Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

GIAO CẢM / ĐẠO UYỂN THU 2020 (TẬP 35)


1. Đạo Uyển tập 35 mượn ảnh của Nguyễn Kim Xuyến làm bìa 1, ghi lại thánh lễ thời Mẹo ngày 03-4-2019 tại thánh thất Trung Đồng, Đà Nẵng (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài). Bìa 4 là gương mặt đáng yêu của hai đồng sinh Gia Đình Hưng Đạo, họ đạo Trung Nghĩa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) trong đêm văn nghệ 24-3-2018 mừng khánh thành thánh thất Trung Nghĩa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác giả ảnh này là Cúc Lưu (thánh tịnh Thanh Quang, Quảng Nam, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
Như đã từng bày tỏ, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo không có nhiếp ảnh gia riêng, tìm ảnh thích hợp làm bìa sách luôn luôn vất vả. Bởi thế, Ban Ấn Tống rất vui khi ngẫu nhiên ghé thăm Facebook của một vài đạo hữu, và may mắn xin được các ảnh đẹp, đủ chất lượng để in.
2. Từ hồi tạo lập mảnh vườn nho nhỏ, gắn bảng hiệu Đạo Uyển (2018), nguyên là Đại Đạo Văn Uyển (2012-2017), nhóm người giữ vườn cứ ngong ngóng mong nhận được những áng văn hay, mỹ miều. Mà bà con Cao Đài dường như lại yêu thơ sâu đậm hơn, nên Ban Ấn Tống chỉ nhận thơ và thơ. Như số Đạo Uyển tập Thu 2020 này đây, có thể nói là tràn ngập thơ (dĩ nhiên vẫn là thơ hay, ý thanh lời đẹp).
Quý Ba này, chúng ta có thêm một bạn thơ rất trẻ: Thái Hoàng Tú (mười sáu tuổi, hiện là học trò trường trung học phổ thông Cần Đước). Một thành viên Ban Ấn Tống, khi đọc bản thảo của Tú đã thốt: “Mới mười sáu tuổi mà câu chữ cứ như của ông già sáu mươi mốt!” Một thành viên khác bèn cười, nhắc ngay rằng nhạc sĩ Cung Tiến năm mười bốn tuổi từng sáng tác bản nhạc trữ tình bất hủ, nhan đề Hoài Cảm, có mấy câu mà ông già, bà cả nghe lạnh gáy, rởn mình: "Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa."
3. Kể từ Tập Hạ 2020, Đạo Uyển hoan hỷ đón chào thêm một cộng tác viên là hiền huynh Sử Kiến Nguyên. Ban Ấn Tống rất thích các tản văn ngăn ngắn của Sử huynh, đặc biệt là bài Miền Ký Ức in trong Tập Thu này. Ước mong sẽ sớm nhận thêm nhiều bài văn xuôi nhã lệ như thế ni, từ bốn phương, đủ để về sau gom lại in chung thành một quyển.
Đặc biệt, Sử huynh là một tín hữu cao niên, môn sanh Cao Đài Tây Ninh, có nhiều trải nghiệm qua những năm dài tu học nơi Tổ Đình nhà Đạo. Do đó, hiền huynh không những đóng góp bài vở, hình ảnh lịch sử Cao Đài để Đạo Uyển được phong phú hơn, mà còn quan tâm mách bảo giúp chúng tôi mấy trường hợp sai sót trong các sách đã ấn tống.
Từ khi mở ra Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chúng tôi rất hân hạnh được hiền huynh Nguyễn Văn Nghĩa (ấp Ninh Thun, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) thương mến và tin cậy nên nhiệt thành cộng tác, chẳng quản tuổi hạc. (Nguyễn huynh vốn là một chức sắc phái Thượng ở Tòa Thánh Tây Ninh, nhưng khiêm tốn không muốn nêu rõ phẩm vị.) Giờ đây có thêm Sử huynh thì chúng tôi càng mừng vui, bởi lẽ mảnh vườn nhà Đạo có cơ may vun trồng thêm hoa xinh kiểng quý tứ xứ góp về. Đây vốn là chủ trương bất biến của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống: Luôn luôn thể hiện trong sáng bản sắc Đại Đạo và phụng sự cho Đại Đạo, chứ không vì một riêng sắc riêng màu, riêng chốn riêng phương nào cả.
4. Có tác giả ở miền Trung tỏ ý ngần ngại khi chúng tôi xin đăng hai, ba bài viết của vị ấy trong cùng một tập Đạo Uyển (mà Tập Thu 2020 này là một ví dụ). Nhưng chúng tôi không ngại, vì ba tháng mới in một tập, trong lúc bài lai cảo vốn tùy duyên, hên xui nào biết. Vả lại, bài hay, bổ ích thì e ngại mà chi. Chúng tôi vững tin vào bạn đọc, vững tin rằng không ai nỡ trách chúng tôi có lòng ưu ái dành riêng cho một tác giả nào đó khi cho đăng cùng lúc nhiều bài.
Trên đây coi như lời giãi bày về việc một tác giả có nhiều bài in cùng một tập Đạo Uyển. Thế thì phải nhắc tới trường hợp có đạo hữu gởi khá nhiều bài mà chưa thấy được đăng. Vậy, xin trở lại chuyện bà con Cao Đài mình sính thơ.
5. Mảnh vườn be bé (Đại Đạo Văn Uyển, rút gọn thành Đạo Uyển) là sân chơi mở ra cho bè bạn áo trắng gần xa có thú vui viết lách. Chúng tôi đã nhận một số bài của các bạn thơ áo trắng. Trước 1975 ở Sài Gòn gọi là bài lai cảo 來稿. Mặc dù rất trân trọng, Ban Ấn Tống lắm khi phải “cất” lại các bản thảo ấy. Mà lỡ “cất” của cùng một tác giả chừng đôi ba lượt thì vị ấy bèn nghỉ chơi luôn, không thèm gởi bài tới nữa. Quả tình đáng đời cho Ban Ấn Tống.
Thật ra văn chương vốn dĩ rất khó nói. Riêng về thơ, khoảng cách hay ranh giới giữa tác phẩm thơ và bài văn vần rất mỏng manh. Mượn chữ của Somerset Maugham (1874-1965), ranh giới đó tợ như bề bén của “Lưỡi Dao Cạo” (The Razor’s Edge). Cũng thời là mấy câu lục bát, thế mà ranh giới giữa thơ và vè khó vạch ra rạch ròi. Phải thẩm âm bằng lỗ tai thơ, phải nếm bằng khẩu vị thơ... Dẫu biết rằng bài đó hay hoặc chưa hay, nhưng không thể nói thành lời. Không dễ gì mà nói được tách bạch như 2 + 2 = 4.
Thơ mà phải phân tách mới thấy hay thì hỏng bét rồi. Thơ hay vừa thoáng nghe qua, dù chưa hiểu rõ ý tứ thế nào, mà nét nhạc và cái mỹ lệ của ngôn ngữ tự nó đã toát ra tràn trề, làm mình ngất ngây tức khắc. Giống như phụ nữ đẹp; mới nhìn thấy là đàn ông “choáng” rồi, đâu đợi chờ ai phải mất công phân tách là đẹp ở tóc hay da, mắt hay môi, mũi hay miệng, v.v...
Có một số bài lai cảo mà chúng tôi thường nhận được từ bạn đọc, tuy rất chuẩn xác về luật thơ, nhưng mới dừng lại ở mức kỹ thuật. Nó thiếu cái thần và hồn, và chúng tôi rất tiếc cho các sáng tác đó.
Thơ đạo lại càng khó muôn phần. Chúng tôi thường nhận một số bài lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú mang nội dung khuyến tu, ca tụng đạo Cao Đài. Đọc những bài này, có cảm giác như bài giảng đạo bằng văn vần, như hô khẩu hiệu... Mà nếu như thế, thì chúng ta đã có sẵn vô vàn các bài thánh thi tao nhã, tuyệt vời của Ơn Trên giáng cơ ban cho. Vậy, nếu phải chọn lựa, ắt hẳn mọi người cũng biết phải chọn lựa ra sao rồi.
Có bạn đọc hỏi chúng tôi rằng Ban Ấn Tống gồm bao nhiêu người, và những ai thường là người chọn đăng bài. Chúng tôi đâu có thể trả lời. Đây là loại câu hỏi nhạy cảm. Hỏi như vậy cũng chẳng khác nào hỏi bà kia bao nhiêu tuổi, hỏi ông nọ lương tháng lãnh bao nhiêu…
Cho nên, mỗi khi có thêm một cộng tác viên mới mà bài được chọn đăng, đăng luôn cùng lúc vài bài, nếu tác giả ấy vui một, thì chúng tôi vui mười; vì điều đó có thể cho thấy Ban Ấn Tống làm việc với công tâm và trách nhiệm.