MIỀN KÝ ỨC
SỬ
KIẾN NGUYÊN
Tây Ninh vốn ít cảnh đẹp và di tích. Nội
ô Tòa Thánh nằm giữa thị tứ đông đúc, xanh mát như một khu vườn rộng thênh
thang gắn bó thân thiết với cuộc sống của nhiều người. Là con đường đi học của
những cô cậu học trò, là nơi mưu sinh của những người bán dạo, là chỗ dừng chân
trú nắng cho những ai tìm về cái mát lạnh của thiên nhiên ở cái xứ được xem là
nóng nhất Nam
Kỳ…
Thời còn sinh viên, có vài bận tôi dẫn
bạn bè về đây chơi, đưa đi viếng Tòa Thánh rồi dong xe về phía núi Bà cách nhà
tôi khoảng mười cây số. Vỏn vẹn một buổi là không còn chỗ để đi nữa. Sợ mình ủy
mị trong mắt các bạn, tôi không dám thổ lộ rằng tôi có cái thú đi thơ thẩn qua
những lối cỏ, dưới những tán me đổ bóng mát gần kín cả mặt đất của nội ô Tòa Thánh.
Năm này qua năm khác, tôi thích đi hoài trên những con đường xanh màu lá ấy.
Với tôi, chúng mang vẻ đẹp đơn sơ, thầm lặng, và bao giờ cũng hiện lên trong
những thoáng nhớ nhà của mình.
Độ tháng Năm, tháng Sáu, miền Nam bắt đầu đón
những cơn mưa đầu mùa. Từ Sài Gòn, lòng tôi dậy lên nỗi nôn nao được trở về
chạy xe dưới hàng me ở cổng số 4 để đi vào Trai Đường. Thể nào tôi cũng tranh
thủ về quê, sợ bỏ lỡ một khung cảnh rất đẹp mắt mà chỉ mùa này, hàng me mới
chịu khoe vẻ non tơ của nó. Cứ như là cuộc hẹn vô ngôn giữa tôi và nó.
Nội ô trồng rất nhiều me. Có chỗ me đứng
thành hàng, có chỗ xen kẽ với xoài, cây phượng, cây sao, cây dầu… Cây nào cũng
thuộc hàng cổ thụ. Ngoài giờ tan học, xe cộ trong đây chỉ lác đác vài chiếc, vì
vậy khá yên tĩnh. Có vào nội ô mới thấy thiên nhiên mừng rỡ và đổi khác thế nào
khi đón lấy những cơn mưa đầu mùa. Như nghe theo tiếng thì thầm quyến rũ, me
rục rịch thay áo. Đợt lá cũ theo mưa rụng xuống gần hết, trôi vào mép đường,
dồn tụ thành một đường viền phân cách giữa mặt đường và lề đất. Cỏ lún phún tụ
quanh những gốc me. Mặt đất sẫm lại, khỏe khoắn, như vừa được thỏa chí uống cạn
từng làn nước mát, để rồi mau mắn dâng tặng dưỡng chất cho những cây me. Không
gian tỏa ra một mùi vị thoang thoảng, tĩnh tại như hơi thở mãn nguyện của đất
trời. Có lẽ trong tiết trời dìu dịu như vậy, hàng me mới đồng loạt trổ lá non
xanh mởn. Tôi không biết những lá non kia lấy đâu sức lực để có thể đội lớp vỏ
cây cứng cáp, nhú lên trên khắp chiều dài mỗi cành.
Một sáng kia, tôi bước qua cổng số 4,
thấy vệt xanh non của hàng me vắt lưng chừng không gian, ánh lên trong nắng mai
một màu xanh tươi ngon, tràn trề sức sống. Đi dưới tán me trên con đường đã tắm
mưa sạch sẽ những ngày này, lòng tôi như tháo bỏ được hết những ham muốn vật
chất, nỗi mệt mỏi trong cuộc đua tranh ngoài đời. Màu xanh thơ dại ấy mở ra một
khung trời xanh biếc trong tâm hồn tôi, nâng đỡ và xoa dịu tôi rất nhiều trong
mấy năm phẳng lặng của thời sinh viên.
Mùa mưa vắt sang tháng Sáu, tháng Bảy.
Mặt đất nở bung màu xanh các loài cây dại. Cỏ mọc dày hơn, viền một màu tươi
sáng dọc các lối đi ven hàng rào gạch của nội ô. Bầu trời quang đãng. Không
gian thơm nhẹ mùi lá, mùi cỏ ướt. Ở đây mùa mưa chính là mùa bừng dậy, mùa sinh
sôi, mùa tái sinh. Hàng me mặc áo mới chưa được bao lâu, nay lại sắp sửa thay
áo, và bắt đầu khoe vẻ đẹp của chiếc áo nó vứt đi. Đó là tấm thảm vàng của hoa
me lá me rụng kín lề đường mà tôi cứ sợ bị những vết xe máy giày xéo. Màu xanh
lá me non, màu vàng lá me rụng, màu sắc trong thiên nhiên đều chân thực và
thanh khiết, dễ khiến người ta rung cảm từ tận đáy tâm hồn, và luôn se lòng tôi
mềm lại, nhẹ nhàng hơn.
Gần cuối con đường hàng me, tôi rẽ trái
vào con đường đất nằm ngoài trục giao thông chính, vắng vẻ hơn. Sáng trưa
chiều, mảnh rừng nhỏ bên đường phả ra một hơi mát nồng nàn hương lá. Mùa hè đi
ngang qua đây, tôi nghe tiếng ve phát ra inh ỏi. Có lẽ ve sầu ở nhiều nơi đã
dồn hết về sống ở nội ô để không bị đơn lẻ, nên âm thanh chúng xướng lên rất
vang và hùng mạnh, tuồng như đang giục giã bước chân phiêu du trong mùa trái
chín. Và học trò vùng này còn may mắn được nghe tiếng ve rạo rực, còn được nhìn
thấy màu hoa phượng đỏ thắm mỗi khi lơ đãng nhìn ra ngoài cửa lớp.
Lang thang trong nội ô, điểm đến cuối
cùng của tôi là Trai Đường. Đây là nơi đãi cơm hai buổi trưa chiều cho những
người làm công quả, trên những chiếc bàn đá nối liền nhau thành chiếc bàn dài,
và ghế cũng tương tự như vậy. Trừ những dịp lễ lớn, ngày thường bàn ghế chỉ sử
dụng một nửa. Nên tôi thoải mái bày biện thế giới yên tĩnh của riêng mình, sách
vở, ba lô, cà phê, bánh trái; đôi khi nhẹ nhàng tiếp vài người bạn. Trai Đường
bước vào giấc trưa mang một vẻ trầm mặc đầy thư thái, dường như không còn chút
dính mắc với những bận rộn của cuộc mưu sinh.
Thời sinh viên, được nghỉ học hai tuần
trước mỗi kỳ thi, tôi về quê trong niềm háo hức sắp được vào đây ôn tập. Mái
ngói trai đường cao, chừa khoảng không thật rộng ở hai bên, gió lùa vào mát
rượi. Lũ chim sẻ mượn những thanh ngang kê dưới mái ngói làm nơi cư ngụ; cứ
trưa trưa, khi tiếng lanh canh của chén bát tạm lắng xuống là chúng kêu ríu
rít. Không ai cảm thấy bị làm phiền. Tôi còn nghĩ biết đâu lũ chim sẻ đang ru
giấc trưa cho các cô chú nằm ngủ quanh đây.
Từ chỗ tôi ngồi nhìn sang là cây me già
có tán to ụ, lúc nào cũng rung rinh trong gió như chùm tóc xanh khổng lồ. Trải
qua dằng dặc những năm tháng, cây me vẫn khỏe mạnh và giữ được mái tóc xanh
thơm tho như thế, trong khi chúng ta đều trở nên mệt mỏi và bạc đầu. Thân nó
ngày càng to thêm có lẽ vì đã thu nhận, ghi nhớ bao nhiêu khuôn mặt người cùng
với những câu chuyện cuộc sống mà nó chứng kiến.
Có me, có gió, có tiếng chim, có tiếng
thì thào của những người nấu bếp và niềm tĩnh lặng, tôi xem chỗ này như một cõi
bình yên giản dị. Một mình nhưng không cô đơn, tuổi trẻ của tôi đã mải dầm mình
qua những giấc trưa nơi đây, vừa ngồi đọc sách, học bài, vừa chỉ im lặng hít
thở, mê man thả trôi mình trong nhịp thở thanh thản của Trai Đường.
Vẫn biết cuộc đời này vốn tan hợp vô
thường, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ hàng me và Trai Đường sẽ khác đi, với những
thay đổi không cần thiết, trong một lần mình trở về. Trai Đường bị đập bỏ và
xây mới. Ở chỗ cây me của tôi bị đốn, giờ đây người ta lợp mái tôn che nắng.
Hàng me và nhiều cây cổ thụ khác bị đốn hạ, chặt cành không thương tiếc, dù
chúng chẳng làm gì nên tội. Con đường in bóng cây phơi ra những nét nham nhở,
khô khốc. Trời nắng chang chang, người ta đi lại với tốc độ nhanh hơn. Có ai
trong số họ giống như tôi không, hụt hẫng vì đã mất đi một khoảng trời cỏ nắng.
SỬ
KIẾN NGUYÊN
20-7-2013