Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐĐVU 02 / BỨC TRANH CỔ CỦA MỘT ĐẠO HỮU CAO ĐÀI / Đoan Trang


Là một đạo hữu Cao Đài cư ngụ ở thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Luông đang sở hữu một bức tranh cổ, thể hiện những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ trong bữa tiệc ly. Ông Luông rất quý bức tranh và đã tìm hiểu ở nhiều góc độ, từ đề tài, màu vẽ, nền, phong cách cho đến họa pháp để hiểu thêm về một tác phẩm cổ chứa đựng chiều sâu nghệ thuật Kitô Giáo…
Đây là bức tranh vẽ cảnh bữa tiệc ly nhưng là giây phút Chúa Giêsu làm phép bánh và rượu, lập ra hai bí tích (bí tích Thánh Thể và Truyền Chức Thánh), vì vậy bức tranh này khác với bức tại nhà thờ Santa Maria dell Grazie (thành phố Milan, nước Ý) mô tả thời điểm sau bữa tối, khi Chúa Giêsu tiết lộ tên kẻ sẽ bán Ngài.
Ông Luông sôi nổi nói ông đang dành thời gian để chuyên tâm trong việc giới thiệu họa phẩm này với mọi người trong và ngoài nước. Khi được hỏi vì sao có cơ duyên với bức tranh cổ ấy, ông cho biết: “Sinh thời, cha tôi có mở một cửa tiệm tạp hóa và ông say mê đồ cổ nên đã mua nhiều món cổ vật, không chỉ trong nước mà còn từ Trung Quốc, Thái Lan mang sang, trong đó có bức tranh này. Có thể thời điểm đó là vào khoảng những năm 1940, 1950.”
Cha của ông Luông qua đời năm 1969, khi ông được chín tuổi. Tuy lúc ấy còn nhỏ nhưng niềm say mê cổ vật từ người cha đã truyền sang ông. Trong những món cổ vật cha để lại, bức tranh vẽ cảnh bữa tiệc cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các môn đệ được ông quan tâm nhất. Dù làm nghề xây dựng nhưng ông Luông đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu bức tranh. Ông đặt tên món cổ vật mình được thừa kế là Bữa Tiệc Vĩnh Biệt - The Last Supper như tên một họa phẩm nổi tiếng đặt tại nhà thờ Santa Maria delle Grazie. Ông cũng tìm đọc sách báo và biên chép để không chỉ cho mình mà còn nhiều người hiểu nguồn gốc, ý nghĩa bức tranh.
Với kích thước 1,17m x 0,62m, trọng lượng 8,5kg, bức tranh được chép trên hợp chất thạch cao dày 0,01m. Chất liệu phủ lên mặt tranh là một hợp chất không màu trong suốt và phủ không đều. Đây là một lớp thủy tinh và điều này làm cho người xem tự hỏi, bằng phương pháp nào có thể khống chế được nhiệt độ nóng chảy trên 1.8000C của thủy tinh, vì có làm được điều này mới có thể phủ (bọc) thủy tinh lên bề mặt bức họa mà màu vẽ không bị cháy nám.
Về chất liệu, ông Luông nhận ra, thân nền của bức tranh bằng hợp chất có thành phần chính là khoáng vật thạch cao. Đây là loại thạch cao Satin Spar có nguồn gốc ở miền Bắc nước Ý. Hợp chất này màu trắng sữa, giống y như hợp chất đã được các nghệ nhân tô, trét ở trên trần của đền thờ Sistine (Vatican, Ý). Nó cũng giống hợp chất phần nền của bức Last Supper do Leonardo da Vinci (1452-1519) vẽ trên tường nhà thờ Santa Maria delle Grazie.
Lật lại các tài liệu lịch sử, ông Luông tìm thấy: “Vào thời Phục Hưng ở Ý, người ta đã biết ứng dụng loại hợp chất nói trên để đúc thành từng tấm, từng miếng bán cho các họa sĩ dùng vẽ tranh.” Màu vẽ thiên nhiên lấy ra từ động, thực và khoáng vật. Trong tranh có sử dụng loại đất của vùng Sienna (nước Ý). Đất này màu xanh rêu, thường gặp trên tranh của Leonardo da Vinci, như bức Mona Lisa.
Khi ông Luông dùng đèn điện có độ sáng cao rọi nghiêng vào bức tranh, thấy màu vàng phản chiếu óng ánh trên chiếc khăn choàng đỏ thẫm của Chúa Giêsu. Loại màu vàng phát quang óng ánh ở đây là kết quả pha trộn giữa màu keo và bột vàng (Au).
Về phong cách, ông Luông nhận ra tác giả thể hiện không gian bức tranh trong căn phòng xây bằng gạch. Phía sau nơi Chúa Giêsu ngồi là khung cửa sổ khép kín. Kế bên có một quầng tròn sáng (phong cách vẽ này thường gặp trong tranh của Leonardo da Vinci).
Về họa pháp, đường nét trong tranh rất phong phú và đa dạng. Tác giả thể hiện từng đường xếp ly trên trang phục hay chiếc khăn trải bàn. Cảnh tượng trong tranh miêu tả từ to tới nhỏ. Ánh sáng từ tỏ tới mờ. Tác giả rất thành công về luật xa gần, mô tả không gian rất độc đáo của hội họa Ý. Dù bạn ở khoảng cách nào cũng thấy mình ở trung tâm chỗ đó mà nhìn ra chung quanh. Người xem còn nhận thấy nét vẽ liên kết của đường viền rất mềm mại, uyển chuyển, vẽ từ bên phải qua trái. Nhìn tổng thể bức tranh cho thấy một phối cảnh thống nhất, hợp lý.
Với phong cách, họa pháp đặc biệt ấy, có lúc ông Luông ngỡ ngàng tưởng rằng bức tranh cổ này do chính Leonardo da Vinci vẽ.
ĐOAN TRANG
Công Giáo và Dân Tộc, số 1847, ngày 02-3-2012