Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

MẸ TÔI / ĐẠO UYỂN THU 2020 (TẬP 35)


MẸ TÔI
TRẦN HUIỀN ÂN
Đạo Uyển Hạ 2020 đã hân hạnh hiến quý đạo hữu, đạo tâm hồi ức Ngôi Trường Của Mẹ, của nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Huiền Ân (thế danh Trần Sĩ Huệ, sinh năm 1937 tại làng Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).
Qua hồi ức nói trên chúng ta thấy rõ bà Nguyễn Thị Xuyến (1902-1945), thân mẫu tác giả, quả thật là một bậc nữ lưu hy hữu ở một miền quê mộc mạc miền Trung vào nửa đầu thế kỷ trước.
Giờ đây, chúng tôi trích in thêm một hồi ức khác của tác giả,([1]) ngõ hầu chúng ta được bổ sung những nét chấm phá chân dung bà Nguyễn, được khắc họa qua những dòng chữ đằm thắm yêu thương với giọng văn man mác thi vị, cũng là bút pháp độc đặc của Trần tiên sinh. (Nhan đề bài viết và các chú thích do Đạo Uyển thêm vào.)
Nắng vàng lóa mắt. Con đường cát trắng hoa lên ánh vàng. Trảng tranh, trảng đế hoa lên ánh vàng. Nhìn vào không trung thấy có những giọt nắng tựa như giọt nước kết lại rồi vỡ ra, khi thì chạy tán loạn, khi thì chạy thành hình chữ chi, đường dzich-dzăc, chạy theo kiểu các động tác trong phim hoạt họa.
Rừng núi oi bức, nặng nề. Những tiếng chim rừng vang lên khô rát, khắc khoải:
Chát cha chát, chát cha cha…
Chát cha chát, chát cha cha
Tiếng gáy của những con đa đa. Có nơi gọi là gà gô.([2])
(…)
Tôi đang trên đường về lại làng quê Vân Hòa. Ở đây có chợ Đồn là chợ duy nhất của tổng. Ngày phiên thu hút nhiều người mua, người bán từ Tuy An, Tuy Hòa lên, từ các chợ ven biển: chợ Đèo, chợ Giã, chợ Yến, chợ Thứ, chợ Bàu Súng, chợ Dinh… Những chàng trai khắp tổng và các tổng lân cận: tổng Sơn Bình, tổng An Sơn, An Hải cùng về tìm vợ chợ đông.
Vân Hòa là điểm gặp của các con đường từ Tuy Hòa, Tuy An, đi qua để lên Củng Sơn, lên Trà Kê. Đây là chặng dừng chân cho cả người và ngựa nghỉ ngơi. Lúc tôi đã biết, nhà tôi còn là trạm dịch của nhiều toán như vậy. Cụ giáo Trương về Huế vô, từ Tuy Hòa lên Trung Hòa, ông Cử Trần từ An Thổ lên Phú Thuận, ông Học Đào từ Phú Lâm lên Xuân Sơn… đều nghỉ tại nhà tôi. Nghe tiếng nhạc ngựa rộn ràng từ chòi mòng đưa lại, anh em tôi nhìn ra, chẳng mấy chốc đã thấy chiếc nón quai điều chóp bạc của khách dừng trước cổng rào chìa vôi lấp lánh ánh nắng. Mẹ tôi vội vã làm bữa cơm trưa với món thịt heo nấu nước mắm, món xào bắp sú, cái bắp sú thường xuyên treo lủng lẳng phía trên cũi thức ăn. Vị khách nào cũng đòi thêm đĩa mắm thơm. Bữa cơm chiều phải là món đặc sản. (…) Sau này tôi được hiểu: Những năm trước đó, các người này, lúc ấy chưa thành kẻ có vai vế ở các làng bên, khi đi qua Vân Hòa chỉ có một mình hoặc với vài ba bạn trai. Họ lập nên nhà cửa, ruộng vườn rồi, một chuyến đi nào đó, có một người con gái Vân Hòa hứa sẽ theo làm nội tướng. (…)
Lúc gặp mẹ tôi, cha tôi là ông thầy dạy chữ Nho. Ở Lục Tỉnh về lại Vân Hòa, cha tôi là người đi truyền bá quốc ngữ. Cha tôi cất một ngôi trường và mời thầy về dạy miễn phí cho lũ trẻ trong làng. Về mặt danh nghĩa, ngôi trường là của cha tôi, nhưng về mặt thực tế, các chi phí cho trường, từ lương thầy giáo, tiền giấy bút sách vở cho thầy đến phần thưởng cho học trò đều do mẹ tôi trích từ lợi tức trong gánh hàng xén của người. Ở trường, thầy cộng điểm và công bố vị thứ hàng tuần chứ không đợi đến cuối tháng. Mỗi chiều Thứ Bảy, học sinh khá được phát thưởng bằng giấy manh,([3]) ngòi bút lá tre, mực viên. Nếu dùng từ ngữ của những năm 70 mà nói thì đây là một nghĩa thục.([4]) Cả anh em tôi đều được vỡ lòng, tập nét chữ đầu tiên từ ngôi nghĩa thục nhỏ bé của mẹ tôi.
Đã biết đọc, biết viết, anh em tôi rất thích thú khi đón nhận những lá thư từ các nơi gởi đến cho cha tôi. Con tem Đông Dương hầu hết in hình người Pháp. Thư ở Nha Trang gởi cho cha tôi bao giờ cũng đề Mr. Trần Huyền Đoan dit Năm Cúp, vì một thời cha tôi làm thợ hớt tóc nơi bây giờ là hiệu Sanh Bá Hạp trên đường Thống Nhất. Cái chữ dit ([5]) này đã khiến tôi lúc ấy rất buồn phiền.
Lớp tuổi chúng tôi ở Vân Hòa, đã được cha mẹ đặt cho những tên đẹp theo chữ Nho. Có những Đinh Nguyên Tư, Đặng Hạo Nhiên, Thái Thị Kiều Trang, Nguyễn Thị Minh Vân… Bên cạnh đó, với các bà, các mẹ, chúng tôi còn có những tên nôm na xấu xí nữa. Anh em tôi là thằng Mọi Anh, Mọi Em. Và ngoài tên chính, tên tục, cha tôi còn đặt cho một tiểu tự. Sáng mồng một Tết dậy sớm, rửa mặt chải tóc, mặc quần áo mới, viết dòng khai bút trên giấy hồng đơn, phía dưới ghi tên kèm tiểu tự, dán lên cột.
Tôi đã viết: Trần Sĩ Huệ dit Huyền Ân.
Ông cậu bảo như thế là không đúng. Chữ dit không dùng cho tiểu tự mà để giải thích tục danh. Phải viết Trần Sĩ Huệ dit Mọi Em. Cậu lấy các bì thư người ta viết cho cha tôi làm dẫn chứng. Người ta viết Trần Huyền Đoan dit Năm Cúp, chứ không phải Trần Huyền Đoan dit Chương Phủ. Tôi không dám cãi lại, chỉ cho là cậu có lòng ác muốn bêu xấu tôi. Tôi ghét cái tên Mọi Em. Và cảm thấy cách đặt tên theo chữ nghĩa thật sâu sắc. Do câu của Công Tây Hoa trả lời thầy Khổng: “Tông miếu chi sự, như hội đồng, đoan chương phủ, nguyện vi tiểu tướng yên” ([6]) (Trong cuộc tế tự ở tông miếu, trong cuộc hội chư hầu, mặc áo huyền đoan đội mũ chương phủ nguyện làm tiểu tướng), cha tôi có tên tự Chương Phủ. Do câu “Trí huệ chi sĩ thị huyền ân dã” ([7]) (Trí huệ của kẻ sĩ là do ơn mầu nhiệm vậy), tôi có tên tự Huyền Ân.
Khi mẹ tôi đã mất, khi lớn lên đọc một nhà văn Tây phương: “Mất mẹ, không phải chỉ mất một người mẹ, mà cả tuổi thơ ấu của ta cũng mất đi một nửa. Vì cái thời ta là một đứa con bé bỏng, vừa là của ta vừa là của mẹ ta. Chỉ có mẹ ta mới biết được như ta, những câu chuyện xa xăm, không có nghĩa lý gì mà vô cùng thân thiết…”, tuy vẫn trân trọng chữ nghĩa, tôi trở lại yêu cái tên Mọi Em của mình. Lúc này tôi thấm thía rằng những tên gọi là “tên tục” ấy không hàm ý xấu xa mà ở đó là cả tình thương của người mẹ. Đứa con của mình, cho dẫu xấu xí đến mấy đi nữa người mẹ vẫn thương bằng cái tình thương lớn lao nhất, sâu thẳm nhất. Mỗi dịp Tết, mẹ tôi gói cho những đòn bánh tét nhỏ xíu để tôi chơi. Mẹ tôi bỏ công ra chà cái bong bóng heo đến thật mỏng, nài nỉ cha tôi bịt cho chiếc trống rung con. Chiếc trống rung thật nhỏ, cầm trên hai ngón tay, xoe đều, xoe nhẹ, hòn sáp đánh vào mặt trống căng thẳng, tiếng kêu bum bum vừa vui tai vừa hãnh diện. Trong bữa ăn, tôi nói “Kon Tum” (tên tỉnh vừa biết trong bài học địa dư) thì mẹ tôi gắp cho con tôm… Tôi chỉ nhớ được ở mẹ tôi những chuyện vặt vãnh như thế. Ôi, những chuyện không nghĩa lý gì mà vô cùng thân thiết!
Mẹ tôi sắm nhiều loại bát đĩa, xếp thành từng bộ. Bộ hoa thơm, bộ ông tiên, bộ con rồng, bộ phụng tím, bộ phụng xanh… Nếu chỉ lưu lại vài ba hôm thì khách sẽ được dùng mỗi bữa ăn một bộ bát đĩa khác nhau, mỗi ngày hai bộ tách trà khác nhau. Một mình thì cha tôi uống bằng cái tách nhỏ, hơi cao, đặt trong cái đĩa tương đối rộng, vẽ ông già câu cá bằng nét nguệch ngoạc, thô cứng. Cha tôi bảo đó là nét võ cách. Lúc ấy, tôi cho rằng lòng dĩa rộng quá, không cân xứng. Còn bây giờ, tách trà không có trước mặt, tưởng tượng ra tôi mới nghiệm thấy cái ý nghĩa trong lời giảng của cha tôi. Từ trên cao nhìn xuống, lòng dĩa như mặt hồ dàn trải, sợi dây câu của Thái Công rơi đúng vào lòng tách… loang loáng dưới đáy là trời, là mây yên tĩnh. Chờ đợi và chờ đợi. Thời gian cứ trôi qua theo từng tách nước đầy vơi nhưng phao không bao giờ động đậy, không bao giờ có con cá đớp mồi. Uống trà để tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Tôi nghiện trà từ những phút ngồi bên cha tôi như thế, được cho nếm thử vị trà. Cha tôi uống loại trà chữ mực, hiệu con nai đen, gởi mua tận Quy Nhơn, đựng trong thùng thiếc, đặt trên mặt tủ con. Tôi thường mở nắp, cúi mặt vào thùng, hít từng hơi dài, buồng phổi thơm ngát hương trà. Một lần vừa ngẩng lên thấy mẹ tôi đứng nhìn, ánh mắt vừa giễu cợt, vừa thương hại, nụ cười vừa bao dung, vừa bằng lòng. Tôi chạy đến ôm chầm mẹ tôi, ngây ngất thấy người mẹ cũng ngạt ngào hương trà.
Hình như là một buổi chiều sắp hết mùa đông, đã có nắng vàng ấm nhẹ. Mẹ tôi đem những thùng dầu dừa đông đặc ra phơi. Khi thấy dầu đã tan chảy hết, tôi khệ nệ bưng cái thùng hạ ([8]) vào. Mẹ tôi ngồi trên thềm, âu yếm nhìn tôi và nói lời khen tặng. Thùng không còn nhiều dầu, nhẹ hẫng, song thềm nhà cao, khi bước lên bậc đá tôi vấp ngã, mũi va vào cạnh thùng, máu tuôn ra. Mẹ tôi hốt hoảng, chạy đến đỡ tôi dậy, lau vết máu, đưa vào nhà nằm nghỉ. Cái thùng hạ lăn xuống, nhờ đậy nắp kỹ, dầu không đổ. Cả cuộc đời tôi chỉ giúp cho mẹ tôi chừng ấy mà không làm xong việc.
Khi dạy học ở Hòa Đa, nhà trọ dành cho tôi một gian phòng gần đường. Trưa nào cũng vậy, từ bên kia đường vang lại tiếng đứa con gái nhỏ ru em. Đứa con gái giọng còn ngọng nghịu. Nó gào lên chứ không phải ru. Có lẽ vì không cảm nhận được thứ âm thanh thiếu ngọt ngào êm ái ấy nên em bé cứ khóc, không chịu ngủ. Nó càng gào to hơn. Hẳn là vốn liếng về câu hát quá ít nên sau khi chuyển sang mấy đoạn mở đầu của vài ba bài hát mới, nó lại quay về điệu ơi hời, với câu:
Một mai con cá hóa rồng
Đền ơn cha mẹ kẻo công sanh thành
Nghe đứa con gái gào mãi, quen đi tôi lại thấy nó hát thế là hay. Sau bữa cơm trưa hình như tôi có ý đợi chờ cái giọng ngọng nghịu khô cứng ấy cất lên.
Để báo hiếu, lời hát đưa ra một điều kiện thật khó khăn: cá hóa rồng. Cá hóa rồng hoàn toàn chỉ là một hình tượng và là một hình tượng không dễ gì thực hiện nên mãi mãi còn trong niềm mơ ước: một mai… là thứ thời gian cứ tưởng gần kề mà chẳng bao giờ chịu đến.
Những buổi trưa như thế, tôi nằm tự xét mình đã lập được công gì để đền ơn mẹ và không có được lời giải đáp.
(…)
Rồi mẹ tôi mất. Không bao giờ còn những bữa ăn vui vẻ, đông đủ bà con hai bên, mỗi bữa ăn dùng một bộ bát đĩa, mọi người đều nói về mẹ tôi một cách tự hào, cảm mến và kính phục. Gia đình tôi rời khỏi Vân Hòa khi đất nước bắt đầu bước vào cuộc chiến tranh đằng đẵng ba mươi năm.
(…)
Nấm mộ mẹ tôi ngày trước, qua khỏi ruộng Cầu theo một lối rẽ. Lối rẽ ấy song song với đường cái, tạo cho chúng tôi cái ảo giác nơi mẹ nằm khá xa đường. Chung quanh là rừng chồi, hoa trâm dại mùi thơm gắt. Hoa màu trắng ẩn hồng ẩn tím, cành gai, lá nhám. Xa chút về phía tây, mấy cây thị thân thẳng vươn cao. Đó là lối vào Dinh Ông, miễu thờ vị Thành Hoàng bổn xứ. Không khí linh thiêng lan tận mấy ngọn cây này.
Ngày nay, lối mòn song song và rừng chồi bị xóa mất. Nơi mẹ nằm chỉ cách đường có mấy thước. Trưa tháng Năm, trời xanh cao vút. Không còn chòm trâm dại, nên không còn bầy chào mào ríu rít, bầy bồ chao ra rả ồn ào. Không còn mấy ngọn thị vương vấn khí thiêng. Nhìn vào phía đó, nông trường đang mở, những luống cà phê mới lớn nối tiếp nhau chạy dài mãi mãi đến chân trời. Tiếng xe ủi, máy cày rì rì nổ đều từ xa, thỉnh thoảng rú mạnh.
Vết tích chiến tranh còn để lại một dấu đạn giữa lòng bia mộ mẹ tôi. Thoi cốt sắt lộ ra, mòn nhỏ, rỉ sét. Mặt xi măng rơi vỡ khá rộng. Chỉ còn đọc được hai hàng chữ hai bên, những chữ trên và dưới cùng. Tôi cắm bó hương vừa cháy bén lên bệ bia bằng đá ong, ngồi nhìn làn khói mỏng tan bay, nghĩ đến mẹ tôi, (…) đến lớp sinh thành đã sống bằng tấm lòng tràn đầy nhân hậu.
TRẦN HUIỀN ÂN (1985)



([1]) Nhan đề nguyên là Tiếng Gà Cơm Cát. In trong tập truyện Khói Của Ngày Xưa (Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Phú Yên, 2003). Đạo Uyển trích in lại với sự cho phép của tác giả, bản thảo gởi về từ Tuy Hòa (Phú Yên), ngày 19-3-2020.
([2]) Chữ Nho gọi là giá cô hay chá cô 鷓鴣 (partridge).
([3]) manh: Do tiếng Pháp là main. Một xấp (thếp) giấy manh (une main de papier) thường gồm hai mươi hay hai mươi lăm tờ đôi. Học trò tự vô bìa và đóng lại thành tập vở.
([4]) nghĩa thục 義塾 (tuition-free private school): Trường tư, do người dân thành lập, nhưng không thu học phí.
([5]) dit: (Tiếng Pháp) hiệu là, tức, tục danh.
([6]) 宗廟之事, 如會同, 端章甫, 願為小相焉. (Luận Ngữ, 11:26)
([7]) 智惠之士是玄恩也. (chưa rõ xuất xứ)
([8]) thùng hạ: Loại thùng thiếc vuông, dung tích khoảng 10 lít, thường để chứa dầu phụng (phọng), dầu dừa, v.v…