Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

09/29 ĐĐVU 24 / CHỈ TẠI DA ĐEN / TRẦN DÃ SƠN

Image result for BLACK FLOWER
Tôi sinh ra và lớn lên nơi xóm nhỏ bên dòng sông Trường Giang, xóm lẻ loi chỉ vỏn vẹn bảy gia đình. Phía trước là sông nước mặn, mùa nắng nhấm tê cả lưỡi, có hôm trong bờ cạn ra 5-7 thước, bày cả chỗ cao rong rêu mới mọc phơn phớt một màu xanh. Nhưng đến mùa mưa nước lũ tràn về, ngập lụt cả cánh đồng. Gặp cơn dông bão dòng sông trở nên hung dữ, chỉ chờ nhận chìm những ghe thuyền nào lỡ đi qua.
Tất nhiên người của xóm tôi phải dọn vào những nơi cao hơn để xin ở đậu, và tôi lại có dịp nghe mẹ tôi than thở: “Cái xóm mồ côi!”
Vâng, tuổi thơ của tôi là hai mùa mưa nắng. Ngoài việc cắp vở đến trường còn lại một buổi chăn trâu. Không có trưa nào chịu ngủ, một mình đuổi bướm bắt ve hoặc cùng lũ bạn chơi đùa nô giỡn. Cả mùa khô hễ thấy nóng là cởi quần áo ra sông bơi lặn, ngày tắm cả mấy lần. Chỉ tội là không có nước ngọt để giội lại nên suốt ngày người cứ rin rít, nhưng biết làm sao!
Muốn có nước ăn uống hoặc ba mẹ, hoặc anh chị tôi phải vào xóm để gánh. Có khi chèo thuyền qua bờ bên kia sông để chở, gọi là qua biển nhưng thực ra biển và sông cách nhau bởi một vùng cát vàng chạy dọc theo dòng Trường Giang, có chỗ rộng trên cây số, có chỗ hẹp hơn nhiều. Dải cát vàng nầy tiếng địa phương gọi là “nỗng biển”. Tất nhiên “nỗng” rất cao mới ngăn nước biển tràn vào sông.
Khi xong bậc tiểu học tôi thi vào đệ thất (lớp sáu) công lập nhưng không đậu đành phải vào Tam Kỳ học tư. Hồi đó ngoài trường công ra Tam Kỳ còn có ba trường tư là trường Bồ Đề của Phật Giáo, Đức Trí của Thiên Chúa Giáo, và Hưng Đạo của Cao Đài. Tôi học trường Hưng Đạo vì bạn bè cùng thôn đều vào đây, vả lại tôi có bà con ở Vườn Lài, nơi nầy cách sau trường không xa, tiện cho tôi ở trọ và đi học.
Khi lên đệ lục (lớp bảy) thì tôi có cảm tình nhiều với nhà trường. Ngoài việc học văn với thầy Trương Sư Xuyên, tôi theo lớp giáo lý do thầy phụ trách. Tôi được thầy thương vì là người chưa theo đạo lại đi học đều. Chỉ tiếc lớp giáo lý nầy phải nghỉ sớm vì về sau không còn ai theo học nữa.
Nhiều khi nhà trường tổ chức cho học sinh trong đạo cắm trại, hoặc giao lưu với các trường của tôn giáo bạn, hay đi làm việc từ thiện như giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, cứu trợ đồng bào gặp lũ lụt, hỏa hoạn… Nhìn bạn bè bận đồng phục thanh niên Hưng Đạo Đoàn lúc sinh hoạt tôi thèm lắm. Ước chi tôi cũng là người theo đạo nhỉ.
Đã có lúc tôi muốn nhập môn nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi sống với nước mặn sông Trường nên da đen sạm. Nhất là mùa gió bấc về da chân mốc cợi, lấy tay gãi vào cẳng chân từng đường trăng trắng nổi lên, xấu hổ không biết trốn vào đâu. Nếu vào đạo phải sinh hoạt với đoàn thể, bận quần áo ngắn đi chung với các bạn gái, nghĩ tới đó tôi đã ớn lạnh rồi. Chỉ tại nước da khốn khổ nầy mà tôi trễ làm tín đồ của đạo những mười tám năm. Nghĩa là phải tới năm 1982 gặp dịp may Giáo Hữu Ngọc Dinh Thanh từ Hội Thánh vào thăm bổn đạo tôi mới được nhập môn.
Mười tám năm vật đổi sao dời - nhưng cũng còn ơn Thầy Mẹ chở che - nếu không, suốt đời tôi mãi lặn mò trong bóng tối. Cũng chỉ tại nước da đáng ghét!
Nhưng nghĩ kỹ thì cũng tại mình, đâu phải tại da. Trên đời nầy thiếu gì những kẻ da đen, họ vẫn vào đạo, vẫn tu hành tốt đấy thôi. Mục sư Martin Luther King (1929-1968) suốt đời phụng sự Chúa, đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1964, ngài cũng là người da màu đấy thôi.
Mong là các bạn trẻ đừng vì một trở lực nào đó mà chậm chân bước vào cửa đạo như tôi khi xưa.
TRẦN DÃ SƠN
 Phước An, 02-5-2017


ĐÍNH CHÍNH: Trang 17, Ái Hoa Không Còn Nữa (quyển 109.1 trong Tủ Sách Văn Học Đại Đạo), xin quý đạo hữu vui lòng sửa lại giúp: Erich Kästner (1899-1974). Ban Ấn Tống thành thật tạ lỗi.