Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

15/29 ĐĐVU 24 / SÁCH VÀ ĐỒNG NGHIỆP / NGUYỄN THỊ KIM THỦY


Mỗi khi dạy sinh viên bài Travel (Du Lịch) trong giáo trình tiếng Anh Market Leader – Elementary Level (Unit 4), tôi thường trích dẫn một câu nói được xem là nổi tiếng về chủ đề “Du Lịch”, yêu cầu sinh viên đoán từ để điền vào chỗ trống như sau: “The world is a book and those who do not . . . read only one page.” [Thế giới là một quyển sách và ai không . . . thì chỉ đọc một trang.]
Hầu hết sinh viên đều đoán đúng từ để điền vào chỗ trống là “travel / du lịch”. Theo đó, những ai đi du lịch nhiều thì mở rộng tầm nhìn hơn và hiểu biết nhiều hơn.
Với sinh viên ý tưởng chính của câu nói này là du lịch (travel) vì nó là chủ đề của bài – nhưng với tôi sau bài giảng lại là khái niệm về thế giới (world) và sách (book). Trong phép ẩn dụ này, sách luôn được xem là biểu tượng của kiến thức – điều này cũng không có gì khác thường.
Gần đây, một cô bạn thân thời sinh viên đại học đã cho tôi một ý tưởng khác về sách. Một buổi sáng đi nhà sách về, bạn tôi đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân:
“Mỗi một người là một quyển truyện mình cần phải đọc . . .” (1)
Tôi lắng lòng lại và cũng chợt nghĩ không biết mình đã đọc được hết những quyển sách mình cần phải đọc chưa.
Trên hai mươi năm sống và làm việc bên cạnh những đồng nghiệp của mình, quanh ta đã có biết bao nhiêu sách.
Có những quyển sách luôn cho ta nguồn động lực để vui sống và làm việc – đó là những đồng nghiệp thân thiết luôn cảm thông, chia sẻ và an ủi những lúc ta buồn phiền và chán nản.
Có những quyển sách giờ đã không ai đọc nữa – đó là những đồng nghiệp đã rẽ hướng, ra đi với một cuộc sống mới nơi chân trời khác.
Có những quyển sách mà trước đây mọi người thường đọc nhưng giờ đã được cất vào một ngăn tủ không ai mở ra xem nữa dù sách vẫn sang trang – đó là những đồng nghiệp do tuổi tác không còn đứng trên bục giảng nữa hay nếu có cũng rất hiếm hoi.
Cuộc sống bộn bề với bao lo toan cơm áo gạo tiền khiến ta vô tình bỏ lại những quyển sách mà mình chỉ mới đọc nhan đề trên trang bìa hay chỉ đọc lướt qua – nên không hiểu hết được nội dung – đó là những người đồng nghiệp mình chỉ vội vã chào hỏi xã giao trước giờ lên lớp hay khi gặp nhau ở bãi đậu xe trong khuôn viên trường.
Có những quyển sách mình đọc đi đọc lại mà vẫn không hiểu được những ý tưởng hàm chứa bên trong – đó là những người bạn vẫn ngày ngày đến lớp với sinh viên – hòa mình vào nhịp sống và làm việc chung của các bạn đồng nghiệp nhưng có hoàn cảnh hay tâm tư thầm kín hiếm khi chia sẻ cùng ai.
Bên cạnh những quyển sách sắc màu đang dần nhạt nhòa theo thời gian – đó là những người đang ở tuổi xế chiều – cũng có những quyển sách còn rất mới với những trang giấy còn chưa vướng bụi của thời gian, những quyển sách mà mọi người đều thích đọc bởi khi đọc ta cảm nhận được sự tươi trẻ, nhưng cũng có một chút chạnh lòng vì gợi lại trong ta kỷ niệm của một thời tuổi trẻ đã qua – đó là các bạn giảng viên trẻ, năng động, nhiệt tình và tràn đầy sức sống.
Dù cuộc đời vốn dĩ là vô thường – tất cả rồi sẽ phôi pha theo năm tháng – từng quyển sách cũ sẽ dần dần được xếp vào một ngăn tủ riêng, không ai đọc nữa và, theo quy luật tất yếu, những quyển sách mới sẽ được thay vào đó, nhưng tất cả đều là những quyển sách hay – cho ta những câu chuyện với nhiều “cung bậc cảm xúc khác nhau”.(2) Cùng với những câu chuyện êm ả như mặt nước hồ thu là những câu chuyện đời và nghề với bao sóng gió.
Dù theo như bạn tôi, “không ai có thể đọc được trang cuối quyển sách của chính mình”, nhưng hãy hy vọng rằng trang cuối của tất cả những quyển sách này đều sẽ là những dòng nhạc của những bản sonate tuyệt hay.
Dù biết rằng mai này câu chuyện của mình sẽ nằm trong ngăn tủ không ai đọc nữa, hãy như nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đã khuyên:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.(3)
NGUYỄN THỊ KIM THỦY
(1), (2) Ngọc Cao, Sách Và Đời Người
(3) Còn Gặp Nhau, 1999.