Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

12/29 ĐĐVU 24 / CHUYỆN CỦA LUẬT / LÊ ANH MINH


Mấy năm nay, do thường xuyên trao đổi sách vở trên mạng, tôi tình cờ quen một thanh niên đặc biệt: Nguyễn Ngọc Luật. Luật còn trẻ lắm, độc thân, mới hai mươi chín tuổi, non nửa tuổi tôi, nhà cũng gần nhà tôi. Sau này khi đã thân, Luật mới kể chuyện riêng của mình.
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Xây Dựng, Luật xin làm một công việc liên quan nhà đất. Do công việc đặc thù, sáng sớm là ra khỏi nhà, chiều tối mịt mới về. Giờ làm việc là giờ hành chánh, mà giao dịch thì thường xuyên ở nhà hàng, bởi vậy về tới nhà là men say đã ngấm sâu. Cả nhà đều lo lắng. Một hôm anh ruột của Luật từ phương xa trở về thăm nhà ít ngày, thấy em như vậy thì nản, nhưng không nói gì. Buổi sáng ngay hôm người anh rời đi thì Luật còn ngủ. Lúc thức dậy, Luật thấy trên bàn có một lá thư do người anh viết rất tình cảm, khuyên đọc sách, và giới thiệu vài nhan đề sách. Luật khóc, và lần dò vào mạng Internet tìm kiếm những cuốn sách mà người anh giới thiệu, trong đó có cuốn Tự Học - Một Nhu Cầu Thời Đại của Nguyễn Hiến Lê.
Do tìm kiếm sách trên Internet mà Luật quen tôi. Tôi cho Luật xem một số sách có bút tích của cụ Lê mà tôi còn gìn giữ. Trong đó có cuốn Đại Cương Triết Học Trung Quốc của cụ Lê viết chung với cụ Giản Chi (nhà xuất bản Cảo Thơm, Sài Gòn 1965), bản ghi số 02GN trong số bốn mươi tám bản đặc biệt giấy ngà, có lời cụ Lê đề tặng hai anh em tôi. Tôi kể Luật nghe những kỷ niệm nhỏ của anh em tôi với cụ Lê. Luật rất hào hứng, vì Luật đã ngưỡng mộ cụ Lê từ khi đọc cuốn Tự Học - Một Nhu Cầu Thời Đại.
Cuốn sách Tự Học… gieo ảnh hưởng rất lớn đối với Luật. Nhận thấy kiến thức hồi học phổ thông và đại học vẫn chưa đủ, Luật tự xây dựng một chương trình tự học qua sách. Rồi Luật đi săn lùng tất cả sách do cụ Lê viết hay dịch, trong một thời gian mà tìm gần đủ hết.
Lá thư của người anh ruột để lại trước lúc xa nhà cùng với cuốn sách Tự Học… của cụ Lê đưa tới một bước ngoặt lớn: Luật lập tức từ bỏ công việc liên quan nhà đất, trở về phụ giúp gia đình sản xuất thực phẩm. Sau đó ít lâu, cha mẹ già bệnh thì Luật là cột trụ gia đình. Thời gian rảnh, Luật ghé nhà tôi hỏi han về sách vở. Tôi chỉ dẫn Luật những sách cần đọc, và phương pháp tự học ngoại ngữ, nhất là Hán ngữ. Luật say mê tụng niệm bộ Tân Quốc Văn do giáo sĩ H. Lamasse (Hương Cảng 1941) dịch ra tiếng Pháp, vừa luyện Hán ngữ vừa luyện tiếng Pháp.
Điều cảm động là nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, khoảng sau ngày đưa ông Táo, Luật lại cưỡi Honda từ Sài Gòn đi xuống Đồng Tháp, đến ngôi chùa Phước Ân ở rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, để thắp hương cụ Nguyễn Hiến Lê và cụ bà Nguyễn Thị Liệp (pháp danh Thích Nữ Huệ Đức). Tôi thầm nghĩ, nơi cõi vĩnh hằng, chắc cụ Lê cũng vui mừng vì những trứ tác và dịch thuật của cụ đã chuyển hóa được thêm một thanh niên nữa, từ chỗ mất phương hướng đến chỗ tìm lại chính mình, trở thành người hiếu học và hiếu thảo, một mình gánh vác trọng trách gia đình, vừa lo sinh kế vừa phụng dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh tật.
LÊ ANH MINH
25-6-2017
TỰ HỌC – MỘT NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI
1. Tôi vừa mua lại được một bản cũ cuốn Tự Học – Một Nhu Cầu Của Thời Đại của Nguyễn Hiến Lê trong một hiệu sách cũ. Tôi thích bản cũ hơn là để có dịp nhớ lại một kỷ niệm. Thuở đó, tôi mua được sách này trong một hiệu sách nhỏ ở tỉnh, do nhà xuất bản Thanh Tân tái bản năm 1968 sau khi đã được tác giả sửa chữa bổ sung từ quyển Tự Học Để Thành Công xuất bản lần thứ nhất năm 1954. Ngày đó, mang sách về tới nhà, cầm quyển sách trên tay lật lật qua từng trang, mùi mực mới lẫn với mùi giấy bốc lên tạo nên một cảm giác vừa rạng rỡ vừa lâng lâng khó tả, thấy thế giới như sắp được mở rộng ra hơn trong tầm mắt.
Phải nhận rằng cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) quả là một người có tiên kiến, đã thấy được rất sớm tầm quan trọng của việc tự học và gọi đó là một nhu cầu của thời đại. Bản thân cụ cũng là một người thành công đặc xuất hầu như hoàn toàn nhờ tự học, tiếp nối những người của thế hệ trước như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim..., vì 120 tác phẩm cụ để lại cho đời thuộc đủ mọi đề tài không có công trình nào liên quan đến ngành Công Chánh là ngành mà cụ đã được học chính thức trong trường lớp cả. Đến nay tôi vẫn lấy làm lạ tự hỏi vì sao một lãnh vực quan trọng như việc tự học mà trong vòng gần năm mươi năm cũng mới có một quyển sách của cụ Lê, chẳng trách gì học sinh, sinh viên ngày nay rất ít có tinh thần tự học, tự nghiên cứu; ngay cả ở các trường sư phạm người ta cũng chỉ đọc bài cho sinh viên chép rồi về nhà chủ yếu học thuộc lòng để đi thi, hầu như không còn thì giờ, sức khỏe đâu để đọc thêm được năm, mười quyển sách trong một năm học trầy da tróc vảy mà kết quả rất yếu về thực chất.
Lối học như vừa nêu trên thực rất trái với tinh thần tự học do cụ Nguyễn Hiến Lê đã đề xướng gần nửa thế kỷ trước, bằng cách đem những điều mình sở đắc viết thành sách hướng dẫn để truyền lại cho các thế hệ trẻ hơn. Đầu quyển sách, nơi trang bìa giả, tác giả đã nhắc, qua một câu dẫn của Carlyle, “mỗi người phải là một vị giáo sư cho chính mình”. Trong bài Tựa ở đầu sách, tác giả kể lại khoảng thời gian khi mới ra trường, khờ khạo không biết cách tự học vì không có ai hướng dẫn, bạ đâu đọc đó, tuy cũng hữu ích theo kiểu “mưa lâu thấm đất” nhưng kết quả không cao và mất nhiều thời giờ vô ích, vì vậy mới nghĩ đến tình cảnh tương tự của những người khác: “Chúng tôi tự xét học còn ít lắm, nhưng nghĩ ai cũng có bổn phận đem những học hỏi, kinh nghiệm của mình giúp người khác, nên soạn cuốn này để các bạn thanh niên mới ở trường ra đỡ phải bỡ ngỡ trong những bước đầu trên con đường tự học.”
Theo tác giả, “tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm. Có thầy hay không, ta không cần biết; người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tùy ý, muốn học lúc nào cũng được: đó mới là điều kiện quan trọng.” (tr. 12)
Trong Chương I, tác giả đã phân tích và nêu nhiều dẫn chứng để chứng minh cho người đọc thấy tự học là một nhu cầu tự nhiên, là một sự cần thiết để bổ khuyết nền giáo dục trong nhà trường và có tự học thêm mới làm trọn được nhiệm vụ: Trong gia đình ta có bổn phận nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe cho mọi người; trong xã hội ta phải giao thiệp với mọi hạng người, phải biết ăn nói, biết dò xét tâm lý, chỉ huy, tổ chức; rồi nhiệm vụ công dân ở thời đại này nữa, mới nặng nhọc làm sao, không thể trông cậy vào sự học ở nhà trường để làm trọn nó được. Tự học còn là một nhu cầu của thời đại, vì trước hết, theo tác giả, người ta thấy trong mọi ngành, tri thức của loài người tăng tiến rất mau; rồi người ta nghiệm lại rằng trong mọi ngành hoạt động, một nhân viên trong bất kỳ một cấp bực nào, càng hiểu biết rộng bao nhiêu thì làm việc càng đắc lực bấy nhiêu. Tự học còn là một thú vui thanh nhã, vì nó nâng cao tâm hồn ta lên, “ta thấy như tự bắc được một cái cầu giữa tâm hồn ta và tâm hồn của các danh nhân trong muôn thuở..., hiểu thêm được những cái đẹp trong vũ trụ..., thấy khả năng của ta tăng tiến và ta giúp đời được nhiều hơn trước...” (tr. 29-30). Tự học còn đem lại những lợi ích thiết thực, “tuy không đủ để làm giàu, nhưng tự học là một cách lương thiện và chắc chắn để kiếm tiền và tăng lợi tức của ta lên.” (tr. 31)
Ở các chương kế tiếp, tác giả khẳng định rằng ai cũng thể tự học được, dù chỉ mới biết đọc biết viết, như trường hợp của hai tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và George Washington. Rồi tác giả chỉ cho những gì cần chuẩn bị để tự học đạt hiệu quả tốt, như phải chuẩn bị trước một số điều kiện tối thiểu về tiền bạc, sức khỏe (ít thôi), phải có lòng tự tin, nghị lực, và biết lập chương trình (với ba phần học thêm về nghề, luyện đức, mở mang trí óc), sau đó là những cách tự học nhưng cách quan trọng được giảng giải, nhấn mạnh trong suốt phần còn lại là đọc sách, và việc phải học thêm một ngoại ngữ, với những lời khuyên và hướng dẫn rất cụ thể dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm bản thân của chính người viết.
Tóm lại, một cuốn sách tuy cũ nhưng cũng còn bổ ích, nên đọc, lý do trước tiên vì ở Việt Nam cho tới nay cũng chỉ có một cuốn đó hướng dẫn và khuyến khích việc tự học. Trong khi chờ đợi có những quyển khác tốt hơn, các bạn trẻ ngày nay có thể rút tỉa được trong quyển sách cũ này nhiều điều bổ ích, mà điều quan trọng nhất là tinh thần tự học trong ý hướng vừa để thăng tiến bản thân vừa để giúp đời mà cụ Nguyễn Hiến Lê không bao giờ quên lặp lại ở nhiều trang sách như một nhắc nhủ tâm huyết đối với thanh niên.
TRẦN VĂN CHÁNH
30-4-2001
2. Cuối thập niên 1960, đang ở bậc trung học đệ nhất cấp (nay gọi trung học cơ sở), tôi bắt gặp một quyển sách do nhà xuất bản Thanh Tân in năm 1968. Trên 200 trang giấy xấu, chữ nhỏ, không có lấy một tranh ảnh phụ bản. Đã vậy bìa ngoài chỉ gồm mấy dòng chữ xanh dương đậm, suôn đuột, in trên nền xanh lục phơn phớt. Chân phương đến mức đơn điệu, khô khan. Thế nhưng, dẫu chưa biết Nguyễn Hiến Lê là ai, tôi chẳng ngần ngại vét số tiền dành dụm ít ỏi của mình để được sở hữu quyển sách mang cái nhan đề gợi lên nỗi tò mò khám phá: Tự Học – Một Nhu Cầu Của Thời Đại.
Ngay chương đầu tiên đã lôi cuốn tôi vì những lý lẽ tân kỳ đối với đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi: “Tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm. Có thầy hay không, ta không cần biết. Người tự học hoàn toàn làm chủ mình, muốn học môn nào tùy ý, muốn học lúc nào cũng được; đó mới là điều kiện quan trọng.” (tr. 12)
Thú thực tôi chưa làm theo hết tất cả những chỉ dẫn đầy kinh nghiệm và sáng suốt của tác giả, nhưng sách đã sớm “khai quang”, dẫn dắt tôi vào một con đường kỳ thú. Noi theo đó, hồi trung học tôi đã tự lập cho mình một tủ sách giá trị với hàng trăm quyển, bòn mót dần dần từng cuốn một bằng cách để dành tiền ăn sáng.
Học Tú Tài ban Toán, vào đời với mảnh bằng Thương Mại, nhưng sau này tôi mưu sinh bằng việc dạy tiếng Anh. Gần bốn mươi tuổi trở đi tôi có thêm cái thú biên khảo và in sách, chọn những đề tài mà trước đây tôi thiếu cơ hội được học ở nhà trường. Vô tình tôi tự “ứng nghiệm” những gì tác giả Nguyễn Hiến Lê đã viết: “... tự học không đủ để làm giàu, nhưng tự học là một cách lương thiện và chắc chắn để kiếm tiền và tăng lợi tức của ta lên.” (tr. 31) “... biết bao người bỏ nghề chính, sinh nhai một cách rất lương thiện bằng một nghề phụ, nghề mà hồi trước họ tự học để tiêu khiển.” (tr. 32).
Dũ Lan LÊ ANH DŨNG
Tháng 9-2002
Văn Uyển chú: Hai bài viết trên đây của Trần Văn Chánh và Dũ Lan Lê Anh Dũng được trích trong hiệp tuyển Nguyễn Hiến Lê - Con Người & Tác Phẩm (nhiều người viết, Nxb Trẻ in năm 2003, sách dày 208 trang 14,5x20,5cm, nay đã tuyệt bản).
DANH NHÂN NÓI VỀ TỰ HỌC
1. Chỉ những người nào tự học mới tự do. / Only the autodidacts are free.
Nassim Nicholas Taleb
Tác gia Lebanon, sinh năm 1960.
2. Khi tới các lớp học chánh thức, tôi là kẻ lười nhác, xao lãng. Nhưng xưa nay tôi luôn luôn là một người tự học siêng năng, cần mẫn và tôi có thể tự học hầu như bất kỳ bộ môn nào nếu tôi nghiêm túc quan tâm, chú ý tới nó. / When it came to formal classes, I was a slacker. But I’ve always been a diligent autodidact and can teach myself virtually any subject if I have a serious interest in it.
Dean Ray Koontz
Tác gia Mỹ, sinh năm 1945.
3. Tôi xác tín rằng tự học là loại giáo dục duy nhất mà ta có được. / Self-education is, I firmly believe, the only kind of eduction there is.
Isaac Asimov (1920-1992)
Nhà văn Mỹ gốc Nga, đồng thời còn là giáo sư dạy môn hóa sinh (biochemistry) tại Viện Đại Học Boston (Mỹ).