Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

20/29 ĐĐVU 24 / NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM / CAO VĂN THỨC


Từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX, các nước tư bản phương Tây đã lần lượt tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp và ngày càng trở nên giàu mạnh. Nhu cầu về nguyên liệu sản xuất hàng hóa và thị trường tiêu thụ hàng hóa đã thôi thúc các cường quốc phương Tây xâm chiếm đất đai các quốc gia phương Đông để biến thành thuộc địa. Việt Nam ở thế kỷ XIX cũng nằm trong quỹ đạo xâm lược của các nước thực dân phương Tây. Trước khi bị thực dân Pháp xâm lược bằng vũ lực, Việt Nam cũng đã được các nước phương Tây tiếp cận và mời gọi hợp tác thương mại, ngoại giao. Có thể nói đây là những cơ hội rất tốt để canh tân đất nước, mở cửa hội nhập với thế giới văn minh. Rất tiếc, triều Nguyễn ở những thập niên đầu thế kỷ XIX đã bỏ lỡ những cơ hội này, để rồi đất nước nghèo yếu, không đủ sức bảo vệ độc lập dân tộc và cuối cùng rơi vào tay thực dân Pháp.
NHỮNG CƠ HỘI ĐỂ GIAO TIẾP VỚI THẾ GIỚI VĂN MINH
Sau khi thống nhất đất nước, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua ở Phú Xuân (Huế), lấy niên hiệu là Gia Long, rồi sai sứ sang cầu phong nhà Thanh. Nhà Thanh đã cử sứ giả sang phong cho Gia Long làm An Nam Quốc Vương, mở ra triều đại nhà Nguyễn. Kể từ đó, các vua nhà Nguyễn đã xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, rập khuôn mô hình chính trị của phong kiến Trung Quốc. Triều đình Nguyễn theo đường lối cai trị cổ xưa, về kinh tế thực hiện chính sách trọng nông, ức thương, chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp cổ truyền, xem nhẹ và ngăn cản sự phát triển của công thương nghiệp. Vì vậy ở thế kỷ XIX, Việt Nam vẫn chỉ là nước nông nghiệp lạc hậu.
Trong khi các vua Nguyễn nối tiếp nhau cai trị đất nước, tự bằng lòng, thỏa mãn với một mô hình chính trị, kinh tế cũ kỹ ngàn xưa, khép kín và sùng bái nền văn minh cổ đại Trung Hoa như vậy thì tình hình thế giới lúc bấy giờ chuyển biến với tốc độ ngày càng nhanh. Người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Mỹ… lần lượt tìm đến các nước phương Đông để tìm nguồn lợi, giao lưu thương mại (đặt thương điếm, lãnh sự…). Từ đầu cho đến thập niên 70 của thế kỷ XIX, trong suốt gần bảy mươi năm đó, các nước phương Tây đã nhiều lần đến gõ cửa xin được thông thương với Việt Nam. Ở đây xin nêu ra một số cuộc giao thương quan trọng diễn ra trong thời gian mấy chục năm và trải qua bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Thời Gia Long (1802-1819)
Năm 1803, sau khi Gia Long vừa chiến thắng Tây Sơn được gần một năm thì công ty Ấn Độ của Anh đã phái một nhân viên tên là Roberts đến dâng phẩm vật và thư lên nhà vua, xin lập phố buôn bán ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nhưng Gia Long đã bác bỏ rằng “Hải cương là nơi quan yếu, sao lại cho người ngoài được”, và cho trả lại tặng vật.([1]) Như vậy, nước Anh là quốc gia sớm nhất đến đề nghị nước ta thông thương ở thế kỷ XIX.
Một năm sau (1804), người Anh lại tiếp tục cho sứ giả mang phẩm vật và thư dâng lên triều đình Huế xin cho thương nhân của họ được đi lại buôn bán ở Đà Nẵng. Nhưng nhà vua phán: “Tiên vương kinh dinh việc nước, không để người Hạ lẫn với người Di,([2]) đó là cái ý để phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao gian giảo, trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ khác hẳn; không cho họ ở lại, ban cấp ưu hậu cho họ và bảo họ về, không nhận phẩm vật họ hiến.” Sứ giả người Anh kiên trì đưa thư thỉnh cầu hai, ba lần nữa nhưng cũng đều bị Gia Long từ chối.([3])
Tiếp sau người Anh là người Pháp. Năm 1817, vua Louis XVIII của nước Pháp phái chiếc tàu Cybèle do thuyền trưởng tên là Achille de Kergariou dẫn đầu sang Việt Nam, xin thi hành Hiệp Ước Versailles đã ký kết năm 1787 về việc nhường cửa biển Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Vua Gia Long đã trả lời là Hiệp Ước ấy chính phủ Pháp đã không thi hành trước đây cho nên không có giá trị.([4])
Năm 1819, có một thương nhân Hoa Kỳ là John White tới Gia Định xin được buôn bán với nước ta, triều đình Việt Nam chỉ hứa hẹn là sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc buôn bán của vị thương nhân này mà thôi.([5])
Thời Minh Mạng (1820-1840)
Sau khi Gia Long qua đời (1819), Minh Mạng lên nối ngôi. Thấy vua mới lên ngôi ở Việt Nam nên người Anh lại muốn đến để giao thương, buôn bán. Năm 1822, viên tổng đốc Ấn Độ thuộc Anh là Lord Harsting cử một phái bộ do John Grawfurd là tổng đốc Sigapore làm trưởng đoàn, đi tàu thủy đến cửa sông Hàn dâng thư và phẩm vật gồm năm trăm khẩu súng điểu thương, một cặp đèn pha lê, xin được thông thương với Việt Nam. Quan dinh Quảng Nam dâng thư lên vua. Vua sai đưa phái bộ Anh về kinh đô Huế. Trưởng đoàn Grawfurd xin được yết kiến nhà vua, nhưng Minh Mạng cho rằng “Y là người của tổng đốc phái đi, không phải do phụng mạng vua Anh”, vì vậy không tiếp và không nhận phẩm vật. Phái đoàn Anh thất vọng ra về.([6])
Năm Giáp Thân (1824), vua Louis XVIII đã phái một viên đại tá hải quân là Bougainville đem hai chiếc tàu chiến là Thétis và Espérance đến cửa sông Hàn (Đà Nẵng) để dâng quốc thư và phẩm vật của triều đình Pháp tặng, xin được giao thương với nước Đại Nam. Quan địa phương Quảng Nam đệ thư và sớ tâu về Kinh, vua Minh Mạng phán: “Pháp và Anh là hai nước cừu địch, năm trước nước Anh cầu nạp khoản, ta đã không chịu, nay lẽ nào lại cho nước Pháp thông hiếu, nhưng ta nghĩ Đức hoàng khảo ta [Gia Long] khi mới khai quốc, có khiến Anh Duệ Thái Tử (Hoàng Tử Cảnh) qua nước Pháp, vẫn có ơn cũ, nếu khước ngay đi, e không phải ý đãi người xa.” Rồi vua sai người làm thư trả lời và tặng quà cho viên đại tá, còn thư và phẩm vật của vua Pháp thì trả lại. Đại tá Bougainville xin yết kiến nhà vua, nhưng Minh Mạng từ chối khéo: “Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn ([7]) về cả rồi, trong triều không ai biết tiếng Pháp để đọc thư và làm thông ngôn.” ([8])
Tuy bị hoàng đế nước Đại Nam từ chối thông thương một cách thẳng thừng như vậy, nhưng người Pháp vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Năm Bính Tuất (1826), vua Pháp lại phái một người tên là Eugène Chaigneau, cháu gọi Jean Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng, lúc này đã về nghỉ ở quê hương) bằng chú, sang xin đặt Lãnh Sự Quán và giữ chức lãnh sự ở Việt Nam, nhưng vua Minh Mạng từ chối. Ba năm sau (1829), vua Pháp lại tiếp tục phái Eugène Chaigneau sang Việt Nam với lời đề nghị như ba năm về trước, nhưng vua Minh Mạng cũng cương quyết không chấp nhận.([9])
Tuy bị triều đình Việt Nam từ chối nhiều lần, nhưng người Pháp vẫn chưa nản lòng trong việc thông giao. Năm 1830, có mấy chiến thuyền của Pháp đến đỗ ở cửa biển Đà Nẵng và nói là họ thừa lệnh nhà vua muốn được nói chuyện cùng quan ở Nha Thương Bạc ([10]) của Việt Nam. Vua Minh Mạng đã sai Sung Biện Nội Các Thị Giảng Học Sĩ Nguyễn Tri Phương đến gặp, nhưng viên thuyền trưởng Pháp không chịu tiếp, có lẽ thấy Nguyễn Tri Phương lúc đó phẩm hàm còn thấp. Vua đành phải sai quan Thị Lang Trương Đăng Quế đến gặp. Viên thuyền trưởng tiếp đón, trò chuyện và nói vua Pháp muốn giao thương với nước Đại Nam, nhưng do điều kiện xa cách nên chưa có thể đạo đạt được; hiện nay nước Anh đang thực hiện âm mưu xâm lấn vùng đất Quảng Đông của Trung Quốc, thế nào rồi cũng sẽ dòm ngó đến nước Nam nên vua Pháp lưu ý rằng là nước Nam đừng giúp đỡ, liên quan đến việc ở Quảng Đông, vì đây là nội bộ giữa Anh và Trung Quốc. Trương Đăng Quế về Huế tâu lại, nhà vua liền sai Nguyễn Tri Phương vào Đà Nẵng cho thuyền trưởng ấy biết là việc ở Quảng Đông không liên quan gì đến nước Đại Nam. Nhưng các chiến thuyền của Pháp vẫn nấn ná ở lại, vua sai Nguyễn Tri Phương đến bắt buộc họ phải nhổ neo rời khỏi Đà Nẵng.([11])
Cường quốc thứ ba đến gõ cửa xin được thông thương với nước Đại Nam là Hoa Kỳ. Năm 1831, chính phủ Hoa kỳ đã cử sứ giả đến gặp vua Minh Mạng, xin được đặt Lãnh Sự Quán ở nước ta và bổ nhiệm ông Shilluber làm lãnh sự, nhưng vua Minh Mạng đã không chấp nhận lời đề nghị này. Năm sau (1832), chính phủ Hoa Kỳ lại phái một sứ bộ do thương nhân Edmund Roberts và đại úy Georges Thompson dẫn đầu sang nước ta. Sứ bộ đi tàu thủy đến Vũng Lấm (Phú Yên), dâng quốc thư lên vua Minh Mạng xin thông thương. Nhà vua sai phái Viên Ngoại Lang Nguyễn Tri Phương, Tư Vụ Lý Văn Phức vào Phú Yên cùng với quan tỉnh sở tại tiếp đón phái đoàn và viết thư trả lời chính phủ Hoa Kỳ là triều đình Đại Nam không từ chối việc thông thương, nhưng bắt buộc người Hoa Kỳ phải tuân theo luật lệ của nước Đại Nam, tàu buôn của họ phải đỗ đúng ở nơi quy định tại vịnh Trà Sơn (Đà Nẵng), không được xây cất nhà, lập hiệu buôn trên bờ biển. Quốc thư của tổng thống Hoa Kỳ, nhà vua cũng không cho các quan mang về triều.([12])
Vào thời gian này, Hoa Kỳ đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng ở Châu Á với các cường quốc Tây Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha… mà Việt Nam lại ở vị trí giao thông quan trọng, vì vậy chính phủ Hoa Kỳ tuy thất bại trong hai lần đến xin thông thương trước đây, nhưng vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Năm 1835, chính phủ Hoa Kỳ lại sai một phái đoàn khác cũng do thương nhân Edmund Roberts dẫn đầu đi sang mở mang quan hệ ngoại giao với một số nước như Xiêm, Việt Nam, Nhật. Năm 1836, sau khi phái đoàn Hoa Kỳ đã ký kết thương ước với Xiêm rồi, đã đến Đà Nẵng dâng quốc thư và xin được triều yết. Vua Minh Mạng đã sai Thị Lang Đào Trí Phú và Lê Bá Tú vào gặp phái đoàn Hoa Kỳ. Nhưng rất tiếc là trưởng đoàn Edmund Roberts vì nhuốm bệnh, không thể tiếp các quan của triều đình phái tới, sau đó mấy hôm tàu của họ cũng rời khỏi Đà Nẵng.([13])
Thời Thiệu Trị (1841-1847)
Vua Minh Mạng qua đời, vua Thiệu Trị nối ngôi. Thời gian ở ngôi của vua Thiệu Trị tương đối ngắn, chỉ có bảy năm, nên theo ghi chép trong Đại Nam Thực Lục thì trong thời gian trị vì của ông, chỉ có duy nhất nước Anh đến giao thương.
Thời gian này bắt đầu xảy ra cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa Anh và Trung Quốc. Tuy bận rộn với cuộc chiến tranh ở Trung Quốc, nhưng chính quyền Anh vẫn chú ý và tiếp tục mở rộng thông thương với các nước Á Đông.
Năm 1847, viên toàn quyền Anh ở Hương Cảng là John Davis đã mang theo hai chiếc tàu chiến đến cửa Hàn (Đà Nẵng). Viên toàn quyền đã dâng thư của Nữ Hoàng Victoria lên vua Thiệu Trị với nội dung xin phép nhà vua cho họ được ở một nơi tại vịnh cửa Hàn và đề nghị triều đình nước ta ký kết với Anh một hiệp ước thương mại và liên minh, để ngăn ngừa và phòng chống âm mưu xâm lược của người Pháp về sau. Nhưng triều đình đã bác bỏ lời đề nghị này. Toàn Quyền John Davis xin được ra kinh đô trực tiếp yết kiến vua Thiệu Trị, nhưng cũng bị nhà vua từ chối.([14])
Thời Tự Đức (1848-1883)
Tự Đức lên ngôi vua năm 1848, sau khi vua cha là Thiệu Trị qua đời năm 1847. Năm Canh Tuất (1850), chính phủ Hoa Kỳ phái sứ giả đến Đà Nẵng để trình quốc thư lên triều đình Huế, xin thông thương. Tổng đốc Quảng Nam là Tôn Thất Bật tâu về Kinh xin được nhận thư và tùy cơ đối đáp nhưng vua Tự Đức bác bỏ, nên cuối cùng phái đoàn Hoa Kỳ phải ra về.([15])
Từ năm Ất Mão (1852) đến năm Đinh Sửu (1877), trong gần ba mươi năm dưới thời Tự Đức, tàu nước Anh đã mấy lần đến các cửa biển Đà Nẵng, Thị Nại (Quy Nhơn), Quảng Yên để xin buôn bán, nhưng triều đình Huế vẫn không chấp nhận.([16])
Ngoài các cường quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ thì Tây Ban Nha cũng nhiều lần đến xin thông thương với Việt Nam cũng bị triều đình Huế khước từ.
CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA TRIỀU ĐÌNH HUẾ KHI ĐỐI PHÓ VỚI THỜI CUỘC
Ở thế kỷ XIX, những biến động lớn của thời cuộc trên thế giới đã có những tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Các vua ta thời bấy giờ không phải là thiếu hiểu biết thế giới bên ngoài, mà ngược lại các vị đã từng “mục sở thị” sức mạnh khoa học kỹ thuật của các nước phương Tây.
Gia Long thuở còn “mông trần” đã từng cầu viện nước Pháp thông qua sự môi giới của Giám Mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine); tuy sự cầu viện không thành, nhưng ông cũng được nhiều kỹ sư, sĩ quan pháo binh Pháp đến giúp thông qua sự tuyển mộ của Bá Đa Lộc; ngoài ra vị Giám Mục này cũng mua giúp ông tàu chiến, đại bác để đánh nhau với Tây Sơn. Vì vậy, ông không xa lạ gì với sức mạnh khoa học, kỹ thuật phương Tây.
Thời Minh Mạng, vua có định lệ hàng năm phái tàu thuyền đi các nước trong khu vực, mục đích là để buôn bán và theo dõi tình hình thế giới. Những nơi mà tàu Việt Nam thường đến là Xiêm, Jakarta, Singapore, Mã Lai, Quảng Đông, Ma Cao… Các quan đi công cán nước ngoài về, đều phải tâu trình cặn kẽ những điều đã trực tiếp quan sát, tiếp xúc cho vua rõ.
Thời Tự Đức, quan lại Việt Nam được cử đi công cán nước ngoài nhiều hơn; đặc biệt có những phái đoàn hoặc cá nhân quan lại triều đình trực tiếp đến những cường quốc phương Tây như Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ… Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:
Năm 1863, vua Tự Đức cử một phái đoàn do Tổng Đốc Vĩnh Long Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Tham Tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ làm phó sứ và Án Sát tỉnh Quảng Nam là Nguỵ Khắc Đản làm bồi sứ sang Pháp để xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mà triều đình đã cắt nhượng cho Pháp sau Hòa Ước Nhâm Tuất (1862). Ngoài thời gian làm việc với triều đình Pháp, phái đoàn Việt Nam đã được đưa đi tham quan một số nhà máy, cơ sở kỹ nghệ… ở kinh đô Paris. Các quan ta đã trực tiếp chứng kiến văn minh khoa học, kỹ thuật tối tân của phương Tây thời bấy giờ.
Năm 1873-1875, Bùi Viện, một quan chức của triều đình, đã hai lần vượt biển đến Mỹ để vận động chính phủ nước này ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đối phó với thực dân Pháp.
Ngoài những chuyến đi ngoại giao của quan lại triều đình, thì có trường hợp đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ (1828-1871), một giáo dân quê ở Nghệ An, may mắn có điều kiện sang học tập một thời gian ở Pháp, đã tiếp thụ được nhiều tri thức hiện đại.
Những vị Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ… sau khi ở nước ngoài về, với những mức độ hiểu biết khác nhau, đều viết sách hoặc những tập sớ dâng lên vua và triều đình kiến nghị cải cách đất nước.([17])
Như vậy, có thể nói là ở thế kỷ XIX, thông qua những giao tiếp đó, các vua nhà Nguyễn đều có những hiểu biết nhất định về văn minh kỹ thuật phương Tây, những diễn biến của thời cuộc lúc bấy giờ. Và các vua cũng rất quan tâm đến vấn đề thời sự, có những động thái đối phó với mối đe dọa ngoại xâm. Đơn cử như thời Minh Mạng, nhà vua thấy người Anh chiếm Ấn Độ, Miến Điện, người Tây Ban Nha chiếm Philippin… nên đã nhận thức được hiểm họa ngoại xâm của phương Tây. Đến thời Thiệu Trị, sự lo ngại của nhà vua càng tăng khi thấy xảy ra cuộc chiến tranh thuốc phiện (1840-1842) và sự thất bại của Trung Quốc, phải cắt nhượng đất Hương Cảng cho người Anh, nên đã ra lệnh tăng cường phòng thủ các cửa biển trọng yếu ở nước ta.
Như vậy, chứng tỏ các vua Nguyễn và quan lại trong triều không phải do ở trong một vương quốc cổ lỗ khép kín mà hoàn toàn mù tịt với thế giới bên ngoài. Ngược lại họ đã biết sức mạnh của khoa học, kỹ thuật phương Tây và nhận thức rất rõ được nạn xâm lăng đang đe dọa đất nước từ rất sớm. Và họ không phải là không có sự tích cực trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhưng thật đáng tiếc là cuối cùng vẫn bị mất nước.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến mất nước? Từ trước đến nay có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau. Tựu trung có hai luồng ý kiến chính: Một luồng thì cho rằng nguyên nhân là do triều đình Tự Đức bảo thủ, không chịu thực hiện cải cách theo những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ nên đất nước nghèo yếu, lạc hậu dẫn đến thất bại trước sự xâm lược của thực dân Pháp; luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng mất nước là chuyện hiển nhiên vì đó là xu thế của thời cuộc, hầu hết các quốc gia nông nghiệp nhỏ yếu ở phương Đông đều không chống đỡ nổi trước sự xâm lăng của những cường quốc công nghiệp phương Tây.
Ở đây, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu là do đầu óc bị hệ tư tưởng Tống Nho chi phối nên các vua Nguyễn đã bỏ lỡ những cơ hội để duy tân đất nước. Cơ hội thuận lợi nhất là vào giai đoạn Gia Long và Minh Mạng. Trong ba thập niên đầu thế kỷ XIX, đất nước ở trong điều kiện tương đối ổn định, thái bình và các nước phương Tây đến Việt Nam xin thông thương trong hòa bình, chưa có nước nào có ý định sử dụng vũ lực để xâm chiếm đất đai. Nhưng vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà, thì quay về với mô hình chính trị phong kiến với ý thức hệ Nho Giáo, hướng đất nước vào quỹ đạo văn minh Trung Hoa, có tâm lý khước từ, xa lánh giao thiệp với phương Tây mà theo quan niệm của ông và đại đa số quan lại Việt Nam thời bấy giờ là người phương Tây man rợ và xảo quyệt, không đáng tin cậy; vua chỉ trọng dụng mấy người Pháp giúp vua trong việc đánh Tây Sơn trước đây theo kiểu “ơn nghĩa cá nhân” mà thôi.
Thời Minh Mạng, sự cự tuyệt giao tiếp với người phương Tây càng quyết liệt hơn. Trong tâm thức của nhà vua thì chỉ có Trung Hoa là văn minh, đáng noi theo, còn phương Tây chỉ là bọn “Di, Địch” dã man, cho dù họ có giỏi về kỹ nghệ chăng nữa. Nhà vua mong ước xây dựng một vương quốc Đại Nam cổ truyền, thịnh trị hướng về thời Nghiêu, Thuấn ngàn năm trước bên nước Tàu. Và để yên ổn, tránh sự dòm ngó của phương Tây, nhà vua thực hiện biện pháp “bế quan tỏa cảng”, tăng cường phòng thủ các cửa biển và xem việc bảo vệ đất nước bằng việc đóng cửa, khước từ giao tiếp với phương Tây là thượng sách.
 Thời Tự Đức, tình hình thế giới và khu vực có những biến động dữ dội hơn. Các quốc gia Đông Nam Á lần lượt rơi vào tay các nước phương Tây, Trung Quốc thì bị các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Ý… xâu xé, phải chấp nhận cắt đất nhượng hòa. Ở Việt Nam, Pháp đánh Đà Nẵng (1858), Gia Định (1859), rồi lần lượt chiếm ba tỉnh Đông Nam Kỳ (1861), Tây Nam Kỳ (1867)… Trước cơn hoạn nạn ấy, vua Tự Đức trong tình thế bắt buộc đã phải nghĩ đến việc canh tân đất nước, chấp nhận lắng nghe Nguyễn Trường Tộ và một số quan lại tiến bộ như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Lê Đĩnh… nhưng rốt cuộc ý định duy tân của nhà vua cũng chẳng đi đến đâu.
Ý định duy tân của vua Tự Đức không thành hiện thực vì cả hai mặt khách quan và chủ quan lúc bấy giờ đều bất lợi.
Về mặt khách quan, vùng đất Nam Kỳ trù phú, được xem là vựa lúa quan trọng nhất của cả nước đã mất vào tay Pháp; nền kinh tế nông nghiệp yếu kém, lạc hậu của chế độ phong kiến không thể làm nền tảng cho công cuộc duy tân.
Về mặt chủ quan, nhà vua thực hiện việc duy tân trong tâm thế miễn cưỡng do hoàn cảnh xô đẩy, không có sự chuẩn bị, xây dựng một kế hoạch bài bản lâu dài từ trước; yếu tố quan trọng nữa là nhà vua không có đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức hiện đại giúp rập như Thiên Hoàng Minh Trị của Nhật Bản, mà xung quanh nhà vua hầu hết là quan lại xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình mang nặng ý thức hệ Tống Nho, giáo điều và bảo thủ… Tuy trong triều đình có đôi người sáng suốt như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ… nhưng tiếng nói của họ trở nên yếu ớt trước đám đông quan lại thủ cựu, cố chấp.
Vì vậy, triều đình chỉ thực hiện được một số cải cách nửa vời, lẻ tẻ như: Năm Bính Dần (1866), cho chọn khoảng hai mươi người ở các tỉnh Tây Nam Bộ đến Gia Định – lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp – học các nghề kỹ thuật; cho mời linh mục đến kinh đô dịch sách Tây để dạy học trò; năm Mậu Thìn (1868) phái năm người vào Gia Định học chữ Pháp với Trương Vĩnh Ký; năm Kỷ Mão (1879), Nguyễn Thành Ý qua Pháp dự triển lãm đã dẫn theo một số học trò qua học ở trường cơ khí Toulon, v.v… ([18])
 Những cải cách vặt vãnh đó, không thể phục hưng đất nước trong hoàn cảnh dầu sôi, lửa bỏng. Và khi sức ép ngoại xâm càng đến gần, thì nhà vua chỉ biết ráo riết cấm đạo và tăng cường phòng thủ như xây dựng thêm đồn lũy ở bờ biển, đúc thêm nhiều súng thần công… nhưng cách phòng thủ, vũ khí cổ lỗ như vậy chỉ có thể ngăn ngừa được cuộc xâm lấn bằng gươm giáo của một đội quân phong kiến lân bang, chứ không thể ngăn chặn được đội quân xâm lược thiện chiến của phương Tây với vũ khí tối tân thời bấy giờ (đại bác, súng trường, tàu chiến…).
Nhìn qua nước láng giềng của Việt Nam là Xiêm, ở thế kỷ XIX, điều kiện của Xiêm cũng không hơn gì Việt Nam. Các vua Rama I, II cũng gần đồng thời với Gia Long, Minh Mạng, vì họ không bị ảnh hưởng Trung Quốc, không bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng Tống Nho, nên đầu óc các vua cởi mở, phóng khoáng và có tầm nhìn xa; vì vậy họ đã nhanh chóng chấp nhận mở cửa giao thiệp, buôn bán với phương Tây, từ đó hình thành nền kinh tế thị trường ở vương quốc phong kiến này. Trên nền tảng đó, các vua kế nghiệp về sau như Rama IV, V, cũng gần đồng thời với Thiệu Trị, Tự Đức, đã có điều kiện thực hiện công cuộc cải cách, phát triển đất nước và kết hợp chính sách ngoại giao khôn khéo nên giữ được độc lập.([19])
Thời kỳ Gia Long, Minh Mạng là giai đoạn thuận lợi nhất để duy tân đất nước, nhưng rất tiếc là do bị ràng buộc bởi Tống Nho, nên các vua trở nên thiển cận, thiếu tầm nhìn xa, sùng bái Trung Quốc và khinh rẻ phương Tây là “man di”. Từ đó dẫn đến việc khước từ tất cả các cơ hội giao thương mà phương Tây chủ động đến mời gọi mình. Đến thời Tự Đức thì có nghĩ đến việc duy tân đất nước do hoàn cảnh thúc bách nhưng đã quá trễ, vì không có sự chuẩn bị, nền tảng từ các vua đời trước để lại.
Thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, cự tuyệt với phương Tây, tưởng như thế là yên ổn nhưng kẻ thù đâu có để chúng ta yên. Triều đình từ chối ngoại giao hòa bình thì họ dùng ngoại giao pháo hạm để chiếm đoạt Việt Nam. Vì vậy việc mất nước ở cuối thế kỷ XIX, là hệ quả tất yếu của việc bỏ lỡ những cơ hội tốt đẹp để canh tân đất nước ở những thập niên đầu của thế kỷ ấy.
CAO VĂN THỨC
                                                                       



([1]) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, Viện Sử Học biên dịch. Nxb Giáo Dục, 2002, tr. 647-648.
([2]) Hạ : Người Hoa. Di : Rợ, mọi. Cách người Hoa gọi khinh miệt các dân tộc ở ngoài Trung Nguyên. (ĐĐVU chú)
([3]) Đại Nam Thực Lục, tập 1, Sđd, tr. 789-790.
([4]) Đại Nam Thực Lục, tập 1, Sđd, tr. 874.
([5]) Đại Nam Thực Lục, tập 1, Sđd, tr. 911.
([6]) Đại Nam Thực Lục, tập 2, Sđd, tr. 216.
([7]) Hai người Pháp theo giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn là Jean Baptiste Chaigneau, được ban tên Nguyễn Văn Thắng, tước Thắng Tài Hầu; Philippe Vannier được ban tên Nguyễn Văn Chấn, tước Chấn Oai Hầu.
([8]) Đại Nam Thực Lục, tập 2, Sđd, tr. 887.
([9]) Đại Nam Thực Lục, tập 2, Sđd, tr. 902.
([10]) Nha Thương Bạc là cơ quan ngoại giao, đón tiếp các sứ thần nước ngoài dưới thời Nguyễn.
([11]) Đại Nam Thực Lục, tập 3, Sđd, tr. 19.
([12]) Đại Nam Thực Lục, tập 3, Sđd, tr. 117.
([13]) Đại Nam Thực Lục, tập 3, Sđd, tr. 572.
([14]) Đại Nam Thực Lục, tập 6, Sđd, tr. 248.
([15]) Đại Nam Thực Lục, tập 7, Sđd, tr. 351.
([16]) Đại Nam Thực Lục, tập 7, 8, Sđd, tr. 315.
([17]) Nguyễn Trường Tộ từ năm 1863 đến 1871 dâng lên triều đình năm mươi tám bản điều trần đề nghị canh tân đất nước. Sau khi sứ bộ đi Pháp về, Phan Thanh Giản viết tác phẩm Tây Phù Nhật Ký, Phạm Phú Thứ viết tác phẩm Tây Hành Nhật Ký…
([18]) Đại Nam Thực Lục, tập 7, Sđd, tr. 721.
([19]) Vũ Dương Ninh và Nguyễn Văn Hồng, Lịch Sử Thế Giới Cận Đại. Nxb Giáo Dục, 1999, tr. 474-484.