Tôn giáo trong thế gian là phương tiện để
cứu độ. Nếu thế gian đã hoàn thiện (là cõi thiên đàng) thì đâu cần tôn giáo nữa.
Các Đấng cứu thế từng đến với con người thế gian cũng vì phương tiện, như thầy
thuốc đến với bệnh nhân, như thầy giáo đến với người mù chữ, như ngọn đèn thắp
lên trong đêm tối… Trong thánh giáo Cao Đài có hai câu thánh thi của Đức Giáo
Tông Vô Vi Lý Thái Bạch nói về lẽ phương tiện ấy, khi Ngài giáng cơ tại thánh
thất Từ Quang (Quảng Nam), vào Thứ Tư 18-02-1948:
Có sông mới đóng
ra thuyền
Có người tội lỗi
mới truyền pháp tu.
Kinh Phật và Cao Đài ví cuộc đời hay chốn trần gian
này là sông mê (mê hà), là biển khổ (khổ hải). Kinh cúng Tứ Thời Cao Đài có
câu: Biển trần khổ vơi vơi trời nước…
Chúng sanh do tham dục thúc giục và nghiệp lực lôi kéo mà bị nổi trôi, phiêu
dạt, chìm đắm, trầm luân nơi sông mê, nơi biển khổ đó.
Từ hình tượng sông mê, biển khổ mà đưa đến hình ảnh bến
bờ. Bên này (cõi trần) là bến mê (mê
tân), bên kia (cõi Tiên, đất Phật) là bờ giác (giác ngạn). Con người tu hành là để đi qua tới bờ bên kia (đáo bỉ ngạn). Nhà Phật có pháp môn Lục
Độ Ba La Mật, mà Ba La Mật hay Ba La Mật Đa (Paramita, tiếng Sanskrit) chính là đáo bỉ ngạn (chữ Nho), qua tới bờ bên kia (bờ giác, giải thoát).
Trời Phật, Tiên Thánh, Bồ Tát… đem đạo pháp chánh
chơn giáo hóa, chỉ bày cho chúng sanh thoát khỏi trầm luân, tức là cứu vớt
chúng sanh khỏi chìm đắm, và đưa tới chỗ giác ngộ. Trong ý nghĩa này, đạo pháp
chánh chơn là con thuyền, cũng gọi thuyền bát nhã. Tại Trung Hưng Bửu
Tòa (ở Đà Nẵng, thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), vào Thứ Sáu 26-9-1958,
Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy: Nương thuyền
bát nhã thoát mê hà.
Cũng do hình ảnh con thuyền bát nhã (thuyền đạo pháp)
mà đưa đến hình ảnh người lái đò. Trời Phật, Tiên Thánh, Bồ Tát… chính là những vị
lái đò nhẫn nại, từ vô lượng kiếp luôn luôn không ngơi tay chèo chống để đón
khách tục hữu duyên được bước lên thuyền bát nhã. Thế nên đừng lạ lùng khi biết
rằng tại Tam Tông Miếu (Minh Lý Thánh Hội, đường Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn), vào
Thứ Tư 17-12-1969, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cũng là một vị lái đò trong Tam Kỳ Phổ
Độ, khi giáng cơ đã cất tiếng gọi mời chúng sanh hãy đặt chân lên chiếc đò
ngang của Ngài:
Nước biếc sông
xanh một chiếc đò
Ai qua bỉ ngạn
giúp đưa cho…
Vâng, ở đây là đò ngang chứ không phải đò dọc. Có là
đò ngang thì mới đưa người từ bờ bên này vượt sông nước sang qua bờ bên kia (bỉ ngạn).
Trong kho tàng giáo lý ở phương Đông, hình ảnh con
thuyền đạo pháp cứu vớt chúng sanh quả là phổ biến và quen thuộc. Nhưng ở
phương Tây chẳng hề khác. Trong Kinh
Thánh Tân Ước, con thuyền cũng là một hình ảnh ẩn dụ từng được nhắc tới nhiều lần. Chẳng hạn những đoạn như sau:
“Một hôm, Đức
Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để
nghe lời Thiên Chúa. Đức Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những
người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người
xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.” (Luca 5:1-3)
“Đức Giêsu lại
bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh
Người, nên Người phải xuống thuyền mà
ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà
dạy họ nhiều điều.” (Maccô 4:1-2)
“Hôm ấy, Đức
Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất
đông, nên Người phải xuống thuyền mà
ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với
họ nhiều điều.” (Matthêu 13:1-2)
“Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi
theo Người.” (Matthêu 8:23)
“Một ngày nọ, Đức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ.
Người nói: ‘Chúng ta sang bên kia hồ đi!’ Rồi thầy trò ra khơi.” (Luca 8:22)
“Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ,
trở về thành của mình.” (Matthêu 9:1)
“Sau khi giải tán
đám đông, Đức Giêsu lên thuyền, sang
miền Magađan.” (Matthêu 15:39)
“Hôm ấy, khi
chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: ‘Chúng ta sang bờ bên kia đi!’ Bỏ đám
đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người
đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.” (Maccô 4:35-36)
“Khi Đức Giêsu xuống thuyền, thì kẻ trước
kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người.” (Maccô 5:18)
“Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ
bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. ” (Maccô 5:21)
“Rồi bỏ họ đó, Đức Giêsu lại xuống thuyền qua bờ bên
kia.” (Maccô 8:13)
“Bấy giờ đông đảo
dân chúng vùng Ghêraxa xin Đức Giêsu rời họ, vì họ sợ quá. Thế nên Người xuống thuyền trở về.” (Luca 8:37)
“Đức Giêsu lên thuyền với các môn đệ, và
gió lặng.” (Maccô 6:51)
“Khi Đức Giêsu và các môn đệ đã lên thuyền,
thì gió lặng ngay.” (Matthêu 14:32)
“Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền
đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. ” (Matthêu 14:13)
*
Vốn dĩ quen thuộc với ý nghĩa biểu tượng của con thuyền (và người chèo con thuyền đó)
trong kinh Phật và Cao Đài, nên mỗi khi đọc Phúc Âm, gặp những đoạn như dẫn
trên, chép về việc Đức Giêsu dùng
thuyền, lên thuyền, đi thuyền… ở biển hồ Galilê, tôi hay liên tưởng đến sự
tương đồng nào đó trong mối quan hệ giữa con
thuyền và công cuộc cứu độ. Bởi vậy, xin nhắc một chuyện cũ vào năm năm
trước:
Tại Vatican ,
Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI công bố Năm Đức Tin (từ ngày 11-10-2012 đến ngày
24-11-2013); tôi đã rất tâm đắc khi biết rằng biểu tượng của Năm Đức Tin (Year of Faith) là một con thuyền.
Biển khổ thế gian quá mênh mông,
biết bao giờ cạn! Thế nên các Đấng cứu thế vẫn còn phải miệt mài giong con
thuyền đạo pháp ra cứu vớt chúng sinh. Phật, Chúa ngày xưa, và Đức Cao Đài ngày
nay đều như thế.
Điều đáng suy gẫm là luôn luôn có một số ít chúng
sanh chịu bước lên thuyền, và có đông hơn chúng sanh chưa chịu bước lên thuyền.
Trong lúc ấy, vẫn có một số chúng sanh nào đó đã bước lên thuyền nhưng rồi nửa
chừng đổi ý, bèn bỏ thuyền, bỏ ông lái đò mà lội nước trở ngược vào bờ đất cũ;
kinh điển bảo làm như vậy là “bán đồ nhi phế” (nửa đường bỏ dở).
Nhiêu
Lộc, 01-8-2017
HUỆ KHẢI