MÁ!
HUỆ KHẢI
Rất lâu rồi tôi cứ lưỡng
lự mỗi khi muốn viết về má, bởi biết mình khó ghi chép lại đủ đầy trọn vẹn những
gì suốt một đời má luôn luôn hy sinh cho ba tôi, cho hai anh em tôi, từ thuở
đôi mươi xuân sắc tha hương, trải qua hơn nửa thế kỷ với cồn biển nổi chìm, nước
non biến chuyển.
Tôi hay vấn vương suy
nghĩ về cái lẽ dở dang trong cõi ta bà. Dang dở dường như là định lệ trớ trêu,
mai mỉa của kiếp người. Chả trách xa xưa, khi cảm hứng vạch nét vẽ hào mà tạo
thành sáu mươi bốn quẻ Dịch bất hủ tượng trưng cho thiên hình vạn trạng trong
vũ trụ càn khôn, trong nhân tình thế thái, thì hiền nhân thánh triết đã cố ý sắp
đặt quẻ cuối cùng là Vị Tế (chưa xong). Tôi nghĩ, giả dụ tôi may ra có khả năng
nhiều tới đâu chăng nữa, thì muôn lời vạn tiếng tôi liều chép về má rốt lại
cũng chỉ là một dở dang như quẻ Vị Tế dang dở mà thôi.
Má tôi xuất thân chỉ
là cô gái quê đủ biết đọc biết viết, rồi thời cuộc đẩy đưa người vợ trẻ xinh xắn
đảm đang của thầy giáo làng trở thành một phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó,
lam lũ dãi nắng dầm sương, đầu tắt mặt tối bán buôn thiệt thà giữa chốn thị
thành phồn tạp, củi quế gạo châu. Nhờ má gánh gồng, gia đình nho nhỏ của một
giáo viên tiểu học được vững vàng qua thời tao loạn điêu linh; thầy giáo ấy đêm
đêm đến lớp học thêm, rồi chuyển ngạch lên dạy trung học đệ nhất cấp. Nhờ má
cáng đáng, hai đứa con trai được no cơm ấm áo, được học hành, rồi cùng vào đời
với nghề dạy học…
Vẫn mong khi ba má
cao tuổi sẽ được an nhàn hạnh hưởng những mùa thu êm đềm bên con thảo, dâu hiền,
và hai cháu ngoan ngoãn. Nào hay, ba tôi bị tai biến mạch máu não, chịu khổ mười
bốn năm đăng đẵng, cũng là ngần ấy thời gian má chịu khổ chung. Ba tôi tạ thế
được một năm thì tới lượt má đột quỵ, liệt bên phải. Những vất vả lo toan dồn tụ
từ thuở thanh xuân qua buổi trung niên tới lúc xế chiều dường như đợi chờ đúng lúc,
đã mau chóng biến một phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát hôm nao phải ngồi xe lăn, mọi
sinh hoạt thường nhật đều phụ thuộc vào em tôi chí hiếu.
Tôi
đoảng lắm; từng chút từng chút chăm sóc ba má bệnh tật trước sau đều hoàn toàn
do vợ tôi và em tôi cáng đáng. Mấy năm nay, hằng tuần vài buổi, tôi từ Phú Nhuận đi cặp theo bờ kênh
Nhiêu Lộc về Bà Chiểu ghé nhà thăm má, ăn với má và em bữa cơm chay, cho má thấy
mặt, nghe tiếng con mà vui. Má đang tiến gần gần vào ngưỡng chín mươi, chúng tôi đã
qua rồi một hoa giáp, nhưng má vẫn hằng lo nghĩ giùm y như khi chúng tôi còn bé.
Để má thanh thản, có nhiều việc má hỏi, chúng tôi phải quyền biến lựa lời nói
khác đi sự thật.
Biết tôi sẽ về thăm
như thông lệ, má luôn bảo em tôi đẩy xe lăn ra ngồi chờ sẵn ở hàng ba, sau khung
cửa rào mở rộng. Lần nào không về được hoặc về muộn, tôi phải gọi điện thoại để
em tôi báo cho má an lòng.
Năm 2014, bạn tôi là
Trần Văn Chánh cho in trong một tập sách bài thơ Tư Mẫu (Nhớ Mẹ) của nhà
sư Dư Cung mà anh sưu tầm được và dịch âm như sau (trích hai câu đầu):
Sương vẫn
lô hoa lệ thấp y
Bạch đầu vô phục ỷ sài phi
…
霜隕蘆花淚濕衣
白頭無復倚柴扉 …
(思母 . 輿恭)
Rồi anh Chánh dịch
xuôi thế này:)
Trông thấy
sương rơi trên đám hoa lau mà lệ rơi ướt áo
Mẹ già không còn đứng tựa
cửa trông ngóng con như mọi khi …
Lời thơ làm tôi chạnh
lòng nghĩ tới chuyện nhà. Nối điêu bạn mình, tôi chuyển thành hai câu dưới đây:
Hoa lau
sương đọng lệ con tràn
Cửa vắng mẹ già ngóng trẻ
sang...
15-10-2014
Giữa Sài Gòn phố thị
thiếu bóng hoa lau phơ phất để tôi liên tưởng mái đầu bạc phơ của má, nhưng
luôn có đôi cánh cửa mở rộng sang hai bên, và có má ở đó, ngồi trên xe lăn,
ngong ngóng nhìn ra ngõ hẹp chờ đợi tôi về.
Điều tôi sợ nhất là một
ngày nào đó, khi tôi về, không còn thấy đôi cánh cửa mở sẵn với chiếc xe lăn,
và không còn thấy nụ cười nở trên gương mặt phúc hậu của má như mỗi lần xe tôi
vừa dừng bánh sát bên thềm.
Và cách nay hơn một
tháng, điều sợ nhất đã xảy ra, để rồi một sớm đầu ngày vừa qua, má rời xa chúng
tôi, nhẹ nhàng trở về cõi khác.
HUỆ KHẢI
Bà Chiểu, 17-7-2017
Nhiêu Lộc, 06-5-2020