Gió
muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
* Hiền huynh Thượng Lễ Sanh Lê Văn Vui (thánh thất Hương Mỹ, Bến Tre, Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo). Thư ngày 29-11-2019:
Hôm nay tôi xin gởi đến Ban Ấn Tống bài viết
về “Ông Già Ba Tri”. Tôi xin sao chụp chớ không thêm bớt chi. Bài nầy in ở quyển XUÂN
HÀM LUÔNG khoảng năm 1972 ở tỉnh Kiến Hòa, nay là tỉnh Bến Tre. Đây là chuyện
có tính cách lịch sử, có thể nói là quý hiếm, cần được giữ gìn và phổ biến lại
cho lớp người sinh sau.
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh Thượng Vui Thanh,
chúng đệ muội cảm ơn tấm lòng của hiền huynh đối với Đạo Uyển. Tài liệu do hiền
huynh sưu tầm (kèm với tấm ảnh quý hiếm của Ông Già Ba Tri Thái Hữu Kiểm) sẽ
được chúng đệ muội lưu ý sử dụng sau này. Kính chúc hiền huynh an lạc, khang
kiện.
*
@ Hiền tỷ Thái Tú
Hương (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Điện thư ngày
27-01-2020:
Kính nhờ Đạo
Uyển giải thích giùm bốn chữ chín khúc
tơ vò trong thánh giáo Đức Chí Tôn (Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 09-01 Kỷ Hợi,
16-02-1959): “Các con ôi! Lòng Thầy như chín khúc tơ vò.
Chạy đông qua tây, trông đây nhìn đó, đã phân thân vô vạn số cũng không cứu kịp
linh căn.”
Huệ Khải: Thưa hiền tỷ, văn học
hay nói chín khúc ruột (the nine folds of the intestines), tức là lòng dạ, tâm hồn. Tơ vò là sợi tơ bị vò nên rối nùi. Chín khúc tơ vò là ruột rối bùi, ý nói
lòng dạ (tâm hồn) rất đau buồn.
Nguyễn Du tả tiếng
đàn của Thúy Kiều khiến người nghe lòng dạ quá buồn đau như sau:
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Truyện thơ Bạch Viên Tôn Các (tức Lâm Tuyền Kỳ Ngộ) có mấy câu như sau:
Ruột tằm chín khúc vò tơ đỏ
Giấc bướm năm canh diễn khắc vàng.
(. . .)
Trao ngọc, vì đà vâng mệnh cả
Vò tơ, xin để rối lòng thương
Năm canh xảy nhớ lòng hoài kiểng
Chín khúc thêm đau nỗi đoạn trường.
Một “biến thể” của chín khúc là chín chiều. Ca dao có câu:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Người Hoa nói cửu hồi trường 九迴腸 (ruột thắt,
quặn lại, chín lần) với nghĩa ưu tư, lo nghĩ đến mức cực điểm (ưu tư đáo liễu cực điểm 憂思到了極點).
Khi trả lời thư của Nhậm Thiếu Khanh 任少卿 (sắp bị triều đình tử
hình), Tư Mã Thiên 司馬遷 (145-86 trước Công Nguyên) diễn tả nỗi lòng, có viết câu
này: Thị dĩ trường nhất nhật nhi cửu hồi.
是以腸一日而九迴. (Một
ngày mà ruột thắt chín lần.)
Giản Văn Đế 簡文帝 (503-551)
nhà Lương có câu thơ: Bi diêu dạ hề cửu
hồi trường. 悲遥夜兮九回腸. (Đêm dài buồn ơi, chín lần ruột thắt.)
*
* Hiền huynh Nguyễn Văn Thảnh (xã
Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Thư ngày 14-02-2020:
Trong số thánh
thi thời khai Đạo, có lưu truyền hai bài tứ cú của Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng như
sau:
Lựa đèo tầm ngọc ẩn non Côn
Triền đá cheo leo gắng bước dồn
Ngoảnh khóm mây chiều lằn ác lặn
Kêu nhau đổ dặm tạm cô thôn.
Thôn lân rải rác bóng người qua
Hỏi lại chưa ai vẹn chữ hòa
Thi, rượu, đờn, cờ, không kết bạn
Quanh năm khuây lãng thế phui pha.
Kính nhờ Đạo
Uyển giải thích giùm bốn chữ ngọc ẩn non
Côn.
Huệ Khải: Thưa hiền huynh, sách Thiên Tự Văn 千字文 (Thousand
Character Classic) có câu ngọc xuất
Côn cương 玉出昆岡, nghĩa là ngọc thạch xuất tại Côn Lôn sơn cương 玉石出在昆 侖山崗 (ngọc xuất hiện tại đỉnh núi Côn Lôn).
Truyền thuyết nói núi Côn Lôn có sẵn ngọc, do
đó Kinh Thư 書經 (Book of History) có câu Hỏa
viêm Côn cương, ngọc thạch câu phần 火炎崑岡, 玉石俱焚 (Lửa cháy núi Côn Lôn, ngọc đều bị thiêu đốt).
Theo phép tu Tiên, Côn Lôn là đỉnh đầu, trong
đỉnh đầu có Nê Huờn Cung 泥丸宮, y học gọi là Não Thất 3 (3è ventricule). Theo bác sĩ Nhân Tử Nguyễn
Văn Thọ (1921-2014), Mật Tông gọi Não Thất 3 là Liên Hoa Tâm, và câu thần chú Om mani padme hum của Mật Tông có nghĩa Ôi, ngọc châu viên giác tại Liên Hoa Tâm. Suy
rộng ra, câu ngọc ẩn non Côn hàm ý nhắc
con người phải tu luyện (công phu: practising
inner self-cultivation) để tìm ngọc báu ở Nê Huờn Cung (Côn Lôn) tức là đắc
đạo.
*
Hiền
huynh Huệ Trang (Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý Đại Đạo). Tin nhắn ngày 14-3-2020:
Huệ Trang đọc thấy câu Đạo cao nhất xích, ma cao nhất truợng. Nhờ Đạo Uyển giải thích cho Huệ Trang hiểu.
Huệ Khải: Thưa hiền huynh, Đạo
cao nhất xích, ma cao nhất trượng. 道高一尺, 魔高一丈. (Virtue rises one
foot, vice rises ten; the good is strong, but the evil is ten times stronger.)
Thành ngữ này nghĩa là: Đạo cao một thước, ma cao một trượng. (Mười thước bằng
một trượng.)
Đạo là công phu tu hành (tu hành đích công phu 修行的功夫). Ma là những thứ chướng ngại phá hoại sự tu hành. Thành ngữ này cảnh
báo người tu đừng tự mãn, tự kiêu. Không ai có thể tự tin mình đạo hạnh tròn vẹn,
vì cõi ma tà luôn luôn thử thách mình rất quỷ quyệt, và thông thường phần thắng
dễ nghiêng về phía tà quái, gian ác. Người tu chơn chánh luôn khiêm tốn nhớ
mình vốn là kẻ tội đồ, hễ dể ngươi là sa bẫy thế lực ma tà. Ai khoái tiền,
chúng dùng tiền dụ dỗ. Ai khoái danh, chúng dùng danh. Ai khoái quyền lực,
chúng dùng quyền lực. Ai khoái sex, chúng dùng sex. Mình khoái cái gì, chúng
dùng ngay thứ đó thử thách mình. Mà hễ chúng thử, thì mình rất dễ thua; vì
chúng mạnh hơn mình mười lần. (Mười là cách nói phiếm định, nên hiểu là rất đỗi
nhiều, quá xá nhiều.) Bởi vậy, người tu thì đông, mà thành công thì ít. (Xem lại
chuyện ông Khưu Trường Xuân trong Thất
Chân Nhân Quả thì biết ông chiến đấu với tà ma ác liệt thế nào mới đắc đạo.)
*
Hiền hữu Quốc
Phan (tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Melbourne, nước Úc). Tin nhắn
ngày 11-4-2020:
Về bài Kinh Cứu
Khổ và bài kinh Di Lặc, đạo đệ hỏi quý vị sư Phật Giáo, họ nói họ không biết bài
kinh này. Vậy nó xuất phát từ đâu, xin huynh chỉ giúp.
Huệ Khải: Thưa hiền hữu, xin trả
lời như sau:
1. Về nguồn gốc bài Kinh Cứu Khổ, hiền hữu vui lòng xem lại
tập sách mỏng của Huệ Khải, nhan đề: Kinh
Cứu Khổ Trong Đạo Cao Đài. (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009, 2010, 2011, tr. 4,
21-23).
Hoặc xem tại:
https://huekhai.blogspot.com/2019/08/120-kinh-van-kinh-cuu-kho-trong-ao-cao.html
2. Trong đạo Cao Đài có Di Lạc Chơn Kinh. Tại sao là Di
Lạc thay vì Di Lặc? Hiền hữu vui
lòng xem lại hai bản in sau đây:
* Đại Đạo Văn Uyển,
Tập Nguyên (09) - năm Giáp Ngọ (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014), mục “Gió Bốn Phương” (tr. 242-245).
Hoặc xem phần trả lời hiền huynh Phạm Văn Cự (Bến Tre,
thư ngày 25-12-2013), tại:
https://daidaovanuyen.blogspot.com/2016/03/vu-09-gio-bon-phuong.html
* Huệ Khải: Phan Thanh
Giản Xưa Và Nay (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 91).
Hoặc xem tại:
https://huekhai.blogspot.com/2018/11/79-hay-tim-ao-ly-ptg-xua-va-nay.html
3. Về nguồn gốc Di
Lạc Chơn Kinh, hiền hữu vui lòng xem lại bản in sau đây:
* Đại Đạo Văn Uyển,
Tập Hanh (06) - năm Quý Tỵ (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013), mục “Gió Bốn Phương” (tr. 192).
Hoặc xem phần trả lời hiền huynh Hiền huynh Bùi Trọng (Đống
Đa, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định, thư ngày 11-01-2013), tại:
https://daidaovanuyen.blogspot.com/2016/02/vu-06-gio-bon-phuong.html
*
@ Đạo
trưởng Từ Ánh (Minh Đức Nho Giáo Đại
Đạo). Điện thư Trà Vinh, ngày 06-5-2020:
Trước tiên xin
đa tạ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo không tiếc công sức gởi
tặng Khổng Thánh Miếu (Trà Vinh) kinh sách Đạo và các tập Đạo Uyển qua địa chỉ
của Từ Mỹ Tường Khánh. Huynh đệ chúng tôi được mở mang trí tuệ, phát triển tâm đạo
là nhờ lòng ưu ái của Ban Ấn Tống. Sau đây, tôi đại diện cho Chí Thiện Đàn để
chuyển tôn ý của huynh trưởng chúng tôi là Chơn Huệ Tâm:
Xin Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo khỏi gởi những bức thư cảm tạ [công
quả ấn tống] của Chương Trình vì: Một ít công quả nhỏ nhặt của chúng tôi giống
như một vài hạt muối hòa tan vào biển cả, thế nên Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
không phải bận lòng. Hơn nữa, Chương Trình đã cho chúng tôi đóng góp một ít
nhánh lá [thánh giáo từ Khổng Thánh Miếu] vào đại thụ Tam Kỳ Phổ Độ là niềm
vinh hạnh cho chúng tôi.
Xin cầu chúc
các vị trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo được thân tâm thường
lạc và Chương Trình trường tồn.
Ban Ấn Tống: Kính thưa đạo trưởng
Chơn Huệ Tâm và đạo trưởng Từ Ánh, chúng đệ muội rất vui khi đọc bức thư thắm
tình đạo mạch của quý Thiên ân hướng đạo ở Khổng Thánh Miếu (Trà Vinh).
Việc gởi thư cảm tạ quý ân nhân góp công quả ấn tống là bổn
phận của chúng đệ muội; nhưng, do mỹ ý của đạo trưởng Chơn Huệ Tâm, từ nay
chúng đệ muội xin vâng lời.
Thánh giáo từ Chí Thiện Đàn (Khổng Thánh Miếu) được quý
môn sanh Minh Đức Nho Giáo Đại Đạo chú thích gởi đăng trên Đạo Uyển là vinh dự
cho chúng đệ muội, là duyên lành cho đạo hữu gần xa nghiên cứu tu học, và là nhịp
cầu tâm linh nối liền các giáo sở trong thánh địa Việt Nam thời đại ân xá Kỳ Ba
Phổ Độ. Kính mong quý môn sanh Minh Đức Nho Giáo Đại Đạo tiếp tục góp tâm sức với
Ban Ấn Tống.
Kính nguyện Đức Khổng Thánh Tiên Sư ban ơn lành phúc huệ
đến quý Thiên ân hướng đạo và toàn thể môn sanh.
*
@ Hiền huynh Sử Kiến Nguyên
(thánh địa Tây Ninh). Điện thư ngày 22-5-2020:
Tôi vừa đọc
trên trang Huệ Khải Văn Tập, bài 4 Khai Minh
Đại Đạo 1926 (V) tại http://huekhai.blogspot.com/2020/05/khai-minh-ai-ao-1926-v.html, thấy có đoạn: “Mười lăm vị Thượng Giáo Sư: Dương Văn Hoài, Hà Văn Bút, Lại Văn Hành,
Lê Văn Son (Thượng Châu Thanh), Ngô Trung Tín, Ngô Văn Kim, Nguyễn Tấn Hoài,
Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Trí
Viễn, Tống Quốc Định, Vương Quan Kỳ, và Vinh
(người Chợ Lớn).” ─ Theo tôi được
biết thì Giáo Sư Thượng Vinh Thanh
chính là thân phụ của ký giả Nam
Đình Nguyễn Thế Phương [1906-1978].
Đây là ghi chú trong một bài viết về Ngài Hiền Nhơn Lê Văn Phú.
Ban Ấn Tống: Rất cảm ơn hiền huynh
đã cung cấp thêm thông tin chính xác liên quan lịch sử khai đạo Cao Đài. Trân
trọng.
*
@ Hiền
huynh Sử Kiến Nguyên (thánh địa Tây
Ninh). Điện thư ngày 08 và 09-6-2020:
* Tôi đọc bài 3 Khai Minh Đại
Đạo 1926 (IV) trên trang [http://huekhai.blogspot.com] thấy có câu: “Bên cạnh
tiền khai Cao Quỳnh Cư có tiền khai Mùi (Muồi?) cầm phướn Thượng Phẩm.” ─ Được
biết vị Nguyễn Văn Mùi là Hữu Phan Quân, nhưng đã bị ngưng quyền chức do không
hành đạo. Kính.
* Theo Đạo
Nghị Định thứ 2 và 3 của Đức Hộ Pháp ngày 24 tháng 9 năm Ất Mùi (1935), có tất
cả mười bốn vị chức sắc Hiệp Thiên Đài bị mất quyền hành chánh trị của nền Đạo
vì chưa phế đời. Hai đạo nghị định nói
trên, hiện nay có thể xem trong Đạo Sử Nhựt Ký của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.
Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh,
câu “Bên cạnh tiền
khai Cao Quỳnh Cư có tiền khai Mùi (Muồi?) cầm phướn Thượng Phẩm.” in ở trang 27, quyển Lược Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926
/ A Concise Caodai History: The 1926 Inauguration, sách song ngữ Việt-Anh của
tệ đệ (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2015), là quyển 94-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Theo chỉ dẫn quý báu của hiền huynh, tệ đệ đã tra cứu Đạo Sử Nhựt Ký (quyển II: tập 1) của Hiền
Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) và biết thêm như sau:
Thứ Hai, ngày 21-10-1935 (24-9 Ất Hợi), Đức Phạm Hộ Pháp
ban hành nghị định thứ 2 và 3. Theo đó, Điều Thứ Nhứt buộc:
“[Tất] cả chức
sắc kể tên sau đây đều phải mất quyền hành chánh trị của nền Đạo vì chưa phế
đời. . .” Vị chót hết (thứ mười bốn) là Hữu Phan Quân Nguyễn
Văn Mùi.
Khi nào tái bản sách Lược
Sử Đạo Cao Đài: Khai Minh Đại Đạo 1926, tệ đệ sẽ bổ khuyết thông tin dẫn
trên. Trước mắt, tệ đệ in nơi đây để quý bạn đọc đã có sách này tự cập nhật
thông tin. Đồng thời, tệ đệ đã thêm thông tin này vào bài viết liên quan đăng
trên huekhai.blogspot.com.
Tệ đệ rất cảm ơn hiền huynh đã cung cấp thêm thông tin chính
xác liên quan lịch sử khai đạo Cao Đài. Ước mong hiền huynh sẽ tiếp tục chỉ dẫn
thêm những sơ sót hay nhầm lẫn của tệ đệ cũng như các tác giả khác có sách đã
in trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Cầu nguyện Thầy Mẹ ban
ơn lành phúc huệ đến hiền huynh và bửu quyến.