Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

22/29 ĐĐVU 24 / HỘI ĐUA BÒ BẢY NÚI / NGUYỄN THANH LỢI


Cộng đồng Khơ Me ở nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu người.([1]) Đồng bằng sông Cửu Long là nơi người Khơ Me tập trung đông nhất. Người Khơ Me phân bố chủ yếu ở hai mươi ba huyện, thuộc tám tỉnh, thành: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trong đó, tập trung đông nhất ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Một số ít người Khơ Me cư trú ở các tỉnh Đông Nam Bộ, xen lẫn với người Việt, Hoa, Chăm.
Dựa vào điều kiện địa lý, môi sinh, lịch sử cư trú, người Khơ Me ở Tây Nam Bộ tập trung cư trú ở ba vùng chính: vùng Trà Vinh và một phần Vĩnh Long, vùng ven biển Sóc Trăng và ở Tây Ninh, An Giang và một phần Kiên Giang thì cư trú dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia.
Người Khơ Me sớm biết trồng lúa nước, biết làm thủy lợi trong nông nghiệp, lợi dụng thủy triều để đưa nước vào ruộng, đắp đập giữ nước để rửa phèn cho ruộng. Họ biết cách giải quyết các vấn đề khó khăn về sức kéo, về các loại công cụ dùng để chuyên chở trên đất giồng dưới đồng ruộng và đất lầy, cách chọn các giống lúa phù hợp với các loại đất cho năng suất cao. Bò là gia súc quan trọng nhất đối với họ.
Do chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng dân gian, đạo Bà La Môn, Phật Giáo Tiểu thừa, nên người Khơ Me Nam Bộ có nhiều lễ hội với các nguồn gốc và tính chất khác nhau như: lễ hội truyền thống tộc người, lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, lễ hội bắt nguồn từ Phật Giáo. Các lễ truyền thống tộc người gồm: lễ vào năm mới (Bon Châul chhanam Thmei), lễ cúng ông bà (Pithi sèn Đâunta), lễ cúng trăng hoặc đút cốm dẹp (Bon sâm peah preah khe hoặc Âk âm bok).
Tri Tôn và Tịnh Biên là hai huyện miền núi của tỉnh An Giang, có dãy Thất Sơn nổi lên trên khu vực đồng bằng giáp biên giới Campuchia, nơi có khá đông đồng bào Khơ Me sinh sống. Nơi đây, ngoài hai ngày lễ hội cổ truyền lớn hằng năm là lễ vào năm mới và lễ cúng ông bà còn có hội đua bò truyền thống vùng Bảy Núi nổi tiếng, một sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian.
Xưa kia cứ vào mùa cấy gặt hằng năm, nông dân Khơ Me từ các phum sóc kéo đến cày ruộng cho nhà chùa. Những lúc rảnh rỗi, họ rủ nhau đua các đôi bò để xem bò ai nhanh hơn, khỏe hơn. Vào mùa khô thì đua xe bò đôi, kéo trên một chiếc xe bánh nhỏ, chạy trên đường đất. Mùa mưa thì đua bằng bừa kéo (không răng) trên nền ruộng xâm xấp nước. Các sư cả của từng chùa đứng ra tổ chức cuộc đua, giải thưởng cho các đôi thắng cuộc gồm phần thưởng tinh thần là sợi dây “cà tha” có lục lạc đeo ở cổ bò. Từ những cuộc đua nhỏ ban đầu đã trở thành ngày hội đua bò truyền thống của đồng bào Khơ Me hằng năm ở vùng Bảy Núi.
Từ năm 1992, chính quyền hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã tham gia tổ chức hội đua bò nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp cũng như làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào vùng biên. Hai huyện đã luân phiên tổ chức được hai mươi mốt lần đua bò. Lần đầu tiên tổ chức năm 1992, tại sân chùa Tà Miệt, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, với năm mươi bốn đôi bò đua tham dự. Năm chẵn tổ chức ở huyện Tri Tôn, năm lẻ tổ chức ở huyện Tịnh Biên. Các địa phương khác cũng gửi bò đua đến tham gia như Châu Thành, Thoại Sơn (An Giang), Hòn Đất (Kiên Giang), huyện Kirivông (tỉnh Tà Keo, Campuchia) và cả chủ bò người Kinh. Trong thời gian tới sẽ mời cả các tỉnh có đồng bào Khơ Me tham gia như Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long… Số lượng đến xem hội đua bò ngày càng đông, lên đến 30.000 lượt khách mỗi năm, có cả du khách nước ngoài. Bắt đầu từ năm 2009, hội đua bò Bảy Núi chính thức được nâng cấp thành lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ nhất tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Và hội được tiến hành vào trước dịp lễ Đolta một ngày, tức từ 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch.
Trường đua là khoảnh ruộng bằng phẳng, xâm xấp nước, gọi là “đua bò bừa” như trường đua ở chùa Tà Miệt có chiều dài 160m, rộng 60m, được trục xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò, khán giả đứng xem ở xung quanh. Mỗi cuộc đua có khoảng 40-50 đôi bò tham gia, như năm 2010 có đến 78 đôi tham gia, trước đó là vòng đấu loại ở cấp cơ sở. Mỗi lần đua, hai đôi bò phải kéo theo một giàn bừa không răng bằng gỗ, chạy trên quãng đường 120 mét, gọi là đua trước-sau, và có hai đích đến để tính điểm thắng, đồng thời để tăng tính hấp dẫn cho đường đua. Thi đấu loại trực tiếp một lần thua. Vào quãng những năm 1980-1985 thì đua song hàng, tức hai đôi bò đua song song nhau. Người điều khiển bò phải đứng vững vàng trên trên giàn bừa, vừa vung gậy điều khiển bò như đang bừa trên ruộng. Nếu đôi bò nào chạy ra khỏi đường đua rộng 8 mét thì bị loại ngay.
Không khí tranh đua quyết liệt ở từng đường đua ngay từ khi mới xuất phát và càng về cuối thì càng gay cấn. Những đôi bò phóng đi vun vút mang lại sự phấn khích cho khán giả và sự cổ vũ nhiệt tình của khách đến xem càng làm cho không khí ngày hội náo nức. Sau hội đua, giá trị đôi bò thắng cuộc tăng lên rất cao và chủ bò cũng trở thành người nổi tiếng. Hội thi là dịp để các chủ bò thi thố tay nghề nuôi bò của mình, tài nghệ khéo léo trong việc điều khiển bò trong sản xuất nông nghiệp và thể hiện tinh thần thượng võ trong thi đấu, sự gắn bó đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Khơ Me thông qua việc sáng tạo và thụ hưởng những giá trị văn hóa chung.
Đây có thể nói là hội đua gia súc gắn với việc sản xuất nông nghiệp hết sức độc đáo, có một không hai. Tây Ban Nha có đấu bò hấp dẫn người phương Tây, nhưng đó là đấu trường đẫm máu, nguy hiểm đến tính mạng đấu sĩ. Trung Quốc có hội đua bò của các dân tộc ở cao nguyên Tây Tạng và vùng đồng bằng như hội đua bò ở huyện Ngọc Thụ (tỉnh Thanh Hải) và ở xã Bạch Vu, huyện Tiến Hiền, thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây), nhưng bò chỉ chạy trên đường đua cùng với chủ bò để về đến đích, làm cuộc đua kém phần hấp dẫn. Indonesia có tổ chức đua bò trên đảo Sumatra với tên gọi “pacu jawi” của bộ tộc MinangKabau ở Padang, đua bò kéo trên ruộng ướt và trên đảo Madura nằm ở ngoài khơi phía đông bắc của đảo chính Java, tiếng địa phương là “Karapan Saki”, với đường đua khô.
Ở góc độ văn hóa nông nghiệp, ngày hội đua bò phản ánh đặc điểm của nền sản xuất lúa nước với việc duy trì sức kéo gia súc. Đối với người Việt “Con trâu là đầu cơ nghiệp” thì đối với người Khơ Me, con bò là gia sản quý giá trong việc nông gia. Riêng huyện Tri Tôn, số lượng bò đã lên đến 21.849 con (năm 2011), trong đó sử dụng cày kéo là 14.190 con. Trong khi đó số lượng trâu chỉ có 588 con với 356 con được sử dụng làm sức kéo.([2]) Trang trại Biên Giới của tư nhân ở Tri Tôn có lúc nuôi đến 700-800 con bò cung cấp cho thị trường.
Do trên địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có loại ruộng trên (ruộng gò), cấu tạo bởi phù sa cổ sinh, trên mặt là đất cát pha, đất thịt, dưới sâu là đất sét nên dễ thoát nước sau mùa mưa, dùng máy cày không thuận lợi, nên việc sử dụng bò trong sản xuất nông nghiệp là phù hợp.
NGUYỄN THANH LỢI
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương (tại Tp.HCM).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
An Giang Non Nước Hữu Tình. Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tỉnh An Giang, 2007.
An Giang Triển Vọng & Cơ Hội Đầu Tư. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang, 2003.
Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng chủ biên, Lễ Hội Truyền Thống Trong Đời Sống Xã Hội Hiện Đại. Hà Nội, 1993.
Huyện Tri Tôn Tiềm Năng Và Cơ Hội Đầu Tư (bản thảo).
Lê Hương, Người Việt gốc Miên. Sài Gòn: Tác giả xuất bản, 1969.
Mia Nguyên, Lễ Hội Đua Bò Bảy Núi, Tạp chí Heritage, tháng 8-2012.
Nguyễn Mạnh Cường, Vài Nét Về Người Khơ Me Nam Bộ. Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2002.
Nhiều tác giả, Địa Chí An Giang, Tập 2. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang.
Thạch Voi, Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc Khơ Me Nam Bộ, Trung Tâm Văn Hóa Tp.HCM, 2001.
Viện Văn Hóa, Tìm Hiểu Vốn Văn Hóa Dân Tộc Khơ Me Nam Bộ. Nxb. Tổng Hợp Hậu Giang, 1988.




 ([1]) Là 1.260.640 người, theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng Cục Thống Kê (http://vov4.vov.vn/Mong/gioi-thieu/dan-toc-khmer-cgt2-80.aspx); “khoảng 1,3 triệu người” (http://vovworld.vn/vi-VN/sac-mau-cac-dan-toc-viet-nam/dan-toc-khmer-o-viet-nam-397169.vov)
([2]) Niên Giám Thống Kê Huyện Tri Tôn 2011. Chi Cục Thống Kê huyện Tri Tôn, 2012, tr. 48.