Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

21/29 ĐĐVU 24 / HAI ÔNG BÀ ĐÁNH CẦU LÔNG / NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO

Image result for BADMINTON
1.
Không nhớ từ khi nào mà tôi để ý thấy có hai ông bà đánh cầu lông vào mỗi sáng sớm. Hình như vào độ một buổi lập đông đường mờ mịt sương mù. Mang máng chớ không chắc lắm.
Tôi vẫn chạy xe trên con đường nầy từ mấy năm trước, nên ắt hẳn hai ông bà mới về ở đây thôi. Tôi nghĩ là hai vợ chồng già, bởi không thể là hai người bạn hay hai anh em hoặc hai chị em. Tự nhiên tôi nghĩ vậy.
Không phải tôi đi mỗi sáng. Cứ bốn, năm ngày mới tới một ngày tôi lên phiên trực lúc 7 giờ. Như vậy khi tôi đi tới ngang chỗ hai ông bà luôn đúng vào lúc 6 giờ 15 và đến Phòng Điều Hành Trạm Biến Điện Vũng Liêm chừng 6 giờ 50.
Từ ngày tôi để ý biết sự hiện diện của hai ông bà, gần như mỗi lần đi trực ca sáng là thấy hai ông bà đánh cầu lông. Riết rồi chỗ đó như một điểm mốc trên đoạn đường chừng hai cây số nầy: cà phê Citi, nhà anh Chín Thơm, nhà bạn Vĩnh bên kia đường, hai ông bà đánh cầu lông, Ẩm Thực Phố, ngả tư Đồng Quê...
Mới đầu hơi lạ, dần dần thì rồi cũng bình thường như những cây sanh buông rũ chùm chùm rễ phụ trồng dài trên vỉa hè, những tấm bảng có logo quảng cáo... bởi hai người sáng sáng đánh cầu lông thể dục thể thao thì đâu có gì đặc biệt.
Chỉ có một lần hình như chạy tới đó thì sợi dây cột đồ trên xe bị sút, tôi phải dừng lại. Nhờ vậy mới có dịp nhìn rõ, và tôi đã bật cười khi thấy kiểu đánh cầu của hai ông bà.
Khi ông giao cầu qua thì bà đánh hụt, trái cầu rớt xuống gần đó. Bà lượm lên giao qua cho ông, ông vớt một cái cũng khí thế, nhưng cũng hụt. Ông lại lượm trái cầu giao qua cho bà, cứ giao qua giao lại mà gần như không ai đánh trúng trái cầu một lần nào. Cứ lượm lên rồi giao qua cho người bên kia lượm rồi giao lại. Tôi tắt máy xe nhìn một hồi, vừa tức cười vừa thương thương. Hai ông bà hình như không thấy, hoặc không để ý tôi đang đứng xem ông bà đánh cầu lông, một trận giao đấu mà lần đầu trong đời tôi được thấy.
Cả hai ông bà đều có vóc dáng gầy và nhỏ người. Cổ quấn khăn lông, nhốt hai đầu khăn vào cổ áo để không bị rớt khi giao đấu. Tôi có cảm tưởng đây là hai vợ chồng từ miền ngoài vào, chắc là cán bộ hưu trí, vì phong thái không phải là người nhà quê hay người từng lao động phổ thông.
Nhờ dừng lại xem tôi mới hiểu hai ông bà chỉ dùng quả cầu, cây vợt như một công cụ thể thao độc lập vậy thôi chớ không phải là phương tiện để giao đấu. Và phải công nhận sự kiên trung hằng ngày từ mấy tháng qua, ông bà đã chọn cách thể dục sáng như vậy, như một sự nương náu cần thiết, trong chuỗi ngày Thu Đông xế bóng.
Những lần sau, mỗi khi ngang qua tôi đều đi chậm lại để nhìn, để ban tặng cho lòng mình một chút vui vui, một chút ngưỡng vọng, một chút thương thương.
2.
Hết mùa đông. Tới mùa giáp tết. Hình như trong mấy ngày tết đi ngang tôi thấy vắng vắng, thiếu thiếu. Cũng bình thường, vì tết nhất luôn có những lịch sinh hoạt sai chạy so với thường ngày. Ai cũng vậy, chắc ông bà cũng vậy. Và cái nhìn của tôi với kiểu đánh cầu lông có một không hai nầy dần dần cũng bình thường như những cây sanh, những tấm bảng logo quảng cáo. Cuộc sống trôi đều đều và chầm chậm có chút gì buồn buồn, như một bài nhạc xưa có tiết tấu trầm trầm không vút cao rồi hạ thấp đột biến.
Quen dần đến nỗi khi hai ông bà không còn sáng sáng ra vỉa hè đứng đánh cầu lông nữa mà tôi cũng không để ý. Tôi hầu như quên đi hoặc hòa trộn tất cả cái mốc vị trí trên đoạn đường hai cây số nầy, vì hàng mười năm trời qua lại, tôi thuộc lòng đến từng viên đá gồ lên mặt đường, những vệt sơn phân cách chỗ nào mờ chỗ nào lệch xéo, quen một cách vô thức.
Bỗng một buổi sáng tôi thấy ông. Chỉ có một mình ông thôi. Ông đứng cũng khoảng chừng chỗ của ông trước đó, nhưng thay vì ông ngó vào hướng của bà đứng ngày xưa để giao cầu, thì bây giờ ông đứng nhìn ra đường, nhìn những chiếc xe chạy qua, hoặc không nhìn gì hết. Nét mặt ông bình thản làm sao, nhưng vô hồn. Vẫn còn cái khăn lông quấn trên cổ, nhưng hai đầu khăn không nhét vào bâu áo, mà buông thõng hững hờ qua hai vai trũng oằn như hai vệt xe hằn lõm trên con đường vào xã huyện được làm từ lâu, xuống cấp.
Hai tay ông chắp, cũng hờ hững không có sự ráng sức nào, sau cái lưng cong về một bên, có lẽ do khung xương quá lâu đời không còn muốn giữ thân người cho thẳng thóm đàng hoàng nữa.
3.
Tôi chợt nhớ lại một khoảng thời gian nào đó gần gần đây khi đi ngang qua có thấy treo một lá cờ vuông vắn thường dùng làm hiệu cho các đám tang. Nhìn khuôn mặt bình thản nhưng vô hồn của ông, tôi đã hiểu.
Ông cụ đánh cầu lông (tôi tạm gọi như vậy, vì không biết gì hơn về ông) không phải mỗi ngày mỗi ra đường đứng, đều đặn, như thời gian còn đánh cầu lông với bà. Thỉnh thoảng thôi, có khi cả tháng tôi mới thấy ông. Nhưng lạ! Ông đứng đó như một pho tượng, nghĩa là lần nào cũng giống như lần nào. Và đôi mắt. Đôi mắt không có hồn, nhìn mà như không nhìn gì hết. Tôi độ ông không thấy gì rõ lắm đâu. Vì theo quy luật lão hóa, thì khi vào tuổi bỏ kiếng đọc sách báo thì mắt không còn nhìn thấy xa được nữa nếu không mang kiếng. Có thấy thì cũng lờ nhờ nhòe nhoẹt.
Ông thấy gì sau bức màn mờ ảo khói sương đó?
Quãng thời gian dằng dặc của một đời người?
Chắc thế nào trong bức màn đó cũng có lờ nhờ người đàn bà từng đánh cầu lông, mà đến lúc nầy tôi quyết chắc bà là người bạn đời của ông.
NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
Vĩnh Long, sáng Chủ Nhật 23-8-2015