NHỮNG
CHIỀU MƯA NHỎ
TRẦN HUIỀN ÂN
Đã qua tiết lập thu, đã có những buổi dịu mát, những
cơn mưa nhỏ, khiến cho trời đất và lòng người hòa hợp cảm thông.
Ngô đồng nhất
diệp lạc.
Thiên hạ cộng tri
thu.
Đó là chuyện bên Tàu. Ở đây, nào ai có biết cây ngô
đồng ra sao, có thấy lá ngô đồng rụng thế nào, chỉ nghe mang máng trong thơ và
trong ca dao, dân ca:
Chiều chiều ra
đứng lầu tây
Thấy cô gánh nước
tưới cây ngô đồng.
Nhưng dẫu không có một lá ngô đồng chúng ta vẫn có cả
một mùa thu dàn trải:
Những chiều mưa nhỏ
đi qua áo
Hoa nở vàng thu
những lối quê.
Thơ đăng trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (Sài Gòn), khoảng đầu thập niên 1960, tiếc rằng
tôi không nhớ hết bài cũng không nhớ tên tác giả. Hình như của Hữu Hoàng, hay
một thi sĩ khác.
Tôi đã từ giã tuổi thơ trong một chiều thu mưa nhỏ,
cho nên mỗi lần tái ngộ cơn mưa nhỏ chiều thu không khỏi nhớ mãi, xa xăm về quá
khứ.
Cái hạnh phúc lớn nhất của thời trai trẻ là luôn luôn
có cái đích trước mắt để hướng tới. Mùa xuân mở ra những dự định, mùa thu nhìn
lại ngày tháng đã qua, điều chỉnh, thay đổi để mùa đông mang về thành tựu. Mỗi
năm, một năm mới, mỗi ngày, một ngày mới. Bao giờ cũng là những hy vọng dâng
tràn, tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua bao ngăn trở, thử thách để đạt điều mong
muốn.
Tuổi già như đi vào ngõ cụt. Biết rằng mình đã ở cuối
đường. Chẳng bao nhiêu bước nữa là vực sâu, là hố thẳm, là biển cả dữ dội sóng
gào. Chúng ta phải dừng lại, buông tay, bất lực. Những tính toán muộn màng đành
dang dở cả. Ai mà không hoảng sợ trên nhịp cầu sông Nại Hà, nơi thử thách xem
ta đã tích tụ dành dụm được bao nhiêu âm đức!
Tuổi già vì vậy thường nhìn lại dĩ vãng. Có kẻ tô
hồng quá khứ, bằng lòng trong sự nuối tiếc, hãnh diện, ôm ấp cái quá khứ ấy
trong ngày tháng thong dong. Được vậy cũng là quý. Có người, như tôi, đếm lại
thời gian đi qua trong sự tự phán xét và rất buồn khi hiểu rằng cuộc đời mình
chồng chất liên tiếp những sai lầm.
Cỡ ngày này, tháng này… hồi mười mấy tuổi, rồi hai
mươi mấy tuổi, băm mấy tuổi, bốn mấy, năm mấy chẳng hạn… Sự việc như vậy, như
vậy… dẫn tới kết quả như vậy, như vậy… lẽ ra mình biết nhường nhịn hơn, chừng
mực hơn, hay cương quyết hơn, thẳng thắn hơn, nói chung là biết ứng xử đúng hơn
thì kết quả đã khác. Mình đã thành công hơn, toại nguyện hơn, là đứa con đứa em
biết hiếu đễ, không mất người bạn này, không làm phiền lòng người kia, không để
xảy ra điều đáng tiếc ấy, không có nỗi ân hận kéo dài, mỗi lần nhớ lại vẫn chưa
thấy lạt phai.
Chữ thu 秋 và chữ tâm 心 ghép lại thành chữ sầu 愁. Người xưa đặt ra chữ này đã thấu hiểu nỗi lòng mùa thu chăng?
Những chiều mưa
nhỏ đi qua áo. . .
Hình ảnh ấy đẹp nhưng vốn sẵn nỗi buồn giấu kín bên
trong! Nếu không gay gắt chói chang như nắng mùa hè thì thà là như gió bão
cuồng nộ mùa đông. Sao lại sầu? Nhưng yếu tính của nghệ thuật là nỗi buồn,
chính vì vậy mùa thu đã đi vào thi ca nhiều hơn cả. Thi sĩ Tản Đà Cảm Thu, Tiễn Thu. Thi sĩ Lưu Trọng Lư nghe
cả Tiếng Thu. Đã có hàng trăm bài thơ
thu buồn, tuy rằng tương đương cũng có hàng trăm buổi chiều mưa nhỏ đôi bạn yêu
nhau tay trong tay đi bên nhau.
Lẽ ra phải có hàng trăm bài thơ thu vui.
TRẦN
HUIỀN ÂN (2010)