Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
* Hiền hữu Sử Kiến Nguyên. Điện thư ngày 21-5-2017:
Văn Uyển có thể cung cấp những tài liệu ảnh chụp điện tín
phúc đáp về việc an táng Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh tại Tòa Thánh Tây Ninh,
ảnh của Giáo Sư Thượng Latapie Thanh, văn thư thôi việc giao thiệp với chánh
quyền của Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh, danh sách các thánh thất buổi đầu
nền đạo cũng như một số văn thư của đạo buổi đầu được không ạ? Xin trân trọng
cảm ơn.
Ban Ấn Tống: Chào hiền hữu, về các
câu hỏi của hiền hữu, chúng tôi rất tiếc không sẵn có đủ tài liệu trong tay.
1. Riêng về “văn thư thôi việc giao thiệp với chánh quyền của Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh”, chúng tôi không có trọn văn bản, chỉ tìm được một đoạn
ngắn trích từ hai trang 283 và 285, trong LỊCH
SỬ ĐẠO CAO ĐÀI (quyển II), do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo liên kết
Nxb Tôn Giáo ấn tống (Hà Nội, 2008), nguyên văn như sau:
Ngày 1-4-1933, Ngài Quyền
Đầu Sư Thượng Tương Thanh gởi đạo thơ số 54 cho Thống Đốc Nam Kỳ, đạo thơ có đoạn:
“J’ai l’honneur de venir très respectueusement vous faire connaître qu’à partir
du 1er Avril 1933 je ne repésente plus le Caodaïsme en Cochinchine.
Élevé à la dignité de Đầu
Sư, je ne m’occupe plus, de par mes nouvelles attributions que des questions
spirituelles.
Le successeur de mon
ancien poste sera choisi ultérieurement par le Sacerdoce et porté à votre
connaissance par les soins du Supérieur du Caodaïsme, Monsieur Lê Văn Trung.”
Tạm dịch: “Tôi trân trọng
thông báo với Ông rằng kể từ ngày 1 tháng Tư năm 1933 tôi không còn làm đại diện
cho đạo Cao Đài tại Nam Kỳ.
Thăng lên phẩm vị Đầu Sư,
tôi chỉ còn lo phần thiêng liêng cho Đạo mà thôi.
Người kế vị tôi sẽ do Hội
Thánh chọn và Ông Lê Văn Trung, người lãnh đạo đạo Cao Đài, sẽ thông báo cho
Ông biết.”
2. Bên cạnh là ảnh tiền bối Thượng Giáo Sư Léopold
Latapie.
Tiền bối sanh năm 1885, quy thiên ngày 07-8 Giáp
Tuất (Thứ Bảy 15-9-1934), được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Sau khi
chánh quyền giải tỏa nghĩa trang để làm công viên Lê Văn Tám (quận 1, TpHCM),
chúng tôi chưa biết tiền bối được cải táng về đâu.
Nếu hiền hữu may duyên tìm được các tài liệu đã hỏi (mà
chúng tôi hiện chưa có), rất mong hiền hữu hoan hỷ chia sẻ lại với Văn Uyển. Cầu
nguyện Thầy Mẹ ban ơn lành đến hiền hữu.
*
* Hiền tỷ Ngọc Sương. Thư Bình Phước ngày 07-6-2017:
Đọc Sống Đẹp Là Sống Đạo (quyển 105-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo), thấy ở trang 123 viết: “Để cảm hóa tù nhân, trong hai mươi mốt năm làm giám ngục (1920-1941), Lawes
giúp họ lập đội bóng Những Con Cừu Đen (Black
Sheep) với trình độ gần như chuyên nghiệp.” Tại sao lại lấy tên là “cừu đen”? Kính nhờ
Văn Uyển vui lòng giải thích.
Huệ Khải: Thưa hiền tỷ, ở trang
52 quyển Nhịp Cầu Tương Tri (Nxb Tôn
Giáo 2013, quyển 42-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống), tôi viết:
“Trong một bầy cừu trắng
tình cờ có một con lẻ loi sanh ra mang bộ lông đen vì cái mà di truyền học gọi
là tính lặn (recessive
trait). Khi làm len thì lông cừu đen
không thể nhuộm màu được như lông cừu trắng, do đó lông cừu đen bị chê vì không
có giá trị thương mại. Người Anh thế kỷ 18, 19 xem cừu đen như một dấu hiệu của
quỷ sứ. Về sau, trong tiếng Anh, cừu đen (black sheep) là thành ngữ (idiom) diễn tả
một phần tử bị cộng đồng, phe nhóm, tập thể, gia đình… cho ra rìa, bị phân biệt
đối xử.”
Đội bóng nhà tù mang tên Những Con Cừu Đen để ngụ ý rằng những người tù là phần tử bị xã hội xa lánh, chối bỏ...
*
* Hiền hữu Ngô Văn Biên. Điện thư ngày 10-6-2017:
Là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, qua lời giới thiệu của
đồng đạo, tôi có vào daidaovanuyen.blogspot.com, và thấy blog có trích đoạn văn này của ông
Lâm Võ Hoàng:
“Khi Thủ Tướng Chính
Phủ ký quyết định cho phép Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo hoạt động hành đạo công
khai trở lại, tôi là một trong những người vui mừng nhất (…). Đức Thầy vắng mặt,
nền đạo chuyên lo tu hành vẫn tiếp tục tồn tại. Với sức sống âm thầm bền bỉ,
gắn liền với sức bật của đồng bằng sông Cửu Long, nền đạo biểu hiện khả năng
thích nghi dẻo dai phi thường với mọi hoàn cảnh: rộng càng tốt, hẹp không sao,
thắt tới đâu chịu cũng thấu, mỗi người cứ sống theo tâm đạo, và với niềm tin
của riêng mình, ai sao mặc ai, mọi việc có Phật Trời chứng giám.”
Là môn đồ của Đức
Thầy, tôi cảm động thấy ông Lâm Võ Hoàng viết ra như vậy. Kính nhờ Đại Đạo Văn
Uyển vui lòng cho tôi biết Lâm tiên sinh là ai?
Huệ Khải: Thưa đạo hữu, trong Nhịp Cầu Tương
Tri (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 221, quyển 42-2 của Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo) có ảnh ông Lâm Võ Hoàng như dưới đây:
Một thân hữu của Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống là thầy Tú Đoàn (có thể nói là bạn vong niên và hàng xóm lâu
năm của ông Lâm Võ Hoàng) cho tôi biết như sau:
Trước tháng 4-1975,
ông Lâm Võ Hoàng làm việc ở Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín (Sài Gòn), sống độc
thân tại cư xá của ngân hàng này tọa lạc ở đường Thoại Ngọc Hầu, Gia Định (nay
là đường Phạm Văn Hai, phường 1, quận Tân Bình). Những người khác, ngoài giờ
làm việc, có thể chơi tennis (sân lập ngay trong cư xá), đi xem phim, nhà
hàng... nhưng ông Hoàng lại dành thời giờ nói chuyện với thế hệ sau, tuy chẳng
có nhiều thanh niên “đồng thanh khí” để ông trò chuyện.
Đời ông trải qua
nhiều thăng trầm: chuyên viên ngân hàng, sĩ quan (bị động viên), thứ trưởng
thương mại... Sau tháng 4-1975, ông đi tập trung cải tạo, mất hết nhà cửa (vì
ông sống độc thân, ngôi nhà trở thành vắng chủ). Khi mãn hạn cải tạo trở về,
ông đến tá túc nhà người em (đường Hồ Xuân Hương, quận 3). Sau đó, ông tham gia
“Nhóm Nghiên Cứu Chuyên Đề Kinh Tế Của Thành Ủy” (do ông Võ Trần Chí, bí thư
Thành Ủy, chánh thức thành lập năm 1986 tại Tp.HCM). Nhóm này thường được gọi
là “Nhóm Thứ Sáu” vì các thành viên gặp nhau định kỳ vào chiều Thứ Sáu hàng
tuần. Về sau nữa, ông Hoàng tham gia Tổ Tư Vấn Cải Cách của Thủ Tướng Võ Văn
Kiệt (từ năm 1993)...
Thủ Tướng Võ Văn
Kiệt bình sinh rất quan tâm hoàn cảnh khó khăn của giới trí thức Sài Gòn, hết
lòng giúp đỡ nên một số vị lần hồi đã được trả lại nhà cũ. Riêng ông Hoàng dù
có điều kiện thường gần gũi Thủ Tướng, nhưng không hề “tranh thủ” cơ hội để lấy
lại nhà cũ.
Ông Lâm Võ Hoàng tâm
sự với người thân quen rằng ông “tay trắng” nhưng “lòng thanh” là nhờ đức tin
tôn giáo. Ông coi thời gian đi tập trung cải tạo là vào một “trường chuyên” do
Chúa gởi ông đến để học bổ túc những gì còn thiếu sót trong chương trình đào
tạo trước đây - đó là đói rét, lao động cực nhọc, thiếu thốn mọi thứ,
lòng lân tuất chia sẻ nhường nhịn với mọi anh em đồng cảnh.
Hành trình đến với
đức tin Công Giáo của ông cũng lạ: Mẹ ông theo đạo Hòa Hảo, khai mở tâm đạo cho
ông là những bài sấm giảng; cha ông theo đạo Cao Đài và ông rất say mê hầu đàn
nghe cơ bút giảng dạy. Rồi một hôm, ngồi học bài ở công viên, ông gặp một nữ
bác sĩ quân y người Pháp, bà này khuyên ông đến nhà thờ Mỹ Tho gặp cha phó xứ
(thuộc Hội Thừa Sai Paris). Ông bắt đầu đến với đức tin Công Giáo như thế.
Hiện nay ông Lâm Võ
Hoàng đã ngoài bát tuần, là hiến sinh đang tu dưỡng tại Đan Viện Biển Đức Thiên
Phước (thuộc Đan Hội Subiacô, gốc bên Ý), số 18 Đường Số 7, phường Tam Bình,
quận Thủ Đức, TpHCM. Ông sức khỏe tốt, chỉ phiền thính lực suy giảm do tuổi
tác.
Huệ Khải vài lần có
gặp ông Lâm Võ Hoàng trong dịp báo Công Giáo Và Dân Tộc họp mặt cộng tác viên.
Qua trò chuyện, tôi thấy rõ ông là người đạo đức, sẵn tinh thần liên tôn từ bé
(sinh trưởng trong gia đình liên tôn: mẹ Hòa Hảo, cha Cao Đài). Qua thông tin
do thầy Tú Đoàn kể, qua báo chí tường thuật nhân kỷ niệm “ba mươi năm của Nhóm
Thứ Sáu” (1986-2016), v.v... tôi cảm nhận rõ thêm ông Lâm Võ Hoàng là người có
tài và có tâm, nặng lòng phụng sự dân tộc và không cầu tư lợi. Ông là một nhà
tu nhập thế, dẫu lao đao với thế sự mà trước sau vẫn trong sạch và thanh thản,
để rồi khi việc xong, chí thỏa, ông nhẹ nhàng trở gót vào đan viện, dành hết
những năm tháng cuối đời bên Chúa. Con người ấy, nhân cách ấy, cao quý biết
bao!
*
* Hiền huynh Bùi Tấn Nhã. Điện thư ngày 14-6-2017:
(...) Riêng với Huệ Khải tiên sinh, tôi cũng chưa có cơ
duyên hạnh ngộ, nhưng đã đọc nhiều tác phẩm của ông, như Giải Mã Truyện Tây Du,
chuyên mục liên tôn trên báo Công Giáo Và Dân Tộc, một số sách về đạo Cao Đài
xuất bản sau năm 1975. Nhưng ấn tượng đọng lại trong tôi là bài phát biểu, tại
hội trường Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ nhân đại lễ Khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo 18-5.
Tôi không có mặt hôm ấy, và nhờ cô Kim Thoa (Trưởng Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa
Hảo tại Tp.HCM chuyển cho video clip đại lễ, nhờ vậy mà nghe tiếng và thấy
người, cùng toàn văn bài phát biểu. Có thể nói bài văn này đã chinh phục tất cả
người nghe, trong ấy có tôi. Khi nhắc đến đây, tôi vẫn nhớ như in, giọng nói từ
hòa, trầm ấm, với một văn phong minh triết, nhưng vô cùng khiêm tốn, tiên sinh
Huệ Khải đã làm cho tôi xúc động và ngưỡng mộ tột cùng, khi đã “thay lời muốn
nói” cho cộng đồng Phật Giáo Hòa Hảo, rằng sự công nhận Phật Giáo Hòa Hảo, dù
muộn màng nhưng vẫn tốt, chỉ có điều, thừa nhận Đức Huỳnh Giáo Chủ là nhà yêu
nước thì vẫn chưa đúng vị trí của Đấng cứu thế, Đấng tiên tri...([1]) Nói ra điều này hẳn là Huệ Khải tiên
sinh muốn có sự khách quan, công bằng cho Phật Giáo Hòa Hảo. Mặc dù ông thừa
biết vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã vượt qua cái bản ngã phàm nhân, khi mà
Ngài xưng hiệu Khùng Điên và nói “Mặc tình thế sự kêu thằng hay ông”, nhưng tấm
lòng mà ông dành cho Phật Giáo Hòa Hảo hôm nay càng sâu đậm hơn ....
Được biết anh Chánh là bạn thân của tiên sinh Huệ Khải,
xin phép được qua anh mà chuyển đến ông lời biết ơn chân thành nhất của một tín
đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây.
Thánh Địa Hòa Hảo, mùa đại lễ 18-5 Đinh Dậu, 2017.
Bùi Tấn Nhã, kính bút.
Huệ Khải: Kính thưa Bùi tiên
sinh, sau đây tệ đệ xin gọi tiên sinh là hiền huynh cho thân mật, như cách xưng
hô quen thuộc trong cộng đồng tín hữu Cao Đài.
Anh Trần Văn Chánh, ngay sau khi nhận được thư hiền
huynh, thể theo nhã ý của hiền huynh đã chuyển ngay lá thư dài dạt dào tình cảm,
chan chứa tâm đạo của người viết. Tệ đệ vô vàn cảm kích trước những mỹ ý, thiện
cảm mà hiền huynh sẵn dành cho tệ đệ.
Nhà thơ Mỹ Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882) từng ví
kẻ cầm bút viết văn, làm thơ chẳng khác chi cung thủ bắn mũi tên vào không
trung mà chả hề biết mũi tên của mình sẽ ghim vào nơi nào. Lá thư của hiền
huynh vì vậy là niềm vui đối với tệ đệ, vì tệ đệ biết “mũi tên” của mình may mắn
không mất hút vào hư vô.
Những tình cảm chân thật, tự nhiên của tệ đệ đối với Phật
Giáo Hòa Hảo một phần là do chánh pháp Cao Đài un đúc từ tuổi đôi mươi suốt tới
hôm nay; ngoài ra, còn có yếu tố nữa là những năm tháng thiếu thời sống ở miền
quê, gần gũi sinh hoạt của tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Thật vậy, thuở bé là học trò trường làng (xã Mỹ Luông, quận
Chợ Mới, tỉnh An Giang), tệ đệ chơi thân với đám bạn nhỏ có ba má là tín đồ Hòa
Hảo. Ông thân một đứa là thành viên ban trị sự của Phật Giáo Hòa Hảo ở xã; ông
lại là bằng hữu của thân phụ tệ đệ (bấy giờ đang theo đạo Phật). Do đó, khi bộ Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh
Giáo Chủ (Sài Gòn, 1966) vừa phát
hành, ông biếu ngay thân phụ tệ đệ một bộ. Đến bây giờ trong ký ức tệ đệ vẫn
còn giữ được hình dạng trang bìa thanh nhã của bộ bửu kinh ấy.
Rồi chú bé trường làng và hai đứa bạn nhỏ (gia đình Hòa Hảo)
xa nhà qua Long Xuyên lạ lẫm, cùng theo học trường trung học công lập Thoại Ngọc
Hầu, cùng ở trọ trên đường Nguyễn Trường Tộ ở chân cầu Hoàng Diệu, cặp theo bờ
sông. Ngay đầu hẻm để rẽ vào nhà trọ là một cơ sở khang trang của Phật Giáo Hòa
Hảo. Vuông sân mát mẻ nơi đó thường phủ đầy hoa sứ trắng rụng rơi... Hình ảnh ấy
cũng là một kỷ niệm thiếu thời, dai bền nơi tâm tưởng.
Kính chúc hiền huynh
và bửu quyến an khang. Xin hiệp tâm cầu nguyện Đức Thầy ban ơn phù trì để chánh
pháp Phật Giáo Hòa Hảo hoằng dương, bổn đạo Hòa Hảo đâu đâu cũng được hạnh
hưởng trọn vị pháp lạc.
*
* Hiền hữu Nguyễn Quang Tín (thánh thất Trung Dương,
Lâm Đồng). Điện thư ngày 12-7-2017:
Theo “Tiểu Sử Quan Thánh Đế Quân”, di cảo của đạo trưởng
Huệ Lương in trong Sống Đạo Đinh Dậu 4 (Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 15) có
viết “Ngài Vân Trường với con nuôi là Quan Bình (...) bị hại nhằm ngày 18
tháng 10 năm Kiến An thứ hai mươi bốn, thọ đặng 58 tuổi.” Vậy, tại sao ngày vía của ngài lại là 24 tháng 6 âm lịch hằng năm?
Huệ Khải: Kính thưa hiền hữu, trước
hết nên nhớ rằng đồng bào chúng ta thoạt đầu dùng chữ vía để nói tới ngày sinh (birthday) của một đấng thiêng liêng. Về
sau, bà con dùng theo nghĩa rộng, cứ ngày kỷ niệm (anniversary) một đấng thiêng liêng thì lại gọi là vía. Chẳng hạn, theo dân gian, Đức Quan
Âm có ba ngày vía như sau:
Ngày 19 tháng 02: Vía Quan Âm đản sanh.
Ngày 19 tháng 6: Vía Quan Âm thành đạo.
Ngày 19 tháng 9: Vía Quan Âm xuất gia.
Trở lại ngày vía của Đức Quan Thánh trong tín ngưỡng dân
gian và trong đạo Cao Đài, tôi đã trình bày chi tiết trong quyển Quan Thánh Xưa Và Nay (Hà Nội: Nxb Tôn
Giáo, 2013, tr. 93-96; quyển 59-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh
Sách Đại Đạo). Hiền hữu vui lòng xem lại sách này.
*
* Hiền huynh Biên Nhân (Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An
Giang). Điện thư ngày 20-7-2017:
Tháng trước, tôi được anh
Trần Văn Chánh trao tặng quyển “Tưởng Nhớ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ” do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại
Đạo thực hiện (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014).
Gặp sách đã mừng, gặp
sách in được chăm chút sạch đẹp mừng hơn, nhưng gặp sách tưởng niệm về một nhà
văn hóa Việt có tâm và tầm mà mình từng có dịp kính quý, thì vui và mừng khó tả!
Già, lại cư ngụ nơi vùng biên địa mà bao người phải lo cái ăn mặc ở chưa đủ thì
ít ai ngó mong chi sách báo, lại sách báo tưởng niệm một người xa lạ giới nông
dân thì...
Khoảng 1974, lúc tuổi
thanh niên tầm 25 tuổi, tôi đã “thỉnh” được ông về nhà qua tác phẩm “Khổng Học Tinh Hoa” (Sài Gòn: nhà sách Khai Trí 1970), mà lúc đó phải nhịn ăn sáng hơn tháng mới đủ tiền mua,
nhưng rồi với vốn kiến thức còn nghèo thủa ấy tôi thất vọng về ông! Sau đó qua
nguyệt san Đông Phương, Bách Khoa... tôi có được hiểu thêm và "quen, kính
nể" về ông, nhưng gần mười năm gần đây qua Internet và hôm nay gặp lại ông
qua sách tưởng nhớ ông, tôi mới tạm đủ hối tiếc và tạm đủ kính quý ông - khi ông đã thành người thiên cổ.
Tôi gởi vài dòng này là
vì muốn cảm ơn Chương Trình Chung Tay Ấn Tống và những tác giả tưởng nhớ về ông
đã cho tôi được cùng tưởng nhớ, dù đã trễ tràng!
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh,
chúng tôi rất vui và cảm kích những lời chứa chan tình cảm của một bạn đọc đồng
điệu như hiền huynh, nhất là một bạn văn ở nơi biên địa như hiền huynh tự giới
thiệu.
Hiền huynh tỏ rõ lòng hân thưởng quyển “Tưởng Nhớ Nhân Tử Nguyễn
Văn Thọ” khiến chúng tôi lòng vui không ít mà ngậm ngùi cũng nhiều,
bởi lẽ quyển sách này là một trong những nhan đề mà chúng tôi bị tồn đọng, đến
nay số sách cũ hãy còn nhiều! Thú thật như vậy để hiểu vì sao lá thư hiền huynh
gởi làm chúng tôi vui và biết ơn lắm. Kính chúc hiền huynh an lạc.
*
* Hiền tỷ Đinh Thanh Út (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).
Tin nhắn ngày 23-7-2017:
Vui lòng cho đạo muội hỏi
chín mươi hai ức nguyên nhân, cụ thể là bao nhiêu vị? Đạo muội cảm ơn Văn Uyển.
Huệ Khải: Kính thưa hiền tỷ,
trong bài Hỗn Độn Tôn Sư, càn khôn chủ tể
có câu Cửu thập nhị tào chi mê muội, tức
là nhắc tới chín mươi hai (cửu thập nhị)
ức nguyên nhân. Một ức 億 ngày xưa tính là mười vạn (10x10.000), hay một trăm ngàn (100.000). Như vậy
chín mươi hai ức là chín triệu hai (92x100.000 = 9.200.000).
Ngày nay, một ức là một vạn lần một vạn (10.000x10.000), tức
là một trăm triệu (100.000.000). Như vậy, chín mươi hai ức là chín tỷ hai (92x100.000.000
= 9.200.000.000).
Theo Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới tính tới ngày
31-12-2011 là bảy tỷ. Theo Đồng Hồ Dân Số Thế Giới (World Population Clock) hiện nay dân số thế giới là khoảng bảy tỷ
rưỡi (www.worldometers.info/world-population).
Do đó, chín mươi hai ức (nguyên nhân) nên hiểu theo xưa,
tức là chín triệu hai.
*
* Hiền hữu Trần Thanh Tạo (quầy kinh sách ấn tống ở Tam Kỳ, Quảng Nam). Điện
thư ngày 24-7-2017:
Qua hai tháng hoạt động,
quầy kinh sách ấn tống ở Tam Kỳ đã phát hành được một số
lượng kinh sách, chủ yếu cho các thành phần sau:
- Phổ Tể và các họ đạo:
Phát hành các đầu sách mới do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống gởi về và sách phục
vụ nghiên cứu thuyết trình.
- Tín hữu mới nhập môn
(loại kinh sách riêng).
- Khách thập phương ghé
quầy thỉnh kinh sách (khoảng hai mươi người).
- Khách thông qua
Internet xin thỉnh sách: ba người.
Thông qua kết quả phát
hành nói trên, chúng đệ muội biết được hai đạo tâm có ý nguyện nhập môn nên đã
thông tin về cho họ đạo gần nhất để tìm cách hướng dẫn.
Các hoạt động của quầy vẫn
tiếp tục triển khai tốt.
Đạo đệ kính chia sẻ thông
tin để Chương Trình Chung Tay Ấn Tống cùng vui với quầy phát hành ở Tam Kỳ...
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền hữu,
chúng tôi rất vui khi nhận được tin tức tốt đẹp do hiền hữu chia sẻ. Như vậy,
công việc pháp thí đã có chút “hoa trái đầu mùa”. Chúng
tôi tin rằng với lòng nhiệt thành chăm lo quầy phát hành kinh sách ở Tam Kỳ,
quý hiền sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả hơn nữa. Chậm mà chắc. Luôn luôn có các
Đấng và nhất là Liệt Thánh Tông Đồ miền Trung phù trợ chúng ta. Kính chúc hiền
hữu và các đồng sự an hảo, quầy phát hành kinh sách ở Tam Kỳ được phát triển. Chúng
tôi rất hân hạnh được sát cánh cùng quý hiền.
*
* Hiền huynh Trương Văn Ba (Long An). Điện thư ngày 04-8-2017:
Tôi có đọc “Bài Thơ Xuống Núi” in trong Văn Uyển tập 23, và nhớ tới lời của Bạch Tẫn Lão
Nhơn in trong cuốn Dưỡng Chơn Tập (Hà
Nội: Nxb Tôn Giáo 2012). Ngài Bạch Tẫn chẳng những xem sắc đẹp đàn bà đối với
người tu thiền (hành giả) là cọp mà còn gọi đó là quỷ, là rắn, là trộm cướp.
Ngài Minh Thiện dịch như sau:
“Người đều sợ quỷ, duy
không sợ thứ quỷ đội lốt [quỷ đội lốt giai nhơn, ý nói người đàn bà đẹp] ở
trong nhà, nó câu thần hồn con người. Người đều sợ cọp, duy không sợ thứ cọp ngủ
chung với mình trên giường, nó ăn cốt tủy con người. Người đều sợ rắn, duy
không sợ thứ rắn bao quấn người trong mền, nó hút khí huyết con người. Người đều
sợ trộm cướp, duy không sợ thứ trộm cướp đoạt khí dương ban đêm, nó hại tánh mạng
con người. Sắc nó hại người lớn lắm thay!” (trang 73)
Bài thơ “Nhị bát giai nhân” in trong Văn Uyển tập 23 không nói ai
là tác giả, nhưng theo “Dưỡng Chơn Tập” (sách đã
dẫn, trang 74) thì tác giả là Đức Lữ Động Tân. Đáng nói hơn nữa là bốn câu
trong “Bài Thơ Xuống Núi” và bốn câu trong “Dưỡng Chơn Tập” lại không giống nhau. Đó là chi tiết tôi
thắc mắc, muốn nêu ra với Văn Uyển.
Dũ Lan: Kính thưa hiền huynh, quả
là Dưỡng Chơn Tập (bản in 2012) nói rằng
tác giả bài thơ “Nhị bát giai nhân” là Đức Lữ Tổ (Lữ Động Tân). Một
số tài liệu khác cũng nói như vậy, nhưng cũng không ít tài liệu chỉ nhắc tới
bài thơ mà không nói rõ ai là tác giả. Vì vậy, tệ đệ dè dặt, chỉ viết “từ xưa tới nay còn lưu truyền bốn câu thơ”: Nhị bát giai nhân, thể tợ tô / Yêu gian
trượng kiếm trảm ngu phu / Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc / Ám lý giao quân cốt tủy khô. (Lẽ
ra tệ đệ nên nói thêm: Tương truyền tác
giả là Đức Lữ Tổ.)
Bài thơ trong Dưỡng Chơn Tập (bản in 2012) có ba từ khác
hơn như sau: Nhị bát giai nhân, thể tợ tô
/ Yêu huyền lợi kiếm trảm ngu phu /
Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc / Âm lý
giao quân cốt tủy khô.
Bốn câu tệ đệ dẫn trong “Bài Thơ Xuống
Núi” dường như phổ biến hơn cả (qua truy tầm trên Google). Tuy nhiên, lại thấy
không ít dị bản. Như câu hai, có bản chép:
Hoặc có bản khác chép câu hai và câu bốn như sau:
腰肢如劍斬凡夫 / 暗里叫君精神枯: Yêu chi như kiếm trảm phàm phu /
Ám lý khiếu quân tinh thần khô.([3]) (Sống lưng giống như kiếm chém kẻ tầm thường / Bên trong ngầm làm
cho chàng bị khô tinh thần.)
Bốn câu trong Dưỡng Chơn Tập thì giống với một bản khác nữa,([4]) và bản ấy cũng cho tác
giả là Đức Lữ Thuần Dương (Lữ Tổ):
二八佳人體似酥 / 腰懸利劍斬愚夫 / 雖然不見人頭落 / 暗里教君骨髓枯 : Nhị bát giai nhân, thể tợ tô / Yêu huyền
lợi kiếm trảm ngu phu / Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc / Ám lý giao quân cốt
tủy khô.
Huyền là treo. Lợi kiếm là gươm sắc bén. Vậy câu hai
nghĩa là: Lưng đeo gươm bén chém trai ngu.
Riêng câu bốn, các bản tìm thấy (như dẫn trên) đều viết
là ám 暗. Vậy, bản in Dưỡng Chơn Tập 2012 (không có chữ
Hán kèm theo) rất có thể đã ghi nhầm chữ ám
thành chữ âm khi người sau sao chép
văn bản xưa của ngài Minh Thiện chăng?
*
* Hiền hữu Châu Kim Lan (Ninh Kiều, Cần Thơ). Thư ngày 24-8-2017:
Cháu thấy trên Internet khi
nói về tiên tri Cao Đài xuất thế hay nhắc câu “Cao Đài tiên bút thi văn tự”. Nhưng xem sách thì thấy có người viết “Cao Đài tiên bút thơ văn tự”. Cháu bèn hỏi một vị đạo trưởng quen biết thì vị ấy bảo rằng câu “Cao Đài tiên bút thi văn tự” gồm bảy từ Hán-Việt, vậy rất đúng. Thi văn tức là thơ phú văn chương. Vị ấy
quả quyết câu “Cao Đài tiên bút thơ văn tự” chắc chắn sai, vì
thơ là từ thuần Việt, không thể lọt vào
một câu đọc theo âm Hán-Việt được. Cháu nghe giảng như vậy mà lòng vẫn chưa hết
phân vân. Kính mong Văn Uyển giải thích giúp cháu ạ.
Huệ Khải: Chào hiền hữu. Hiền hữu
quả là thận trọng với chữ nghĩa. Nếu phần đông bà con Cao Đài của mình cũng đều
có đức tính này giống như hiền hữu thì sách vở (thư tịch) Cao Đài sẽ bớt đi rất
nhiều lỗi sai đáng tiếc.
Trước hết, xin xác định rằng câu “Cao Đài tiên bút thi
văn tự” là
SAI. Câu ĐÚNG phải là “Cao Đài tiên bút thơ văn tự”. Tại sao vậy?
Chữ THƯ 書 người miền Nam quen đọc
là THƠ. Cho nên ngoài Bắc bảo THƯ SINH 書生, THƯ PHÒNG 書房, THƯ TÍN 書信, VĂN THƯ 文書, v.v... thì trong Nam nói THƠ SANH, THƠ PHÒNG , THƠ TÍN,
VĂN THƠ, v.v...
Nói cách khác, chữ THƯ/THƠ 書 này chẳng liên quan gì tới chữ THI/THƠ 詩 theo nghĩa bài thơ (poem).
Câu “Cao Đài tiên bút thơ văn tự” vì vậy còn viết là “Cao Đài tiên bút thư văn tự”. Câu này vốn nằm trong một bài kinh xưa của đạo
Lão (Trung Quốc), dùng để tụng đọc mỗi khi lập đàn cơ thỉnh Tiên. Nguyên văn: 高臺仙筆書文字 ...
Giải thích từng từ trong câu như sau:
Tiên bút: Bút tiên, ngọn cơ (chữ
Nho là kê; cầu cơ là phù kê 扶乩, người miền Nam đọc là phò cơ).
Thư: Nghĩa là viết (writing). Thư pháp 書法 là nghệ thuật viết chữ đẹp (caligraphy).
Văn tự: Chữ viết (characters, script).
Cao Đài tiên bút thư văn
tự: Bút tiên Cao
Đài viết ra chữ.
Qua câu hỏi của hiền hữu, chúng ta liên tưởng tới thực trạng
chữ nghĩa trong sách vở Cao Đài xưa nay rất đáng lo ngại, nhất là với phương tiện
Internet thời @. Đơn cử, câu “Cao Đài tiên bút thi văn tự” viết sai, giảng sai có thể tìm thấy khoảng 78 lần
trên Internet.
Nhiều đạo hữu chúng ta tuy viết tiếng Việt còn quá sai
chánh tả, lại hay ngộ nhận về các từ Hán-Việt, nhưng có thừa nhiệt tâm tự phổ
biến các bài viết của mình lên Internet (blogs, facebook, v.v...). Các sai lầm
chữ nghĩa như thế khiến cho người ngoài đạo Cao Đài hoặc không hiểu đúng Đạo Thầy,
hoặc dễ đem lòng thiếu tin cậy thư tịch nhà Đạo chúng ta.
Tự đăng bài lên Internet (blogs, facebook, v.v...) là một
cám dỗ của thời @. Tự đăng bài viết của mình trên Internet mà không
có người thạo việc giúp biên tập câu văn, sửa lỗi chánh tả, sửa từ dùng sai...
thì tai hại chẳng ít. Ngôn ngữ là lợi khí truyền giáo. Có lòng hăng say viết
lách để truyền giáo mà không trau giồi, mài giũa tiếng Việt cho tinh xác, sắc sảo
thì chẳng khác gì người lính xông pha bảo vệ đất nước với gươm cùn, giáo lụt,
súng ống rỉ sét. Bởi vậy, nhận được câu hỏi của hiền hữu, chúng tôi hoan hỷ được
thấy thêm một đồng đạo có đức tính cẩn thận chữ nghĩa như hiền hữu. Quý mến.