Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / LẤY CHÁNH TRI KIẾN TRỪ VỌNG NGỮ / Thượng Văn Thanh


Anh chị em đồng đạo chúng ta ai cũng thuộc lòng Ngũ Giới Cấm: Nhứt bất sát sanh. Nhị bất du đạo. Tam bất tà dâm. Tứ bất tửu nhục. Ngũ bất vọng ngữ.
Thế nhưng việc phạm giới thứ năm thường rất phổ biến, khiến cho đời tu cá nhân và nề nếp tu hành nơi thánh sở bị khiếm khuyết, tổn thương. Việc phạm giới này làm người tu không tiến, đồng thời nề nếp sống đạo và phong cách văn hóa chung của cộng đồng chúng ta chịu ảnh hưởng không tốt, khó được nâng cao.
Chúng ta hãy lấy chánh tri kiến soi rọi vào việc phạm giới này, nhận ra những sai lầm trong quá khứ, dần dần giảm bớt phạm giới trong tương lai, và cuối cùng có thể hoàn toàn không vọng ngữ.
Trước hết nên ôn lại ý nghĩa chánh tri kiến và nội dung giới cấm vọng ngữ.
 Chánh tri kiến có nghĩa là thấy, nghe, hay, biết đúng như thật. Các vấn đề, vụ việc, sự kiện thế nào thì biết đúng như vậy. Sự nhận biết bất kỳ đối vật nào cũng trung thực, không sai quấy lệch lạc vì cố tình hay vì nông nổi, hấp tấp và cẩu thả.
Chánh tri kiến được kể đến đầu tiên rồi sau mới đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định để lập thành Bát Chánh Đạo. Thiếu mất chánh tri kiến thì các pháp môn tiếp theo không thể nào thực hiện được. Chánh tri kiến của Đức Phật là nhìn thấy rốt ráo bản chất cuộc đời. Đời là bể khổ và Đức Phật nhìn ra nguyên nhân cùng phương pháp để thoát khổ. Ở đây, chúng ta lấy chánh tri kiến để nhìn đúng và sâu vào giới cấm thứ năm.
Nội dung giới cấm thứ năm như sau:
“Ngũ bất vọng ngữ là cấm xảo trá, láo xược, gạt gẫm người, khoe mình bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chưởi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa.” (Tân Luật, Chương IV, Điều thứ 21)
Giới cấm thứ năm có sáu mươi bốn chữ, rút gọn chỉ còn bốn chữ “ngũ bất vọng ngữ”, rồi chúng ta lại đơn giản hóa chỉ còn là cấm nói láo. Như thế là giới hạn phạm vi giới cấm, khiến chúng ta càng dễ phạm giới.
Thêm vào đó, việc lười tìm hiểu, ít suy nghĩ, kém học tập giáo lý và thậm chí có thể do ngụy biện nên nhiều người trong chúng ta dễ dàng phạm một số điều cấm của giới thứ năm.
Ngoài những lỗi được liệt kê trong nội dung Ngũ Giới Cấm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ như dẫn trên, còn có những lỗi tương tự như làm chứng gian, viết vẽ bậy bạ, phổ biến các nội dung nói xấu, xúc phạm người khác đều là vọng ngữ, tạo ác nghiệp.
Khi nhìn lại chính mình và nhận xét bà con, anh chị em chung quanh, chúng ta thấy ngay rằng việc phạm một hay nhiều lỗi kể trên rất thường xảy ra. Chỉ cần hăng miệng, ham nói, bị khiêu khích hay kích thích một chút bằng cách này hay cách khác thì chúng ta liền phạm một trong những lỗi kể trên, tức là chúng ta vọng ngữ.
Tại sao chúng ta lại dễ phạm lỗi như vậy mặc dầu chúng ta thuộc nằm lòng giới cấm thứ năm là cấm vọng ngữ và chúng ta cũng rất thành tâm, ngoan đạo, sợ phạm giới?
 Nguyên nhân đầu tiên: Chúng ta chưa quen hành thâm và lấy chánh tri kiến nhắm ngay vào giới cấm thứ năm.
Chánh tri kiến về giới cấm thứ năm nghĩa là biết đúng, đầy đủ và trung thực về giới cấm này, gồm nhiều nội dung cấm đoán liên hệ đến lời nói và rộng hơn nữa là liên hệ đến các hình thức thông tin khác như chữ viết, thư từ, hình ảnh, v.v… Lâu nay, phần lớn chúng ta chỉ nhớ nằm lòng là cấm nói láo hay cấm nói dối. Như thế chúng ta chưa thực hiện đầy đủ chánh tri kiến để giữ giới cấm thứ năm.
Quả thật đáng thương như câu kinh Sám Hối: Thầy ôi, con thiệt thơ ngây!
Rõ ràng chúng ta thơ ngây! Sự thơ ngây này gây tổn thương người khác, làm xấu cộng đồng chúng ta không ít.
Nguyên nhân thứ hai: Chúng ta quên rằng không chỉ Ngũ Giới Cấm mà còn có nhiều bài kinh khác (Kinh Cảm Ứng, Kinh Sám Hối…) nhắc nhở chúng ta nên cẩn ngôn, cẩn hạnh. Chỉ cần vận dụng chánh tri kiến vào một trong các bài kinh này chúng ta có thể giữ được giới cấm thứ năm.
Chánh tri kiến còn là cách nhìn tổng thể từ giai đoạn đầu qua giai đoạn giữa đến giai đoạn cuối, hoặc từ nguyên nhân qua hình thức diễn tiến và đến các hậu quả, ảnh hưởng của mỗi biến cố sự kiện.
Do đó, không nên đơn giản hóa giới cấm vọng ngữ chỉ còn là cấm nói dối. Chúng ta nên nhớ căn bệnh xấu này là một tập đoàn gồm lắm thứ xấu ác liên kết với nhau và phát sinh do nhiều căn cơ phức tạp.
Tâm lý bệnh hoạn khiến có người cảm thấy sung sướng, khoan khoái và hả hê khi vọng ngữ.
Vọng ngữ do động cơ kinh tế, chính trị chiếm một phần nào trong tuyên truyền, quảng cáo. Không thiếu gì người nói xấu hoặc nói tốt không đúng sự thật để hưởng lợi.
Thông thường và nhẹ nhàng hơn, người ta vọng ngữ với hình thức nói không thanh nhã hoặc nói dối vô tội vạ do thói quen, do môi trường giáo dục. Chẳng hạn:
- Con khóc, người mẹ dỗ cho con nín và hứa sẽ mua cho bánh kẹo, hoặc cái này cái khác nhưng rồi có mua gì đâu!
- Em bé vấp té kêu khóc, người lớn sẽ đánh đập chỗ em bé té và bảo em rằng chỗ ấy đã bị trừng phạt.
Xử lý như vậy vừa sai chánh tri kiến vừa tập vọng ngữ và cũng sai lầm khi cho rằng nó không ảnh hưởng xấu đến con trẻ. Những bài học đầu đời thường để dấu ấn sâu đậm, bền lâu về sau. Lớn lên, em sẽ hành xử tương tự.
Dạy con như mẹ thầy Mạnh Kha (Mạnh Tử) thì công phu lắm. Bà là một người mẹ tuyệt vời, đã có chánh tri kiến về vọng ngữ khi dạy con.
Một hôm, cậu bé Mạnh Kha thấy hàng xóm mổ heo, về nhà hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì thế?”
Mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy.”
Dứt lời, bà hối hận: “Ta lỡ nói dối rồi! Con ta còn thơ dại, đầu óc mới mở mang. Nói dối con thì hóa ra ta dạy con nói dối ư?”
Thế là bà liền ra chợ mua thịt heo về nấu cho con ăn.
Chúng ta hãy trân trọng mọi phần tử mang chơn linh Thượng Đế, cẩn trọng trong việc giáo hóa con em để xây dựng nên những công dân và tín đồ có trình độ, biết sống đạo, không vọng ngữ.
Bây giờ chúng ta hãy lấy chánh tri kiến để xem xét hậu quả của vọng ngữ.
Dựa theo nội dung của giới cấm vọng ngữ và cũng theo kinh nghiệm, chúng ta thấy:
 Kẻ bị thiệt hại là người mà sự vọng ngữ nhắm đến. Tính độc ác trong câu nói vọng ngữ có thể gây chết người, phá hủy hạnh phúc, làm tán gia bại sản người liên hệ, gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn.
Về phần người phạm lỗi vọng ngữ, họ bị mất uy tín, tự hạ thấp nhân cách. Tác hại họ gây cho người khác càng lớn bao nhiêu thì họ sẽ gánh chịu ác nghiệp lớn bấy nhiêu.
Kinh Giải Oan có câu:
Từ vô thỉ bắt đầu tập nghiệp
Nghiệp tập rồi phải kiếp trầm luân.
Ngẫm lời kinh ấy và nhìn vào cuộc đời chính mình, cuộc đời đồng đạo thân thiết chung quanh, thật dễ thấy lo sợ. Một nghiệp phát sinh sẽ không dừng lại rồi tiêu đi hoặc phát triển đơn độc. Trái lại, nó cộng hưởng, chiêu cảm nhiều nghiệp khác theo luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu và luật nhân quả vay trả, trả vay.
Nghiệp thiện thì ít, nghiệp ác thì nhiều và tùy duyên khởi phát sinh. Bao nhiêu tôn giáo ra đời, bao nhiêu hiền nhân thánh triết xuất hiện, nhưng phần đông tín đồ tu hành giải đãi, mù quáng nên tai ương, tội ác cứ tiếp tục gia tăng về số lượng và cường độ.
Kinh Hoa Nghiêm chép lời Đức Phổ Hiền Bồ Tát:
“Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết.”
Trên bức tường một ngôi chùa ở Huế treo câu thư pháp:
Thế gian tội lỗi đã nhiều
Linh đơn, tiên dược đôi liều thấm chi!
Trong đạo Cao Đài, chúng ta tụng Kinh Sám Hối:
Con nhìn muôn tội có dư…
Khối lượng tội lỗi ấy có vô vàn nguyên nhân khác biệt nhau, trong đó chủ yếu là do không hiểu biết (vô minh).
Bị đóng đinh trên thánh giá, Đức Kitô thưa với Đức Chúa Cha: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34).
“Không biết việc họ làm” tức là vô minh, là thiếu chánh tri kiến.
Vậy, xin hãy chánh tri kiến để không phạm tội vọng ngữ. Với tâm thành và chí quyết, lại được soi dẫn, hộ trì từ Thiêng Liêng, chúng ta sẽ thành công.
Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài