Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

PHẬT GIÁO HÒA HẢO - ĐỜI ĐẠO SONG HÀNH / ĐẠO UYỂN THU 2020 (TẬP 35)



PHẬT GIÁO HÒA HẢO
ĐỜI ĐẠO SONG HÀNH
HUỆ KHẢI
Huỳnh Hoài tên thật Bùi Thanh Hải, nên còn có bút danh Hai Hỏi, ngoài các bút danh Dã Hạc, Hồng An, Phù Vân. Anh đã xuất bản một vài tập sách nhằm cung cấp thông tin từ góc nhìn của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, để giúp những người quan tâm tìm hiểu tôn giáo của anh. Cũng với mục đích này, tập sách PHẬT GIÁO HÒA HẢO: ĐỜI ĐẠO SONG HÀNH vừa được xuất bản (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, tháng 4-2020, 186 trang 16x24cm, giá bìa 110.000 đồng).


Không kể Lời Giới Thiệu (của Trần Văn Chánh), Lời Nói Đầu (của Huỳnh Hoài), thì đây là một hiệp tuyển gồm mười lăm bài viết của Huỳnh Hoài (cũng là Dã Hạc, Hồng An, Phù Vân), và tám bài của các tác giả khác được sưu tập từ những sách đã xuất bản trước đây. Bởi vậy, thiển nghĩ rằng thay vì dùng từ “chủ biên”, lẽ ra Huỳnh Hoài có thể dùng từ “kết tập” (compiling) để đúng với kết cấu tập sách.
Rải rác trong sách có gần ba mươi ảnh minh họa mà một số ảnh hay hình vẽ dường như chỉ nhằm trang trí, lẽ ra không cần thiết đưa vào sách (tr. 40, 43, 45, 51, 87, 137, 155). Phần lớn các ảnh đều thiếu lời chú thích kèm theo, nên dễ khiến cho ảnh minh họa đặt ở vị trí không thích hợp. Chẳng hạn, có chỗ viết (tr. 15):
“Đêm ngày 11-11-1942 (02-9 năm Nhâm Ngọ), Sở Hiến Binh Nhật sai đội trưởng Kimura chở Huỳnh Giáo Chủ về Sài Gòn, tại Sở Hiến Binh. Hai tháng sau được dời sang đường Lefèbre (nay là Nguyễn Công Trứ).”
Thế mà ở trang 69 có in một ảnh Đức Thầy mà theo nhiều tài liệu thì đây là ảnh chụp Ngài tại căn nhà ở đường Lefèbre nói trên. Sau này nếu sách có dịp tái bản, mấy sơ sót vừa nêu nên được sửa chữa.


Mở đầu sách, Huỳnh Hoài nói ngay tới gương sáng hành thiện của đồng đạo (tr. 7):
“Thời điểm khó khăn của cả nước thì khi nấu cơm họ bớt một, hai nắm gạo dành cho kẻ đi xin hoặc làm ‘hũ gạo tình thương’ chuyển cứu đói cho người khốn khó nơi khác… Ngày nay tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo còn đóng góp tiền, công sức để xây nhà tình thương, bắc cầu làm lộ nông thôn, lập ra trại hòm từ thiện, phòng thuốc Nam, xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí xã phường nào cũng có. Còn bếp cơm từ thiện thì hầu như bệnh viện nào cũng có bàn tay của ‘người Hòa Hảo’. Có nơi họ còn giúp bữa cơm ‘ngọ phạn điếm’ cho học sinh, người lao động nghèo lúc nghỉ giờ trưa.”
Hành thiện là tu tập đức Nhân (tình thương đồng bào, đồng loại), một yêu cầu trong đường lối Học Phật Tu Nhân. Huỳnh Hoài giải thích đường lối này như sau (tr. 10):
“Theo đó con đường tu được chia thành hai hạng, và phải trải qua hai bậc:
Đạo Nhân: Tránh tam nghiệp, trừ thập ác, giữ tứ ân. (…)
Đạo giải thoát: Đạo Nhân + Bát Chánh Đạo. (…)”
Về giữ tứ ân, Huỳnh Hoài giải thích rõ ràng (tr. 11):
“Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải biết tứ đại trọng ân để đáp đền (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại), cả bốn ân đều trọng, không xem nhẹ ân nào, tùy hoàn cảnh mỗi người mà gắng công đền đáp.”
Để nói thêm về đường lối Học Phật Tu Nhân, trong sách (tr. 40-44) có bài của Do Đẳng Ng.
Về thờ phượng, Huỳnh Hoài cho biết (tr. 24):
“Trong nhà người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có ba ngôi thờ phượng:
Bàn thờ ông bà (ngôi cửu huyền thất tổ).
Bàn thờ Phật (ngôi tam bảo).
Bàn Thông Thiên.”
Bàn Thông Thiên là “biểu tượng cho ba cõi: thiên, địa, nhân” (tr. 25). Về bàn Thông Thiên, trong sách có bài Từ Bàn Ông Thiên Đến Bàn Thông Thiên của Nguyễn Hiếu Trung (tr. 107-114). Sau này tái bản sách nên bổ sung hình ảnh minh họa cho bàn Ông Thiên và bàn Thông Thiên.
Ngôi tam bảo có treo tấm Trần Dà thay cho Trần Điều màu đỏ (tr. 24). Để nói thêm về tấm Trần Dà, trong sách có bài Tìm Hiểu Biểu Tượng Bức Trần Dà Của Phật Giáo Hòa Hảo, tác giả là Nguyễn Hiếu Trung (tr. 122-128).
Sau năm 1947, thì “treo chân dung Đức Huỳnh chỗ trang trọng tại tư gia để tưởng nhớ Đức Huỳnh”. Tín đồ “chỉ xá chân dung Đức Huỳnh” mà không lạy, “là do họ làm theo lời dạy của Đức Thầy” (tr. 25).
Chú ý nhấn mạnh việc Phật Giáo Hòa Hảo thờ kính các anh hùng dân tộc, Huỳnh Hoài có viết về “Chủ Trương Thờ Thần Đất Việt” (tr. 78-86), và bài Nguyễn Trung Trực: Quan Thượng Đẳng Đại Thần Trong Phật Giáo Hòa Hảo (tr. 92-96, ký tên Dã Hạc).
Huỳnh Hoài dành một số trang để nói khái quát về tang lễ, cầu nguyện cho người chết, bỏ tục đốt vàng mã, hôn nhân, cúng lạy khi ở nhà và khi xa nhà, ăn chay kỳ, và cầu nguyện khi ăn cơm… (tr. 25-31). Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo sống đời cư sĩ, tu hành tại gia, cưới vợ lấy chồng; do đó, những thông tin nói trên giúp bạn đọc có khái niệm về đời sống thường nhật của tín đồ.
Sách là một hiệp tuyển, nên Huỳnh Hoài có điều kiện đưa vào đó vài bài viết có khi chỉ để bàn cho rạch ròi một chi tiết nho nhỏ nào đó. Chẳng hạn, bài về sợi “dây dùn”. Anh dành nguyên ba trang (tr. 134-136) kèm minh họa để giải thích “dây dùn”, cho đối chiếu với một số thành ngữ trong dân gian; thế nhưng lại bỏ sót một thành ngữ quen thuộc là “cầm cân nảy mực”. Nảy mực ở đây chính là “búng mực, bật mực” mà anh nhắc tới trong bài viết (tr. 135), và sợi dây dùn mà anh giảng giải chính là hai chữ “thằng mặc” 繩墨 (dây tẩm mực) của thợ mộc người Hoa mà người thợ xẻ gỗ bên Anh, bên Mỹ gọi là “line marker”, “marking cord”, hay “plumb-line”…
Cuối sách (tr. 177-182), Huỳnh Hoài đính chính cho một ngộ nhận rằng bài “Mười Điều Khuyến Tu” là do Đức Phật Thầy sáng tác. Sự đính chính này rất cần thiết và lời anh đính chính rất đúng.
Bản thân tôi có chút kỷ niệm với bài “Mười Điều Khuyến Tu” này. Vào giữa thập niên 1970, tôi phát tâm tìm đạo. Bấy giờ, một bạn thân từ thời trung học cũng đồng chí hướng có dịp làm quen các ông đạo ẩn tu ở núi Sam đã chép tặng tôi trọn bài này trên mấy trang giấy tập học trò, bảo là “Đức Thầy” ban cho. Và tôi đinh ninh như vậy, đã học thuộc lòng, còn nhớ tới bây giờ.
Khoảng ba thập niên sau đó, tôi được đạo huynh Đạt Truyền ─ thế danh Hà Văn Phủ (1938-2014), thân phụ linh mục Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc ─ tặng cho bản photocopy Sấm Giảng Trung Giang thì mới vỡ lẽ đây là thánh giáo bên Thiên Khai Huỳnh Đạo (cũng cầu cơ thông công với các Đấng thiêng liêng). Trong sách của mình (tr. 178-181), Huỳnh Hoài có sao chụp lại trang bìa và một số trang ruột của quyển thánh giáo này.
Mấy năm sau nữa, tình cờ ghé vào một website Cao Đài ở hải ngoại, tôi thấy trọn bài “Mười Điều Khuyến Tu” được tải lên đó, và ban quản trị website ghi chú là lời dạy của một vị tiền khai Cao Đài, địa vị rất cao trọng trong lịch sử Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (tôi xin ẩn danh ngài). Biết là có sự ngộ nhận, tôi bèn gởi điện thư đính chính, nhưng không nhận được lời hồi âm nào từ ban quản trị website.
Tôi vừa liên hệ chút “dính dấp” như trên để chia sẻ với Huỳnh Hoài rằng sự ngộ nhận về Đấng thiêng liêng là tác giả bài “Mười Điều Khuyến Tu” không chỉ có trong tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mà còn có cả trong cộng đồng môn đệ Cao Đài nữa. Nguyên do có lẽ vì nội dung khuyến tu này rất truyền cảm, thấm thía, gần gũi, và phù hợp với đời sống cư sĩ tại gia. Những lúc bản thân phiền não vì thử thách trên đường tu, tôi hay ngâm nga mấy câu trong đó để tự an ủi: “Thiệt thòi cam chịu đã đành / Vô vi phẩm vị Thầy dành cho con.” Hay là: “Biết rằng con phải hy sinh / Phật Tiên đâu nỡ quên tình hay sao?”


Trên đây tôi chỉ mới nói “loáng thoáng” về tập sách của Huỳnh Hoài, tức là chưa đầy đủ những gì anh muốn trao gởi bạn đọc gần xa. Vậy, cuối cùng, điều chúng ta nên đồng cảm với Huỳnh Hoài là gì?
Xin thưa như sau:
Thư tịch về Phật Giáo Hòa Hảo đến nay có thể nói là vẫn còn mỏng lắm, và trong đó, những thông tin trong sáng, khả tín do chính các tín đồ thuần thành công bố hầu như hãy còn rất ít ỏi. Điều này chắc chắn là một nỗi niềm canh cánh bên lòng của các bậc trí thức là môn đệ trung tín của Đức Thầy, vốn chỉ đau đáu mong cho đồng đạo lẫn người ngoài đạo có thể hiểu biết đúng đắn lịch sử, giáo lý chân truyền, đường lối Học Phật Tu Nhân, v.v…
Trong hoàn cảnh ấy, bởi thế, tập sách của một bạn trẻ như Huỳnh Hoài, dẫu chưa thật sự tròn trịa về phần kỹ thuật biên khảo như mong muốn của những bạn đọc khó tánh (vốn thích cầu toàn), nhưng vẫn là rất đáng hoan nghênh, rất nên hoan hỷ đón nhận, một khi người đọc xét về mặt tâm đạo, về mục đích của Huỳnh Hoài là muốn được góp thêm một tiếng chuông trong trẻo ngõ hầu chiêu tuyết ít nhiều ngộ nhận đã từng có đối với nền tôn giáo bản địa (indigenous) hay nội sinh (endogenous) mà đấng Giáo Chủ khai sáng đã vắng mặt thế gian quá sớm, vào năm hai mươi bảy tuổi (1920-1947).
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 31-5-2020