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
[2] Đứng bộ: Bộ (hay bạ, nói
tắt từ địa bạ 地簿) là sổ sách ghi chép về ranh giới ruộng đất ở các làng, xã
trong từng tỉnh. Đứng bộ là ghi họ
tên người làm chủ ruộng đất trong sổ sách do làng, xã lập.
Ngày 09-5-1931 (22-3 Tân Mùi), tiền bối Nguyễn Ngọc Tương tự nguyện làm hai văn
bản giao cho Hội Thánh Tây Ninh giữ làm bằng chứng. Trong văn bản thứ nhất,
tiền bối minh xác rằng thửa đất cất Tòa Thánh tại Tây Ninh do tiền của bổn đạo
mua, tiền bối Nguyễn Ngọc Tương và tiền bối Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh chỉ
ghi tên đứng bộ giúp Hội Thánh mà thôi. Trong văn bản thứ hai, tiền bối minh
xác rằng kể từ ngày 09-5-1931 là ngày tiền bối xuất gia, thì họ tên của tiền
bối không còn dùng để làm sở hữu chủ tài sản tư riêng nữa. Từ ngày này về sau,
bất kỳ tài sản chi mang tên Nguyễn Ngọc Tương tức là tài sản của Hội Thánh Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hai văn bản này có chánh quyền làng Long Thành thị thực, và
có công chứng tại Tòa Bố tỉnh Tây Ninh. [Văn Uyển chú]