Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

03/29 ĐĐVU 24 / Thánh giáo / Ý THỨC HỆ CAO ĐÀI


Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
Tuất thời, 15-01 Giáp Dần (Thứ Tư 06-02-1974)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam.
Pháp Đàn: Huệ Chơn. Đồng tử âm dương: Hoàng Mai và Thanh Thủy. Độc giả: Hồng Mai. Điển Ký: Ngọc Kiều, Hồng Cẩm, Kim Nhung, Lập Hạnh.
*
THANH MINH ĐỒNG TỬ
Chào chư Thiên ân sứ mạng, chư liệt vị lưỡng phái. Tiểu Thánh đến báo tin có Đức Giáo Tông lâm đàn giáo đạo. Chư liệt vị thành tâm thủ lễ tiếp nghinh. Tiểu Thánh xin xuất ngoại hộ đàn. Lui.
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH
Mừng chư hiền đệ, hiền muội. Bần Đạo đến với chư hiền đệ, hiền muội trong đêm Thiên Quan Tứ Phước, dưới ánh trăng tròn còn vương vấn tiết đầu xuân để kiểm điểm lại thành quả của Cơ Quan qua một năm dài hành đạo. Miễn lễ, an tọa.
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ([1]) được thành lập qua chín mùa xuân.([2]) Chư hiền đệ, hiền muội đã đem tâm đạo chí thành để phụng Thiên hoằng Đạo. Cái thành quả ở tinh thần trách nhiệm của chư hiền đệ muội đã gieo được vào lòng người mộ đạo chơn tu một niềm tin vững chắc về Đạo. Đó mới thật là thành quả rất thiêng liêng cao quý mà chư hiền đệ muội vẫn không ngờ.
(…)
Nhân sự hiện diện đông đủ của chư hiền đệ, hiền muội hôm nay, Bần Đạo cũng nêu một vài điều cần cho cơ Đạo hiện hữu ([3]) để giúp phần nào cho chư hiền tu thân hành đạo, lập công bồi đức.
Chư hiền đệ, hiền muội là những người chức sắc, chức việc, tín đồ, đạo hữu trong các Hội Thánh, Giáo Hội, thánh thất, thánh tịnh, đoàn thể trong Đại Đạo thì đã có ít nhiều liên hệ, hãy hiến thân để phục vụ thánh thể của Đức Chí Tôn.([4]) Điều mà Bần Đạo muốn nói hôm nay là hình thể Đạo và giáo thuyết hay ý thức hệ ([5]) Cao Đài.
Hình thể Đạo là thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế. Đại Đạo khai minh qua bốn mươi chín mùa xuân tô điểm.([6]) Những ngôi thánh đường đồ sộ uy hùng vươn lên khắp nơi, khắp chốn. Dầu trải qua bao nhiêu biến chuyển của cuộc đời nhưng hình bóng Đạo vẫn theo thời gian mà xuất hiện. Duy có một điều mà chư đệ muội hầu hết ít lưu tâm là nhân sự và hành chánh Đạo.
Này chư hiền, Thượng Đế không ngự trị trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà ([6b]) của tâm hồn nhân loại. Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện thánh thể Chí Tôn tại thế.
Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng.([7]) Chính biểu tượng ([8]) Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gắm chơn lý trong một cụ thể chủ quan ([9]) mà thôi. Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng ([10]) là phải có nhơn tâm làm chứng thị.([11]) Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị ([12]) cho hình thể Đạo của từng địa phương.
Chư hiền thử nghĩ: Người nông phu nào cũng gieo mầm lúa trên thửa ruộng màu mỡ mà không bao giờ gieo trên tấm thảm nhung tơ. Dầu thảm đó có thêu được đẹp nổi muôn màu nhưng giá trị của tấm thảm vẫn là tấm thảm để trang trí kiêu sa, chớ làm gì khơi động được mầm sinh sôi bất tận. Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh, tạo thế an bình cho nhân loại. Vì vậy nhơn tâm Đạo phải phát khai, phải sum sê tàn lá. Thửa ruộng không được chăm sóc màu mỡ thì bông lúa nào được nặng trĩu đua chen.([13])
Nền Đạo không được khai minh ([14]) thì nhơn tâm Đạo quá ư là ít ỏi. Người chèo thuyền bát nhã, kẻ phát độ cành dương là cần vớt cho hết người chết đắm, cứu cho cùng khắp kẻ nạn tai, nào phải đợi người lụy dòng ([15]) trèo lên thuyền cứu độ hay kẻ bịnh ngặt đến hứng giọt cam lồ rồi đành bảo bởi vô minh duyên nghiệp làm cho sóng dập kiếp phù sinh.([16])
Có tập thể là phải có tổ chức. Hành chánh Đạo ([17]) không phải để phục vụ cho Thượng Đế. Thượng Đế nào có cần chi, nhưng thế sự chỉ để phục vụ cho nhơn sanh tất cả. Mượn hành chánh Đạo là làm thế nào để thể hiện được tương liên tương trợ dìu dắt lẫn nhau từ kẻ nhỏ nhít cùng trở về với Đại Linh Quang ([18]) trong buổi chót.
Thế nên thiết lập một cơ cấu hình thể Đạo mà bảo tồn không được cũng không khai sáng thêm hơn, thiệt là một điều thiếu sót và tội lỗi lớn với chính mình. Đừng để cho một tâm hồn nào phải thương xót trước một thánh thể của Chí Tôn.([19]) Đã tạo được thì phải cố gắng khai minh và phát huy cho đúng với sự tạo dựng của mình hay của người đi trước.
Ngoài ra chư hiền cần nên lưu tâm về hình thức vì hình thức cũng sẽ thể hiện là tạo nên sự nhứt trí của tâm hồn và uy lực của thế đạo trong công cuộc xây dựng tâm linh và cứu độ nhơn sanh. Đừng bảo đó là giả mà không lưu tâm.([20]) Có mấy ai chỉ mơ về bên kia bờ giác mà quên đóng con đò để vượt qua chắc chắn an toàn. Không bát nhã thuyền nào chở đặng thân phàm xác thịt sang khỏi sông mê.
Chư hiền đệ, hiền muội có nghĩ gì về giáo thuyết hay ý thức hệ Cao Đài?
(…)
Hỡi chư hiền đệ muội, có sự đánh mất vật chất hay tiền tài nào nguy hại bằng sự đánh mất ý thức hay tâm hồn?
Chư hiền ôi, manh áo sô gai,([21]) nhà tranh vách đất, ngao du sơn thủy ([22]) mà tâm hồn trong sạch an vui còn hơn ngựa xe chen chúc, gác tía đài son,([23]) bon chen xuôi ngược với sự việc đánh mất cả chính mình mà nào ai có biết. Mượn phương tiện để phục vụ cho cứu cánh,([24]) đừng để cứu cánh phải vùi chôn trong phương tiện phù ba.([25]) Chân lý không là sự rải rác chấp nhận.([26]) Chân lý là sự giác ngộ đơn thuần.
Ý thức hệ chân chính Đại Đạo đã quá sáng tỏ làm chói mắt cả thế nhân rồi nhân thế lại tưởng tượng rằng chân lý của Đại Đạo cũng chỉ là ánh sáng trong tầm mắt hạn hẹp hay tưởng tượng quẩn quanh của riêng mình mới thật đáng thương.
Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài. Cao Đài không tự nó sinh phát riêng cho Việt Nam hay bất cứ nước nào, không là của người này hay kẻ kia, không là Tây Ninh hay Bến Tre, không là Truyền Giáo hay Tiên Thiên. Cao Đài là Cao Đài thế thôi.([27]) Chân lý tự nó phủ nhận chân lý.
Chư hiền muốn thiết lập thành quả để tạo cơ trình ([28]) tiến tới sự hiệp nhứt cho Đại Đạo thì nên hiểu, bất cứ sự phân hóa nào cũng không thể vượt qua khỏi vòng trời đất hay huyền linh của Thượng Đế Chí Tôn.
Chư hiền hãy gom các chiếc mai vàng vào cành mai tươi tốt để khoe sắc với Chúa Xuân.([29]) Nếu kết hợp chỉ là kết hợp, phân hóa chỉ là phân hóa, đó cũng là cơ tận diệt của cuộc đời.
Thượng Đế vẫn hiếu sinh, phân hóa phi phân hóa, kết hợp phi kết hợp. Đó là ý nghĩa của cuộc hiếu sinh xây chuyển.([30])
Bần Đạo dạy hôm nay cho chư hiền đệ, hiền muội cũng đủ để tạm làm hành trang trên đường về cùng Thượng Đế để khỏi trở ngại lạc lầm.
Hãy trỗi bước lên đường chánh đạo
Hãy lập tâm hoằng giáo độ nhơn
Rồi xem máy Tạo tuần huờn
Cái cơ đào thải, bảo tồn phân minh.
(…)
Bần Đạo ban ơn lành cho tất cả chư hiền hiện diện hôm nay.
Bần Đạo sẽ hộ phò cho chư hiền trên đường tu thân hành đạo được vững vàng. Bần Đạo giã từ. Lui.=




HUỆ KHẢI chú thích:
([1]) Ngày 15-01 Ất Tỵ (Thứ Ba 16-02-1965) Ơn Trên khai mạc Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, nhưng trước đó (ngày 14-01 Ất Tỵ) như thể một lời báo trước, Đức Chí Tôn dạy: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý không phải là một chi phái…”; quả thật, qua năm sau (1966) thì danh xưng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam chính thức ra đời. Năm 1974, khi Đức Lý Giáo Tông dạy bài này, lại bảo “Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạonhư thể một lời báo trước; quả thật, ngày 15-4 Tân Dậu (Thứ Hai 18-5-1981) Đức Lý Giáo Tông dạy: “… danh hiệu Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đến lúc này cũng cần đề Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.” Tuy nhiên chỉ từ năm 1985 trở đi các văn bản của Cơ Quan mới bắt đầu dùng danh xưng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
([2]) Chín mùa xuân: Tính từ mùa xuân Ất Tỵ (1965) tới mùa xuân Giáp Dần (1974).
([3]) Hiện hữu: Đang có, hiện có (available, existing).
([4]) Thánh thể của Đức Chí Tôn: Tức là Hội Thánh, Tòa Thánh, Giáo Hội, thánh thất, thánh tịnh, đoàn thể trong Đại Đạo mà mỗi người đạo Cao Đài đang làm thành viên.
([5]) Ý thức hệ (ideology): Một hình thức triết học mang tính xã hội, trong đó các yếu tố thực hành cũng nổi bật như các yếu tố lý thuyết. Ý thức hệ là một hệ thống các ý tưởng đầy khát khao nhằm giải thích thế giới và đồng thời muốn đổi thay thế giới cho tốt đẹp hơn. Như thế, hàm chứa bên trong ý thức hệ là một sứ mạng nhằm phục vụ con người và cứu rỗi con người.
Cha đẻ của thuật ngữ ý thức hệ (idéologie) là Desbutt de Tracy (1754–1836), ông muốn đem những ý tưởng của mình để cải cách xã hội Pháp vào cuối thế kỷ 18, và đã có bốn năm ngắn ngủi (1795-1799) để ứng dụng vào nước Pháp, nhưng rồi về sau ông không được tiếp tục ủng hộ. Tracy thất bại nhưng sau ông các nhà tư tưởng trên thế giới đã dùng thuật ngữ ý thức hệ để gọi bất kỳ một lý thuyết nào có xu hướng về hành động thực tiễn (action-oriented theory) nhằm cải thiện thế giới theo sự soi sáng của một hệ thống các ý tưởng. Các sử gia đã gọi thế kỷ 19 là kỷ nguyên của ý thức hệ (the age of ideology). Ở Việt Nam hiện nay ý thức hệ được gọi là “hệ tư tưởng” còn người Hoa gọi là “ý thức hình thái” 意識形態.
([6]) Đại Đạo khai minh năm Bính Dần (1926). Đức Giáo Tông dạy bài này năm Giáp Dần (1974).
([6b]Tháp hay đài (tower) là kiến trúc xây cao lên để làm nơi thờ phượng các Đấng thiêng liêng. Tháp ngà (ivory tower) là bửu tháp rất quý báu, ví như dùng ngà (ivory) làm vật liệu xây dựng. Tâm tháp ngà là tâm thánh thiện, rất quý báu, xứng đáng để Trời Phật ngự vào.
([7]) Thần tượng: Tượng một vị thần (statue of a god; idol). Nhơn tượng: Tượng một người (statue). Vật tượng: Tượng một vật (icon, image).
([8]) Biểu tượng (symbol): Một vật hữu hình, cụ thể được dùng để thay cho một cái gì vô hình, trừu tượng.
([9]) Một cụ thể chủ quan: Một vật cụ thể được chọn do ý kiến hay quan niệm riêng của mình (a concrete chosen subjectively).
([10]) Có được giá trị cùng chăng: Có được giá trị hay không có giá trị (to have a value or not).
([11]) Chứng thị: Chứng minh là đúng, là thật (to testify).
([12]) Định vị: Xác định địa vị, vị thế (to position; to determine the position of).
([13]) Thí dụ minh họa cho ý tưởng này: Một Tòa Thánh, thánh thất nguy nga, lộng lẫy đến đâu chăng nữa mà nơi đó thiếu người chân tu, không có được pháp môn cứu độ chúng dân, thì tòa nhà tráng lệ đó vô hồn, vô tri cũng y như tấm thảm nhung kiêu sa không thể gieo được mầm sống (hạt giống) nào trên đó.
([14]) Nền Đạo không được khai minh: Đạo Cao Đài không được chúng dân hiểu biết rõ các giá trị độc đáo của đạo (Caodaism is not enlightened; people are not given greater knowledge and understanding about unique values of Caodaism).
([15]) Lụy dòng: Rớt, ngã xuống dòng nước.
([16]) Kiếp phù sinh: Kiếp sống ngắn ngủi, trôi nổi bấp bênh.
([17]) Hành chánh Đạo: Hệ thống tổ chức đạo Cao Đài từ trung ương (Tòa Thánh) xuống địa phương (họ đạo).
([18]) Đại Linh Quang: Đức Chí Tôn, Thượng Đế. (Con người là tiểu linh quang.)
([19]) Đừng để cho một tâm hồn nào phải thương xót trước một Thánh thể của Chí Tôn: Đừng để cho ai phải chạnh lòng buồn thương, xót xa khi nhìn thấy trước mắt họ chỉ là một thánh sở Cao Đài vô hồn, vô tri, vì chỗ đó không phải là một nơi cứu độ tâm linh xứng đáng cho chúng dân trọn lòng tin yêu mà thiết tha tìm đến cầu đạo.
([20]) Nói theo triết học, đây là mối quan hệ tác động qua lại giữa hình thức và nội dung. Thí dụ: Ngài Ngô khi xưa hay lấy tiền riêng giúp đạo hữu nghèo may áo dài. Ngài bảo: Mình ăn mặc lèng xèng nói đạo ai nghe. Thí dụ khác: Chúng ta viết bài phổ thông giáo lý mà dùng tiếng Việt quá tệ, sai chánh tả be bét, câu văn luộm thuộm; hoặc đi thuyết đạo mà phát âm ngọng nghịu, không đúng... thì người đời dễ nghi ngờ trình độ” của mình, không thuyết phục được bá tánh.
([21]) Áo sô gai: Áo dệt thưa bằng sợi gai.
([22]) Ngao du sơn thủy: Đi chơi ngắm cảnh núi sông xinh đẹp.
([23]) Gác tía đài son: Nhà cửa to, cao, sang trọng, đẹp đẽ.
([24]) Cứu cánh: Mục đích sau cùng (the final purpose).
([25]) Phù ba hay phù hoa, phù phiếm: Sự hào nhoáng bên ngoài, thực chất không có giá trị gì.
([26]) Chân lý không là sự rải rác chấp nhận: Chân lý vốn là lẽ thật mang tính phổ quát xuyên suốt mọi không gian và mọi thời gian. Sự chấp nhận rải rác (sparse acceptance) hàm nghĩa chỉ giới hạn trong một số ít lẻ loi, tức là chưa phổ quát, chưa xuyên suốt mọi không gian lẫn thời gian. Thí dụ, hai cộng hai là bốn; đó là chân lý xuyên suốt mọi không gian và thời gian, tức nó không phải là chân lý được “rải rác chấp nhận”.
([27]) Để hiểu rành rẽ lời dạy này hãy liên hệ câu “Đạo khả đạo phi thường Đạo”. Người đạo Cao Đài của Hội Thánh A hay B nếu chỉ biết trình bày đạo Cao Đài đóng khung trong những đặc trưng (features) của riêng Hội Thánh A hay B, thì đó chỉ mới là Cao Đài riêng lẻ theo kiểu A hay B mà thôi.
([28]) Cơ trình: Trình tự cơ bản (?).
([29]) Khi Đức Giáo Tông dạy lời này thì nơi thế gian vẫn còn đang tiết đầu xuân. Tạm hiểu câu “Chư hiền hãy gom các chiếc mai vàng vào cành mai tươi tốt để khoe sắc với Chúa Xuân” như sau: Nếu Đại Đạo (hay Cao Đài) là một cội mai, thì mỗi cộng đồng Cao Đài ở từng địa phương thay vì chỉ làm một bông mai riêng lẻ, hãy cùng nhau gom tụ về chung cội chung cành để cội mai mùa xuân được sum sê, rực rỡ sắc tươi, nồng đượm hương thơm mà làm đẹp thế gian.
([30]) Xây chuyển: Xoay chuyển.
Huệ Khải chú thích