Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

CÁI CHẾT HAY CUỘC KHỞI HÀNH? / ĐẠO UYỂN THU 2020 (TẬP 35)


CÁI CHẾT HAY CUỘC KHỞI HÀNH?
SỬ KIẾN NGUYÊN
Cuối cùng thì ai cũng như ai, là những tảng thịt lớn, sẽ mục, sẽ bốc mùi sau khi chết đi. Cứ qua mỗi lần dự một tang lễ là một lần tôi được trải nghiệm một câu chuyện nhân sinh.
Có những đám tang tràn ngập nước mắt hối hận, khóc nấc lên khi quan tài người chết được đưa vào lò hỏa táng.
Có những đám tang lại chộn rộn tiếng cười và những lời chúc ra đi thanh thản.
Có những đám tang căng thẳng vì những lời trách móc, mắng nhiếc đổ lỗi cho nhau về sự ra đi của người đã nằm xuống.
Có những đám tang hơi man dại một chút khi những người phụ nữ cúi xuống hôn xác chồng, cha, hay em của mình, để lại dấu son thật đỏ lên trán rồi cười giòn giã.
Có những đám tang vô cùng xót xa khi phải đến phút cuối gia đình mới chịu thừa nhận giới tính mà con mình thực sự muốn.
Trước cái chết, giá trị của người đã khuất sẽ được “thẩm định”, còn những tình cảm của người ở lại sẽ thật hơn. Sẽ chẳng có kiềm nén hay giả tạo nữa bởi vì tất cả đã xong xuôi hết rồi. Dù người mất có là người hữu thần hay vô thần, những gì sau cùng đến với họ là không giả dối. Cái gì cuối cùng thường trở nên quan trọng và được trân trọng.
Sao phải đợi đến giây phút cuối mới tha thứ cho nhau?
Sao phải đợi khi người ta nhắm mắt xuôi tay rồi mới ngồi nhìn ngắm gương mặt mà mỗi-ngày-đều-thấy?
Sao phải đợi chiếc khăn trắng phủ mặt rồi mới nói với nhau những lời yêu thương?
Sao phải đợi đến khi đóng nắp quan tài mới nói lời cảm ơn vì người đã hiện diện trong cuộc đời ta?
Sao phải đợi đến khi ngọn lửa bùng lên đốt sạch mọi thứ mới nghẹn ngào gọi mẹ gọi cha?
Sao phải đợi đến cuối cùng mới chịu buông bỏ giận hờn, sự cố chấp, và hận thù trong ta?
Lúc đó người mất đã mất rồi, đã “khởi hành” cho một kiếp rong chơi khác rồi. Đã muộn rồi, còn gì nữa đâu! Phải chăng do ta đã quá ơ thờ? Phải chăng ta đã chủ quan khi thấy sức khỏe của mình còn tốt, nghĩ rằng mình sẽ còn sống lâu? Phải chăng những cuộc hẹn của tuần sau, tháng sau... làm ta có cảm giác mình sẽ sống đến lúc đó?
Phải chăng cuộc sống bình lặng hằng ngày làm ta quên mất rằng mình cũng là NGƯỜI, rồi cũng sẽ ra đi vào một ngày thật tình cờ.
Cái chết vốn dĩ là bình thường.
Này người ơi, người đã kịp ăn bữa cơm chiều nay với gia đình chưa? Đã kịp nói với người thương hai tiếng “cảm ơn” vì sự xuất hiện của họ chưa? Người đã kịp ôm hôn cuộc đời đẹp đẽ này chưa? Người có kịp hát hò nhảy múa theo điệu nhạc chưa? Người đã trọn vẹn chưa? Đã chuẩn bị để “khởi hành” bất cứ lúc nào chưa?
Vì mai đây, có thể ta không còn thấy nhau. Giống như ông bạn già mỗi khi uống trà thường nói với tôi: “Ngày mai tụi mình sẽ chết đó. Không biết tui đi trước hay ông đi trước?” Tôi đã không còn sợ từ “chết” nữa, điều tôi sợ bây giờ là ra đi mà chưa bình an vì còn dở dang nhiều thứ chưa làm...
Thời trẻ tôi từng phục vụ trong Ban Nhà Thuyền Bát Nhã. Mỗi khi tẫn liệm cho người dưng đã khuất, tình người trong tôi được khơi lên để can đảm theo đuổi công việc chẳng hề có lương bổng mà mình đang làm. Dù đó là người dưng hay người thân, khi họ mất đi ai trong chúng ta cũng cảm thấy “tội nghiệp”; tình thương đến từ đó. Vậy hóa ra, để thương người chẳng khó, phải không?
Chỉ là bình thường cái tôi đó lớn quá phải không? Là ta đã cố chấp phải không? Phải không...?
Bởi vì, tình yêu thương là không thể dùng lý trí hay sân hận để đè nén. Dù có khỏa lấp bằng hoàn cảnh, lỗi lầm, trách nhiệm hay hàng nghìn thứ khác, cuối cùng tình cảm vẫn là tình cảm, nó vẫn nguyên vẹn. Chỉ là nó cố tình ẩn đi, ngại thừa nhận, ngại thể hiện. Ấy vậy mà nó vẫn cứ lấp ló, hệt như đứa trẻ chơi trốn tìm nấp trong góc rồi vẫn cứ thập thò xem thử đã ai đến gần hay chưa. Yêu thương là không thể chối bỏ.
Điều khó nhất người ta có thể làm là thương người dưng và tha thứ cho người thân.
SỬ KIẾN NGUYÊN
Thánh địa Tây Ninh
Cuối mùa Xuân năm Canh Tý (2020)