Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

19/29 ĐĐVU 24 / VĂN HÓA ĐỌC TRUYỀN THỐNG VÀ VĂN HÓA ĐỌC THỜI @ / DŨ LAN

Image result for READING @

Đọc sách để mở mang kiến thức là một lẽ, còn một lẽ khác là để tu dưỡng tâm hồn bằng các sách đạo lý, các tích truyện hiền nhân thánh triết Đông Tây kim cổ. Bởi vậy, trong một đàn cơ tại Vạn Quốc Tự, quận 3, Sài Gòn, ngày 07-12-1965, Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch khuyên người tín hữu Cao Đài: “… mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện.” Xét ra lời dạy ấy cũng cần cho tín đồ mọi tôn giáo.

Đọc là nhu cầu văn hóa của con người. Ngày nay, với Internet, văn hóa đọc càng tiện ích. Vấn đề là làm sao giáo dục cho trẻ có sự hứng thú đọc sách để khi trưởng thành sẽ là những người lớn có thói quen (hay sở thích) đọc sách.

Tuy nhiên, việc tập cho trẻ thích đọc sách dường như chưa được quan tâm đúng mức ở trường học nước ta. Bởi vậy, trả lời phỏng vấn do Thụ Nhân thực hiện (và đăng trên http://vnn.vietnamnet.vn, ngày Thứ Tư, 09-4-2008), giáo sư Chu Hảo nêu ý kiến như sau:

“Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, như tôi đã nói, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em.”

Văn hóa đọc truyền thống
Xưa kia sách không rẻ và rất quý hiếm, người biết chữ cũng ít. Cho nên sách hầu như chỉ dành cho vua chúa, quan chức, quý tộc, nhà giàu. Ngay cả kẻ sĩ cũng không thể có nhiều sách để đọc. Có lẽ vì thế mà thiên hạ quý sách, tôn sùng sách đến nỗi vào đời Minh (Trung Quốc), Đông Lỗ Cổ Cuồng Sinh 東魯古狂生 khi viết tiểu thuyết Túy Tỉnh Thạch 醉醒石 (Đá Hết Say), ở Hồi Thứ Bảy có câu: “Sĩ nhân tam nhật bất độc thư, tắc diện mục khả tăng, ngôn ngữ vô vị.士人三日不讀書, 則面目可憎, 語言無味. (Kẻ sĩ ba ngày không đọc sách, ắt mặt mũi dễ ghét, lời lẽ chán phèo.)
Trước đời Hán, thế kỷ 3 trước Công Nguyên (TCN), giấy chưa được phát minh. Người ta viết chữ trên lụa hay thẻ tre, thẻ gỗ. Các thẻ tre, thẻ gỗ được kết lại bằng dây da bền chắc, giống những tấm mành trúc thời nay, và gọi là “sách”, chữ Nho tượng hình viết là . Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên (thế kỷ 2 TCN), Đức Khổng Tử siêng đọc Kinh Dịch và đọc đi đọc lại đến nỗi các dây da buộc các thẻ tre bị đứt phải cột lại đến ba lần. Cũng theo Tư Mã Thiên, Đức Khổng có lần rời nước Lỗ sang kinh thành nước Chu tìm gặp Đức Lão Tử để học hỏi về lễ. Mà bấy giờ Đức Lão đang quản thủ kho sách của triều đình, nên không loại trừ khả năng Đức Khổng nhân cơ hội ấy đã xin Đức Lão cho phép ghé mắt vào kho tàng kinh sách quý giá của thiên tử nhà Chu.
Khi sách quá hiếm, sở hữu được một pho sách tốt (giá trị) là đủ để mài giũa cho thành “chánh quả”. Có lẽ vì thế nên nhiều nhà triết học hay đạo gia Trung Quốc khi xưa, mỗi vị chỉ nhờ chuyên trị một pho kinh mà đã thành danh, bất hủ. Chả trách, trong bộ Hán Thư (một trăm thiên hay chương) của sử gia Ban Cố (32-92), có câu này: “Di tử hoàng kim mãn doanh, bất như nhất kinh.” 遺子黃金滿贏, 不如一經. (Để lại cho con một rương vàng chẳng bằng lưu lại một pho kinh.) Ở đây, “kinh” nên hiểu là sách quý, giá trị.
Văn hóa đọc thời @
Sách báo thời bây giờ in nhiều, giá cả dẫu chưa rẻ, nhưng không đến nỗi chẳng thể mua được. Tuy nhiên, có vẻ như xã hội càng tiến bộ, điều kiện tiếp cận sách báo càng dễ hơn thì con người càng coi nhẹ việc đọc sách, và hệ quả nhãn tiền đang được công luận lưu ý bấy lâu là con người thời đại đang suy thoái về mặt văn hóa đọc (reading culture), và đáng nói là ở Việt Nam.
Thật vậy, cuối năm ngoái, theo báo điện tử Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một viện đại học Mỹ (là Central Connecticut State University) làm thống kê các nước đọc sách nhiều nhất thế giới; kết quả trong bảng xếp hạng sáu mươi mốt nước đọc sách nhiều nhất (có kể đến ba nước ở Đông Nam Á) thì “Singapore xếp thứ 36, Malaysia xếp thứ 53 và Indonesia áp chót, đứng thứ 60. Tìm mỏi mắt không thấy có Việt Nam. Có thể hiểu là Việt Nam không có trong số 61 nước đọc sách nhiều nhất trên thế giới.” ([1])
Lại nữa, báo Tuổi Trẻ (bản điện tử) cho biết: “Theo số liệu thống kê của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch công bố tháng 4-2013, mỗi năm mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách.” ([2])
Có người “đổ thừa” rằng văn hóa đọc sở dĩ đang bị lấn lướt vì nó đang chịu áp lực từ sự tăng tốc phát triển muôn vẻ của văn hóa nghe-nhìn (audio-visual culture), mà hai thủ phạm nổi cộm nhất chính là truyền hình màu và Internet.
Dường như lý lẽ trên không phải hoang đường. Quả thật, trong thời @ người ta có thể đọc sách báo bằng nhiều cách, đọc và nghe trực tuyến (online) với cả sách điện tử (e-books) lẫn sách nói (audio books). Mà cách đọc thời @ cũng chứa lắm sự dở điều hay trong đó.
Ngày xưa, để khuyến khích con cháu đọc sách, các cụ luôn nhắc câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc.” 書中有女顏如玉, 書中自有 黃金屋. (Trong sách có cô gái mặt xinh như ngọc, trong sách tự nó có nhà vàng.) Ngụ ý rằng kẻ làm trai ráng siêng đọc sách, chăm chỉ học hành, mai sau thi đậu làm quan thì sẽ cưới được vợ đẹp, được sống trong cảnh nhà giàu sang, phú quý.
Ngày nay, Internet chẳng những cung cấp dễ dàng, mau lẹ và rẻ tiền đủ các kiểu sách báo trực tuyến mà còn cám dỗ người đọc trên mạng sa chân lạc bước vào những địa chỉ “đen” với không biết bao nhiêu nữ nhân đủ quốc tịch, chẳng những trình diện “nhan như ngọc” mà còn phô bày thêm nhiều chỗ rất nhạy cảm khác mà Nguyễn Du khéo bảo là: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà / Rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên.”
Trong một cuộc cạnh tranh không cân sức như thế, văn hóa đọc truyền thống quả khó tránh khỏi sa sút.
Văn hóa đọc truyền thống vẫn không bị đào thải
Khi các báo ngày phát hành thêm loại hình báo trực tuyến, có người ngỡ rằng báo in giấy sẽ mau chóng rút lui khỏi “vũ đài” ngôn luận. Nhưng sự lo xa này hóa ra cũng hoang đường. Trừ một số người sính uống cà phê ăn sáng với máy tinh xách tay (laptops) và công nghệ không dây (Wi-Fi) trong các tiệm máy lạnh sang trọng, đại đa số quần chúng vẫn không bỏ được cái thú ngồi gác chân ở quán cóc bình dân, vừa nhâm nhi cà phê, vừa thưởng thức tờ báo ruột của mình.
Văn hóa đọc truyền thống cũng sẵn sàng thách thức văn hóa đọc thời @ ở nhiều phương diện khác. Cúp điện, hay động đất làm đứt cáp ngầm dưới đáy Thái Bình Dương, đối với sách báo in giấy thì chả nhằm nhò gì.
Chúng ta không thể không tán thưởng tiện ích kỳ diệu mà văn hóa đọc thời @ cung cấp, nhưng sách điện tử thời @ làm sao có thể thỏa mãn cho ta cái thú mân mê, ve vuốt cuốn sách mới in còn thơm mùi mực; cái thú viết vào trang giấy những ghi chú, nhận xét của mình, để rồi rất lâu sau đó, một hôm mở sách cũ ra đọc lại, nhìn thấy những ghi chú ấy, nhận xét ấy mà vui vui, tự hỏi: “Sao hồi ấy mình ngớ ngẩn thế!” Hoặc: “Không ngờ hồi ấy mình sâu sắc nhỉ?” Lại còn một số người đọc khác, chỉ với sách in họ mới sung sướng giữ được thủ bút của tác giả họ yêu mến, qua lời đề tặng kèm theo chữ ký.
Quả thật, sách in giấy mang tặng ta nhiều cái thú riêng mà sách điện tử đành phải nhường nhịn. Xin kể một chuyện nhỏ: Cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) bình sinh có thói quen luôn luôn đọc sách với một cây bút chì trên tay, để sẵn sàng ghi chú ngay vào lề sách. Tôi còn giữ một bản sách cũ cụ Nguyễn tặng, là biên khảo của một học giả viết về Đức Khổng Tử, nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) xuất bản vào đầu thập niên 1970. Đọc sách ấy, tôi thấy rõ nét bút chì của cụ Nguyễn ghi bên lề một trang: “Tán quá!” Và tôi mỉm cười, thú vị.
Dung hòa văn hóa đọc truyền thống với văn hóa đọc thời @
Nhưng văn hóa đọc thời @ có một ưu thế mà văn hóa đọc truyền thống phải chào thua: Nó không choán chỗ vì không cần tủ kệ chứa sách. Tôi kể thêm chuyện này:
Cách nay không lâu, nhân dịp khai giảng năm học mới, quý chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có nhã ý mời tôi đến thánh thất Trung Minh trò chuyện với các sinh viên Cao Đài, quê miền Trung đang theo học ở trong Nam. Hôm đó, tôi hỏi có bạn trẻ nào từng theo dõi các sách ấn tống (tặng miễn phí) do tôi chủ trương và thực hiện từ năm 2008 và đã in hơn một trăm nhan đề không, thì chẳng cô cậu nào trả lời. Có lẽ thấy vẻ mặt tôi ỉu xìu vì thất vọng, cuối buổi nói chuyện, một cô sinh viên đến gặp riêng tôi để giải thích, đại ý: Sinh viên xa quê phải thuê nhà trọ chật hẹp, lại thường hay dời chỗ, nên rất bất tiện nếu sở hữu nhiều sách in.
Chuyện tiếp theo thì cũ hơn. Hồi năm 2006, một ông nọ nghe râm ran bàn tán về quyển Ba Người Khác của Tô Hoài (1920-2014), in tại nhà xuất bản Đà Nẵng, mỗi cuốn bán chưa tới 35.000 đồng. Nhưng ông sống ở tỉnh lẻ, tìm sách không ra. Ông bèn vào Google, lập tức tìm ra toàn văn quyển sách, lại còn kiếm thêm được các cuộc bàn thảo của văn giới Hà Nội chung quanh tác phẩm (mà sách in không có). Ông bèn download tất, khi in ra giấy A4 lại chọn chữ Times New Roman cỡ 14 cho dễ đọc với con mắt già nua. Ông còn hào phóng đem photocopy tặng cho mấy thân hữu ghiền sách. Tính ra một bản sách “luộc” như thế nội dung phong phú hơn sách “thật” mà tiền sao chụp rẻ hơn giá ghi trên bìa sách in. Những bạn về hưu, ít tiền như ông thích quá. Người nào chỉ cần đọc cho biết nội dung sách thì vui lòng chấp nhận kiểu “luộc” này, nhưng dân chơi sách sành điệu thì nhăn mặt, tỏ ý chẳng thèm. Hơn nữa, việc “luộc” như thế rõ ràng gây thiệt hại cho tác giả và nhà xuất bản, vi phạm bản quyền.
Nhân nói về chuyện sao chụp sách, xin kể một chuyện khác: Rất nhiều năm về trước, có lần tôi nhờ hai người quen ở Mỹ vào hai thư viện khác nhau xin photocopy lại một cuốn sách viết về đạo Cao Đài của mục sư Victor Oliver in tại thành phố Leiden (Hà Lan) năm 1976, nhan đề: Caodai Spiritism: a Study of Religion in Vietnamese Society. Mỗi thư viện khi sao chụp đã cố ý bỏ sót một số trang, có lẽ để tuân thủ luật lệ bảo vệ bản quyền. Vì vậy tôi nhận được hai bản sao không đầy đủ; tuy nhiên, các trang bị bỏ sót ở bản sao này thì lại có đủ ở bản sao kia, và ngược lại; nhờ thế mà cuối cùng tôi vẫn có được hai bản sao chụp trọn vẹn.
Trở lại chuyện sách trên mạng. Một ông khác làm nghiên cứu, những danh tác chẳng hạn như Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du Ký Diễn Nghĩa, v.v... ông đã sắm đủ bộ, đóng bìa giả da mạ chữ vàng cẩn thận. Nhưng khi dạo Internet, phát hiện bộ nào đã trở thành sách điện tử, ông đều download và lưu vào máy tính. Hỏi tại sao làm chuyện có vẻ hơi dư thừa ấy? Ông không giấu nghề, chỉ “mẹo”:
Khi cần tìm một điển tích trong Đông Chu Liệt Quốc hay một sự kiện trong Tây Du Ký Diễn Nghĩa, thì sách in không có phần chỉ dẫn (index) tỉ mỉ như sách nước ngoài, đành phải dò từng trang, từng dòng, mệt lắm! Nếu có bản điện tử, chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm trên máy tính là thấy ngay. Đã thế, cứ sao chép (copy) đúng đoạn văn cần dùng, rồi dán (paste) vào bài viết của mình, khỏi phải lọ mọ gõ từng con chữ theo sách in. Tiện biết mấy! Nếu cẩn thận, thì mở sách in ra đối chiếu với bản điện tử, đề phòng bản điện tử sai sót chữ nghĩa, rồi dựa vào bản sách in mà ghi số trang, bổ sung cho chỗ khiếm khuyết của bản điện tử.
Thực tế cho thấy, văn hóa đọc truyền thống và văn hóa đọc thời @ không hoàn toàn xung khắc nhau, trái lại cả hai đều có thể dung hòa, hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề là biết cách đọc và biết khai thác. Sách in giấy hay sách điện tử đều chỉ là công cụ, là phương tiện. Chính con người mới làm chủ nó, quyết định cách dùng nó.
Muốn phát triển văn hóa đọc ở người trưởng thành, thì nên bắt đầu từ đâu? Xin thưa: Ngay từ thơ ấu trẻ phải được bồi dưỡng văn hóa đọc từ trong gia đình thông qua chuyện kể của ông bà, cha mẹ (hoặc dùng sách nói). Người lớn trong nhà ham đọc sách cũng là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Khi trẻ vào cấp tiểu học, chính nhà trường phải tiếp tục dẫn dắt trẻ vào thế giới của chữ nghĩa. Sách giáo khoa dạy văn soạn khéo sẽ tác động, lôi cuốn trẻ dần dần thấm nhập một cách tự nhiên vào văn hóa đọc cho đến tuổi trưởng thành. Mọi lo lắng, dị ứng hay kỳ thị trước sự phát triển của văn hóa đọc thời @ có lẽ sẽ không cần nói tới nữa.
Nhà báo Mỹ là Ralph Kinney Bennett thuở nhỏ cùng với Roger (anh em sanh đôi) đêm nào cũng được mẹ hiền đọc truyện trước giờ ngủ. Ông kể:
“Sau khi đọc kinh, chúng tôi nghiêng người chỏi lên khuỷu tay, trong lúc má ngồi ở cạnh giường. Giờ đây tôi vẫn nhìn thấy má nhẹ nhàng, lặng lẽ lần giở trang sách, má hít vô một hơi dài rồi bắt đầu đọc truyện.
Trong những đêm thần tiên ấy chúng tôi không đoán biết được mình sẽ gặp những nhân vật nào. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ngồi bên cạnh má, dõi theo những nét chữ màu đen nhỏ xíu trên những trang sách trong khi giọng kể của má biến chữ nghĩa trở thành những hình ảnh rõ ràng sáng sủa…
(…)
Ban đêm, giống như các ông hoàng xa xưa ôm cằm mê say nghe người kể chuyện của cung đình phục vụ, chúng tôi vui sướng ngập tràn trong lúc má đọc truyện… Và với từng chỗ ngắt quãng, lúc lên bổng xuống trầm, khi đọc diễn cảm, má đã dạy chúng tôi biết cách làm cho chữ nghĩa lên tiếng khóc cười hay khiến mình phải nhăn trán nghĩ suy.” ([3])
Khi quan tâm đến thực trạng văn hóa đọc của người Việt đang sa sút một cách đáng ngại, như báo chí lâu nay từng lên tiếng, có lẽ mẩu hồi ức trên đây của Bennett gợi được đôi điều suy ngẫm nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề một cách căn cơ ngay từ trong mỗi gia đình, với vai trò và ý thức của chính các bậc cha mẹ, những gương mẫu ham đọc sách trước mắt con trẻ hằng ngày.
DŨ LAN




([1]) http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/20161017/ham-doc-chi-la-huyen-thoai/1187566.html.
([2]) http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20161117/61-quoc-gia-co-nguoi-doc-sach-nhieu-nhat-khong-co-viet-nam/1221061.html.
([3]) Huệ Khải, Ai Đo Lòng Biển. (Quyển 108.1 trong Tủ Sách Văn Học Đại Đạo, 2017, tr. 133-135.)