Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

ĐĐVU 23 / PHẠM VĂN LIÊM


CHO VẠN ĐƯỜNG TRẦN
RỘN TIẾNG VANG
Tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa chính thức vào nhiệm vụ thông công với đạo hiệu Diệu Thông Đồng Tử. Tiền bối đã nghiệm ra một điều trước đây tiền bối còn ngờ. Nhờ làm phương tiện trung gian tiếp nhận điển lực thiêng liêng tiền bối ngộ ra Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ không phải là một chi phái mà là một sứ vụ. Từ đó tiền bối say sưa hành đạo với trách nhiệm của bộ phận thông công, nay đi thánh thất Khánh Vân, mai đến thánh thất Trung Hòa, ngày khác trở về thánh thất Trung An. Phương tiện di chuyển lúc bấy giờ chỉ là đôi chân cuốc bộ, bất kể đường xa. Lúc này tiền bối thấy sức khỏe nâng lên vượt trội. Nhiều lúc đi cả ngày đường, trải nhiều khó nhọc vẫn không biết mệt.
Trong những tháng ngày giong ruổi đó đây, Diệu Thông Đồng Tử cảm thấy rõ mình được Kình Thiên Lực Sĩ theo hộ phò cho nên quyết hết lòng góp phần hiệu quả vào chương trình quảng truyền chơn giáo dìu dắt quần sinh.
Về thánh thất Trung Hòa, tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa chạnh nhớ đến Nguyễn Đình Anh, người bạn tương ngộ ở xã đạo Bàn An đã bỏ mình trước khi ra tòa án năm 1949.
Đến xã đạo Bàn An gặp được thân quyến Nguyễn Đình Anh và ông Chánh Trị Sự, tiền bối Hòa tỏ lời chia sẻ niềm đau, nỗi mất mát, và kể lại việc thoát trần của người bạn tù năm xưa. Bấy giờ tuy trong cảnh khốn khổ nhưng vẫn được Lễ Sanh Thượng Hòa Thanh Đầu Họ Đạo Trung Hòa tiếp quy,([1]) tụng kinh cầu hồn, vãng sanh đầy đủ. Mọi người thân và đạo hữu có mặt ai cũng rướm lệ xót xa và mong có ngày cải táng di cốt Nguyễn Đình Anh về quê nhà.
Ông Chánh Trị Sự Bàn An rất mến phục tiền bối Hòa nên cố mời về nhà để nhờ khuyên bảo đứa con trai. Ông nói:
- Tôi chỉ có một thằng con trai. Mẹ nó chết lúc nó còn nằm nôi. Nay nó đã ba mươi mốt tuổi mà không chịu cưới vợ để nối dõi tông đường, cứ quyết đòi đi tu chơn.
Rất thông cảm cho trường hợp của ông Chánh Trị Sự Bàn An, tiền bối Hòa hoan hỷ đến nhà gặp cậu con. Tiền bối đem tâm tình giải thích về nhơn đạo, thiên đạo, nói rằng muốn tu thiên đạo phải tròn nhơn đạo, mà nhơn đạo thì đạo hiếu là trước hết.
Cậu con trai vốn đã ngưỡng mộ Lễ Sanh Thượng Hòa Thanh từ hồi tiền bối Hòa còn làm Đầu Họ, nay lại được lời khuyên bảo nên vâng lời răm rắp. Ông Chánh Trị Sự hết sức vui mừng, cảm ơn rối rít, mời tiền bối Hòa ở lại dùng cơm rồi đưa đi xem nghề sinh sống rất nhàn của ông.
Ông có một cái sa đặt dưới suối, mỗi ngày cá chui vào cả rổ, mang đi bán được tiền đủ sống. Thấy nghề nầy phạm luật đạo, tiền bối Hòa khuyên ông Chánh Trị Sự nên đổi nghề để tránh sát sanh.
Tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa thân mật sánh vai ông Chánh Trị Sự đi dọc theo bờ suối. Nhìn mấy luống đất hoang nối tiếp dải triền đồi cỏ mượt, tiền bối nói:
- Đạo huynh Chánh Trị Sự có nhớ điều Thế Luật thứ Hai Mươi trong Tân Luật không? Một phần trong điều luật ấy là “Người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật… Người nào lầm lỡ phải kiếm thế mà giải nghệ.” Tôi thấy ở đây có nhiều đất đai rẫy bái, anh Chánh Trị Sự nên bỏ cái sa bắt cá, đổi qua làm rẫy trồng màu, trồng rau. Hoặc hiện nay đang thịnh hành trồng bông vải. Đất ở đây rất thích hợp cho cây bông vải, anh thử trồng một đôi công, tôi nghĩ sẽ hơn cái sa bắt cá, mà tránh được tội sát sanh.
Ông Chánh Trị Sự như bừng tỉnh, vừa chắp tay xá tiền bối Hòa vừa nói:
- Thưa anh lớn, anh đã khai thị cho em một u mê mà lâu nay em mù đui không thấy. Nếu không gặp anh lớn lần nầy có lẽ tội lỗi em ngày càng cao như núi. Đa tạ anh lớn, em sẽ phá bỏ ngay, không sang bán cho ai cả.
Một lần tiền bối cùng đi với đồng loan Ngọc Tuyển từ thánh thất Trung Hòa về thánh thất Trung An. Khởi hành từ sáng tinh mơ đến đúng Ngọ mới tới dốc Lung. Hai anh em lên đến đỉnh thì đã thấm mệt, tạm nghỉ, giở cơm gói ra ăn và ngắm trời xanh mây trắng. Cơm nước, nghỉ ngơi xong hai anh em quải tay nải từ từ xuống dốc. Bỗng trước mặt xuất hiện ba con bò vàng (một mẹ và hai con). Tiền bối Hòa lấy làm lạ, sao giữa chốn nầy lại có người nuôi bò thả rông. Quay lại vừa định hỏi Ngọc Tuyển thì đã bị Ngọc Tuyển kéo lôi vào bờ đá. Đồng thời một cơn gió mạnh thổi đến và một tiếng đánh ào rất mạnh. Tiền bối Hòa và Ngọc Tuyển giật mình vội sụp người xuống. Hồi lâu đứng lên thì ba con bò đã chạy xổng vào rừng. Ngọc Tuyển mặt mày tái mét, hổn hển nói:
- Anh lớn tưởng đó là bò hả? Một con cọp mẹ và hai con cọp con đó. May quá!
Tiền bối Hòa ngơ ngác hỏi:
- Cọp thật à?! Vậy là đã có Kình Thiên Lực Sĩ Nhị Tướng Quân hộ phò rồi. Thôi cứ thong dong mà bước.
Chiều xuống, mặt trời dần khuất sau dãy Trường Sơn, hai người đến gần một con suối, cùng nhau xuống tắm mát rồi bàn nhau đến nhà ông Chánh Trị Sự Đan gần đó nghỉ qua đêm, sáng mai sẽ về Trung An.
Đêm đó hai bên chủ khách đều vui. Chủ mừng vì dễ gì có dịp “rồng đến nhà tôm”. Khách vui được thưởng thức bữa cơm gạo mùa và thức ăn là thổ sản măng le ba món: măng le xào bún tàu nấm mèo, măng le nấu canh nấm mối, và măng le luộc chấm tương bánh dầu.([2])
Thường mỗi lần đến thánh thất Trung An tiền bối Hòa lưu lại một vài tuần để lập đàn cơ. Những lúc buồn nhớ nhà nhớ quê, tiền bối Hòa hay ghé chơi gia đình tiền bối Phan Thiện Trì (Cửu Khanh) ở Việt An cách thánh thất độ năm cây số.
Đến với gia đình nầy là niềm vui rất tao nhã, vì con cái Phan tiền bối đều ngoan đạo. Hai người con trai (Cả Triết, Phan Đề) và ba người em gái (Phan Thị Hòe, Phan Thị Huệ, Phan Thị Cam) rất mến mộ Diệu Thông Đồng Tử, một thanh niên giàu tâm đạo và có thực học, biết nhiều hiểu rộng. Những đêm trăng họ thường tập trung nghe đọc thánh giáo, đàm luận thơ văn. Có lần Phan Thị Huệ đưa một bài thơ chữ Hán nhờ Diệu Thông dịch hộ.
Bắc Đẩu hoành thiên dạ dục lan
Sầu nhơn ỷ nguyệt tứ vô đoan
Hốt văn họa các Tần tranh dật
Tri thị lân gia Triệu nữ đàn
Khúc thành hư ức thanh nga liễm
Điệu cấp dao liên ngọc chỉ hàn
Ngân thược trùng quan thính vị tịch
Bất như miên khứ mộng trung khan.
Tiền bối Hòa cầm xem giây lát rồi mượn giấy bút dịch:
Sao Đẩu ngang trời đêm đã thâu
Dưới trăng lòng khách nhớ đâu đâu
Bỗng nghe lầu cạnh năm cung trỗi
Mới biết nhà bên thiếu nữ đàn
Thương lúc gãy mau tay ngọc lạnh
Tưởng khi điệu gấp liễu mày chau
Mấy lần khóa bạc chưa nghe mở
Thà ngủ cho rồi mộng thấy nhau.([3])
Xem bài dịch xong, Phan Thị Huệ cười giòn:
- Anh Sáu học chữ Nho hồi nào mà dịch hay và tình tứ quá chừng! Ở trong Nam cũng có trường dạy chữ Nho nữa sao anh Sáu?
Tiền bối Hòa cũng cười vui theo, trả lời:
- Ở trong Nam chỉ có trường dạy Pháp văn chứ không có trường Hán văn. Tôi vì thích mà tự học hồi ở Đạo Đức Học Đường tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Đã có hạt giống thơ trong tâm hồn, nay gặp được đất tốt để gieo, từ đó ngọn bút Duy Thần Nguyễn Ngọc Hòa được nhiều người biết đến.
Gần thánh thất Trung An có thầy giáo Liên. Một hôm ông cho người mời tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa đến nhà gọi là để được làm quen và thỉnh giáo. Vì rất thích gặp gỡ người có chữ nghĩa nên tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa nhân buổi nhàn nhã đã ghé thầy giáo Liên. Cả hai quả thật tâm đầu ý hợp về quan niệm dung hòa Đông Tây, bất thiên kim bất nệ cổ. Từ đó hai người hay gặp gỡ luận đàm chuyện Đông chuyện Tây, chuyện kim chuyện cổ.
Một hôm, con gái thầy giáo Liên mang ra bài thơ chữ Hán nhờ tiền bối Hòa dịch hộ. Biết cô bé này là học sinh trường Phan Chu Trinh, cũng thuộc con dòng cháu giống, muốn tập tành vào trường văn trận bút, tiền bối Hòa thối thác:
- Sao cô không nhờ thầy giáo dịch cho? Tôi ngại mình còn non chữ nghĩa, e không trọn ý tròn vần đâu.
Cô học trò thưa:
- Em có nghe đồn thầy Hòa rất lão luyện về thơ chữ Hán. Sẵn dịp thầy đến chơi, em xin vô phép nhờ thầy giúp, chứ nói gì nhờ ba em.
Rất hiểu tính khí của những người mon men vào chữ nghĩa ưa tìm sự đo lường để cân đối non già cho lòng ngưỡng mộ, tiền bối Hòa khẽ gục gặc đầu bảo:
- Thôi cô đưa tôi xem thử.
Cô học trò lễ phép đưa bài thơ của Tào Đường (4) bằng hai tay, kèm theo tập giấy và cây bút chì. Tiền bối Hòa đón lấy bài thơ xem.
Ân cần tương tống khách Thiên Thai
Tiên cảnh na năng khước tái lai
Xa hạc ký quy tu cưỡng ẩm
Ngọc thơ vô sự mạc tần khai
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
Trù trướng khê đầu tùng thử biệt
Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài.
Sẵn giấy bút tiến bối Hòa viết luôn bài dịch:[4]
Tiệc nồng tiễn khách lại trần gian
Tiên cảnh tới lui há dễ dàng
Xe hạc còn chờ nên uống cạn
Thơ lòng vô cớ chớ khui nang
Hoa luôn nương náu nơi hoang vắng
Nước vẫn dòng xuôi xuống suối ngàn
Đầu núi xa xăm từ cách biệt
Rêu xanh trăng sáng chiếu non vàng.
Đưa bài dịch cho cô học trò, tiền bối Hòa bảo:
- Bài thơ này quá đỗi hay về mặt văn chương, có lẽ nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chịu ảnh hưởng khi viết bài Thề Non Nước và bài Tống Biệt của ông ta. Tuy vậy, theo tôi thì bài thơ nầy không được đậm đà về tình cảm vì thiếu yếu tố thời gian. Bởi vì thời gian là yếu tố chính để đo độ thấm sâu của tình cảm. Cho nên phải nhắc đến yếu tố nầy ở hai câu kết mới đúng. Giả như có thể là:
Động Bích chia tay từ độ ấy
Ngàn năm trăng sáng rọi non vàng.
*
Sau lần dịch thơ ấy, tiền bối Hòa bị cuốn hút vào gánh nặng quần sinh nên không còn dịp nào ghé nhà thầy giáo Liên và cô bạn nhỏ.
Diệu Thông Đồng Tử liên tục được lệnh đi lập đàn ở các thánh thất nam Quảng Nam.
Ngày 09-02 Nhâm Thìn (Thứ Ba 04-3-1952) tiền bối Hòa đến lập đàn cơ tại thánh thất Từ Vân. Trong đàn nầy Đức Cao Đài ban lệnh giao cho tiền bối Phan Thiện Trì quyền chứng đàn lễ thọ phong của chức sắc thuộc Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ.
Ngày 15-02 Nhâm Thìn (Thứ Hai 10-3-1952) tại thánh thất Thái Hòa, Ơn Trên ban lệnh tiền bối Phan Thiện Trì giữ chức vụ Quyền Hiệp Lý.
Nhiều kỳ đàn tiếp theo, Ơn Trên dạy về thời kỳ Chỉnh Cơ Lập Pháp để tiến đến hình thành một Hội Thánh Trung Tông Đạo với cơ cấu bốn Cơ Quan (Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện, Minh Tra). Ơn Trên ban truyền Tứ Bửu Pháp (Khai Đạo Thông, Khai Pháp Thông, Khai Sinh Cơ Thông, và Khai Nguyên Giáo Pháp).
Khoảng tháng 11 Nhâm Thìn (hạ tuần tháng 12, thượng tuần tháng 01-1952), tiền bối Nguyễn Khoa Trường được trả tự do, từ nhà lao Tiên Hội trở về có ghé thánh thất Trung An. Bộ phận phò loan và các chức sắc gặp nhau, han hỏi, chúc mừng.
Đêm đó lập đàn cơ, Đức Trần Hưng Đạo dạy:
THI
TRẦN hồng inh ỏi gióng chuông minh
HƯNG pháp những toan giải khổ sinh
ĐẠO đức Kỳ Ba ai gánh vác
Lâm đàn lòng muốn giải chơn kinh.
BÀI
Chơn kinh ấy tâm linh chí thánh
Ngọc kinh kia là gánh Đạo Trời
Cứu người khỏi bể trần vơi
Thiên bang cộng hưởng ơn Trời chở che.
Che chở khỏi những bề tai ách
Cứu vớt ai là khách trần hồng
Cuộc đời toàn những gai chông
Những mưu ác mỵ, những lòng tham si.
Đời có khổ, sầu bi mới thấy
Đạo có nhiều tâm quấy khó minh
Minh tâm kiến tánh chơn kinh
Kinh vô tự vốn vô hình vô căn.
THI
Căn nghiệp đời người mấy kiếp tai
Hỡi ai là kẻ khách đua tài
Kiếp sanh ví đặng trăm năm chẵn
Thì chốn Tiên bang đáng mấy ngày.
Ngàn năm danh thế để bao lâu
Ngắm lại sử xưa lắm khổ sầu
Máu nhuộm hùng anh bao tuấn kiệt
Nào ai sử Đạo rạng thiên thâu?
Thiên thu đạo đức vẫn lưu hành
Tu sĩ tu danh cũng giựt giành
Giành giựt đạo quyền, danh đạo thế
Thế nên chánh đạo khó mau thành.
Lão cho Tỉnh Đạo Phú Yên một bài.
THI
Khoa thi Thầy sắp mở lần ba
Đạo hạnh lo trau giữ nước nhà
Nam Bắc dầu chưa thành một cõi
Năm châu đã rạng ánh Kỳ Ba
Thiên ân dành thưởng người ngoan đạo
Âm luật còn chờ lũ ác tà
Nếu biết công bình Thiên lý định
Quản bao thập ác cõi ta bà.
Ta bà thế giới có Thần Tiên
Giáng lập đạo Cao cứu cửu huyền
Nguyên lý Kỳ Ba hưng chánh đạo
Đạo huỳnh thống nhất các chơn truyền.
Vào ngày tết Nguyên Đán năm Quý Tỵ (Thứ Bảy 14-02-1953), trong đàn cơ tại thánh thất Trung An, Đức Chí Tôn ban phẩm vị Giáo Sư hàm phong cho tiền bối Quyền Hiệp Lý Phan Thiện Trì:
TRÌ Giáo Sư hàm phong tuân chiếu
Lập thân con sẽ hiểu ân Thầy.
Tại các đàn cơ tiếp theo trong năm Quý Tỵ (1953), nhiều vị tiền bối được ân phong: Trịnh Trung Tín (Giáo Hữu Thanh Tra), Trần Nguyên Chí (Giáo Sư), Nguyễn Trinh Cán (Luật Sự), Nguyễn Mậu Long (Lễ Sanh), Trần Cao Tử (Lễ Sanh), Nguyễn Đán (Thái Giáo Sư), Võ Hương Yến (Nữ Lễ Sanh).
Ngoài ra, Ơn Trên còn ban phong một số chức sắc Phước Thiện và truy phong một số Đầu Họ Đạo.
Lễ thọ phong được tổ chức rất trang nghiêm, trọng thể tại thánh thất Hưng Đông do tiền bối Quyền Hiệp Lý Phan Thiện Trì chứng lễ.
PHẠM VĂN LIÊM
(Trích bản thảo
Nhịp Chân Buổi Ấy Còn Vang Bây Giờ)




([1]) Tiếp quy: Bí tích độ tử của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
([2]) Măng le màu vàng, pha chút trắng, được lấy từ cây le, thuộc họ tre nứa, không có gai, thân dẻo, mọc rất nhiều trên vùng đất bazan Tây Nguyên. Mùa mưa về, cả buôn làng Tây Nguyên rộn rịp đi hái măng le. Khi hái, chỉ lấy phần đọt, đặc ruột, giòn, ngọt, bùi, không đắng chát. Măng le dùng tươi hoặc cắt lát phơi khô để dành. Măng le ăn ngon hơn hẳn măng tre, măng trúc. [Văn Uyển chú]
([3]) Bài thơ này nhan đề là Văn Lân Gia Lý Tranh 聞鄰家理箏 (nghe hàng xóm khảy đàn tranh), của Từ An Trinh 徐安貞 (tên Sở Bích 楚璧, người Long Khâu 龍丘, thời Đường). Câu 3 nói Tần tranh, do tích tướng quân Mông Điềm đời Tần Thỉ Hoàng Đế (221-206 trước Công Nguyên) chế ra đàn tranh năm dây, nên gọi là Tần tranh (đàn tranh nhà Tần). Câu 4 nói Triu nữ (gái nước Triệu), do nước Triệu đời Chiến Quốc nổi tiếng nhiều gái đẹp; vì thế Triệu nữ tức là mỹ nữ (gái đẹp). Câu 7 có dị bản, hoặc viết Ngân thưc 銀鑰 (chìa khóa bạc) hoặc viết Ngân tỏa 銀鎖 (ổ khóa bạc). Nguyên văn chữ Hán như sau:
北斗橫天夜欲闌 / 愁人倚月思無端 / 忽聞畫閣秦箏逸 / 知是 鄰家趙女彈 / 曲成虛憶青蛾斂 / 調急遙憐玉指寒 / 銀鑰 []重關聽未辟 / 不如眠去夢中看 / [Văn Uyển chú]
([4]) Tào Đường 曹唐, đời Vãn Đường, tự Nghiêu Tân 堯賓, hiệu Tố Quá Đạo Sĩ 做過道士, người Quế Châu 桂州. Bài thơ này nhan đề là Tiên Tử Tống Lưu Nguyễn Xuất Động 仙子送劉阮 出洞 (các nàng tiên tiễn Lưu Nguyễn ra khỏi động). Bài thơ tiền bối Hòa đã xem là một dị bản. Chữ Khách (câu 1) nhiều bản viết là Xuất (rời khỏi). Hai chữ Xa hạc (câu 3) nhiều bản viết là Vân dịch 雲液 (rượu mây, ý nói rượu tiên). Hai chữ Ngọc thơ (câu 4) còn viết là Ngọc thư 玉書 (lá thư ngọc, ý nói thư tiên). Chữ Lưu (câu 5) nhiều bản viết là đương (đang còn). Bản chữ Hán phổ biến hơn cả như sau:
殷勤相送出天台 / 仙境那能卻再來 / 雲液既歸須強飲 / 玉書無事莫頻開 / 花當洞口應長在 / 水到人間定不迴 / 惆悵溪頭從此別 / 碧山明月照蒼苔
(Ân cần tương tống xuất Thiên Thai / Tiên cảnh na năng khước tái lai / Vân dịch ký quy tu cưỡng ẩm / Ngọc thư vô sự mạc tần khai / Hoa đương động khẩu ưng trường tại / Thủy đáo nhân gian định bất hồi / Trù trướng khê đầu tùng thử biệt / Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài.)
Bản dịch của nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002):
Tiên Nữ Tiễn Lưu Nguyễn Ra Động
Ân cần đưa khỏi lối Thiên Thai
Tiên cảnh khôn mong trở lại rồi
Chén rượu ngày về nên gượng uống
Phong thư vô sự chớ thường coi
Hoa nương cửa động hoa thơm mãi
Nước xuống khơi trần nước chảy xuôi
Theo tiễn bâng khuâng bên suối lạnh
Rêu ngàn non quạnh bóng trăng soi.
[Văn Uyển chú]