Nguyễn An Ninh (1900-1943) là một nhà
báo, nhà cách mạng nổi tiếng ở Nam Kỳ vào thập niên hai mươi của thế kỷ trước.
Ông viết nhiều sách, báo để lên án chính quyền thực dân Pháp, khích lệ tinh
thần đấu tranh của nhân dân. Vở tuồng Hai
Bà Trưng do ông sáng tác đã thể hiện tư tưởng, viễn kiến xây dựng đất nước
sau khi nước nhà giành được độc lập.
Vở tuồng Hai Bà
Trưng do Nguyễn An Ninh sáng tác và xuất bản năm 1928, nhưng bị chính quyền
thực dân cấm đoán, thu hồi. Sáng tác này của ông được in lại toàn văn trong
sách Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới
(tập 2) của Nguyễn Q. Thắng (Hà Nội: Nxb Văn Học, 2007).
Nội dung vở tuồng viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng năm 40 Công Nguyên. Mặc dầu viết về một đề tài lịch sử xa xưa, nhưng tác
phẩm mang dáng dấp, hơi thở của thời kỳ hiện đại. Vở tuồng hát có tất cả tám
chương, đặc biệt ở chương bảy với nội dung hoàn cảnh nước nhà vừa mới giành
được độc lập, Nguyễn An Ninh đã thể hiện tư tưởng, viễn kiến xây dựng đất nước
của mình.
Theo Nguyễn An Ninh thì một nhà nước Việt Nam mới, được
xây dựng sau khi giành độc lập, buổi đầu sơ khai còn chứa nhiều yếu kém. Ông đã
nêu ra một số khuyết điểm cốt lõi như sau:
Những người lãnh
đạo không đủ sức thấy xa, xét xa
Theo Nguyễn An Ninh, sau khi đấu tranh giành độc lập
rồi thì khi những người lãnh đạo cuộc kháng chiến lên chấp chính, nắm chính
quyền. Ở trên ngôi vị lãnh đạo đất nước, một số lớn có tâm lý thỏa mãn với
những chiến thắng trong quá khứ và thường nảy sinh tâm lý kiêu căng, hưởng thụ
tạm bợ. Điều này được thể hiện qua sự băn khoăn, trăn trở của nhân vật Trưng
Nhị khi giãi bày tâm sự với nhân vật Lý Định: “… họ không đủ sức mà thấy xa, mà xét xa. Người nghèo mới được một cái
nhà tranh thì vui vẻ hớn hở. Mình là tay thợ cất nhà, mà mình không dám chắc
rằng nhà tranh ấy chịu nổi với gió giông, làm sao cho mình vui vẻ như họ được?”
(Sách đã dẫn, tr. 47)
Ở một đất nước nông nghiệp lạc hậu, sau khi đánh đuổi
ngoại bang, lên nắm chính quyền hầu hết là những con người xuất thân từ nông
dân nghèo khổ, vì vậy tư duy, tầm nhìn của họ thiển cận, hẹp hòi, không thể “thấy xa, xét xa” được trong việc trị
quốc, ngược lại chỉ “vui vẻ hớn hở”
với những gì mình vừa giành được. Những người lãnh đạo không có tầm nhìn xa
trông rộng, vội vàng thỏa mãn với những thắng lợi trước mắt nên không thể có
khả năng làm cho dân giàu, nước mạnh, đủ sức đề kháng với nạn ngoại xâm. Một
đất nước muốn phát triển thì lãnh đạo phải là những người xuất thân từ tầng lớp
có thực học, tri thức và có hoài bão, viễn kiến xây dựng, là những “tay thợ cất nhà” chuyên nghiệp theo cách
ví von của Nguyễn An Ninh.
Người dân không
biết quý trọng quyền tự do của mình
Nguyễn An Ninh đã nhận xét rất xác đáng, thông qua
lời nhân vật Trưng Nhị về ý thức tự do của dân Việt Nam :
“Dân
Việt Nam
không phải vì quý trọng cái quyền tự do của mình mà đánh đuổi thằng Tàu. Đánh
đuổi thằng Tàu là vì bị nó hà hiếp thới quá. Nếu còn có thể thở được, thì chắc
là dân Việt Nam
không có vùng vẫy làm gì. Ngày nay em cũng còn chưa chắc rằng dân Việt Nam biết quý
trọng quyền tự do của mình.” (sđd., tr. 47-48)
Đúng như lời
Nguyễn An Ninh nhận xét, trình độ dân trí nước ta rất là thấp kém. Một đất nước
nông nghiệp, dân chúng đại đa số là nông dân thất học, kém hiểu biết, vì vậy họ
nổi lên phản kháng kẻ thù cũng chỉ đơn thuần là do chúng “hà hiếp thới quá”, chứ nếu chính quyền đô hộ nới nhẹ sự bóc lột một
chút, người dân “còn có thể thở được”
thì chắc chắn dân nước mình sẽ sống yên phận nô lệ. Do trình độ dân trí thấp
kém, họ không hiểu được khái niệm Tự Do thiêng liêng của mỗi cá nhân con người,
của mỗi dân tộc và vì vậy lẽ đương nhiên là họ không “biết quý trọng quyền tự do của mình”.
Nguyễn An Ninh đã cảnh báo sự nguy hại này: “Dân Việt Nam không biết yêu quý cái quyền tự
do của mình, ấy là điều đại hại cho vận mạng nước nhà về sau… Nếu không suy xét
kỹ, tưởng nó là nhẹ, rồi không để ý đề phòng thì mỗi việc thình lình nó đến cho
mình là một điều tai họa… Không lẽ nào nước Tàu để cho nước Việt Nam vuột khỏi
tay nó mà nó không lo cướp lại… Mà dân Việt Nam vùng quăng cái ách của mình
được rồi thì bộ như không còn lo sợ cho mình còn phải bị mang ách nữa.” (sđd.,
tr. 48)
Từ chỗ không ý thức được giá trị của Tự Do, trách
nhiệm xây dựng và gìn giữ sự Tự Do, nên người dân nước mình sẽ bằng lòng, tự thỏa
mãn với những gì mình đã có được, thiếu sự lo xa. Đó là một trong những sự nguy
hại vì sẽ dẫn đến sự suy vong của đất nước, không đủ nội lực để chống đỡ trước
hiểm họa ngoại xâm luôn luôn rình rập.
Sử dụng bọn quan
lại người Việt phục vụ chính quyền đô hộ trước kia
Một trong những yếu tố nguy hại cho chế độ mới là do buổi đầu thành lập, thiếu người
làm việc trong các cơ quan, công sở nên phải sử dụng lại những người Việt đã
từng cộng sự, phục vụ trong chính quyền đô hộ của ngoại bang trước đây. Tuy
không phải tất cả nhưng đa số những người đã từng phục vụ cho ngoại bang đều có
óc vụ lợi, giữ chức quyền chỉ mục đích là tham nhũng đục khoét, để vinh thân
phì gia. Nguyễn An Ninh đã nhận xét về đám người này bị tha hóa này: “Mình
lại dùng bọn quan lại lúc trước làm quan cho Tàu… dùng bọn đã có nhiễm những
thói tục của quan lại Tàu mà trị dân như trước, thì cũng không có sửa đổi gì
mấy.” (sđd., tr. 48)
Từ việc chỉ ra những mối nguy hại của một nhà nước
vừa được xây dựng sau khi giành độc lập, Nguyễn An Ninh đã đưa ra những biện
pháp để kiến thiết nhà nước mới:
Phải làm pháp
luật để chế ngự bọn quan tham
Ông viết: “Dùng thì phải dùng rồi. Nhưng mà mình phải
tính cho bọn ấy là bọn dùng tạm. Mình phải làm luật pháp để kềm buộc chúng nó
phải sửa đổi, phải y hợp với thời nay” (sđd., tr. 48); như vậy theo ông thì
buổi đầu do còn thiếu người làm việc nên phải dùng tạm những công chức, quan
lại cũ nhưng phải soạn ra pháp luật để có biện pháp ràng buộc, chế tài, không
cho chúng làm bậy, sách nhiễu nhân dân. Và đồng thời phải nhanh chóng đào tạo
quan lại, đội ngũ công chức mới để thay thế dần đám quan lại, công chức cũ: “Mình
phải lo cho có một bọn quan lại mới, đặng đuổi lần bọn quan lại cũ đi”. (sđd.,
tr. 48) Một bộ máy hành chính lành mạnh thì phải đào tạo được một đội ngũ công
chức mới, có tinh thần phục vụ cho nhân dân.
Phải lo giáo hóa
đám thanh niên là chỗ sở cậy ngày sau
Tuổi trẻ là rường cột của đất nước, vì vậy theo Nguyễn An Ninh thì sau ngày giành được độc lập, nhà nước
mới phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng mà ông gọi là “giáo hóa” để họ có
năng lực và phẩm chất đạo đức để góp phần xây dựng đất nước mai sau, tránh sự
kiêu ngạo nguy hại thường mắc phải ở tuổi trẻ sau khi vừa gặt hái được những
thắng lợi ban đầu: “Mấy cậu thanh niên, mới vừa lấy nước lại
được, thì sẽ kiêu ngạo, tưởng nước mình ngày nay không còn sợ ai, ngang mặt với
nước Tàu… Mấy cậu cứ nhắc mãi rằng mình là con rồng cháu tiên không sợ rằng kẻ
nào kiêu ngạo làm sao cũng gặp kẻ kiêu ngạo hơn, cũng như đứa tham nhỏ phải mắc
đứa tham lớn vậy.” (sđd., tr. 48) Muốn có được những thế hệ trẻ làm rường
cột cho nước nhà thì giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng.
Làm cho xã hội
Việt Nam
không còn bất công, tàn ác như thời nô lệ
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng bộ máy hành chính
lành mạnh, một nền giáo dục độc lập, Nguyễn An Ninh cũng chú trọng việc giải
quyết những mâu thuẫn xã hội tồn đọng từ thời kỳ nộ lệ: “Làm sao lo giữ gìn cái
quyền tự do của mình đây, lo cho khỏi làm trâu ngựa cho người ta? Đã bị người
áp chế, đã có đau khổ vì những việc bất công tàn ác, thì phải làm sao trong xã
hội Việt Nam ngày nay không còn những sự bất công, những điều tàn ác như trước
nữa. Tôi muốn cho mấy triệu người Việt Nam lo gìn giữ, cày cấy, khai phá đất
nước của ông bà để lại, cùng khổ nhọc, cùng vui hưởng với nhau như con một nhà.”
(sđd., tr. 48-49)
Nguyễn An Ninh, một trí thức thông tuệ và tiến bộ,
bằng sự tiên cảm của mình đã nhận thấy rằng một đất nước độc lập nhưng không có
tự do thì những bất công, tàn bạo của thời kỳ mất nước, nô lệ vẫn tồn tại dai
dẳng trong xã hội. Theo ông, phải có một xã hội dân chủ, giá trị tự do được tôn
vinh thì mới mong xóa được những bất công, mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân
dân, từ đó cả dân tộc mới có thể đồng cam cộng khổ làm cho đất nước được phú
cường, bảo vệ được cơ đồ do cha ông để lại cho con cháu mai sau.
Vở tuồng Hai Bà
Trưng của Nguyễn An Ninh viết năm 1928, cách đây non một thế kỷ, thời kỳ
nước nhà đang còn dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Tuy bối cảnh lúc đó,
đang còn phải đấu tranh gay go với mục đích cấp thiết là giành độc lập dân tộc,
thì Nguyễn An Ninh đã nhìn xa tới vấn đề xây dựng đất nước sau khi cách mạng
thành công. Những suy tư, trăn trở của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh thể hiện qua
vở tuồng Hai Bà Trưng, đã để lại
những bài học bổ ích cho hậu thế.
CAO VĂN THỨC