TRIẾT GIÁO ĐÔNG TÂY
SOCRATE, ĐỨC GIÊSU, VÀ
ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG
Socrate, Jésus, Bouddha: trois maitres de vie
(Paris: Nxb Fayard, 2009)
FRÉDÉRIC LENOIR
VĨNH AN dịch
Sinh
ngày 03-6-1962 tại Antananarivo, thủ đô đảo quốc Madagascar, Frédéric Lenoir là
triết gia, nhà văn, từng làm giám đốc tạp chí Le Monde des religions (Thế Giới Tôn Giáo) trong chín năm (2004-2013).
Ra đời năm 2003, tòa soạn tại Paris ,
hai tháng ra một tập, tạp chí này tiếp cận các vấn đề tôn giáo theo hai góc độ
văn hóa và thế tục.
Cư ngụ
tại Gò Vấp, Vĩnh An là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu tôn giáo có tinh thần
liên tôn. Bạn đọc Đạo Uyển còn biết tới hiền huynh qua phương danh Gioan Nguyễn
Sơn (pháp danh Toàn Nhất). Ban Ấn Tống xin đa tạ hiền huynh Vĩnh An có nhã ý
tặng Đạo Uyển trọn bản dịch sách của Lenoir để tùy duyên trích đăng.
LỜI NÓI ĐẦU
Vấn đề này cũng
lâu đời như lịch sử của tư tưởng. Thế nhưng ngày nay nó được đặt ra với một sự
dữ dội hoàn toàn đặc biệt. Thật vậy, chúng ta đang chìm vào một cuộc khủng
hoảng kinh tế có một tầm sâu rộng hiếm có, khiến chúng ta phải xem xét lại cách
thức phát triển của chúng ta dựa trên sự gia tăng thường xuyên việc sản xuất và
tiêu thụ.
Không phải là nhà
kinh tế học, tôi không thể phát biểu gì về đầu đuôi sự việc của hoàn cảnh hiện
nay. Nhưng, từ một quan điểm triết học, tôi tiên cảm khủng hoảng có thể có một
hậu quả tích cực, và cho dù những hệ quả xã hội bi thảm mà nhiều người chịu
đựng và tất cả chúng ta đều quan sát thấy.
Trong tiếng Hy
Lạp, “khủng hoảng” có nghĩa là “quyết định”, “phán đoán”, và dẫn đến ý tưởng
một thời điểm then chốt nơi “điều đó phải được quyết định”.
Chúng ta đi qua
một thời kỳ quan trọng, ở đó những chọn lựa nền tảng phải được thực hiện; nếu
không, đau khổ sẽ trầm trọng thêm, có lẽ theo chu kỳ nhưng chắc chắn.
Những chọn lựa ấy
phải thuộc về chính trị và phải bắt đầu với một sự lành mạnh hóa cần thiết và
một bộ khung hiệu quả hơn và công bình hơn cho hệ thống tài chính lệch lạc
chúng ta sống trong đó hôm nay. Những chọn lựa ấy cũng có thể liên quan trực
tiếp hơn đến toàn bộ các công dân bởi một sự tái định hướng về nhu cầu nhắm đến
việc mua những của cải có tính sinh thái và liên đới hơn.
Việc thoát khỏi
lâu dài cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ tùy thuộc vào quyết tâm thật sự muốn thay
đổi luật chơi tài chính và thói quen tiêu thụ của chúng ta. Nhưng điều đó có lẽ
không đủ. Chính cách sống của chúng ta, dựa trên một sự gia tăng tiêu thụ không
ngừng cần phải được thay đổi.
Từ cuộc cách mạng
công nghiệp, và cả trước đó, từ những năm 1960, quả thật chúng ta sống trong
một nền văn minh biến việc tiêu thụ thành một động cơ của tiến bộ. Động cơ
không chỉ của kinh tế, mà của cả ý thức hệ: tiến bộ, chính là sở hữu nhiều hơn.
Quảng cáo hiện
diện khắp nơi trong đời sống chúng ta chỉ làm cho niềm tin ấy lệch lạc dưới mọi
hình thức. Liệu người ta có thể hạnh phúc mà không cần có một chiếc xe đời mới
nhất không? kiểu máy đọc đầu đĩa DVD và điện thoại di động không? một máy
truyền hình và một máy vi tính trong mỗi phòng không?
Phải nói rằng hầu
như ta không bao giờ bị tra hỏi ý thức hệ này: Bao lâu ta có thể tra hỏi, tại
sao ta không làm? Và ngày nay phần lớn các cá nhân trên khắp hành tinh dòm ngó
cái kiểu người phương Tây sở hữu, tích lũy, và thay đổi thường xuyên của cải
vật chất cũng như tự hỏi ý nghĩa sau cùng của đời sống là gì.
Khi kiểu mẫu này
co cụm lại, hệ thống trở thành lệch lạc; khi dường như người ta không còn có
thể tiếp tục tiêu thụ cách vô hạn định theo một nhịp điệu điên rồ, những nguồn
tài nguyên của hành tinh có giới hạn và việc chia sẻ trở thành cấp thiết. Khi cái
luận lý ấy không những có thể chuyển hồi, nhưng nó sinh ra những hậu quả tiêu
cực ngắn hạn và dài hạn, thì sau cùng người ta có thể đặt ra những câu hỏi tốt
lành. Người ta có thể tra hỏi về ý nghĩa của kinh tế, về giá trị của tiền bạc,
về những điều kiện thật sự để có được một xã hội quân bình và hạnh phúc của các
cá nhân.
Do đó, tôi tin
rằng khủng hoảng có thể và phải có một ảnh hưởng tích cực. Nó có thể giúp chúng
ta khuôn đúc lại nền văn minh của chúng ta, lần đầu tiên trở nên toàn hành
tinh, trên những tiêu chuẩn khác với tiền bạc và sự tiêu thụ. Cuộc khủng hoảng
này không chỉ thuộc môi sinh và tài chính, nhưng cũng thuộc triết học và tâm
linh. Nó dẫn đến những câu hỏi phổ quát: Cái gì làm cho con người hạnh phúc?
Cái gì được coi như một tiến bộ thật sự? Những điều kiện nào làm cho đời sống
xã hội được hài hòa?
Các truyền thống
tôn giáo đã cố gắng mang lại những câu trả lời cho các vấn đề căn bản. Nhưng vì
chúng bị đóng khung trong quan điểm thần học và đạo đức quá cứng ngắt, và vì
chúng không luôn luôn còn là những kiểu mẫu của nhân đức và lòng tôn trọng con
người nên các tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo độc thần, không còn thuyết phục
được nhiều người hiện đại nữa.
Ngày nay người ta
buộc phải thừa nhận rằng nhiều sự xung đột và bạo lực thực hiện trên con người
là những sự kiện do các tôn giáo gây ra, trực tiếp hay gián tiếp. Tôn giáo pháp
đình thời trung cổ và chính quyền duy Islam ở Iran ngày nay là ví dụ về sự hòa
giải bế tắc giữa học thuyết nhân bản và chế độ thần quyền. Và bên ngoài kiểu
mẫu thần quyền, khắp nơi trong thế giới, những thể chế tôn giáo vất vả đáp ứng
yêu sách ý nghĩa của các cá nhân khi mang lại cho họ thêm nhiều tín điều và quy
phạm.
Khá sớm, tôi đã
đặt ra cho mình vấn đề hạnh phúc đích thực, đời sống công bằng và ý nghĩa của
cuộc hiện sinh. Tôi lúc ấy còn ở tuổi thiếu niên. Việc đọc các đối thoại của
Platon đã là một phát hiện thật sự. Trong các đối thoại Socrate nói về sự hiểu
biết bản thân, tìm kiếm chân, thiện, mỹ và sự bất tử của linh hồn. Ông đề cập
không quanh co những vấn đề làm tôi ray rứt. Và ông làm công việc ấy một cách
mà tôi thấy là thuyết phục, trái ngược với những câu trả lời làm sẵn và không
thỏa đáng trong sách giáo lý của tôi thời thơ ấu.
Và rồi, mấy năm
sau, tôi được mười sáu tuổi, lần này tôi khám phá Ấn Độ và đặc biệt Đức Phật.
Nhiều tác phẩm khai tâm và có tính tiểu thuyết – Siddharta của Hermann Hess([1]*) hoặc Le
Troisième Oeil (Con Mắt Thứ Ba) của Lobsang Rampa – đã dẫn tôi đến một tác
phẩm nhỏ đáng chú ý: Giáo Huấn Của Đức
Phật Theo Những Văn Bản Cổ Xưa Nhất, của Walpola Rahula.([2]*) Một
chương mới: sứ điệp của Đức Phật cũng nói với tôi như sứ điệp của Socrate bởi
sự chính xác, sự chặt chẽ sâu xa, tính hợp lý và yêu sách đầy sự dịu dàng trong
sứ điệp của ngài. Tôi hẳn có thể ở lại nơi đó bao lâu hai vị thầy ấy còn nuôi
dưỡng tinh thần tôi. Thế nhưng, không lâu sau tôi đã thực hiện một cuộc gặp gỡ
quyết định lần thứ ba: Lần đầu tiên tôi mở sách Phúc Âm ở tuổi mười chín.
Tôi tình cờ đọc
được Phúc Âm Gioan, và điều này làm tôi cảm kích sâu xa. Những lời của Đức Giêsu
không chỉ nói với trí tuệ của tôi, nhưng chúng còn đụng chạm trái tim tôi. Lúc
đó tôi đã nhận ra những lời Ngài với một sự táo bạo khó tin nhằm giải phóng cá
nhân khi trao trách nhiệm cho cá nhân chênh lệch đôi khi một trời một vực với
diễn từ dạy đạo đức của nhiều Kitô hữu đóng khung cá nhân trong sự tội.
Từ hơn hai mươi
lăm năm, Đức Phật, Socrate và Giêsu là những vị thầy dạy tôi sống. Tôi học cách
giao du với các ngài, chà xát tôi với tư tưởng của các ngài, suy tư những hành
động của các ngài, những điểm khác nhau và những điểm đồng nhất. Rốt cuộc, những điểm đồng nhất này đối với tôi
mới là quan trọng nhất. Vì dù cho khoảng cách địa lý, thời gian văn hóa phân
cách các ngài, đời sống và giáo huấn của các ngài gặp nhau trên những điểm chủ
yếu. Chứng từ và sứ điệp ấy, giúp đỡ tôi sống từ bao năm nay, tôi đã muốn tìm
cách chia sẻ chúng. Tôi xác tín rằng chúng đáp ứng các vấn đề và các nhu cầu
sâu xa nhất của cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang đi qua.
Vì vấn đề thật sự
được đặt ra cho chúng ta là như sau: Liệu con người có thể được hạnh phúc và
sống hài hòa với người khác trong một nền văn minh hoàn toàn được xây dựng xung
quanh một ý tưởng về cái “có” không? Không, Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu đáp
lại cách mạnh mẽ. Tiền bạc và việc thủ đắc của cải vật chất chỉ là những phương
tiện, đã hẳn quý giá, nhưng không bao giờ là một mục đích tự thân. Vả lại bản
chất của ước muốn sở hữu thì luôn vô độ. Ước muốn ấy sinh ra ức chế và bạo
hành. Như thế con người sinh ra để không ngừng ước muốn sở hữu cái nó không có,
dù phải giành lấy cái ấy bằng sức mạnh nơi người lân cận. Vả lại, một khi các
nhu cầu vật chất chủ yếu đã được bảo đảm – nuôi sống, có một mái nhà và cái gì
để sống nghiêm túc – con người cần đi vào trong một luận lý khác với luận lý của
cái “có” để được thỏa mãn và trở nên nhân văn trọn vẹn hơn: luận lý của cái
“là”. Con người phải học để biết mình và làm chủ bản thân, để lĩnh hội thế giới
xung quanh mình và để tôn trọng nó. Phải khám phá cách yêu thương, cách sống
với những người khác, điều khiển những sự tước đoạt, có được sự bình thản, vượt
qua những đau khổ không thể tránh khỏi của đời sống, nhưng cũng để chuẩn bị cái
chết với đôi mắt mở to. Vì nếu đời sống là một sự kiện, sống là một nghệ thuật.
Một nghệ thuật được học, khi tra hỏi các hiền nhân và khi bản thân mình nỗ lực.
Socrate, Đức
Giêsu và Đức Phật dạy chúng ta sống. Chứng từ đời sống và giáo huấn mà các ngài
đề nghị, đối với tôi dường như là phổ quát và có tính hiện đại đáng kinh ngạc.
Sứ điệp của các ngài tập trung trên con người cá nhân và sự phát triển của nó,
không bao giờ chối bỏ việc cá nhân tham gia cần thiết vào tổ chức xã hội. Sứ
điệp ấy đề nghị một liều lượng khôn ngoan giữa tự do và tình yêu, giữa biết
mình và tôn trọng người khác. Dù bắt rễ trên nền tảng tín ngưỡng khác nhau, sứ
điệp ấy không bao giờ là tín điều lạnh lùng: Nó luôn mang lại ý nghĩa và kêu
gọi lý trí. Nó cũng nói với tâm hồn.
Tác phẩm này được
chia ra làm hai phần:
Phần đầu tiên đề
nghị một tiểu sử chéo của ba vị tôn sư sự sống. Tôi đã viết phần này với phong
cách giáo khoa, như một người viết lịch sử hơn là một môn đệ, với khoảng cách
và sử dụng những kiến thức thuận lợi nhất. Thật vậy, đối với tôi điều quan
trọng không phải là thông tri các đời sống trong truyền thuyết, đã được lý
tưởng hóa, nhưng những đời sống rất thật – trong mức độ xem xét các nguồn tài
liệu mà chúng tôi có được – và chúng ta sẽ thấy rằng làm như thế không hề đơn
giản!
Trong phần thứ
hai, tôi đề nghị năm chương lớn viết theo đề tài, tóm tắt những điểm then chốt
trong giáo huấn của các ngài: a/ niềm tin vào tính bất tử của linh hồn; b/ việc
đi tìm chân lý; c/ về tự do; d/ về công bằng; và e/ về tình yêu. Nhiều yếu tố
khác trong các giáo huấn có liên quan đến đề tài có thể được truyền đạt. Tôi đã
thực hiện sự chọn lọc, do đó mà sự chọn lọc này tùy nghi, nhưng luôn tôn trọng
tính chất liên kết trong tư tưởng của các ngài. Điều này rõ ràng thường dẫn tôi
đến chỗ phải xác định những quan niệm dị biệt trên cùng một đề tài. Vì một sự
chiết trung dễ dãi không làm cho sáng tỏ hơn khi chối từ kết hợp, bởi sự đắn đo
liên quan đến tôn giáo và các trường đại học. Ba tư tưởng ấy có âm vang lẫn
nhau trên những điểm chủ yếu, mà trước hết bởi nỗi ưu tư kiên định nói về hết
thảy mọi người, được phú bẩm trái tim và lý trí để tra hỏi về sự bí ẩn và ý nghĩa
của hiện sinh.
Giữa các điểm
chung của cuộc đời các ngài, có một điểm chung khá đặc biệt và đáng được nhấn
mạnh: Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu không để lại bút tích nào. Tuy nhiên, hẳn
rằng cả ba đều biết đọc và biết viết, cũng như thường thấy nơi các thanh niên
sống trong thời đại và môi trường các ngài – cho dù trong nước Ấn Độ thời Đức
Phật, vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên, việc sử dụng chữ viết rất hạn chế,
giới hạn trong việc thương mại và hành chính. Việc các ngài muốn tự giới hạn
giáo huấn của các ngài chỉ bằng lời chắc hẳn không phải là không đáng kể. Giáo
huấn mà các ngài truyền đạt là sự khôn ngoan về đời sống. Minh triết này được
truyền đạt một cách sống động, bởi sức mạnh của gương sáng, sự chính xác của
hành vi, lời nói sống động, cùng giọng của tiếng nói. Trước hết, nó được truyền
đạt cho một nhóm nhỏ các môn đệ, cho dù Đức Giêsu cũng thích nói với các đám
đông: với những đàn ông và đàn bà; đôi khi họ rời bỏ tất cả để bước theo dấu
chân của những vị mà họ coi như những tôn sư về minh triết, sẵn lòng truyền đạt
đời sống và lời nói của các ngài. Một số các môn đệ ấy đã viết, các môn đệ khác
đã tiếp tục truyền đạt một giáo huấn bằng lời trước khi những môn đệ xa về sau
này ghi lại chứng từ của họ.
Khởi đi từ các
văn bản cổ xưa nhất, tôi đã cố gắng sao chép lại ở đây đời sống của ba vị hiền
giả. Tôi đã tìm cách thuật lại trong mức độ có thể các bản văn, cho phép chúng
ta lắng nghe tiếng nói xa xôi của Socrate, Đức Giêsu và Đức Phật. Như thế các
độc giả chưa có dịp đọc các kinh bổn Phật Giáo, những cuộc đàm thoại của Platon
hoặc những sách Tin Mừng sẽ có thể giáp mặt với các văn bản và qua đó với những
lời được gán cho các ngài; những lời ấy còn vang lên mạnh mẽ trong tai chúng
ta, miễn là chúng ta biết lắng nghe chúng.
Socrate, Đức
Giêsu và Đức Phật là những vị sáng lập cái mà tôi sẽ gọi là một “học thuyết
nhân bản tâm linh”. Triết gia Karl Jaspers ([3]*) đã
dành cho các vị tập sách đầu tiên trong bộ lịch sử triết học của ông (ông còn
thêm vào đó Khổng Tử) và ông coi các ngài như “những người đã mang lại khuôn
mẫu cho con người”.([4]) Còn
gì cần thiết và thời sự hơn khi đối diện với việc xây dựng lại một nền văn minh
đã trở nên toàn cầu? Hành tinh chúng ta đã bị xâu xé giữa một bên là quan điểm
thuần túy hám lợi kiểu con buôn và duy vật với bên kia là sự cuồng tín và chủ
nghĩa giáo điều tôn giáo. Hai xu hướng bề ngoài trái ngược, thế nhưng đều tập hợp
mọi sự để dẫn đưa thế giới vào sự hỗn loạn và duy trì nhân loại trong luận lý
của cái “có”, của sự vâng lời ấu trĩ và sự thống trị. Tôi tin chắc rằng chỉ việc
tìm kiếm cái “là” và trách nhiệm – cá nhân và tập thể – mới có thể cứu chúng ta
khỏi chúng ta. Đó là điều mà các ngài đã dạy chúng ta từ hai ngàn năm nay theo
cách riêng của mỗi người: Socrate (triết gia thành Athene), Đức Giêsu (ngôn sứ
Do Thái ở Palestine ),
và Sĩ-đạt-ta (còn gọi là Đức Phật, hiền giả Ấn Độ).
(Còn tiếp)
FRÉDÉRIC LENOIR
VĨNH AN dịch
([1]*) Hermann Hess (1877-1962)
là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Thụy Sĩ gốc Đức, giải Nobel văn chương năm 1946. Siddhartha được Phùng Khánh và Phùng
Thăng dịch ra tiếng Việt (qua bản tiếng Anh) với nhan đề Câu Chuyện Của Dòng Sông (Sài Gòn: Nxb Lá Bối, 1965, 1966); sau đổi
thành Câu Chuyện Dòng Sông (Sài Gòn: Nxb
An Tiêm, 1967, 1970).