Cầu Hoàng Diệu, Long Xuyên (ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên)
Má tôi sanh Kim Cương tại
Long Xuyên vào mùa nước nổi cuối năm Tân Sửu 1961. Ba thất nghiệp, buồn chẳng
biết làm gì, ngồi viết bài ca sáu câu vọng cổ Nước Lụt Hậu Giang để năm sau ông đi Sài Gòn xin phép xuất bản rồi
cho in. Hai cha con đi bán bài ca khắp các chợ lớn nhỏ vùng Châu Đốc, Tân Châu.
Lúc đó tôi mười tuổi. Nhưng đó là một câu chuyện khác.
Sanh em vài tháng, đường vừa khô nước thì
má mắc chứng tê chân. Sau nầy nghiên cứu y học thì tôi hiểu lúc đó má bị hội
chứng thuyên tắc tĩnh mạch chân do sanh nhiều. Gần như đàn bà thời xưa ai cũng
ít nhiều mắc phải. Ba cũng chạy nhiều thuốc nhiều thầy nhiều nơi. Có ông thầy ở
Vàm Cống bày cho uống cây vông đồng. Không biết có đúng không, cây vông đồng
còn gọi là cây ngô đồng.([1])
Khi tôi đi kiếm cây vông đồng làm thuốc
cho má, có người chỉ cho một cây vông đồng mọc giữa Tòa Án và Trung Tâm Cải
Huấn Long Xuyên, muốn đi vào đó phải qua nhiều lớp rào dây kẽm gai, mương vũng
tù đọng, muỗi như vãi trấu, lùm bụi cỏ lác cao ngập mất cái đầu thằng nhỏ lên
mười.
Chưa hết. Chỗ đó còn là vòng rìa ngoài
cùng của khám lớn, là nơi để mắt của cảnh sát và giám thị. Tôi vì thương má,
quyết lòng bằng mọi giá phải vô được để chặt nhánh vông đồng về cho má uống.
Ngay lần đầu tìm cách chui vào liền bị cảnh sát túm cổ.
Không còn nhớ mình đã làm gì nói gì đến
nỗi khiến cả đám nhân viên cảnh sát chức lớn chức nhỏ phải xiêu lòng. Một ông
lớn tuổi bảo một người trẻ nhất đứng coi chừng cho tôi chui vào chặt được một
nhánh khá to. Đem về nhà, cả ba má tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu nổi tại
sao tôi tìm được; càng kinh hơn khi nghe tôi kể lại lịch sử chặt được nhánh
vông đồng nầy.
Sau đó vài ngày tôi lại đến xin mấy chú
cảnh sát cho vô chặt nhánh vông. Mà khổ cho mấy chú, mỗi lần đều có một người
coi chừng cho đến khi tôi chui ra. Riết rồi quen mặt quen việc. Các nhánh nhỏ
dưới thấp ngang tầm dần dần tôi chặt trụi hết mà chân má cũng vẫn còn tê hoài,
tối nào tôi nằm mùng bên nầy ngó qua mùng bên kia cũng thấy ba ngồi xoa dầu bóp
chân cho má. Ba mỏi mòn lủi ngủ thì má tự bóp mà thút thít khóc. Cứ như vậy mà
tôi nuôi dưỡng quyết tâm chặt thật nhiều vông đồng về cho má uống.
Hết nhánh dưới thấp tôi tìm cách trèo lên
cao. Cây vông đồng lớn cả chục vòng ôm của tôi, trên vỏ có nhiều gai, nếu trước
đó tôi bị gai quào chảy máu ít, thì khi trèo được lên cao bị gai quào chảy máu
nhiều hơn, chưa kể mấy lần trợt té rớt xuống cỏ xuống mương nước đen ngòm, đặc
lừ lăng quăng và muỗi đói. Tay chân bụng cứ
lằn ngang lằn dọc, lằn nầy vừa khô máu thì lằn khác chồng lên. Có lúc ba má
biểu tôi thôi đi, nhưng nhìn xịa thuốc vơi dần là tôi lại lén nhà xách dao đi
ra khám lớn.
Khi tôi trèo lên cao nhìn được bên trong
khám thấy người ở tù đi qua đi lại thì cảnh sát lại có phương án khác dòm chừng
tôi. Lúc nầy họ đã biết nhà tôi, ở gần đó, nên cũng bớt e ngại tôi làm cái gì
không phải phép.
Việc kéo dài chừng mấy tháng gì đó, thuốc
tích lũy được nhiều thì tôi cũng đến ngày đi học lại. Con đường chui rào của
tôi giờ thành con đường mòn xinh xinh mà chỉ có tôi là người duy nhất trên đời
nầy có quyền đi và chui qua chui lại.
Năm sau gia đình về Vĩnh Long sau bảy năm
trời luân lạc. Cây vông đồng bên hông khám lớn Long Xuyên cuối đường Gia Long,
mờ dần trong trí nhớ.
Ngày nay, hơn năm mươi năm, mỗi lần về
Long Xuyên tôi luôn luôn trở lại nơi nầy. Cảnh vật không còn giống gì với ngày
xưa nữa hết. Má tôi cũng không còn trên cõi đời nầy. Giống vông đồng gần như
tuyệt chủng. Tôi không biết ngày đó nó có góp phần nào cải thiện sự đau nhức
chân của má tôi không, nhưng từ đó tôi có một niềm đam mê nghiên cứu y học và
sưu tầm cây thuốc. Bày cho người nầy người kia, có người tin người không. Dù
thế nào tôi đều thấy bảng lảng bóng hình má tôi hiện thân trong từng người bị
bệnh mà lúc nào mình cũng muốn tìm cách nầy cách kia cho họ bớt đi những nỗi
đau đời.
NHƯ
KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
Vĩnh Long 2014
Trích
hồi ký “Trôi Nổi Phận
Người”