Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

13/29 ĐĐVU 24 / VĨNH BIỆT CHỊ TÔI / NGUYỄN DO ĐẲNG


Khói nhang quyện gió mây trời,
Tro nhang hòa đất phụng đời cỏ cây.
Xa gởi hương linh chị Nguyễn Thị Duyên

Thế rồi sau mươi hôm hôn mê do biến chứng của bênh tiểu đường, được cấp cứu tại bệnh viện Châu Đốc - con trai duy nhất và bốn cháu nội gái, các cháu rể chị đã cùng nhau hết lòng giành sự sống cho chị - nhưng ở tuổi tám mươi hai, chị đã trút hơi thở và quay về với Tía Má, với Tổ Tiên Nguyễn Tộc mình hồi giữa giờ Tý, đầu ngày 02 tháng 6 nhuận năm Đinh Dậu (0 giờ 10 ngày 04-7-2017).
Vẫn biết tuổi chị đã vượt xa ngưỡng “cổ lai hy”, và cũng từng nghe biết “Nhân sinh nhất thế trường như khách / Hà tất kim triêu thị biệt ly” [xem chú thích cuối bài] nhưng, chị ơi! Em chị, con cháu chị và cả thân bằng quyến thuộc cũng không ngăn được nghẹn ngào khi biệt ly ập đến!
Tiễn đưa chị về chỗ an giấc cuối đời nơi “Mộ Địa Nguyễn Gia” phía sau thành phố Châu Đốc, do con cháu chị chuẩn bị mấy năm rồi, giữa một sáng âm u gió lạnh, tang gia cùng quyến thuộc… mỗi người đành phải gửi vào huyệt mộ chị một cành hoa trắng như chút nghi lễ tiễn đưa lần cuối cùng, như tấm lòng kính quý chị và thành lòng cầu xin chư Phật tiếp dẫn hương linh chị về miền tịnh độ.
Nhớ mới ngày nào, thủa em còn là cậu bé thiếu niên và chị đang phơi phới xuân thì - một phụ nữ hiền thục kiệm cần, sinh thành từ gia đình sống cùng ruộng rẫy nơi thôn ấp nghèo vùng biên địa Khánh An. Chị hai mươi bốn tuổi mới xuất giá về miệt vườn Cần Thơ xa xôi, để rồi năm hai mươi sáu tuổi, chị ôm thằng con trai mười một tháng tuổi tìm về cha mẹ đẻ xin phép được quyết định ly hôn. Dù được cha mẹ chồng yêu thương tìm đến tha thiết gọi về, dù được cha mẹ đẻ hết lời khuyên nhủ hãy tròn đạo vợ chồng nhưng nỗi buồn riêng đã khiến chị cứng lòng chắc tay ôm con thơ sống cùng bao khó khăn, thua thiệt và… nuôi dạy con nên người, suốt quãng đường trần nhiều cạm bẫy và dài dặm dặc từ thời hai mươi sáu tuổi xuân cho đến cuối đời, giữa năm tám mươi hai tuổi già nua bệnh yếu trong vòng tay của con hiếu, dâu hiền, cháu thảo. Rốt đời nhìn lại, em thấy chị đã “thành đạt” chỉ với hai từ rất dân dã mà chị thường ngày khuyên răn mình, khuyên răn con mình từ lúc nó vừa chập chững vào đời và mãi về sau này: Ăn, nói, làm phải đàng hoàng.
Chị cũng như Nội Ngoại, như Tía Má nhà mình, như ngàn muôn thế hệ người, chị phải nối tiếp cuộc hành trình của sinh, lão, bệnh, tử theo thông lệ của nhân sinh, chị đã một mình về miền thiên cổ, nhẹ nhàng bước đến cõi thiên thu!
Giờ đây thằng em út cũng đã bạc đầu cùng các cháu và bao người thân đành ôm lòng ngóng theo chị với tất cả tình cảm bùi ngùi thương tiếc khôn nguôi và luôn nguyện cầu chị hòa nhập miền an lạc.
Chị biệt trần ai, nhẹ bước tiêu dao đường vĩnh cửu.
Em ôm kỷ niệm, nặng lòng tông tộc bến phù sinh.
NGUYỄN DO ĐẲNG
Khánh An biên địa
04 tháng 6 nhuận Đinh Dậu (2017)
Văn Uyển chú:
Chu Phóng 朱放 tự Trường Thông 長通, người Tương Châu, huyện Nam Dương, không rõ năm sinh năm mất. Tương truyền, vua Đường Đức Tông (780-805) có lần triệu Chu về kinh, phong một chức quan nhưng ông không nhận, ở ẩn tại Diễm Khê.
Bạn thơ của Chu là Ôn Đình Quân 溫庭筠 (812-870), tự Phi Khanh 飛卿, người Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), tinh thông âm nhạc và từ trẻ sớm nổi danh về thơ. Đi thi không đỗ nên Ôn vui bước giang hồ.
Chu Phóng làm thơ tiễn chân Ôn Đài (Ôn Đình Quân):
送溫臺
眇眇天涯君去時  
浮雲流水自相隨  
人生一世長如客  
何必今朝是別離
Tống Ôn Đài
Miễu miễu thiên nhai quân khứ thì
Phù vân lưu thủy tự tương tùy
Nhân sinh nhất thế trường như khách
Hà tất kim triêu thị biệt ly.
Dịch nghĩa:
Tiễn Ôn Đài
Lúc người đi chốn xa mịt mù,
Mây trôi nước chảy cũng đi theo
Kiếp người một đời như khách trọ
Cần chi sáng nay là biệt ly.
Huệ Khải dịch:
Tiễn Ôn Đài
Mù mịt chốn xa lúc bạn đi
Mây trôi nước chảy cũng phân kỳ
Thế gian một kiếp thân như khách
Hà tất sáng nay mình biệt ly.
Trong câu ba, Chu Phóng ví đời người vắn vỏi như khách trọ, thế gian là lữ quán để tạm náu nương. Thơ của Chu nhắc ta nhớ tới Khách Đình ở thánh địa Tây Ninh. (Xem: Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri, Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 155-157; quyển 42-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)