Tối Thứ
Bảy 22-7-2017, đêm thơ nhạc “Nhớ Thiện Quang” được tổ chức tại thánh thất Từ
Vân (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), số 100 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú
Nhuận, TpHCM. Các thành viên Ban Nhạc Đạo (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo)
và một số tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại TpHCM đã lần lượt hợp
xướng, đơn ca, diễn ngâm, v.v… rất hay các nhạc phẩm, bản vọng cổ, và hai bài
thơ do Thiện Quang (1965-2016) sáng tác. Trong khoảng ba tiếng đồng hồ, hai đạo
hữu Cao Hoài Nhân (thánh thất Trung Minh) và Bảo Trân (Cơ Quan Phổ Thông Giáo
Lý Đại Đạo) đã cùng dẫn chương trình một cách “ngọt sớt”. Ngoài ra, âm thanh,
ánh sáng, sân khấu bài trí đơn giản mà thanh nhã và ý nghĩa… - tất cả đã hòa hài để cùng góp
phần mang đến thành công tốt đẹp cho đêm “Nhớ Thiện Quang”.
Xen kẽ trong đêm thơ nhạc là một vài cảm nghĩ, hồi ức của một số người từng
gần gũi, thương yêu Thiện Quang. Đặc biệt, tiến sĩ Võ Quốc Phong, giảng dạy tại trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên
TpHCM, đã bày tỏ những tâm tình của ông - một người vừa là học trò và
cũng là đồng nghiệp - đối với
tiến sĩ, nhà giáo Võ Thành Văn (tức Thiện Quang). Sau đây, Văn Uyển hân hạnh
chia sẻ cùng quý đạo hữu phần tâm tình của thầy giáo Võ Quốc Phong, để chúng ta
có thêm một góc nhìn khác về Thiện Quang - người bạn hiền tài hoa, đạo
hạnh mà hình bóng, giọng nói bấy lâu thân quen chừ đà xa vắng.
Thầy giáo Võ Quốc Phong nói:
Tôi là người chập chững đi theo Thầy ở bộ môn Vật Lý Lý Thuyết, từ
khi Thầy mới về Trường (tôi còn là sinh viên
năm thứ ba), đến khi Thầy mất. Tôi được Thầy hướng dẫn, truyền thụ từ khi còn
là sinh viên đến khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh.
Tôi là người may mắn được Thầy khai môn.
Một chữ cũng là Thầy.
Nửa chữ cũng
là Thầy.
Nhưng với
tôi, tôi linh cảm rằng tôi có duyên với Thầy. Duyên ấy như hồng ân chan rưới cho tôi. Đến tận giờ, tôi vẫn
thấy hân hoan và đầy thôi thúc.
Thầy tôi - tiến sĩ Võ Thành
Văn (Thiện Quang) - mang trong tâm nhiệt huyết và chân thành trong nghiên cứu khoa học, trong
truyền thụ tri thức và khai sáng. Thầy về Bộ Môn vào những năm 2007, đã tạo nên
một sinh khí mới cho Bộ Môn với các nét giảng bằng phấn, chi tiết và đầy tâm
huyết. Với Thầy, tôi thấy được sự tận tụy từ trái tim, bởi một tình yêu tri
thức và tình người sâu sắc.
Publilius
Syrus: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ vì sự im
lặng của mình.” Thầy tôi tuyệt nhiên là người đúng với câu nói ấy, và có lần
Thầy bộc bạch: “Tôi giao tiếp và hay ít nói.” Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Long bảo: “[Võ Thành] Văn sẽ không
nói hay viết gì đâu nếu chưa đọc qua.” Bởi vì Thầy rất kỹ tính và trân trọng
ngôn từ. Nhưng sự thật thì sau bề ngoài chất phác là trái tim biết nói, là một
ngọn lửa thắp sáng bao thế hệ sinh viên.
“Quý hồ tinh
bất quý hồ đa” là một trong những phương châm làm việc của Thầy. Hãy làm một
việc chân thành, từ tâm khảm nhiệt huyết hơn là làm qua loa nhiều việc, đấy là
đức tính trân quý mà người học trò nhỏ bé như tôi học được từ Thầy.
Tu giải thoát bằng cách sống đại đồng.
Sống đại đồng
bằng cách tu giải thoát.
Đấy là điều
nhất-nhất, kết nối thống nhất từ khối óc, trái tím đến hành động dâng hiến của
Thầy. Thầy không che giấu phẩm hạnh của người tu hành, nhưng không nói sáo rỗng
về chí nguyện cống hiến cho Đạo và cho nghề với mọi người. Sau này mọi người
mới rõ Thầy đã lập nguyện nhất-nhất theo Đạo. Đấy là đức hạnh cao quý của hiền
nhân đáng kính.
Thầy cũng mặc
nhiên sống đại đồng, bởi tôi cảm nhận điều ấy diễn ra tự nhiên trong Thầy. Thầy
rất hòa nhã và mọi đồng nghiệp đều cảm mến Thầy. Ngay cả những người làm việc ở
Phòng Đào Tạo cũng rất mến tính cách hiền hậu, chân thành của Thầy. “Nhìn Thầy
rất hiền và đúng là người có đi tu.” Một
nghiên cứu sinh từng gặp Thầy đã nói vậy. Thầy ra đi, để lại trong họ sự
tiếc nuối và kính nhớ.
“Sự yên tĩnh và sự hòa bình là hai điều Thầy [Đức Chí Tôn] dụng mà gieo
mối Đạo.” Thật sự, hai điều ấy thấp thoáng trong bài giảng của thầy
Văn, rõ ràng, trong sáng tinh khôi cho đến hài hòa tuyệt diệu. “Đó là những giờ
giảng rõ ràng và hay hơn những giờ lên lớp khác.” Lời của một vài học viên cao học tôi biết.
Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên: “Sự tiến bộ là phải
làm thế nào cho con người của xã hội hoàn hảo một cách tự nhiên.” Đấy đúng là
phong cách Thầy truyền tải nhiều thông tin qua giảng dạy mà không cần nói
nhiều; cho sinh viên thấy tính trung thực mặc nhiên, tính rõ ràng, kỹ lưỡng dẫn
đến hoàn hảo… Từ đó mọi nét đẹp chân nguyên được hiện ra.
Phó giáo sư,
tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh nói: “Hình như sau này chỉ thấy học trò của Văn là
giỏi.” Với nhiều thế hệ sinh viên, Thầy là người thầy mẫu mực và hòa nhã, mang
phẩm hạnh cao quý. Thầy là người đầu tiên đưa lĩnh vực Vũ Trụ Học (Cosmology)
về bộ môn Vật Lý Lý Thuyết của Trường, và đã đào tạo ra hàng loạt sinh viên và
học viên mà sau này vẫn còn một số người đi theo nghiên cứu ở Việt Nam và cả ở
nước ngoài.
Thầy là ngọn
đuốc khai sáng cho sinh viên. Qua những điều Thầy để lại, Thầy còn sống mãi trong lòng các học trò Thầy.
VÕ QUỐC PHONG
Đại Đạo Văn
Uyển tập Lợi (số 19), quý Ba
2016 (tr. 21-66), đã dành 26 trang “Thương
Nhớ Thiện Quang”, gồm thơ, nhạc, tản văn, hình ảnh. Xem bản điện tử tại:
http://daidaovanuyen.blogspot.com/2016/09/vu-19-nien-bieu-thien-quang-vo-thanh.html