Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

18/29 ĐĐVU 24 / NHỚ TIẾNG RAO CỦA BA / HUỲNH KHỞI HUỲNH


Không biết từ bao giờ con hẻm nơi tôi ở bị những người trong thị xã gọi là “hẻm nghèo”. Có thể họ gọi không sai, nhưng sao mỗi lần nghe ai đó nói tới hai từ “hẻm nghèo” là trong lòng lại quặn thắt.
Những người dân ở đây đa phần là người nghèo, sống bằng nghề làm mướn hoặc phụ hồ… Con nít ít khi được học hành, tối ngày ở trần trùng trục rủ nhau đi lượm ve chai. Gia đình tôi đỡ hơn một chút, vì ba tôi có nghề hớt tóc dạo (nghề này của ông cố tôi truyền lại). Tôi nghĩ, nghề hớt tóc cũng vất vả không kém những nghề khác, nhưng được cái nhẹ nhàng hơn và chủ động trong công việc. Có lần vừa về tới nhà, ba lẩm nhẩm một mình: “Ước gì có tiền thuê cái ki-ốt ngoài chợ hớt tóc cho khỏe.” Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi vì một mình ba phải nuôi cả gia đình mười một người con đang tuổi ăn, tuổi học.
Hằng ngày, khi gà gáy canh ba, má đã thức dậy nấu cơm, làm đồ ăn để vô cà men rồi treo lên xe sẵn cùng túi đồ nghề của ba. Khi trời đâm mây ngang, má gọi ba thức dậy. Ba chuẩn bị thêm vài thứ cá nhân rồi dắt xe đạp ra khỏi nhà. Mỗi ngày ba đạp xe đi rất xa, có khi mấy chục cây số, rồi từ đó bắt đầu rao và hớt dài dài về. Cứ mỗi ngày ba đi một con đường và non một tháng thì ba mới quay trở lại. Hôm nào về, trên xe ba cũng có một bọc gạo, vài thứ rau cải mà người ta trả công hớt tóc cho ba, cũng có khi là bọc ổi vườn chín. Những lúc đó anh em tôi ai cũng khoái, đứa nào cũng ăn lấy ăn để. Ba cực khổ suốt năm là vậy nhưng cũng chỉ tạm đủ lo cho anh em tôi ngày hai bữa cơm đạm bạc.
Hiểu được cuộc sống chật vật nơi thành thị của gia đình tôi nên nhiều lần ngoại kêu ba má về quê, ngoại cho ruộng vườn làm ăn đỡ vất vả, nhưng ba nhất quyết không chịu. Ba sợ về ruộng tụi tôi không đi học được, cuối cùng ngoại cũng không nhắc tới nữa. Nhưng đổi lại mỗi năm tới hè, ngoại kêu cậu Út chạy ghe tam bản ra thị xã rước hết mấy anh em tôi về để ngoại lo tiếp ba mấy tháng hè.
Riêng tôi thì ba không cho đi. Ba nói để tôi ở ngoài này đi hớt tóc với ba. Công việc của tôi là bữa nào ế thì lên ngồi cho ba hớt “mở hàng”. Tôi nhớ có lần ba chở tôi đi từ sáng tới xế chiều, rao khản cả giọng mà hổng thấy ai gọi lại để hớt. Tự dưng ba dừng lại chỗ đông người rồi kêu tôi ngồi cho ba hớt “mở hàng” thử coi có gì mới không. Hổng biết tôi mở hàng hên thiệt hay sao mà ba vừa nhấp nhấp mấy kéo đã có hai, ba người dắt con tới hớt, ba liền nháy mắt ra hiệu cho tôi xuống để hớt cho khách. Và từ đó tóc tôi lúc nào cũng để dài hơn những đứa con nít khác. Ba nói để dành hôm nào hớt ế thì bắt tôi lên ngồi hớt “mở hàng” cho ba. Lúc ba hớt tóc cho khách thì tôi đi kiếm lá me đất hái cho ba để tối về ba ngậm cho đỡ khan giọng.
Những ngày đi theo ba hớt tóc tôi vui lắm, bởi hôm nào hớt đắt một chút ba mua cho cái bánh dừa, hoặc bánh cam, có khi cả ly đá bào to đùng ăn đã đời.
Nhưng lạ, chưa bao giờ tôi thấy ba mua phần cho ba. Có lần tôi hỏi: “Bộ ba không thích ăn bánh hả?” Ba trả lời không ăn nhập vào đâu: “Ước gì được nằm ngủ một chút.” Tôi vô tư: “Trời đất! Hôm nào buổi trưa má cũng bắt ngủ, con sợ muốn chết, còn ba thì thèm, ngộ thiệt!” Ba không nói hay giải thích gì thêm mà hai chân cứ cố đạp những vòng xe nặng trịch để mong được đi xa hơn. Bất chợt tôi nhìn lên, thấy mồ hôi đã thấm ướt chiếc áo của ba. Ba lại cất tiếng rao, tiếng rao của ba lúc này khàn đặc, càng lúc càng nhỏ dần và gần như đứt quãng: “Hớt tóc, hớt tóc… đ… ây...” Chiếc bánh trên tay tôi rớt xuống đất tự bao giờ mà tôi chẳng hề biết, thay vào đó là những giọt nước mắt đã âm ấm trên gương mặt.
HUỲNH KHỞI HUỲNH
http://baocamau.com.vn/
van-hoc-nghe-thuat/nho-tieng-rao-cua-ba-46961.html