Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC TRONG CÁC TRƯỜNG TƯ THỤC CÔNG GIÁO MIỀN NAM / ĐẠO UYỂN THU 2020 (TẬP 35)


GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC TRONG CÁC TRƯỜNG TƯ THỤC CÔNG GIÁO MIỀN NAM
Phanxicô Xaviê ĐỖ CÔNG MINH
Bài này được đăng trên tuần báo Người Công Giáo Việt Nam, số 21, ngày 24-5-2020, trang 16-18. Đạo Uyển trân trọng cảm ơn tác giả (một nhà giáo) đã hoan hỷ cho phép đăng lại. Các chú thích do Ban Ấn Tống thêm vào. Ký hiệu […] là chỗ Ban Ấn Tống lược bớt.
DẪN NHẬP
Ngay từ khi các thừa sai Công Giáo đến rao giảng Tin Mừng tại Ninh Cường, Nam Định vào năm 1533, vấn đề hội nhập văn hóa dân tộc và giáo dục đạo đức cho các tín hữu luôn luôn được coi trọng. Riêng tại miền Nam, sau thời kỳ cấm đạo, cơ cấu tổ chức của một xứ đạo không thể thiếu trường học. Các tu sĩ và giáo dân giảng dạy tự nguyện và miễn học phí để giúp cho các tín hữu trẻ có nền tảng tri thức nhất định, hầu có khả năng tiếp thu các giá trị đức tin và đạo đức nhân bản.
Ngoài ra, kinh sách Công Giáo được soạn thảo ngắn gọn, có vần điệu nhịp nhàng, cân xứng, phù hợp với văn hóa bản địa, dễ thuộc, dễ nhớ; các bà mẹ trẻ dễ dàng dạy cho con cái ngay từ khi chúng còn trong lòng mẹ. Những giá trị đạo đức đời và đạo sớm thấm nhập vào tiềm thức của trẻ ngay khi chúng còn trong lứa tuổi vàng của đời người.
Giáo dục Ki-tô được chuyển giao qua các sinh hoạt tại nhà thờ, gia đình, nhà trường giúp con người nhận thức đúng về phẩm giá của con người, từ đó có cách hành xử các mối tương quan theo các chiều kích, cách tốt đẹp nhất.
* Về giáo dục Ki-tô Giáo
Giáo Hội Công Giáo ngay từ ngàn xưa đã đặt ra việc giáo dục con người lên hàng đầu. Đức Ki-tô trong thời rao giảng đã được người cùng thời tôn là bậc Thầy trong dân Ix-ra-en. Người giảng dạy chủ yếu là giáo lý trong đạo, nhưng bên cạnh đó là giáo dục nhân bản, giáo dục cách làm người, giáo dục lòng nhân ái. Nhân là người nhưng nhân cũng là tương quan giữa người với người, là nhân ái, nhân sinh. Việc rèn luyện đạo đức cho con người là việc làm đầu tiên trước khi giáo dục con người theo các triết lý, tôn giáo, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn, hay khoa học tự nhiên, thực nghiệm. Đức Ki-tô mà chúng tôi tôn thờ khẳng định: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai lao nhọc và gánh nặng. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường.” ( Mát-thêu 11:28-29)
1. Đôi nét về hoạt động giáo dục của các trường Công Giáo tại miền Nam trước năm 1975 ([1])
Tại Sài Gòn trước năm 1975, có khá nhiều trường học do các tu sĩ và linh mục Công Giáo thành lập và điều khiển. […] Ngoài ra, hầu hết các giáo xứ, thường là bên cạnh nhà thờ, đều xây trường tiểu học, chủ yếu dành cho con em trong giáo xứ.
[…]
Tất cả các trường này đều không phân biệt học sinh [sinh viên] Công Giáo hay không và đều đã hoạt động tích cực cho tới năm 1975. Một số trong các trường này đã là những trường có uy tín và nổi tiếng về chất lượng đào tạo tại Sài Gòn.([2]) […]
Tại các giáo phận khác ở miền Nam, các tư thục Công Giáo cũng đóng góp tích cực vào quá trình bồi dưỡng tri thức, rèn luyện đạo đức cho học sinh không phân biệt tôn giáo. Riêng tại Đà Lạt, các trường tư thục Công Giáo từ mầm non đến đại học đã góp phần hiệu quả vào quá trình giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ.
2. Giảng dạy đạo đức tại các cộng đồng Công Giáo ở miền Nam
2.1. Giai đoạn trước năm 1975
Giáo dục con người là nhiệm vụ của tất cả mọi nhà nước. Nền giáo dục tại miền Nam theo triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng.
Nói chung, ngoài phần giáo dục kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, về văn thể mỹ, rèn luyện kỹ năng,... tất cả các nền giáo dục của các nước đều có phần giáo dục đạo đức công dân mang tính thế tục, được hệ thống giáo dục chính thức phụ trách, qua đó hình thành nhân cách đạo đức của cá nhân.
Giáo Hội Công Giáo, cũng như các tôn giáo khác, đặt ra vấn đề giáo dục đạo đức cho tín đồ của mình theo giáo lý của Đức Ki-tô đã rao giảng. Tại miền Nam trước đây, các xứ đạo hầu như đều có một trường tiểu học tư thục Công Giáo được các linh mục thành lập khi xây dựng nhà thờ cho giáo xứ. Có nơi vì nhu cầu giáo dục con em của giáo dân trong xứ đạo, đã xây dựng trường học trước cả nhà thờ, nhà xứ để con em có chỗ học hành. Lên bậc trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở, tức cấp hai) thì những xứ đạo lớn, có mặt bằng, mở trường trung tiểu học […] cho các em học sinh trong vùng (nhiều xứ) theo học. Lên bậc trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông, tức cấp ba), thì thường cả một quận (giáo hạt, theo tổ chức của Giáo Hội) có một hoặc hai trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp […]. Cũng dễ hiểu vì càng lên cao, số học sinh theo học càng ít đi, do phụ thuộc vào kinh tế từng gia đình, nhiều em phải theo cha mẹ lao động kiếm sống, hoặc vì năng lực không theo kịp chương trình lớp trên, không qua được kỳ thi tiểu học (hết lớp nhất, nay là lớp năm), trung học đệ nhất cấp (hết lớp đệ tứ, nay là lớp chín), nên phải nghỉ học nửa chừng. Các giáo viên các trường tiểu học Công Giáo thường là các tu sĩ hay giáo dân trong xứ đạo có trình độ, là người đạo đức, có uy tín được các linh mục, thường là hiệu trưởng, tuyển dụng. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường có môn học Đức Dục, sau này đổi thành môn học Em Tập Tính Tốt, qua đó rèn luyện các học sinh hình thành nhân cách. Các em học sinh trong các cộng đồng Công Giáo còn được giáo dục theo đạo đức của người tín đồ Công Giáo, qua đó củng cố những bài học giáo lý, được các linh mục, tu sĩ huấn luyện và giảng dạy tại các lớp giáo lý tổ chức riêng tại nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, hay qua các giờ kinh lễ hằng ngày.
Trong nhà trường, cấp tiểu học, thầy cô dạy học sinh phải sống trung thực, thật thà trong học tập, không nói dối, không lấy đồ dùng học tập của bạn, làm bài kiểm tra không mở tài liệu, phải lễ phép với thầy cô, không chửi thề, nói tục... Đó là đức tính tốt mà bất cứ nhà trường nào cũng giáo dục học sinh. Tại nhà thờ các linh mục giảng dạy trong các giờ giáo lý. Lời Chúa nói: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm bớt điều gì là do ma quỷ mà ra.” (Mát-thêu 5:37). Trong mười điều răn, Chúa dạy: Thảo kính cha mẹ, người trên; chớ hà hiếp người khác, chớ tham, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối...
Hằng tuần khi đi học giáo lý, các em ghi “Sổ Kho” hay “Bó Hoa Thiêng” là cuốn sổ nhỏ hay phiếu bìa cứng ghi lại những lần (mấy lần) làm việc tốt như giúp đỡ cha mẹ, nhường nhịn bạn bè, thăm người đau yếu... Đây là tiền đề cho việc lãnh nhận bí tích Giao Hòa (xưng tội) và Thánh Thể (rước lễ) khi hết bậc tiểu học.
Lên đến bậc trung học, ngoài chương trình học tại nhà trường với môn Công Dân Giáo Dục, chủ yếu phổ biến pháp luật, bổn phận, nghĩa vụ công dân trong xã hội... Tại các trường học Công Giáo, giáo dục đạo đức với “giá trị gia tăng” nhờ được lớn lên trong niềm tin tôn giáo, qua tổ chức hiệu đoàn nhà trường giúp các em được tham gia sinh hoạt học đường với ý thức tự nguyện. Mỗi trường học đều có giáo viên phụ trách hiệu đoàn trường, tổ chức sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, nêu chủ điểm sinh hoạt hiệu đoàn là những hoạt động tự nguyện, phục vụ và tự phục vụ, biết nghĩ đến người khác nhất là những người nghèo khổ thể hiện tinh thần bác ái Ki-tô Giáo vì: “Giáo Hội phải là Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo.” (Tuyên Ngôn Các Giám Mục Á Châu, 1970). Các hoạt động nhà trường còn hướng đến cộng đồng và rộng ra ngoài xã hội. Hiệu đoàn trường tổ chức những chuyến dã ngoại, xuất du, công tác xã hội ngoài giờ học văn hóa. Mỗi trường đếu có huy hiệu,([3]) phù hiệu ([4]) riêng nói lên ý nghĩa mục đích giáo dục, có bài “trường ca”,([5]) qua đó nêu lên mục tiêu đào tạo theo ý hướng rèn luyện học sinh trở thành những công dân hữu ích. Trước tiết học đầu tiên trong ngày, học sinh được đọc lời tâm niệm, nội dung nêu quyết tâm chăm chỉ học hành, vâng lời thầy cô, rèn luyện tác phong, giữ gìn kỷ luật để rồi đây trở thành những con người trưởng thành giúp ích cho gia đình, xã hội, đất nước.

Ngoài ra trong Giáo Hội, tại các xứ đạo, còn có các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành dành cho các giới, chủ yếu là giáo dục lòng đạo đức theo giáo lý Công Giáo, theo linh đạo mỗi tổ chức, trong đó cũng có những nội dung giáo dục nhân bản, đối nhân xử thế, góp phần thánh hóa bản thân, cải tạo xã hội và xây dựng Giáo Hội.
Giáo dục gia đình Công Giáo luôn là nền tảng được Giáo Hội quan tâm và phát huy. Nhờ giáo dục đạo đức trong cộng đồng các xứ đạo, học sinh càng trưởng thành càng ý thức phải giữ đạo đức trong nhà trường, ngoài xã hội vì đó chính là chu toàn bổn phận người con của Chúa, là giữ lời Chúa. Tất nhiên không phải tất cả mọi người con Chúa đều trở nên hoàn thiện ngay, nhưng cũng nhờ giáo dục đạo đức trong tôn giáo mà con người có động cơ sống tốt hơn trong xã hội.
2.2. Giai đoạn sau năm 1975
Việc giáo dục đạo đức thông qua các nhà trường Công Giáo không còn nữa, các sinh hoạt đoàn thể Công Giáo được yêu cầu giải thể, các lớp giáo lý tại các xứ đạo cũng tạm ngưng hoạt động. Sinh hoạt mục vụ chỉ còn là những thánh lễ, những giờ chầu Thánh Thể. Việc giáo dục đạo đức trong cộng đồng Công Giáo chỉ bó gọn trong phạm vi gia đình và giáo xứ qua các sinh hoạt mục vụ tại nhà thờ.
Cùng với việc đổi mới kinh tế, giáo dục cũng được đổi mới. Nhà nước đã xóa bao cấp trong giáo dục, cho mở trường bán công, rồi dân lập từ mầm non đến đại học; cho tư nhân đầu tư vào giáo dục, cho người nước ngoài mở trường tại Việt Nam. Nhiều người có tâm huyết, trong đó có cả những người các tôn giáo xin mở trường. Tuy vậy nhà nước chỉ mới dừng lại ở chỗ cho các tôn giáo tham gia giáo dục mầm non, tức là mở nhà trẻ, mẫu giáo. Gần đây có cho phép một vài nơi mở trường dạy nghề. Cho phép các tôn giáo mở trường đào tạo chức sắc tôn giáo.
Từ chính sách cởi mở trong giáo dục với chủ trương xã hội hóa giáo dục các trường lớp mầm non, mẫu giáo của giới Công Giáo do các dòng tu nữ phát triển vượt bực so với trước năm 1975. Trong một hội nghị do Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam diễn ra năm 2017, trong số mười hai trường mầm non điển hình của các tôn giáo được khen thưởng có tới mười trường do các dòng tu nữ phụ trách.
Bên cạnh đó việc giáo dục đạo đức cho con em được thúc đẩy mạnh mẽ tại gia đình và các tổ chức đoàn thể. Các giáo phận đặt ra các ban mục vụ giới trẻ và giới thiếu nhi, ban mục vụ giáo lý, giao hẳn cho một vị linh mục đặc trách từ cấp giáo phận có chân rết đến cấp giáo hạt (liên xứ). Các ban này có chương trình hoạt động với chủ điểm hằng năm; mở các khóa đào tạo cho các huynh trưởng, linh hoạt viên, giáo lý viên theo chương trình đào tạo cấp một, cấp hai, cấp ba, trong đó phần giáo dục đạo đức, nhân bản rất được coi trọng. Các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Công Giáo, Thanh Sinh Công... đã được tái lập và sinh hoạt đi vào nền nếp. Đoàn thể nào cũng kết hợp giáo dục thành viên vừa về siêu nhiên (giáo lý, thánh kinh, đời sống tâm linh), vừa về tự nhiên (rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách, bổn phận làm con, bổn phận người công dân).
Nỗ lực giáo dục người trẻ của Giáo Hội Việt Nam trong những năm qua luôn đón nhận được những giáo huấn cụ thể của các Đức Giáo Hoàng, như tông huấn Christus Vivit,([6]) để hướng dẫn người trẻ biết phân định các giá trị giữa những đổi thay và thách đố của thế giới hiện tại, biết dấn thân phục vụ, thay vì trở thành những “ẩn sĩ xã hội”.
KẾT LUẬN
Giáo dục đạo đức nhắm tới mục đích giúp con người thành nhân. Nền giáo dục nước nhà cũng không nhắm ngoài mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu trong xã hội hôm nay, đạo đức với người công dân là “được phép làm những gì pháp luật không cấm”, thì giáo dục đạo đức Công Giáo còn muốn giúp con người nên hoàn thiện trong tình yêu thương: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta…” (Mát-thêu 7:12).
PX ĐỖ CÔNG MINH
u VỀ TÊN GỌI MỘT SỐ TRƯỜNG TƯ CÔNG GIÁO
Nhiều tư thục Công Giáo có danh xưng ghép với hai chữ La San bởi vì trường do các sư huynh dòng La San (les frères de La Salle) vốn có tiếng về giáo dục thành lập. Một số trường trung học thuộc dòng La San ở miền Nam trước 1975 là: trường Kỹ Thuật La San (Lâm Đồng), trường La San Chánh Hưng (quận Tám, Sài Gòn), trường La San Đức Minh (Tân Định, Sài Gòn), trường La San Hiền Vương (quận Ba, Sài Gòn), trường La San Khánh Hưng (Sóc Trăng), trường La San Mossard (Thủ Đức, Gia Định), trường La San Taberd (quận Nhứt, Sài Gòn), trường La San Thủ Đức (Gia Định)…
Có khi trường thuộc dòng La San nhưng tên gọi không nhắc tới. Thí dụ: Trường d’Adran (Đà Lạt).
Các tư thục Công Giáo thường mang tên một vị Thánh. Thí dụ: Trung học Xanh Tô-ma (Saint Thomas) ở Phú Nhuận mang tên Thánh tông đồ Tô-ma, con người đa nghi đã kiểm chứng sự phục sinh của Đức Ki-tô bằng cách sờ vào những dấu tích đóng đinh trên mình Chúa; trung học Kỹ Thuật Don Bosco (Gò Vấp) mang tên linh mục Don Bosco (1815-1888), được phong Chân Phước năm 1929, phong Thánh năm 1934.
Có trường mang tên các vị Chân Phước. Thí dụ: Trung học Chân Phước Liêm (Gò Vấp) mang tên ngài Liêm, tử đạo, được phong Chân Phước; trung học Nguyễn Duy Khang (Thị Nghè) mang tên ngài Giu-se Nguyễn Duy Khang (1832-1861), được phong Chân Phước năm 1906, phong Thánh năm 1988.
Có trường mang tên các giám mục. Thí dụ: La San Taberd mang tên Giám Mục Jean-Louis Taberd (1794-1840), tên Việt là Cố Từ, một nhà truyền giáo người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris; La San Mossard mang tên Giám Mục Lucien-Emile Mossard (1899-1920); trường Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn và Gia Định) mang tên Giám Mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) là giám mục người Việt Nam đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Rô-ma, được tấn phong năm 1933.
Còn trung học Đặng Đức Tuấn (Tuy Hòa, Phú Yên) mang tên linh mục Gioa-kim Đặng Đức Tuấn (1806-1874), từng làm thông ngôn (phiên dịch) cho sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình Huế vào Gia Định ký hòa ước với Pháp năm 1862.
Có trường mang tên của địa phương. Thí dụ: La San Chánh Hưng (quận Tám, Sài Gòn); La San Khánh Hưng (Sóc Trăng); La San Thủ Đức (Gia Định); La San Hiền Vương (quận Ba, Sài Gòn) tọa lạc ở đường Hiền Vương (từ ngày 14-8-1975 đổi tên là đường Võ Thị Sáu), v.v...


BAN ẤN TỐNG



([1]) Theo https://vi.wikipedia.org, vào năm 1969, Giáo Hội Công Giáo ở miền Nam có 226 trường trung học và 1.030 trường tiểu học.
([2]) Chẳng hạn như Viện Đại Học Minh Đức xây dựng từ tháng 9-1970, đến tháng 12-1972 chính thức được giấy phép hoạt động. Minh Đức mở năm phân khoa (trường): Đại Học Kỹ Thuật Canh Nông, Đại Học Khoa Học Kỹ Thuật, Đại Học Kinh Thương, Đại Học Nhân Văn Nghệ Thuật, Đại Học Y Khoa.
([3]) Thí dụ huy hiệu trường La San Taberd (thành lập năm 1874).
([4]) Phù hiệu bằng vải, thêu tên trường, học sinh may lên ngực áo.
([5]) Ca khúc riêng cho mỗi trường học.
([6]) Được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô ban hành ngày 25-3-2019, gồm chín chương. Nhan đề nghĩa là: Đức Ki-tô Hằng Sống.